Có một số ngộ nhận có vẻ phổ biến ở khắp nơi về quy chế phong/bổ nhiệm GS, dẫn đến những kết luận hay kỳ vọng sai lầm. Xin liệt kê vài cái:
Ngộ nhận 1: Quy chế bổ nhiệm GS hiện thời của VN là “không giống ai” và trao toàn quyền bổ nhiệm GS cho từng đại học là “hội nhập với thế giới”.
Thực tế: Không phải vậy. Thế giới cũng có nhiều quy chế khác nhau, không phải chỉ có Mỹ. Quy chế VN hiện thời rất giống Pháp và Đức: muốn bổ nhiệm một GS phải qua vòng kiểm điểm và phê chuẩn của Bộ GD. Nếu bỏ vòng này thì sẽ giống quy chế của Anh, Mỹ.
Ngộ nhận 2: Phải “hội nhập với Mỹ” thì mới áp dụng được những tiêu chuẩn học thuật nghiêm túc cho việc tuyển lựa GS và tránh tiêu cực, Giáo sư “dỏm”.
Thực tế: Không phải vậy. Tiêu chuẩn của Pháp, Đức cũng rất nghiêm túc. Hoàn toàn có thể áp dụng tiêu chuẩn học thuật nghiêm túc trong vòng đầu của quy chế hiện thời (khi trường xét hồ sơ của ứng viên). Trái lại, nếu theo quy chế Mỹ thì sẽ có khả năng rất nhiều trường áp dụng cẩu thả [trong khi của Mỹ là thực chất], rồi rơi vào tham nhũng, “mua quan bán tước” và tình trạng sẽ tệ hơn bây giờ.
Ngộ nhận 3: Phải theo Anh Mỹ thì mới bỏ được quan niệm “Giáo sư là học hàm” và Giáo sư sẽ chỉ là chức danh.
Thực tế: Không phải vậy. Chỉ cần Bộ GD ra chỉ thị rằng những người nào không còn phục vụ tại ĐH thì không được chính thức gọi là GS nữa. Nếu không có chỉ thị này, thì dù theo Anh Mỹ cũng vẫn sẽ có những GS suốt đời, GS không giảng dạy.
Ngộ nhận 4: Phải theo quy chế Anh Mỹ thì mới có những đại học tầm cỡ thế giới.
Thực tế: Không phải vậy. Pháp và Đức cũng có những đại học tầm cỡ thế giới. Trái lại, Mỹ có nhiều đại học rất dỏm, nhiều hơn Pháp và Đức. Tầm cỡ là ở trình độ giáo dục văn hóa nói chung, không phải ở quy chế Giáo sư.
Ngộ nhận 5: Nếu theo quy chế Anh Mỹ thì giảm được việc nhiều người háo danh giả dạy ĐH (với sự đồng lõa của trường) để được phong GS.
Thực tế: Không phải vậy. Việc buôn quan bán tước sẽ còn dễ dàng hơn nữa vì các trường, các hiệu trưởng tham nhũng sẽ làm việc này hoàn toàn tự do, không bị kiểm soát.
P.Q.T.
Nguồn: https://www.facebook.com/pham.q.tuan.940