Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hôm 25/9/2015. AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm quan trọng đến Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào thứ 6 này, vấn đề căng thẳng tại Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề chính được hai bên đề cập đến. Liệu Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông nhân cuộc gặp lần này hay không hay Hoa Kỳ sẽ tìm cách đánh đổi lấy những quyền lợi khác quan trọng hơn cho mình?
Không nhắm mắt làm ngơ?
Một trong những khác biệt lớn sẽ được lãnh đạo hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc đề cập vào ngày thứ sáu tới đây là căng thẳng tại Biển Đông với những hành động xây dựng cải tạo đất mà Trung Quốc đã tiến hành liên tục trong thời gian qua, bất chấp những kêu gọi đóng băng các hoạt động này từ phía Hoa Kỳ.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Washington DC hôm 21 tháng 9 vừa qua, chuyên gia về Trung Quốc, Cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Washington DC, bà Bonnie Glaser, cho rằng các hoạt động cải tạo đất đá và xây đường băng của Trung Quốc tại Trường Sa là một trong những thảo luận căng thẳng nhất giữa hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp lần này:
“Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề căng thẳng nhất trong cuộc gặp lần này giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama. Ngay cả những trao đổi ngoại giao tích cực trước chuyến thăm này, cũng không thu hẹp được những khác biệt giữa hai bên”.
Bà Bonnie Glaser
“Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề căng thẳng nhất trong cuộc gặp lần này giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama. Ngay cả những trao đổi ngoại giao tích cực trước chuyến thăm này, cũng không thu hẹp được những khác biệt giữa hai bên. Hoa Kỳ, mà theo tôi biết thì Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã tiếp tục kêu gọi Trung Quốc ngưng ngay các hoạt động cải tạo đất và quân sự hoá nhưng Trung Quốc một mực nói rằng các hoạt động của họ là hợp pháp và hợp lý. Họ cho rằng Hoa Kỳ đang can thiệp và có lập trường đối với những tranh chấp về chủ quyền”.
Trong bài phát biểu quan trọng tại trường đại học George Washington tại Washington DC hôm 21 tháng 9 vừa qua, Cố vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice khẳng định lập trường của Mỹ trong vấn đề căng thẳng tại Biển Đông:
“Hoa Kỳ cũng đã nói rõ lập trường của mình về vấn đề tranh chấp trên biển lien quan đến Hoa Đông và Biển Đông. Hoa Kỳ không đứng về bất cứ bên nào trong các tranh chấp chủ quyền nhưng khẳng đinh và sẽ tiếp tục nhấn mạnh quyền lợi quốc gia quan trọng trong việc duy trì tự do hang hải và thương mại qua những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới này. Tàu thuyền và máy bay của Mỹ sẽ tiếp tục đi qua và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho phép… Hoa Kỳ kêu gọi các bên lien quan ngưng ngay các hoạt động cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hoá các tiền đồn tại các khu vực tranh chấp. Thay vào đó, chúng tôi thúc giục Trung Quốc, và các nước ASEAN hoàn tất Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông và đưa ra những quy định rõ ràng, có tính rang buộc trên Biển Đông”.
Vùng đảo Gạc Ma nhìn từ trên cao, ảnh minh họa chụp hôm 15/5/2014.
Theo một báo cáo mới đây từ Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc đang xây lấp tại các đảo và bãi đã ở Biển Đông một cách tích cực nhất từ trước đến nay và hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh đã cho ngừng các hoạt động này hay chưa, mặc dù Trung Quốc nói đã cho ngưng các hoạt động này. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear nói với báo giới hồi cuối tháng 8 vừa qua rằng các hoạt động tiếp tục của Trung Quốc có thể đơn giản chỉ là hoàn tất những gì mà Trung Quốc đã làm từ trước hơn là làm thêm, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang theo dõi rất sát sao các hoạt động này.
Cũng theo báo cáo mới của Bộ Quốc phòng Mỹ thì kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải tạo đất từ tháng 12 năm 2013 đến nay, nước này đã lấy thêm được hơn 1,170 ha đất tính đến tháng 6 năm 2015. Trung Quốc đã lấy hơn gấp 17 lần số đất trong vòng 20 tháng qua so với các quốc gia đòi chủ quyền khác trong khu vực cộng lại trong vòng suốt 40 năm qua, chiếm khoảng 95% diện tích các đảo và bãi tại Trường Sa.
Trong buổi họp báo tại Washington DC hôm 22 tháng 9 nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hoa Kỳ, Giám đốc Uỷ ban An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề châu Á, Daniel Kritenbrink khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập thẳng thắng trong cuộc gặp lần này giữa lãnh đạo hai nước, và chắc chắn Hoa Kỳ sẽ không tìm cách che giấu những khác biệt hay nhắm mắt làm ngơ:
“Hoa Kỳ không che giấu những khác biệt với Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng,… Hoa Kỳ không trao đổi lấy những giúp đỡ từ Trung quốc trong các vấn đề khu vực và thế giới để nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi gây vấn đề”.
Sức ép không đủ mạnh?
Mặc dù các giới chức Hoa Kỳ không ngần ngại nhiều lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngưng các hoạt động gây căng thẳng tại Biển Đông nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Hoa Kỳ vẫn chưa gây đủ sức ép lên Trung Quốc. Chuyên gia Bonnie Glaser cho biết:
“Theo tôi Hoa Kỳ chưa gây nhiều sức ép lên Trung Quốc và Trung Quốc thấy là họ có khá nhiều tự do…”.
Bà Bonnie Glaser
“Theo tôi Hoa Kỳ chưa gây nhiều sức ép lên Trung Quốc và Trung Quốc thấy là họ có khá nhiều tự do… Hồi tuần trước khi Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Mỹ (PACOM) nói rằng Hoa Kỳ vẫn chưa thực hiện các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý của bất cứ bãi chìm trước đó nào và Trung Quốc đã thấy khá nhẹ nhõm nhưng cũng rất ngạc nhiên khi nghe thấy điều này vì từ tháng 5 đã có thông tin là Hoa Kỳ sẽ thực hiện các hoạt động này”.
Các hình ảnh mà Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế có được cho thấy Trung Quốc đã xây 4 đường băng trên các đảo tại Biển Đông và các tàu nạo vét của Trung Quốc hiện vẫn hoạt động để mở rộng thêm các cảng.
Lập trường của Hoa Kỳ trong chiến lược chuyển trục về châu Á là gia tăng các hợp tác nhiều mặt với các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn, và Philippines, đồng thời gia tăng các mối quan hệ với các nước mới nổi trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ đã và đang viện trợ giúp các nước như Philippines và Việt Nam xây dựng, củng cố khả năng tuần tra, phòng vệ trên biển qua việc cung cấp các tàu tuần tra hiện đại. Tuy nhiên, giới chức Hoa Kỳ cũng khẳng định những hoạt động này không nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Cam kết củng cố mối quan hệ
Cố vấn Anh ninh Quốc Gia Mỹ, bà Susan Rice trong bài phát biểu trước chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ, cũng khẳng định mối quan hệ có hiệu quả giữa hai nước là yếu tố quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Theo bà Susan Rice, kể từ khi Tổng thống Obama nhậm chức cho đến nay, xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi. Hiện Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 cho các hàng hoá của Mỹ, chỉ sau Canada và Mexico. Cũng trong thời gian này, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tăng từ 1 tỷ đô la lên 10 tỷ đô la.
Hoa Kỳ cũng đã gia tăng các hợp tác về quốc phòng với Trung Quốc trong các năm qua. Hiện Trung Quốc đã tham gia tập trận hải quân đa quốc gia RIMPAC với Mỹ.
Cố vấn An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định bất chấp những khác biệt giữa hai nước, Hoa Kỳ cần phải tiếp tục củng cố mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Theo bà, mối quan hệ này quá lớn và quá quan trọng khiến Hoa Kỳ phải có nỗ lực toàn bộ. Bà cũng khẳng định rằng mối quan hệ bình ổn và có lợi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục là trọng tâm của chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai.
V.H.
Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-important-scs-issue-in-disc-betw-obama-xi-vh-09252015104500.html