Từ trái qua: CEO Mark Fields của Ford Motor, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thống đốc bang Washington Jay Inslee trong tiệc mừng ông Tập tại khách sạn Westin, Seattle. (Ảnh: The Seattle Times)
Những tín hiệu ngoại giao từ Washington cho thấy chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hề “thuận buồm xuôi gió” như báo chí nước này đang ca ngợi.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã tới thành phố Seattle, Mỹ vào tối 22/9 (giờ địa phương) và bắt đầu chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước.
Tuy nhiên, trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, trong khi Trung Quốc cấp tập chuẩn bị và tiến hành chuyến công du của ông Tập, một số sự kiện bên lề diễn ra đã khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an.
Chỉ hơn 10 tiếng trước khi Chủ tịch Trung Quốc đáp xuống Seattle, tờ Washington Post (Mỹ) bất ngờ đăng tải thông tin chính phủ Trung Quốc bắt giữ nữ doanh nhân quốc tịch Mỹ Sandy Phan-Gillis với cáo buộc “làm gián điệp”.
Đáng chú ý là, nữ công dân Mỹ này đã bị nhà chức trách Trung Quốc câu lưu với tội danh “đánh cắp bí mật quốc gia” từ 6 tháng trước.
Jeff Gillis – chồng của người phụ nữ nói trên – cũng giải thích rằng chính ông quyết định chọn thời điểm ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của ông Tập Cận Bình để công bố vụ việc của vợ mình.
Nhà Trắng cũng nhanh chóng đưa ra phản ứng với sự kiện trên và cho biết đã tiến hành trao đổi với phía Trung Quốc.
“Nhà Trắng đã liên hệ với Bộ ngoại giao Trung Quốc ngay từ ngày 22/9 để tiếp tục nắm tình hình về vụ việc. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc chưa đưa ra câu trả lời” – phát ngôn viên của Nhà Trắng Josh Earnest cho hay.
Máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ. Ảnh: Daily Mail
Cùng ngày 22/9 (giờ địa phương), phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Peter Cook cũng bất ngờ tuyên bố, chiến đấu cơ của Trung Quốc gần đây đã có hành động ngăn chặn nguy hiểm khi đến gần máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ.
Theo ông Cook, vụ “suýt va chạm” trên xảy ra vào hôm 15/9 ở cách bán đảo Sơn Đông 80 dặm về phía đông. Lầu Năm Góc đã mở cuộc điều tra về sự kiện mới nhất này.
Theo Đa Chiều, vụ “máy bay Trung Quốc cản máy bay Mỹ” ngay lập tức trở thành vấn đề “nóng” trên truyền thông Mỹ và… làm lu mờ gần như hoàn toàn thông tin về chuyến công du của ông Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình “đụng” Giáo hoàng
Trong một diễn biến khác, Washington cũng “tình cờ” sắp đặt lịch trình hoạt động ngoại giao một cách lạ thường khi bố trí chuyến thăm Mỹ chính thức lần đầu tiên của Giáo hoàng Francis trùng vào ngày 22 cùng với hành trình của Chủ tịch Trung Quốc.
Báo chí Mỹ dễ dàng nhận ra, “sự trùng hợp” này là điều rất khó tìm thấy tiền lệ trong lịch sử ngoại giao của nước Mỹ.
Đa Chiều đánh giá, nếu lịch trình của ông Tập và Giáo hoàng chỉ là “trùng hợp ngẫu nhiên”, thì Washington đã thể hiện sự khác biệt rõ ràng ở quy cách đón tiếp các thượng khách này.
Gia đình Tổng thống Mỹ Barack Obama và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đón tiếp Giáo hoàng Francis (áo trắng) tại sân bay. Ảnh: Getty Images.
Theo thông lệ từ các chuyến thăm cấp nhà nước của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vào năm 1997 và Hồ Cẩm Đào năm 2011, đại diện đón nguyên thủ Trung Quốc xuống máy bay đều là Phó Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, riêng với Tập Cận Bình, quan chức tiếp đón ông lại là “đại diện của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thống đốc bang Washington” Jay Inslee.
Trong khi đó, Giáo hoàng Francis được chính vợ chồng ông Obama và Phó Tổng thống Joe Biden “tay bắt mặt mừng” khi bước xuống chuyên cơ chính là hình ảnh tương phản.
Đa Chiều bình luận, việc cho rằng chính quyền Tổng thống Obama cố ý “nâng cao” Giáo hoàng Francis để “lấn lướt” ông Tập có thể là sự thổi phồng quá mức, tuy nhiên vị thế cũng như mức độ chú ý đối với Trung Quốc bị suy giảm là điều không cần tranh cãi.
Thái độ cứng rắn từ “nhiều tầng” quan chức Mỹ
Đa Chiều cho rằng, truyền thông Mỹ nhìn chung duy trì thái độ không mấy tích cực đối với viễn cảnh chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Từ ông Obama, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice cho đến Chủ quản vấn đề châu Á thuộc Hội đồng an ninh quốc gia (Mỹ) Dan Kritenbrink và các quan chức cấp cao khác cũng tạo thành “kết cấu nhiều tầng” thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.
Mặt khác, hàng loạt mâu thuẫn Mỹ – Trung về an ninh mạng, căng thẳng Biển Đông, tình trạng kinh tế Trung Quốc, đồng NDT mất giá, đãi ngộ với doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc… cũng được báo chí Mỹ bàn luận sôi nổi.
Thậm chí, truyền thông Mỹ chỉ trích báo chí Trung Quốc “chỉ nhấn mạnh những điều tốt đẹp” khi đưa tin về chuyến công du của ông Tập, né tránh những vấn đề tiêu cực. Không khó nhận thấy ông sắp phải đối diện với hàng loạt “cây gậy” từ cả chính quyền và báo giới Mỹ.
Đa Chiều kết luận, những sự kiện tiêu cực xuất hiện liên tiếp trong quãng thời gian tiến hành chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Washington có đang sắp sẵn một cuộc “Hồng Môn yến” để đón ông Tập Cận Bình ở Washington?
H.V.
Nguồn: http://soha.vn/quoc-te/dau-hieu-1-cuoc-hong-mon-yen-doi-tap-can-binh-o-washington-20150923150319415.htm