Bài trả lời phỏng vấn ngày 30.4.2010 của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak dành cho ban Việt ngữ đài VOA [[1]] đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược. Ngoài những ý kiến phản hồi trên chính trang mạng của đài, còn có một số bài viết phản biện đăng ở nơi khác, đáng chú ý nhất là bài viết của hai nhà văn Phạm Viết Đào và Nguyễn Quang Lập.
Trong khi nhà văn Nguyễn Quang Lập phản biện bằng một giọng văn tương đối ôn hòa thì nhà văn Phạm Viết Đào lại thể hiện một thái độ có phần gay gắt. Điều đáng nói là sau bài viết thứ nhất, ông Phạm Viết Đào còn công bố tiếp bài viết thứ hai (ngày 4.5.2010), qua đó tập hợp ý kiến phản hồi trên trang Blog Phamvietdaonv và trang Quê choa (của ông Nguyễn Quang Lập) đế làm thành một “bản cáo trạng” nhằm lên án Đại sứ Michael Michalak. Lấy lý do “giúp bà con cư dân mạng có điều kiện cập nhật thông tin nhiều chiều” và “chuyển các ý kiến này tới Ban Biên tập VOA để quý Đài kiểm chứng thêm các ý kiến hồi âm của thính giả Việt Nam”, ông Phạm Viết Đào muốn bày tỏ “tham vọng chuyển tới Ngài Đại sứ Hoa Kỳ và Tổng thống Mỹ Barack Obama những ý kiến đàm thoại cởi mở, thắng thắn của cư dân mạng Việt Nam đối với các ý kiến của một quan chức ngoại giao Hoa Kỳ”.
Bài viết thứ hai thật ra là một tập hợp các ý kiến phản hồi của nhiều độc giả thuộc nhiều trình độ khác nhau, không có tính hệ thống, nhưng từ những ý kiến rải rác đó, tác giả đã dựng lên một câu chuyện giả tưởng cực kỳ giật gân, với nội dung như sau:
* Có khả năng: Mỹ và Trung Quốc ngoặc nhau để cùng chia chác Biển Đông và sẽ đẩy Việt Nam ra chầu rìa? Biết đâu Mỹ sẽ gán dầu mỏ Biển Đông để trừ những khoản tiền mà Mỹ đang nợ Trung Quốc ???
* Khoản tiền 200 triệu USD mà Mỹ cho vay có phải là cái “chân dò…” mà Mỹ tung ra không?[[2]]
Tạm gọi giả thuyết này là “giả thuyết Phạm Viết Đào”, chúng ta thử phân tích xem giả thuyết ấy có dựa trên cơ sở khoa học và thực tế hay không?
1) Vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên:
Phóng viên Hoài Hương (VOA): “Thưa ông, nói tới Trung Quốc, nhiều người Việt Nam quan tâm về sự hiện diện của Trung Quốc tại Việt Nam liên quan tới việc khai thác các mỏ bauxite. Họ cho rằng có rất đông người Trung Quốc trên vùng Tây Nguyên. Có người nói chính phủ Việt Nam quá yếu mềm với Trung Quốc. Là một người có mặt ở Việt Nam và tận mắt trông thấy những thực tế tại đó, xin ông đưa ra một nhận định về tình trạng này?
Đại sứ Michalak: “Nhận định của tôi là: Thứ nhất, mọi người phải kiểm chứng sự kiện cho đúng, tôi đã nghe nói là có hàng ngàn công nhân Trung Quốc ở một số khu vực, thành thực mà nói tôi đã từng đến thăm những khu vực đó, và xác định rằng không có hàng ngàn công nhân Trung Quốc tại đó. Nhưng tôi tin rằng nên có một sự minh bạch và cởi mở hơn ở Việt Nam, Hà Nội nên cho phép nhiều các tổ chức phi chính phủ quốc tế cũng như báo chí lui tới các khu vực ấy để tận mắt trông thấy những gì thực sự xảy ra. Tôi cho rằng tình hình thực tế tại hiện trường có nhiều khác biệt, so với những câu chuyện gieo hoang mang sợ hãi mà tôi đã được nghe. Tôi tin là những câu chuyện ấy đã được…nói thế nào nhỉ, “thổi phồng”.
Ý kiến này của ông Đại sứ ít nhiều đã xúc phạm đến những người đã từng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi ngưng khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Hơn thế nữa, ý kiến này hoàn toàn mang tính chủ quan và chứng tỏ ông Michalak chưa nắm vững được tình hình rất phức tạp tại Việt Nam.
Xét thực tế của chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay, có thể nói không ai có thể kiểm soát được Chính phủ, lại càng không thể kiểm soát Đảng Cộng sản, vì vậy họ có thể biến một câu chuyện chỉ bằng con chuột trở thành một con voi và ngược lại, có thể che giấu bất cứ chuyện gì: từ chuyện mất bao nhiêu đất đai ở đường biên giới Việt – Trung cho đến việc có bao nhiêu quan chức dính líu đến những vụ tham nhũng cỡ lớn như PMU 18, xa lộ Đông – Tây, v.v. Để qua mắt ông Đại sứ, người ta chỉ cần “di tản tạm thời” số công nhân Trung Quốc trong lúc ông Đại sứ đến tham quan là có thể che mắt ông một cách dễ dàng. Do không có tự do báo chí, thông tin về các khu vực khai thác bauxite lại càng khó kiểm chứng.
Do đó, chúng ta phải thông cảm cho việc ông Đại sứ đã nhầm lẫn trong vấn đề này. Thực tình mà nói, ngay cả người dân Việt Nam cũng bị lừa gạt hết lần này đến lần khác, trách gì ông Đại sứ là người nước ngoài đến nước ta chưa được bao lâu, lại không có những mối liên hệ có thể giúp ông nắm được thông tin đầy đủ, chính xác.
Nhưng điều đáng nói là trong khi phát biểu không được chính xác về vấn đề khai thác bauxite, ý kiến của ông Đại sứ về vấn đề Biển Đông lại rất nghiêm chỉnh và phù hợp với quyền lợi của dân tộc Việt Nam.
2) Về vấn đề Biển Đông:
Phóng viên Hoài Hương (VOA): “Thưa ông, còn sự có mặt của Trung Quốc tại vùng biển Nam Trung Hoa mà người Việt Nam gọi là biển Đông? Ông có tiên liệu một giải pháp đa phương để giải quyết cuộc tranh chấp tại đó hay không?
Đại sứ Michalak: “Tôi tin rằng phải có một giải pháp đa phương để giải quyết cuộc tranh chấp. Cá nhân tôi muốn thấy Tuyên bố về Cách Hành xử tại Biển Đông, thành một Bộ luật về Cách Hành xử trong vùng Biển này. Tôi muốn thấy tất cả các bên đã tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn phần hãy ngồi lại với nhau, và đưa ra một quyết định đa phương. Tôi tin rằng ASEAN là một diễn đàn tuyệt hảo cho việc này. Tôi hy vọng kêu gọi tất cả các bên liên hệ hãy sử dụng ASEAN và những công cụ của ASEAN, cũng như những công cụ của cộng đồng quốc tế như Nghị hội Liên hiệp quốc về Luật Biển, và ngồi xuống bên nhau mà giải quyết vấn đề”.
Như chúng ta đã biết, hiện nay có hai phương thức khác nhau để giải quyết vấn đề Biển Đông: (1) Đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc và (2) Đàm phán đa phương giữa tất cả các nước có liên quan – bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc .
Về phía Trung Quốc, họ chủ trương “đàm phán song phương”, vì bằng cách đó họ mới có thể áp dụng chiến thuật “bẻ từng chiếc đũa”, đặc biệt là đối với Việt Nam – là quốc gia mà họ e ngại nhất trong số các thành viên của ASEAN.
Hãy thử so sánh ý kiến của ông Michalak với ý kiến của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy – người đã từng công tác lâu năm trong ngành ngoại giao và có nhiều kinh nghiệm cay đắng đối với nước bạn láng giềng Trung Quốc.
Phát biểu với các sinh viên Đại học Ngoại thương vào chiều 26.4.2010, ông Dy cho rằng: Việt Nam muốn ngả ván bài này cũng không dễ, nếu không muốn đối tác nghĩ mình ở thế yếu mà dấn hơn lên. “Phải trí tuệ, bản lĩnh, nghệ thuật mới làm được”.
“Trung Quốc sợ đa phương hóa, muốn giải quyết song phương để bẻ từng que đũa cho dễ. Ta càng phải đa phương hóa, tận dụng tối đa đối tác.
Trung Quốc ngại công khai hóa, ta càng phải nêu rõ cái sai của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam, để được sự ủng hộ của quốc tế“.
“Việt Nam không thể im lặng mãi để chịu cảnh bị lấn lướt trên Biển Đông, phải công khai hóa, cho thế giới được biết những hành động sai trái của bên kia. Và quan trọng hơn, phải công khai với người dân mình trước“[[3]]
Như vậy, có thể nói ý kiến của ông Michalak về vấn đề Biển Đông rất giống với ý kiến của ông Dương Danh Dy và đáng được hoan nghênh. Không hiểu sao cả hai nhà văn Phạm Viết Đào lẫn Nguyễn Quang Lập lại không thấy được điều này?
3) Lập trường của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông:
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không hề giấu diếm lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông. Một số nhà lãnh đạo quân sự đã công khai phát biểu lập trường này nhân dịp một số nhà lãnh đạo Việt Nam đến thăm Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua:
– Trong cuộc hội đàm chính thức ngày 22.4.2010 giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng – Thượng tướng Lương Quang Liệt (Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHND Trung Hoa) và Đại tướng Phùng Quang Thanh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng Ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam), tin từ trang mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết:
“Về một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm, Thượng tướng Lương Quang Liệt hoan nghênh và tán thành quan điểm và giải pháp mà Đại tướng Phùng Quang Thanh đưa ra. Trên cơ sở nắm vững nguyên tắc, lấy luật pháp và các thỏa thuận đã ký kết làm căn cứ, hai bên cần phấn đấu giữ ổn định tình hình, vì lợi ích của các quốc gia, không để các thế lực bên ngoài lợi dụng, kích động, làm tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quân đội.” [[4]]
Điều này có nghĩa là “hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quân đội” được coi là “quan hệ bên trong”, còn tất cả những ai không thuộc các phạm trù đó đều là “quan hệ bên ngoài” – tức là những kẻ có thể “lợi dụng, kích động, làm tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quân đội”.
– Ngày 27.04.2010, trong buổi tiếp ông Lê Quang Bình, đại biểu quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng của Việt Nam, ông SunJianGuo – trung tướng hải quân, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc còn cho biết: mặc dù quan hệ giữa hai nước Việt – Trung trên nhiều vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận cao, song về cơ bản việc duy trì mối quan hệ hữa hảo giữa hai dân tộc vẫn là chủ đạo. Bản tin của Chinanews nói rõ:
“Đề cập đến lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông, ông SunJianGuo cho biết, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lớn nhất mà hai nước còn nhiều điều chưa có sự thống nhất và tồn tại mâu thuẫn. Trung Quốc kịch liệt phản đối việc đưa vấn đề này ngày càng trở nên “quá nóng”, phản đối việc đưa vấn đề này thành sự kiện “quốc tế hóa”, đồng thời cũng phản đối việc các nước khác tham gia vào vấn đề này. Theo đó hai nước Việt – Trung nên bình tĩnh, thận trọng và song phương giải quyết vấn đề này qua đó không làm tổn hại đến mối quan hệ hai nước.” [[5]]
Những phát biểu đó cho thấy rõ phía Trung Quốc kịch liệt phản đối phương án “quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”, phản đối việc “các nước khác” tham gia vào vấn đề này. Họ chỉ muốn “song phương giải quyết vấn đề này”. Đó cũng có thể là lý do khiến Ban Tuyên huấn buộc VietnamNet phải cắt bỏ bài báo “Biển Đông trong mối quan tâm của những người trẻ”, trong đó có ý kiến vừa nêu của nhà nghiên cứu Dương Danh Dy. Theo thông tin của Bauxite Vietnam, bài báo này chỉ nằm được trên trang VietnamNet có 3 giờ! [[6]]
4) Về giả thuyết “Mỹ và Trung Quốc ngoặc nhau để cùng chia chác Biển Đông” của nhà văn Phạm Viết Đào:
Trở lại với lời phát biểu trên đây của ông Michalak, chúng ta thấy Hoa Kỳ ủng hộ đàm phán đa phương. Lập trường này rõ ràng là đi ngược lại với lập trường của Trung Quốc và hoàn toàn có lợi cho Việt Nam. Vì vậy, “giả thuyết Phạm Viết Đào” hoàn toàn không có cơ sở khoa học và thực tế, mà chỉ là sự tưởng tượng dựa trên một tâm lý “bài Mỹ” có phần cực đoan. Một khi đã tiến hành đàm phán đa phương thì không phải chỉ có Trung Quốc mà ngay cả Hoa Kỳ cũng không thể ép được Việt Nam.
Mặc dù không có cơ sở khoa học và thực tế, “giả thuyết Phạm Viết Đào” nếu được truyền bá rộng rãi trong nhân dân Việt Nam cũng sẽ gây ra một số tác hại như sau:
– Trong khi cần phải tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước phương Tây để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, giọng điệu tuyên truyền “chống Mỹ” theo kiểu đó có thể đẩy Việt Nam vào tình thế bị cô lập. Trong hoàn cảnh đó, Trung Quốc sẽ tìm cách gây sức ép mạnh hơn đối với Việt Nam để đạt được lợi thế trong đàm phán.
– Mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ và phương Tây, khối ASEAN vốn đã là một liên minh lỏng lẻo sẽ rơi vào tình trạng phân tán, dễ bị Trung Quốc xé lẻ, và phương án “đàm phán đa phương” sẽ bị vô hiệu hóa. Một khi Việt Nam phải đàm phán song phương với Trung Quốc, điều có thể thấy trước là Trung Quốc sẽ không nhượng bộ chút nào về Hoàng Sa (vì họ đã chiếm giữ từ năm 1974) và sẽ lấn lướt hơn trong khi đàm phán về quần đảo Trường Sa. Sẽ diễn ra hai trường hợp: (1) Trung Quốc và Việt Nam sẽ chia đôi phần Trường Sa mà Việt Nam còn giữ được, cùng “hợp tác khai thác” theo kiểu Thác Bản Giốc, hoặc (2) Trung Quốc sẽ nuốt gọn Trường Sa, biến Biển Đông thành vùng biển nằm dưới chiếc ô bảo trợ của họ.
– Việc “đi đêm” giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ gây ra sự ngờ vực giữa Việt Nam với các nước Đông Nam Á và có nguy cơ làm tan rã khối này. Điều này hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc, là quốc gia nuôi tham vọng khống chế toàn vùng Đông Nam Á.
– Việc truyền bá “giả thuyết Phạm Viết Đào” có thể dẫn đến một thứ tâm lý bi quan trong người dân. Nếu Trung Quốc đã ép Việt Nam, mà Hoa Kỳ lại bỏ rơi Việt Nam thì chỉ còn có cách duy nhất là đầu hàng Trung Quốc! Như vậy, vấn đề không còn là đấu tranh với Trung Quốc bằng cách nào, mà là tìm ra phương thức tốt nhất để đầu hàng Trung Quốc. Thứ tâm lý chủ bại này, Trung Quốc và những tay sai của họ tại Việt Nam rất mong muốn phổ biến rộng rãi trong nhân dân ta – nhất là trong giới trẻ.
Nhiều sự kiện xảy ra trong thực tế chứng tỏ Trung Quốc công khai biểu hiện đường lối cứng rắn của họ sau khi đã gặp gỡ một số nhà lãnh đạo Việt Nam trong tháng 4 vừa qua:
– Ngày 25.4.2010, nghĩa là ba ngày sau khi có cuộc hội đàm giữa hai vị Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt-Trung, “một biên đội tàu ngư chính gồm tàu ngư chính 301 và 302 đã bắt đầu rời cảng Tam Á nhận nhiệm vụ xuống Trường Sa tác nghiệp”. Đây là một “hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam”.
– Cũng trong ngày 25.4, lần đầu tiên chính quyền tỉnh Quảng Đông đã tiến hành triển khai một số hoạt động đánh bắt xa bờ: cử hai tàu có trọng tải lớn xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam để khai thác cá ngừ. Việc Trung Quốc liên tiếp cử tàu ngư chính và tàu cá trọng tải lớn xuống quần đảo của Việt Nam tác nghiệp và đánh bắt nguồn lợi thủy sản tại đây là hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển nghề cá của Việt Nam. Mặt khác, những hành động này chứng tỏ Trung Quốc không hề tôn trọng công ước về luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và tuyên bố chung ứng xử với các nước ASEAN được ký năm 2002.
– Ngày 29.4.2010, tức là một tuần lễ sau khi “Thượng tướng Lương Quang Liệt hoan nghênh và tán thành quan điểm và giải pháp mà Đại tướng Phùng Quang Thanh đưa ra”, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 16.5 đến ngày 1.8.2010 tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Bất chấp sự phản đối của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga, bản tin nói trên cũng cho biết phía Trung Quốc tiếp tục việc làm theo thói quen của họ: bắt cóc tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam để đòi tiền chuộc[[7]].
Nhưng trong khi hải quân và cảnh sát biển Việt Nam án binh bất động, chỉ có sự phản đối bằng mồm của một bà phát ngôn viên làm dáng như một người mẫu thời trang thì vào ngày 29.4.2010, tại vùng Trường Sa, quân đội của Malaysia đã tỏ rõ khí phách khiến cho bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng phải cúi đầu bái phục.Xin phép được trích lại một đoạn bình luận của Bauxite Việt Nam:
“Báo Trung Quốc vừa lên tiếng việc Đội tàu Ngư Chính của họ đi vào vùng biển Trường Sa bị Quân hạm và phi cơ chiến đấu của Malaysia đánh đuổi. Đọc tin này mà thấy vui thích, và bỗng nực cười khi nghĩ đến tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo của Hải quân nước ta. Trong khi Quốc hội cuối năm 2009 lên tiếng rất hăng rằng phải thành lập lực lượng dân quân tự vệ biển, và lập tức Luật dân quân tự vệ biển ra đời ngay tắp lự, thì bao nhiêu thuyền đánh cá của ngư dân miền Trung nước ta vẫn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bắt bớ, đánh đập, cướp bóc và giam giữ người như ở chỗ không người. Lực lượng Hải quân nước ta hình như bây giờ đang dồn cả vào một nơi, đó là… cái loa của bà Phương Nga. Nếu nó không hiệu nghiệm thì lại sẽ có các đoàn cao cấp sang làm cái việc “song phương” xin xỏ”[[8]].
Đối với hai nhà văn Phạm Viết Đào và Nguyễn Quang Lập cũng như những độc giả đã lên án ông Đại sứ Michalak, tôi xin đặt lại vấn đề như sau: tại sao chúng ta lại lên tiếng phản bác cực kỳ gay gắt đối với một ý kiến sai của ông nhưng lại không trân trọng một ý kiến đúng của ông trong cùng một bài trả lời phỏng vấn? Tại sao chúng ta không ra sức lên án những phát biểu và những hành động hết sức trịch thượng của nhà cầm quyền Trung Quốc trong vấn đề Trường Sa và Biển Đông mà lại nhắm vào Hoa Kỳ?
Như trên đã phân tích, “Mỹ có âm mưu móc ngoặc với Trung Quốc để chia chác Biển Đông hay không?” chỉ mới là một giả thuyết, nhưng giả thuyết này còn rất xa với thực tế. Cho đến nay, lập trường của Hoa Kỳ và của Trung Quốc trong cách xử lý tranh chấp tại Biển Đông rất khác nhau.
Thế nhưng, một giả thuyết khác: “một vài nhà lãnh đạo Việt Nam vì quyền lợi riêng tư của họ và vì muốn duy trì độc quyền lãnh đạo (độc quyền chính trị lẫn độc quyền kinh tế) có thể đã và đang mưu toan móc ngoặc với Trung Quốc để bán đứng Biển Đông” lại là một giả thuyết rất gần với hiện thực. Đối với họ, cách tốt nhất để thực hiện âm mưu bán đứng Biển Đông chính là: phá hoại xu hướng đàm phán đa phương, phá hoại xu hướng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, đẩy Việt Nam vào con đường đàm phán song phương.
Đứng trước nguy cơ “rất gần hiện thực” này, chúng ta nên hành xử ra sao cho hợp với lương tâm, trách nhiệm của những người công dân yêu nước, để có thể bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc một cách hợp lý nhất và có hiệu quả nhất?
7.5.2010
LBS
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
[[1]] Hoài Hương, “Phỏng vấn Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nhân ngày 30/4”, VOA 1.5.2010:
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/phong-van-dai-su-michalak-05-01-2010-92576674.html
[[2]] Phạm Viết Đào. “Cùng đàm thoại với ngài đại sứ Hoa Kỳ Michael Michalak“,
Blog Phamvietdaonv 4.5.2010: http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=4918
[[3]] Phương Loan. “Biển Đông trong mối quan tâm của những người trẻ”, Việt Báo 27.4.2010:
http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Bien-Dong-trong-moi-quan-tam-cua-nhung-nguoi-tre/20906635/96/
[[4]] “Hội đàm giữa hai đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và Trung Quốc”, QĐND – Thứ Sáu, 23/04/2010:
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/10/50/50/110120/Default.aspx
[[5]] Cao Phong (theo Chinanews). “Lập trường của Trung Quốc trước vấn đề tranh chấp Biển Đông”, Vitinfo 27.4.2010:
http://vitinfo.com.vn/MMuctin/Quansu/THSK/LA76086/default.html
[[6]] “Người trẻ ‘đói’ thông tin về Biển Đông”, Bauxite Vietnam 28.4.2010: https://boxitvn.online/bai/3272
[[7]] “Phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền Hoàng Sa”, Vietnam Net, 06/05/2010
[[8]] “Biên đội bảo hộ đánh bắt cá của Trung Quốc vấp phải tàu chiến Malaysia quấy nhiễu và bám sát 17 giờ liền”, Bauxite Vietnam 4/05/2010: https://boxitvn.online/bai/3529