BVN xin đăng hai bài nối tiếp nhau trong cùng trang này, bài trước nói lên tâm huyết của các nhà khoa học ở Viện Khảo cổ học và Hội KHLS Việt Nam muốn bảo vệ bằng được các di tích lịch sử vô cùng quý giá của Hà Nội, và bài sau cũng là … “tâm huyết” của các quan chức đang thực hiện những dự án béo bở muốn sớm biến các di tích ấy thành “sự đã rồi”, chẳng di tích thì đừng, nào đã mất gì, cứ mua thêm việc rắc rối làm chậm trễ kế hoạch. Âu đây cũng là một chuyện cười ra nước mắt trong các loại “Thư giãn Chủ nhật”.
Bauxite Việt Nam
Cứu Hoàng thành Thăng Long: “Muộn nhưng còn kịp”
Khánh Linh (thực hiện)
Riêng đoạn đê Hoàng Hoa Thám vừa bị phá, chúng tôi thật sự rất tiếc, vì đoạn này thể hiện rất rõ tính chất của Hoàng thành Thăng Long cổ, vừa là lũy thành, vừa là đê trị thủy, còn lại được thế này với thế giới sẽ là rất quý hiếm. Vậy mà ta thì thản nhiên phá bỏ – PGS Tống Trung Tín.
Không nên lập luận “không biết” mãi
GS Phan Huy Lê khẳng định đoạn đường Hoàng Hoa Thám cắt phố Văn Cao, nơi đang là công trường xây dựng quy mô lớn, là một đoạn Hoàng thành Thăng Long thời Lê. Đã trực tiếp có mặt ở hiện trường, ông và các đồng nghiệp đã tìm thấy những dấu tích kiến trúc, những di vật gì để khẳng định ý kiến này?
PGS Tống Trung Tín – Ngày 29/4/2010, sau khi nhận được thư kiến nghị của những người dân xung quanh khu vực, tôi đã xuống trực tiếp hiện trường để quan sát. Hiện trường đã bị đào phá đoạn Văn Cao – Hồ Tây cắt qua đường Hoàng Hoa Thám. Có những hố móng rất sâu ở giữa tim đường Hoàng Hoa Thám. Trên các vách hố đã nhận thấy rải rác các mảnh gạch và gốm cổ. Đặc biệt có một đoạn lớp gốm cổ nằm ngay trên lớp mặt cho thấy ngay bên dưới lớp nhựa rải đường đã là dấu tích của lớp đất văn hóa khảo cổ rồi.
Vương vãi trên mặt các hố đào, chúng tôi đã nhặt được gạch vỡ thời Lê, các mảnh gốm tiền Thăng Long và Thăng Long dưới các thời Lý-Trần-Lê. Có thể khẳng định đoạn đường Hoàng Hoa Thám đã đào phá chính là một đoạn tường Hoàng thành Thăng Long thời Lê (thế kỷ XV-XVI) đúng như ý kiến của GS. Phan Huy Lê.
Những người đã “lỡ” phá đoạn Hoàng thành đường Hoàng Hoa Thám để mở đường có thể đưa ra nhiều lý do, như họ không biết đây là đoạn Hoàng thành, thậm chí khi họ làm đường, có phát hiện được di vật nào đâu? Liệu có thể tin những lý do ấy không?
PGS Tống Trung Tín – Đúng là có thể họ không biết thật do chúng ta chưa có hình thức thích hợp như một quy chế, quy định hay hình thức tuyên truyền nào đó để bảo vệ đoạn thành. Ngay cả khi thấy gốm, thấy tường thành mà không có chuyên môn thì cũng có thể họ không dễ nhận dạng được di tích. Nhưng khi báo chí đã đưa tin cách đây vài tháng rồi mà họ vẫn “lờ” đi thì thật đáng trách hay nói thẳng ra là đã vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Cũng qua đây, càng thấy cần lắm một quy định với các chế tài cho việc bảo vệ di sản. Vì cứ như trường hợp này và cứ lý do kiểu này, chúng ta sẽ phá hoại hết các di sản dưới lòng đất của Hà Nội. Chẳng hạn việc xây dựng những tòa nhà đồ sộ ở chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… đều là thuộc khu vực Hoàng thành Thăng Long và cận Hoàng thành. Ở đây chắc chắn sẽ có tầng văn hóa dày và có thể còn các di tích quan trọng, giờ xây đã gần xong rồi mà không thấy một cơ quan quản lý văn hóa nào lên tiếng cần phải khảo cổ.
Đáng lẽ cơ quan xây dựng phải tham khảo các cơ quan quản lý văn hóa, để có kế hoạch thám sát, khai quật di dời di tích, di vật đi trước khi xây dựng ở các khu vực vốn đã được dự báo suốt từ ngày phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long năm 2002 đến nay. Cũng cần phải nói rằng ở những cơ quan xây dựng lớn như thế, thường “đụng chạm” nhiều như thế thì không nên lập luận “không biết” mãi (!).
Ở các cơ quan đó đều có các nhà trí thức, hoặc các nhà quản lý có trình độ cao. Họ phải biết Luật Di sản văn hóa đã quy định trong quá trình xây dựng, nếu phát hiện có di tích, di vật thì phải tạm dừng lại để báo với các cơ quan văn hóa. Còn đằng này báo chí lên tiếng rồi, thậm chí tôi được biết Cục Di sản cũng có văn bản rồi mà họ vẫn phớt lờ thì thật đáng trách [không chỉ đáng trách mà cần phạt thật nặng. Nhưng than ôi, hãy cứ nhớ rằng trước đây cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hễ nghe có phát hiện di tích khảo cổ ở đâu là lập tức đến tận nơi thám sát ngay, nay thì các vị quan cầm chịch đất nước, đã có mấy người ra đến di tích Hoàng thành? Trong năm 2002, gặp PGS Tống Trung Tín tại hiện trường Hoàng thành khi đang đào các hố khảo cổ, tôi có trực tiếp hỏi ông, ông lắc đầu trả lời: Họ đương hội nghị ngay Hội trường Ba Đình sát bên cạnh đây, vậy nhưng đã thấy một ai tìm đến hỏi han gì đâu, dù tin tức đang rộ lên trên báo – Nguyễn Huệ Chi].
“Tiếng kèn ngập ngừng” của giới khảo cổ học
Còn lập luận HN đụng đâu chẳng là di sản, nếu chỗ nào cũng phải bảo tồn thì còn đâu đất cho phát triển thì sao, thưa PGS?
PGS Tống Trung Tín – Cũng không thể lập luận như thế được. HN một năm xây dựng biết bao nhiêu công trình, mở biết bao nhiêu con đường, giới khảo cổ học – sử học có ý kiến gì đâu? Chỉ vài địa điểm thuộc trung tâm của kinh thành Thăng Long qua suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, đã được xác định tương đối rõ ràng, thì chúng tôi mới buộc phải lên tiếng như di tích Đàn Xã Tắc, di tích Nam Giao.
Ngay trong khu vực ấy khai quật xong rồi vẫn xây dựng đấy chứ. Chỉ có những vùng tối quan trọng như khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long thì chúng tôi đã đề nghị Nhà nước cho phép bảo vệ nguyên trạng. Tức là [ngành] khoa học chúng tôi cũng lên tiếng nhưng cũng rất phải chăng, chứ không phải chỗ nào cũng kêu, chỗ nào cũng bảo tồn. Mà thực ra khoa học cũng chỉ là tham mưu, kiến nghị dưới ánh sáng của Luật Di sản văn hóa với các cấp có thẩm quyền thôi.
Riêng đoạn đê Hoàng Hoa Thám vừa bị phá, chúng tôi thật sự rất tiếc, vì đoạn này là một trong những đoạn thể hiện rất rõ tính chất điển hình của Hoàng thành Thăng Long thời Lê, vừa là lũy thành, vừa là đê trị thủy. Trong các kinh đô cổ ở Đông Á giữa lòng đô thị hiện đại rất hiếm còn lại loại thành lũy rất đặc trưng kiểu Việt Nam và HN như ở ta vậy. Vậy mà ta cứ thản nhiên [tiến hành] dự án, thản nhiên phá bỏ.
Giờ đã “lỡ” phá rồi, PGS có đề xuất cách xử lý nào hợp lý nhất không?
PGS Tống Trung Tín – Tuy đoạn thành đã bị phá, nhưng vẫn còn có thể tạm dừng cho giới khảo cổ – lịch sử vào nghiên cứu đoạn thành đó. Có thể nhân đây đào 01 hố thám sát xuống tận sinh thổ (đất cái) để xác định chính xác các “lớp” đất đắp thành thời Lê sơ. Rồi lại tìm xem dưới lớp thời Lê sơ có lớp đất đắp thành của các thời kỳ Lý – Trần hay không? Kỹ thuật đắp thành, đặc điểm lịch sử văn hóa mỗi thời kỳ thể hiện qua vật liệu xây dựng? Đó là cách “vớt vát” để có những tư liệu chính xác, góp phần giải đáp phần nào về quy mô, tính chất của vòng thành qua thời kỳ lịch sử biến diễn ra sao.
Người ta thường nói “trong cái rủi, có cái may“. Nếu ta “vớt vát” khảo cổ như thế để “vớt vát” lấy chút tư liệu khoa học thì ta có thể có chút ít “may mắn” nào đó mà thực ra chẳng nhà khoa học nào muốn như vậy. Tức là bình thường chúng ta khó có cơ hội để đụng chạm những tầng văn hóa ở sâu trong lòng đất mà lại đang là công trình dân sinh như đoạn đường này.
Nay nhân việc đào đường, khảo cổ học kết hợp “chữa cháy” lấy một ít tư liệu. Và cũng từ kết quả nghiên cứu ấy, hai bên có thể cùng bàn thảo để đưa ra thiết kế tốt nhất cho dự án mở đường đang tiến hành rầm rộ này. Những trường hợp kết hợp nghiên cứu di tích với công trình dân sinh như vườn hoa Đàn Nam Giao (thuộc khuôn viên của Trung tâm thương mại Vincom) là một ví dụ cho thấy, luôn có thể tìm ra giải pháp phù hợp nếu hai bên cùng có tâm. Muộn, nhưng vẫn còn kịp!
Phải chăng chính giới khảo cố học cũng có “chút” lỗi khi không lên tiếng mạnh mẽ hơn từ sớm? Để đến giờ, giải pháp thế nào cũng có vẻ dang dở?
PGS Tống Trung Tín: – Đúng là chúng tôi có lỗi lên tiếng chậm. Nhưng từng có ý kiến cho rằng giới khảo cổ học chuyên làm chậm dự án và đòi nghiên cứu như thế chỉ để “có thêm chút tiền“, khiến giới khảo cổ học mà cụ thể là bản thân tôi cũng ở tình trạng “tiếng kèn ngập ngừng“. Nhưng tôi nghĩ lại rồi, đã là Luật thì mình vẫn phải nói thôi.
Kiến nghị về một kiến nghị đã bị lãng quên
Để tránh tình trạng bị động như bấy lâu nay, ngoài việc trông chờ thái độ hợp tác của của các chủ đầu tư, giới khảo cổ học phải chủ động đưa ra quy hoạch khảo cổ học của Thủ đô HN chứ?
PGS Tống Trung Tín – Đúng là để tránh những hiện tượng tương tự xảy ra, việc đầu tiên phải tiến hành xây dựng quy hoạch khảo cổ học, trong đó xác định tương đối những khu vực nào có các di tích khảo cố học dày đặc và quan trọng, khu vực nào di tích vừa phải, khu nào không có di tích. Rồi quy hoạch, đó phải được chính thức hóa về mặt nhà nước, được phê duyệt, công bố bởi các cấp có thẩm quyền.
Thực ra đã từng có một quy hoạch như thế của HN. Trước đây, năm 2001-2002, Viện Khảo cố học và Sở Văn hóa – Thông tin HN (khi đó), do ông Nguyễn Viết Chức- nguyên Giám đốc Sở chủ trì, Viện Khảo cổ học thực hiện, phụ trách đề án là GS. Hà Văn Tấn, người thực hiện là tôi và các cộng sự. Đề tài nghiệm thu xuất sắc, vẽ ra quy hoạch khảo cổ học ở vùng nội đô, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm và có cả các kiến nghị hẳn hoi, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường HN quản lý.
Chúng tôi trình kiến nghị năm 2002. Sau đó không thấy có tiến triển gì thêm. Tên đề tài là “Khảo cổ học với việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc ở Thủ đô HN – kiến nghị và giải pháp“, thuộc chương trình gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa 1000 năm Thăng Long. Nay xem lại nó cũng có nhiều điều đã lạc hậu. Nhưng rõ ràng người đứng đầu ngành văn hóa HN thời đó đã có trách nhiệm rất cao với việc bảo vệ di sản văn hóa HN. Nay công việc nghìn năm bận rộn quá. Nhân việc đào phá một đoạn thành, đã đến lúc ta nên suy nghĩ về kế hoạch bảo tồn tổng thể này.
Riêng với những đoạn còn lại của La thành hay Hoàng thành, Viện Khảo cổ có kiến nghị gì không?
PGS Tống Trung Tín – Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị lịch sử văn hóa của những đoạn thành đất này, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố HN xem xét chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan xây dựng kế hoạch khảo sát điều tra tổng thể để đề ra các giải pháp tối ưu cho việc bảo vệ nguyên trạng và lâu dài các đoạn thành còn lại. Có thể là xếp hạng các đoạn thành tiêu biểu chẳng hạn. Cũng có thể là những sơ đồ, bản đồ đánh dấu các đoạn thành lũy cổ đó để mọi người đều biết đó là một loại di tích cho biết rõ quy mô của một Thăng Long lớn rộng ngày xưa.
Cũng chẳng còn nhiều đâu, giờ có giữ lại mới mong sau này các thế hệ con cháu học lịch sử còn được biết “mặt mũi” của những đoạn tường của kinh thành Thăng Long chứ, và khi đã có giải pháp, việc bảo vệ cũng không phải là quá khó vì toàn bộ di tích đã nằm yên dưới mặt đường nhựa. Nó chỉ cao hơn tất cả các con đường khác, thể hiện rõ đặc trưng của một loại thành lũy của Thăng Long. Khi cần có cải tạo, xây dựng, hai bên văn hóa – xây dựng cùng thảo luận với nhau để bàn bạc thống nhất cách giải quyết.
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-05-06-cuu-hoang-thanh-thang-long-muon-nhung-con-kip–
Tiếp tục san ủi tại đoạn Hoàng thành Thăng Long
Việt Chiến
Dù thành phố đã yêu cầu tạm dừng thi công tại đoạn Hoàng thành Thăng Long bị xúc đổ trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội để thám sát khảo cổ, các đơn vị thi công vẫn tiếp tục san ủi.
Hôm qua, tại cuộc tọa đàm Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hóa ở thủ đô Hà Nội, TS Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội, cho biết: “Sáng hôm nay (7.5), UBND TP Hà Nội đã có thông báo tạm dừng thi công đoạn này để khảo cổ rồi mới làm tiếp. Việc xảy ra ở đoạn thành cổ này rất là đáng tiếc và hiện nay đang phải dừng lại để phục vụ cho việc khảo cổ đúng theo luật định”. Trả lời Báo Thanh niên, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL, cũng khẳng định: Văn phòng UBND TP Hà Nội đã chính thức có văn bản yêu cầu tạm dừng thi công ở đoạn đường Hoàng Hoa Thám để phục vụ công tác khảo cổ. Trong khi đó, chiều 7.5, ông Dương Đức Thái, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), cho biết các đơn vị xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây đoạn cắt đường Hoàng Hoa Thám vẫn tiếp tục thi công vì hiện nay Ban quản lý dự án vẫn chưa nhận được văn bản yêu cầu tạm dừng của UBND TP.
“Quy hoạch của Thăng Long là tam trùng thành quách (ba vòng thành), vòng trong cùng là cấm thành, vòng giữa là hoàng thành, vòng ở vị trí đường Hoàng Hoa Thám hiện nay là vòng ngoài cùng. Đoạn thành còn lại này rất có giá trị, vì cả vòng thành ngoài nằm trên trục đường La Thành – Trần Khát Chân ngày nay đã bị san phẳng hết. Phố Hoàng Hoa Thám là dấu tích vòng thành ngoài cùng của tường thành Thăng Long, không chỉ thời Hồng Đức mà chắc chắn có từ năm 1014, thời vua Lý Thái Tổ. Nếu cứ tiếp tục xây dựng, coi như chúng ta cố tình san phẳng nốt vòng thành thứ ba của tường thành Thăng Long” – PGS sử học Lê Văn Lan.
Trong một diễn biến khác, cũng chiều 7.5, Báo Thanh niên nhận được văn bản số 2978/CV-BQL do ông Dương Đức Thái ký khẳng định: “Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị thi công và hệ thống giám sát phải có trách nhiệm quan sát. Nếu tìm thấy di vật phải báo cáo về Ban quản lý nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm thấy di vật liên quan đến công tác khảo cổ và cũng chưa nhận được lệnh dừng thi công từ cấp có thẩm quyền”. Một câu hỏi được đặt ra: phải chăng ông Thái lại bác bỏ hoàn toàn việc các chuyên gia của Hội Khoa học lịch sử VN và Viện Khảo cổ học VN cũng như Sở VH-TT-DL Hà Nội khẳng định đoạn đường Hoàng Hoa Thám chính là thành cổ Đại La và Hoàng thành Thăng Long thời Lê? Bởi lẽ khi đã thấy các nhà chuyên môn cảnh báo về các tầng văn hóa vừa phát hiện ở đoạn thành cổ này thì Ban quản lý dự án giao thông đô thị phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
VC
Nguồn: http://vn.news.yahoo.com/tno/20100508/ten-tiep-tuc-san-ui-tai-doan-hoang-thanh-e9947d6.html