Lên đường khai phóng!

(Diễn từ khai giảng trường Đại học Phan Châu Trinh)

clip_image001

Hôm nay, mồng 9 tháng 9 năm 2015, kỷ niệm ngày sinh của nhà chí sĩ, nhà văn hóa và nhà giáo dục kiệt xuất Phan Châu Trinh, cũng là ngày truyền thống của trường ta, trường Đại học Phan Châu Trinh làm lễ Khai giảng khóa K 15, khóa học 2015-2019. Thay mặt lãnh đạo nhà trường, tôi xin chào mừng và chân thành cám ơn các vị đại biểu đã đến chia vui cùng thầy trò chúng tôi. Xin chào mừng tất cả các thầy cô, các cán bộ nhân viên, các sinh viên và cựu sinh viên của trường. Và đương nhiên, lời chào nồng nhiệt nhất hôm nay của tất cả chúng ta là dành cho các tân sinh viên, chào mừng các em nữ và nam từ khắp nơi, có em từ tận Thái Bình cuối Đồng bằng sông Hồng, có em từ tận Thành phố Hồ Chí Minh xa xôi, đã đến với không gian Phan Châu Trinh thân yêu của chúng ta. Tôi xin phép, và tôi tin chắc tất cả quý vị đều đồng ý cho phép tôi hôm nay dành diễn từ khai giảng này để chủ yếu nói với các tân sinh viên, những thành viên mới mẻ và trẻ trung của gia đình Phan Châu Trinh.

Các em thân yêu,

Như các em đều biết, trường của chúng ta có tên là trường Đại học Phan Châu Trinh. Và tôi xin nói: Những người sáng lập ngôi trường này đã chọn cái tên ấy với tất cả tâm huyết và với một ý tứ sâu xa. Bởi vì đấy là tên của một con người rất đặc biệt, cũng có thể nói rất kỳ lạ, hết sức độc đáo và là người sáng suốt nhất trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước ta. Sự sáng suốt của ông còn soi đường cho chúng ta đến tận ngày nay.

Phan Châu Trinh sinh ra khi đất nước chìm đắm trong vòng nô lệ tối tăm và thảm khốc. Và khi ông bước vào đời, nghĩa là đến tuổi như tuổi các em hôm nay, thì tất cả các cuộc nổi dậy cứu nước của tất cả những người anh hùng dũng cảm và tài năng nhất để chống ngoại xâm giải phóng dân tộc bấy giờ đều thất bại đau đớn. Cha của Phan Châu Trinh là một vị tướng anh hùng đã chết trong một cuộc khởi nghĩa anh hùng, tuyệt vọng và thất bại cay đắng như thế … Trước tình hình bức thiết đó, nảy sinh câu hỏi nóng bỏng: Vì sao? Và làm thế nào? Tất cả bấy giờ đều chỉ có một câu trả lời: Phải anh hùng hơn nữa! Dám hy sinh nhiều hơn nữa! Tất cả. Trừ một người. Người đó là Phan Châu Trinh. Ông nói: Không, không phải như vậy, không thể đi con đường ấy nữa. Ông là người duy nhất đi tìm và đã tìm thấy nguyên nhân mất nước, dân tộc bị đày đọa vào vòng nô lệ thảm khốc, không phải trong sự thiếu anh hùng của nhân dân, mà là ở trong văn hóa, trong sự lạc hậu nguy hiểm về văn hóa của đất nước, so với thế giới, một thế giới đã đổi khác về căn bản – ngày nay ta gọi là thế giới toàn cầu hóa – mà ông cũng là người duy nhất hồi bấy giờ nhận ra. Ông nói chính sự tăm tối và ngu dốt, sự lạc hậu quá xa so với thế giới hiện đại là nguyên nhân khiến Việt Nam mất nước. Ông khẳng định căn bệnh chết người của dân tộc là căn bệnh về văn hóa, ngu dốt và lạc hậu về văn hóa. Và để chữa trị một căn bệnh về văn hóa thì chỉ có một phương thuốc duy nhất, đó là Giáo dục. Phan Châu Trinh chủ trương một cuộc cải cách giáo dục căn bản, hiện đại, triệt để, toàn diện, rộng lớn, đưa Việt Nam thành một nước văn minh, tiên tiến, cùng nhân loại năm châu. Có như vậy thì nền độc lập đươc dành lại dù bằng cách nào mới là độc lập thật sự, độc lập mới bền vững, nhân dân mới thật sự có hạnh phúc …

Tiếc thay, những điều kiện éo le của lịch sử đã khiến cho chương trình vĩ đại của Phan Châu Trinh bị dở dang. Lịch sử đã đi theo con đường khác. Độc lập và thống nhất đã được giành lại. Nhưng, tôi nghĩ hôm nay chúng ta cần dũng cảm và thẳng thắn nói với nhau, chúng tôi có trách nhiệm thẳng thắn nói với các bạn trẻ sự thật này: nay chúng ta đã có độc lập rồi, nhưng căn bệnh chết người Phan Châu Trinh đã thấy và thống thiết muốn chạy chữa cho dân tộc hơn một trăm năm trước thì về cơ bản vẫn còn nguyên đấy. Vẫn là nguy hiểm chết người. Việt Nam vẫn là nước lạc hậu, đứng ở hàng cuối không chỉ của thế giới, mà ngay của khu vực, của châu Á và Đông Nam Á. Chúng ta phải dũng cảm và thẳng thắn nói với nhau sự thật ấy. Chính vì vậy mà ngôi trường này mang tên là trường Phan Châu Trinh. Ngôi trường này được thành lập, tất cả chúng ta có mặt ở đây, các thầy cô giáo, các cán bộ nhân viên của trường, và các em sinh viên trẻ trung, quan trọng và chủ yếu nhất là các em, chúng ta có mặt ở đây là để góp phần, dù là nhỏ nhoi, tiếp tục chương trình sống còn do nhà giáo dục vĩ đại Phan Châu Trinh khởi xướng và còn bị dở dang. Trường của chúng ta nhỏ, còn non trẻ và nghèo, sức của mỗi chúng ta hạn chế, nhưng chúng ta có một lý tưởng lớn, chúng ta, người dạy, người học, chúng ta biết chúng ta tham gia vào một chương trình to lớn và có ý nghĩa sinh tử đối với đất nước này, hôm nay và ngày mai.

Thưa quý vị,

Các em thân yêu,

Ở trên tôi có gọi Phan Châu Trinh là một nhà giáo dục lớn, có lẽ điều ấy hơi lạ, xưa nay người ta thường vẫn coi và vẫn gọi ông là một chí sĩ yêu nước, hoặc có nhiều hơn nữa, là một nhà văn hóa. Song như ta vừa thấy, một trong những đặc sắc nhất của Phan Châu Trinh là ở chỗ ông đồng nhất giáo dục với giải phóng, theo ông chỉ có giáo dục mới thật sự giải phóng được con người, thật sự giải phóng được dân tộc. Ông quan niệm giáo dục tức là giải phóng. Ở đây có một ý tứ rất thâm sâu, mà hôm nay tôi muốn được nói với các em vì trường chúng ta thiết tha đi theo quan niệm này, sẽ cố gắng tối đa thực hiện nó trong mọi hoạt động của mình, đến cả trong “khí quyển’’ của không gian Phan Châu Trinh mà thầy trò chúng ta cố gắng cùng nhau xây dựng nên, cùng sống và làm việc trong đó. Suốt 4 năm. Và rồi các em sẽ mang theo ra đời, suốt đời.

Nhà thơ lớn của nước Anh John Keats có một câu nói thâm thúy về giáo dục, Keats nói: ‘’Giáo dục không phải là chất cho đầy, mà là đốt lên ngọn lửa’’. Chất cho đầy (kiến thức) tức là rót từ bên ngoài vào, từ bên trên xuống, đổ cho đầy vào đầu con người được coi là một cái thùng ù lì, bị động. Đốt lên ngọn lửa là khêu cháy từ bên trong. Giáo dục khêu cháy từ bên trong, vì giáo dục bắt đầu bằng lòng tin rằng trong mỗi con người đều có, tiềm ẩn, mầm mống của một ngọn lửa, tức những năng lực có thể và cần được đánh thức dậy để phát triển. Giáo dục là giải phóng, là đánh thức. Đánh thức cái vốn đã có sẵn trong từng con người, từng người học, từng sinh viên. Hôm nay, trong ngày đầu tiên các em bước chân vào trường, tôi muốn nói với các em điều này: ở trường này có một phương châm, một niềm tin: không có sinh viên kém. Em nào cũng giỏi, tất cả, không trừ một ai, tạo hóa rất công bằng, mọi người đều giỏi, mỗi người giỏi một cái, một cách, người giỏi toán, người giỏi văn, người giỏi ngoại ngữ, người giỏi tin học, người giỏi nhạc, người giỏi đá bóng, người hát hay, người vẽ đẹp, người năng nổ trong giao tiếp, người thâm trầm trong suy nghĩ …, đều quý, xã hội đều cần vì xã hội có những nhu cầu hết sức đa dạng. Sở dĩ ta coi người này hay người kia là kém, dốt, vì ta thường có lối đòi hỏi chủ quan, vô lý và kỳ quặc, cứ một mực đòi mọi người đều phải giỏi cùng một thứ mà ta cũng rất chủ quan coi là quan trọng nhất, ai không giỏi theo đúng đòi hỏi chủ quan của ta thì ta cho là dốt, khinh miệt và đẩy qua một bên trên đường đi tới của cộng đồng. Nói cho đúng, đấy là một tội ác, bởi vì người bị ta chủ quan coi là dốt sẽ đinh ninh mình dốt thật, chẳng đáng gì trong xã hội, mất hết tự tin, tự coi thường, tự khinh bỉ chính mình, sẽ lủi thủi với cái dốt tưởng tượng, thành một ám ảnh tủi nhục suốt đời.

Ở trường này chúng ta nhất quyết không làm như vậy, không đi theo con đường phi nhân bản, phi giáo dục đó. Chúng ta chủ trương làm một kiểu giáo dục khác, một kiểu giáo dục hạnh phúc, giáo dục đem lại cho con người hạnh phúc, giáo dục khiến cho con người hạnh phúc hơn, giáo dục làm cho con người tự tin và tự hào về chính mình, tôi muốn đề nghị chúng ta gọi là ‘’kiểu giáo dục Phan Châu Trinh’’. Trong 4 năm tới, bắt đầu từ hôm nay, trường chúng ta, thầy trò chúng ta quyết cùng nhau làm cho kỳ được một trong những việc quan trọng nhất: bằng mọi cách (trong đó có một cách rất quan trọng là chương trình giáo dục khai phóng mà chốc nữa thầy Chu Hảo sẽ trao đổi cùng các em), giúp cho mỗi em tự hiểu mình, tự khám phá và phát hiện chính mình, biết cho ra, hiểu cho rõ mình giỏi cái gì, đặc sắc nhất cái gì, từng em. Theo tôi, đó là công việc quan trọng nhất của mỗi thầy cô giáo, nằm trong chiều sâu căn bản của thiên chức nhà giáo nơi mỗi thầy cô. Nhưng cũng đương nhiên, trước hết, chủ yếu, đó phải là nổ lực của các em, từng em, với sự giúp đỡ của các thầy cô, của các bạn, của toàn bộ môi trường giáo dục mà chúng ta phải cùng nhau tạo ra ở đây. Trước hết ở các em, từng em, tôi nhắc lại. Bởi vì phát triển bao giờ cũng là tự phát triển, như cái cây phải tự nó lớn lên, không ai có thể lớn lên thay nó được.

Và một quá trình như vậy chỉ có thể có kết quả khi nó là một sự hợp tác khắng khít, dân chủ, tự do và bình đẳng giữa chúng ta, người dạy và người học, thầy và trò.

Ở trường này có một nhận thức rõ ràng: sinh viên là công dân đi học. Sinh viên cần ứng xử như một công dân có trách nhiệm, và cần được tôn trọng như một công dân tự do. Chúng ta tôn trọng đúng mức lễ độ truyền thống và hiện đại giữa thầy và trò, người lớn tuổi hơn và người ít tuổi hơn, người đi trước và người đi sau, nhưng chúng ta bình đẵng trước chân lý cuộc sống và chân lý khoa học. Trường có quy định: trên lớp học, sinh viên sẽ không xưng con, xưng cháu, mà xưng tôi, một cách bình đẳng và tự tin, hoặc cũng có thể xưng em với giáo viên, các giáo viên xưng thầy, cô với các em. Để cùng nhau trao đổi, và thảo luận, tranh luận, vì lẽ phải chung, trong một ngôi trường thật sự văn minh.

Các em thân yêu,

Giáo dục là việc khó, mà cũng là việc thật đẹp, rất khó mà cũng lại đẹp nhất. Bởi, như đã nói, đây là việc đánh thức dậy những gì những gì hay nhất, đẹp nhất trong mỗi con người để con người ấy phát triển tự do và hạnh phúc. Khó và đẹp còn ở chỗ con người là vô cùng đa dạng, mỗi em là một thế giới. Mỗi em một khác, mỗi lớp, mỗi năm, mỗi khóa một khác. Vừa rất căn bản, vừa rất mới lạ, luôn mới lạ. Vừa chắc chắn trên những nền tảng chung cơ bản, vừa lại rất cá biệt, bao giờ cũng mới mẻ, cũng khác thường. Cho nên tôi luôn nghĩ, nói theo cách nào đó, thì về cơ bản giáo dục là việc một thầy một trò, một người cùng với một người khó nhọc và tha thiết đi tìm ra chính mình. Tôi luôn mong ước, và tôi nghĩ các thầy cô giáo cũng vậy, luôn muốn được đến tận từng em, hiểu được từng em, gần gũi và là bạn của từng em, để ta cùng làm cho thành công công việc khó khăn mà đẹp đẽ này. Sẽ rất hạnh phúc cho cả thầy và trò ta.

Vậy đó, các em thân yêu, hôm nay ta lên đường.

Một lần nữa, thay mặt nhà trường, thay mặt các em, tôi xin cám ơn các vị đại biểu đã đến cùng thầy trò chúng tôi trong ngày lên đường của chúng tôi hôm nay.

Còn với các em, ta hãy cùng chúc nhau một hành trình khai phá thật đẹp và thật thành công.

N. N.

Nguồn: http://vanviet.info/van-de-hom-nay/ln-duong-khai-phng-5/

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.