CÓ THỂ XÂY DỰNG MỘT NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN TRONG MỘT THỂ CHẾ ĐỘC ĐẢNG HAY KHÔNG?

Nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong tháng 7 vừa qua, ông Ted Osius Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tuyên bố là “Mỹ không có chính sách thay đổi chế độ chính trị của Việt Nam nhưng lợi ích của Mỹ là một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”. Có một số người Việt ở hải ngoại đã không hài lòng và chỉ trích lời tuyên bố này của ông Đại sứ cũng như việc ông không chịu chụp hình dưới Cờ Vàng. Có lẽ không có ai phản đối vế thứ hai của lời phát biểu nhưng thế nào là một nhà nước pháp quyền và liệu một chính thể độc đảng có thể tạo ra một nhà nước pháp quyền thật sự được không? Hay nói một cách khác, có thể nào xây dựng một nhà nước pháp quyền tôn trọng dân chủ và nhân quyền như ông Đại sứ mong muốn nếu Đảng CSVN vẫn tiếp tục giữ quyền độc tôn lãnh đạo đất nước như hiện nay?

Khái niệm pháp trị

Không có một định nghĩa duy nhất cho khái niệm pháp trị nhưng trên căn bản thì đây là một hình thức cai trị bằng luật pháp mà theo đó tất cả mọi người, tổ chức hoặc chủ thể pháp lý gồm có công chức và nhà nước đều phải đứng dưới và tuân thủ luật pháp. Khái niệm này dựa trên nguyên tắc bình đẳng là mọi cá nhân không phân biệt màu da, sắc tộc, giai cấp, giàu nghèo, mạnh yếu đều phải được đối xử như nhau.

Pháp trị đòi hỏi một số điều kiện cần thiết. Thứ nhất, luật pháp phải có tính phổ quát chớ không nhắm vào một nhóm nào riêng biệt. Những trường vi phạm tương tự sẽ dẫn đến hình phạt tương tự. Thứ hai, luật phải khả thi để mọi người có thể tuân thủ. Nhà nước không thể ban hành luật cấm mọi người hít thở trong vài giờ vào buổi sáng. Hơn nữa, nhà nước phải cung cấp thông tin căn bản về những điều luật để mọi người biết mà tuân thủ. Không thể giấu diếm hoặc làm luật phức tạp, khó hiểu để rồi canh bắt và trừng phạt. Và điều quan trọng nhất là phải có một hệ thống tư pháp áp dụng và thực thi các điều luật một cách đồng đều và nhất quán.

Dưới định nghĩa này, một thể chế pháp trị có khả năng hạn chế cung cách hành xử tùy tiện và độc đoán cũng như lạm dụng quyền lực của giai cấp cai trị, tạo ra một hệ thống công lý và trật tự xã hội mà mọi người có thể tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất để quốc gia có thể phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa và xã hội.

Từ pháp trị đến nhà nước pháp quyền

Khái niệm pháp trị đã được tìm thấy từ thời cổ Hy Lạp vào thế kỷ thứ XI trước Công Nguyên. Luật được viết thành văn bản và quảng bá rộng rãi đến công chúng và tòa án Hy Lạp áp dụng các điều luật triệt để cho dù kết quả trái với điều kiện hoặc mong muốn của xã hội đương thời. Ít nhất là trên lý thuyết, người Hy Lạp tin vào tính phổ quát của luật pháp. Sử gia ghi nhận Solon đã có công thành lập nhà nước Athenian cai trị bằng luật pháp áp dụng bình đẳng cho mọi người dân, ít nhất là về mặt tranh chấp dân sự. Người Hy Lạp cũng đã đi đầu trong nỗ lực ngăn cấm luật pháp áp dụng riêng cho bất cứ cá nhân nào trong xã hội.

Các triết gia Hy Lạp như Plato và Aristotle cũng đã góp phần cổ xúy và đặt nền tảng triết lý cho khái niệm pháp trị. Theo Plato, pháp trị không bằng nhân trị khi vua là một nhà hiền triết hoàn hảo hiểu biết hết mọi việc trên đời. Ngược lại, Aristotle cho rằng bất cứ nhà vua nào vì là con người cũng có khuyết điểm. Do đó, luật pháp phải tối thượng. Theo Aristotle, nhà vua được quyền cai trị nhưng phải cai trị bằng luật pháp.

Tương tự như vậy trong Đế Chế La Mã, triết gia Cicero và Hoàng Đế Marcus Aurelius tin và áp dụng tính phổ quát của luật pháp. Cicero viết rằng “một nhà nước không có luật pháp thì chẳng khác gì cơ thể con người không có trí óc”. Ngoài ra, xã hội La Mã đã dẫn đường trong việc thành lập một tầng lớp luật gia chuyên nghiệp gồm có thẩm phán và luật sư chuyên soạn thảo và quảng bá văn kiện pháp lý và giải quyết mọi việc tranh tụng.

Khái niệm pháp trị phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XII một phần vì mâu thuẫn lâu dài giữa Đức Giáo Hoàng và Hoàng Đế Đức. St Thomas of Aquinas lập luận rằng quyền hành của nhà vua phát sinh từ người dân chớ không phải Thượng Đế và người dân bảo lưu quyền lật đổ một nhà bạo chúa. Aquinas cho rằng nhà vua cũng phải tuân thủ pháp luật nhưng cuối cùng chấp nhận là không có cách nào để ép nhà vua tuân thủ những điều luật do chính nhà vua làm ra.

Nhưng Đại Hiến Chương Magna Carta năm 1214 đã đưa ra giải pháp. Dưới văn bản này, vua Anh chấp nhận cai trị dưới luật pháp. Magna Carta đã mang đến món quà lớn nhất cho nhân loại là tất cả mọi người gồm có nhà vua đều đứng dưới luật pháp. Một Hội Đồng Bá Tước được thành lập và ấn định biện pháp chế tài là khi nhà vua phạm luật thì đất đai hoặc tài sản của vua có thể bị chiếm giữ. Có thể nói, Magna Carta đã sinh ra thể chế nhà nước pháp quyền.

John Blount được cho là người đầu tiên sử dụng cụm từ “pháp trị” (rule of law) trong năm 1500. Cụm từ này được chính sử dụng trong một văn bản pháp lý là Petition 1610 do Quốc Hội Anh gửi cho vua James I trong đó có đoạn “trong những điều tự do và hạnh phúc mà nhà vua ban cho thần dân, không có gì quý hơn quyền được cai trị bởi luật pháp thay vì sự tùy tiện”. Chánh Án Coke đã triệt để thực thi khái niệm pháp trị bằng cách phản đối yêu cầu của vua cho biết tư tưởng của các vị thẩm phán trước khi tiến hành xét xử. Tuy Coke bị sa thải vì lập trường độc lập nhưng Đạo Luật Act of Settlement 1701 ra đời bảo vệ thẩm phán không bị nhà vua tùy tiện sa thải một cách vô cớ. Kiến Nghị về Quyền được Quốc Hội thông qua vào ngày 7/6/1628 ngăn cấm nhà vua áp dụng thiết quân luật đối với thường dân hoặc tùy tiện bắt giữ thần dân trừ khi họ vi phạm một điều khoản cụ thể của Bộ Luật Hình Sự.

Trong lịch sử cận đại khi hệ thống cai trị bắt đầu chuyển biến từ quân chủ chuyên chế sang chính quyền hành pháp, triết gia John Locke đã đặt nền tảng triết lý cho một nhà nước pháp quyền tân thời là một chính quyền hành pháp cai trị bằng luật định được soạn thảo và quảng bá rộng rãi trong công chúng chớ không phải bằng sắc lệnh do chính quyền tùy hứng tung ra. Luật pháp phải được áp dụng bởi những thẩm phán độc lập với mục đích duy nhất là bảo vệ an ninh, hoà bình và sự tốt lành cho con người. Theo Locke thì sự chính danh của hành pháp dựa vào sự đồng thuận của dân chúng. Quan hệ giữa nhà nước và công dân là một khế ước xã hội mà trong đó người dân nhượng một số quyền lực cho nhà nước để đổi lấy sự bình trong xã hội. Dân chúng sẽ không đồng ý với một chính quyền không cung cấp sự an bình cho họ và một chính quyền cai trị bằng cách tùy tiện tung ra sắc lệnh sẽ không cung cấp được sự an bình đó. Do đó, một chính quyền chính danh và hợp pháp phải cai trị bằng luật pháp. Hay nói một cách khác, một nhà nước chính danh phải là một nhà nước pháp quyền.

Trong thế kỷ 18 thì có 3 cơ chế phát triển củng cố cho khái niệm nhà nước pháp quyền là hiếp pháp bằng văn bản, tam quyền phân lập và giám sát tư pháp (judicial review).  Hiến pháp phân định và phân quyền cho hành pháp, lập pháp và tư pháp kiểm soát chéo lẫn nhau để bảo đảm hiến pháp được thực thi. Hệ thống tư pháp phải hoàn toàn độc lập để bảo đảm các đạo luật do lập pháp ban hành và sắc luật hành pháp hợp pháp và tuân thủ hiến pháp.

Khái niệm nhà nước pháp quyền trở thành phổ thông trong thế kỷ 19 nhờ vào những bài viết của luật sư Albert V Dicey. Theo Dicey, khái niệm này bao gồm 3 yếu tố. Thứ nhất, không có ai có thể bị trừng phạt trừ khi vi phạm một điều luận đã được ấn định trước và tòa án phải xét xử là người đó có phạm luật hay không. Nhà nước hoặc công chức không có quyền tùy tiện quyết định có ai phạm luật hay không. Thứ hai, tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng trước luật pháp. Có nghĩa là công chức và ngay cả nhà vua cũng không được quyền miễn tố hoặc miễn trừ và cũng phải trả lời trước tòa án. Thứ ba, vì Anh Quốc không có văn bản hiến pháp, luật pháp công nhận các quyền tự do để bảo vệ người dân không bị xét xử hoặc trừng phạt tùy tiện và tòa án sẽ đóng vai trò giám sát để bảo vệ các quyền tự do căn bản đó.

Nếu như pháp trị là một hình thức, thủ tục cai trị thì khái niệm nhân quyền bổ sung nội dung cho một nhà nước pháp quyền. Có một số người lập luận rằng chế độ Phát xít Đức và phân biệt chủng tộc Nam Phi cũng là những nhà nước pháp quyền vì những đạo luật diệt chủng đối với người Do Thái hoặc kỳ thị người da đen đều do Quốc Hội thông qua và ban hành. Cũng có tòa án thi hành những đạo luật này. Thật ra, các đạo luật này đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng của pháp trị. Trong năm 2004, Liên Hiệp Quốc chính thức định nghĩa khái niệm nhà nước pháp quyền là “một nguyên tắc cai trị mà tất cả mọi người, tổ chức, chủ thể pháp lý công và tư bao gồm cả nhà nước đứng dưới luật pháp được phổ biến rộng rãi và áp dụng đồng đều, vô tư phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Khái niệm này đòi hỏi mọi điều kiện cần thiết gồm có tinh thần thượng tôn pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật, luật pháp được áp dụng công bằng, có sự phân quyền, tham gia vào tiến trình quyết định, luật pháp được ấn định rõ ràng, không có sự tùy tiện và sự minh bạch về thủ tục cũng như nội dung pháp lý“.

Nguyên tắc nhà nước pháp quyền được áp dụng ở mức quốc gia và quốc tế. Ở tầm mức quốc gia, Liên Hiệp Quốc cổ xúy cho một hệ thống pháp lý rõ ràng và minh bạch với những tổ chức tư pháp, an ninh và nhân quyền bao gồm các tổ chức công quyền và xã hội dân sự bảo đảm công chức và tổ chức công quyền bao gồm cà nhà nước tuân thủ luật pháp.

Ở tầm vóc quốc tế, nguyên tắc nhà nước pháp quyền ghi nhân quan hệ giữa các quốc gia dựa trên Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế, tôn trọng chủ quyền và nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng nhân quyền và các quyền căn bản của con người và ghi nhận quan hệ mật thiết và tầm quan trọng của nhà nước pháp quyền, nhân quyền và dân chủ với an ninh, hoà bình và sự phát triển thịnh vượng của mọi quốc gia.

Tóm lại, nhà nước pháp quyền là một lý tưởng mà tất cả mọi quốc gia đều muốn hướng tới nhưng mãi cho tới năm 2004 thì Liên Hiệp Quốc mới đưa ra được một định nghĩa bao gồm những yếu tố căn bản cần thiết cho một nhà nước pháp quyền. Thế mà vẫn có một số chế độ cố tình bóp méo hoặc diễn dịch một cách lệch lạc để biện minh cho sự lạm dụng quyền lực và cai trị một cách tùy tiện. Cái giá phải trả là quốc gia đó cứ mãi chìm đắm trong lạc hậu dẫn đến nguy cơ mất chủ quyền, độc lập trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa hiện nay.

Ngày nay, nhà nước pháp quyền được đánh giá như là một hình thức cai trị tối ưu mà hầu hết tất cả mọi quốc gia muốn theo đuổi. Tổng Thống Obama cho rằng nhà nước pháp quyền “đặt nền tảng cho một xã hội tự do, an ninh và công bằng“. Ngay cả cựu Chủ tịch và Tổng Bí Thư Đảng CS Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố khi nhậm chức là “Trung Quốc phải xây dựng một nhà nước pháp quyền thay vì đặt hy vọng vào bất cứ một lãnh tụ nào“. Thậm chí Robert Mugabe Tổng Thống chuyên quyền của Zimbawee cũng hô hào cổ xúy cho một nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khái niệm nhà nước pháp quyền cũng bị diễn giải và chỉnh sửa một cách tùy tiện để biện minh cho những hình thức cai trị lạm quyền.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Tại Trung Quốc, khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặc tính Trung Quốc đã được Tập Cận Bình đẩy mạnh trong Đại Hội Đảng vào tháng 10/2014. Ông Tập muốn sử dụng khẩu hiệu pháp trị  để biện minh cho chiến dịch đả hổ diệt ruồi đối phó với nạn tham nhũng trong Đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc còn đặt ra Ngày Hiến Pháp nhắc nhở mọi người tôn trọng Hiến pháp và luật pháp. Hiến pháp Trung Quốc cũng “bảo đảm” tất cả các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và tự do hội họp. Hơn nữa, Hiến pháp cũng được tu chính trong năm 2004 để bảo vệ mọi hình thức “nhân quyền”.  Nhưng trong tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành ruồng bố và bắt hơn 100 luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền. Như Việt Nam, những điều khoản về quyền công dân trong văn bản hiến pháp của Trung Quốc cách xa với thực tế cách rất nhiều.

Khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được ông Đỗ Mười nêu ra tại Hội Nghị Ban Chấp hành Trung Ương Khoá VII ngày 29/11/1991. Điều 2 Hiến Pháp của Việt Nam cũng ghi nhận “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” Tuy nhiên trên thực tế thì không có sự giải thích rõ ràng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là gì so với định nghĩa nhà nước pháp quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam là một thành viên. Trong bài viết “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” đăng trong Tạp chí Cộng sản số 96, năm 2005, Nguyễn Duy Quý, nguyên giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), cho rằng có nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và ngoài những yếu tố phổ quát còn có tính đặc thù vừa là giá trị chung của nhân loại vừa là giá trị riêng của mỗi dân tộc. Theo nhận xét này thì mỗi quốc gia có mô hình nhà nước pháp quyền riêng biệt. Trong trường hợp của Việt Nam, tính đặc thù và cơ sở chính trị của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ nhất nguyên mà Đảng Cộng sản duy nhất nắm hết quyền lực.

Trần Ngọc Liêu, Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học Quản lý, Đại học Hà Nội đi xa hơn một bước và lập luận rằng “Nhà nước pháp quyền tư bản chủ nghĩa chưa thể hiện hết nội dung của nhà nước pháp quyền còn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước đã thể hiện hết nội dung của nhà nước pháp quyền theo ý nghĩa đầy đủ nhất và đạt trình độ dân chủ hoàn bị nhất“. Tương tự như vậy, Phùng Thế Vắc Chủ nhiệm Bộ môn Pháp Luật – Học Viện ANNH đã viết “Nhiều ý kiến cho rằng có nhà nước pháp quyền tư sản và nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng nhà nước pháp quyền XHCN ở trình độ phát triển cao hơn nhà nước pháp quyền tư sản“.

Tóm lại, những nhà lý luận trên đều cho rằng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dựa vào cơ chế độc đảng (Đảng Cộng sản) nắm hết quyền lực. Đảng Cộng sản độc quyền nhưng phân công quyền hành giữa các cơ quan nhà nước để thực hiện các chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước quản lý đất nước theo pháp luật do Quốc Hội ban hành mà thực tế là thể chế hóa đường lối và chính sách của Đảng Cộng Sản. Không có hệ thống tư pháp độc lập mà mọi hoạt động kể cả việc đào tạo, quản lý và sử dụng đội ngủ cán bộ tư pháp đều do Đảng Cộng sản kiểm soát. Tuy nhiên, họ đều chấp nhận là hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn thiện và có nhu cầu đổi mới tu duy pháp lý cũng như nghiên cứu xây dựng cơ sở lý thuyết cho mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ý kiến cho rằng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có trình độ phát triển cao hơn nhà nước pháp quyền tư sản là hoàn toàn không có lô-gích vì người ta vẫn đang đi tìm khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, nhà nước pháp quyền “tư sản” thì đã hiện hữu và đã được Liên Hiệp Quốc định nghĩa khá đầy đủ và rõ ràng. Cái gì mình đang đi tìm thì có thể có hoặc có thể không, ví dụ như mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà theo Bộ Trưởng Bùi Quang Vinh thì “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm“. Không thể so sánh cái không có hoặc chưa có với cái đã có và càng không thể lập luận là cái chưa có tốt nhất hoặc tốt hơn cái đã có. Thật ra, khái nhiệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ có một yếu tố duy nhất của pháp trị đó là nhà nước cai trị bằng pháp luật đã được công bố. Tuy nhiên, luật chỉ áp dụng cho người dân chớ không có tính cưỡng chế hoặc ràng buộc với Nhà nước hoặc với Đảng Cộng sản. Nhưng theo Nguyễn Đăng Dung Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, không phải cứ làm ra luật là có pháp quyền vì nhiều khi chính đạo luật lại vi hiến hoặc vi phạm quy luật tự nhiên (natural law) bao gồm các chuẩn mực nhân quyền quốc tế. Và theo Trương Thị Hiển, Hiệu phó Thường trực Trường Cán bộ TP thì “trong nhà nước pháp quyền, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân là “bình đẳng”; không có lý do gì mà hành vi vi phạm pháp luật của công dân thì bị xét xử mà hành vi xâm phạm, lạm quyền từ phiá nhà nước lại được miễn trừ“.

Khi chỉ có một đảng nắm hết quyền bính thì nó đã vi phạm nguyên tắc “bình đẳng” của pháp trị là không có bất cứ cá nhân, tổ chức hoac chủ thể pháp lý nào đứng trên luật pháp. Hoặc theo lời của Trần Huỳnh Duy Thức thì “bất kỳ sự độc tôn nào cũng đều vi phạm quy tắc thượng tôn pháp luật“. Vì Đảng kiểm soát Quốc Hội nên có thể yêu cầu Quốc Hội thay đổi luật pháp bất cứ lúc nào. Vì Quốc Hội chỉ hiện hữu để thể hiện chính sách của Đảng nên trong cốt lõi vẫn là Đảng trị chớ không phải pháp trị. Không thể nào xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập trong một thể chế độc đảng. Một hệ thống tư pháp độc lập không chỉ gồm có các thẩm phán, tòa án độc lập mà các nhân tố liên hệ như công tố, luật sư, viên chức tư pháp cũng phải độc lập. Công tố sẵn sàng truy tố lãnh tụ đảng cầm quyền hoặc cả tổ chức đảng nếu họ vi phạm luật pháp. Việc này không thể xảy ra trong một thể chế độc đảng và nhất là với Đảng Cộng sản. Không có một hệ thống tư pháp độc lập thì không thể thực thi các yếu tố căn bản khác của pháp trị một cách đúng nghĩa.

Tại các quốc gia nhà nước pháp quyền như Úc, Hoa kỳ và Âu Châu, Nhà nước, bộ trưởng và các tổ chức đảng phái chính trị thường xuyên bị kiện vì những cáo buộc vi phạm luật từ luật hành chánh, luật tranh cử, luật lao động, vi phạm quyền công dân hoặc vi phạm hiến pháp. Nhưng chưa thấy Nhà nước hoặc các bộ trưởng hoặc Đảng Cộng sản bị đưa ra tòa tại Việt Nam. Khi Luật sư Cù Huy Hà Vũ dọa kiện Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vì chính sách cho Trung Quốc khai thác quặng bô xít ở Tây Nguyên thì không có tòa nào thụ án. Ngược lại, chính nguyên đơn lại bị truy tố về một tội phạm hình sự và bỏ tù tới khi Hoa Kỳ can thiệp thì lại bị nhà nước trục xuất ra khỏi Việt Nam.

Không chỉ có Việt Nam mà hầu hết các thể chế độc tài, chuyên chế như Trung Quốc, Bắc Hàn và một số nhà nước phong kiến hoặc Hồi Giáo tại Phi Châu và Trung Đông đều cho là họ có hoàn cảnh đặc thù khác với các quốc gia khác trên thế giới để biện minh cho sự vi phạm nhân quyền có tính phổ quát mà họ đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Lẽ ra nếu cảm thấy khác biệt thì họ không nên ký kết vào các Công Ước Nhân Quyền. Nhưng nếu không ký thì sợ thế giới cho là họ lạc hậu, lẻ loi. Ký xong rồi thì nói rằng cam kết đó không áp dụng trong hoàn cảnh đặc thù của họ. Từ trong tư tưởng đã không tuân thủ pháp trị thì làm sao xây dựng một nhà nước pháp quyền? Có sự liên hệ mật thiết giữa pháp trị và nhân quyền vì cả hai đều dựa trên nguyên tắc mọi người sinh ra bình đẳng và phải được đối xử như nhau không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hoặc chính kiến.

Nhà nước pháp quyền là lý tưởng và quá trình tiến bộ của nhân loại mà mọi quốc gia đều muốn hướng tới nhưng mãi cho tới năm 2004 thì Liên Hiệp Quốc mới đưa ra được một định nghĩa bao gồm những yếu tố căn bản cần thiết cho một nhà nước pháp quyền. Thứ nhất, nhà nước cai trị bằng luật pháp được quảng bá rộng rãi đến công chúng. Thứ hai, mọi chủ thể pháp lý gồm có nhà nước phải đứng dưới luật pháp. Thứ ba, luật pháp phải được thực thi qua một tiến trình minh bạch và công bằng. Thứ tư, luật phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người. Sau cùng, yếu tố quan trọng nhất là phải có một hệ thống tư pháp độc lập để bảo đảm các yếu tố kia được thực thi đầy đủ và đúng nghĩa. Trong một thể chế độc quyền đảng trị thì không thể nào xây dựng nhà nước pháp quyền vì trong một thể chế độc đoán, chuyên quyền thì sự bình đẳng và minh bạch không thể tồn tại. Lại càng không thể xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập để thực thi đầy đủ nhà nước pháp quyền.

Do đó, lời tuyên bố của Đại sứ Ted Osius tự nó đã chứa đầy mâu thuẫn. Nhưng trong cương vị của một nhà ngoại giao thì quan điểm đó hoàn toàn đúng đắn. Hoa Kỳ không thể tùy tiện thay đối thể chế của một quốc gia khác. Hãy nhìn vào hệ lụy của chính sách “regime change” của Tổng Thống Bush khi tấn công Iraq và hành quyết Saddam Hussein. Chỉ có chính người Việt ở trong nước mới quyết định được chính thể và hệ thống cai trị cho Việt Nam. Những vấn nạn như là nền kinh tế bất cập, kém phát triển, văn hóa “bôi trơn”, giả dối và bạo lực lên ngôi, giáo dục suy đồi, xã hội băng hoại, vô cảm, tham nhũng tràn lan đều chỉ là triệu chứng mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân là chính thể độc quyền đảng trị. Việt Nam đã và đang bị lệ thuộc Trung Quốc ít nhất là về mặt kinh tế. Đất nước kém phát triển hoặc không chịu phát triển có nghĩa là chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ bị đe dọa. Muốn đất nước phát triển thì phải thực thi thể chế kinh tế thị trường, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền theo đúng ý nghĩa của nó mà điều kiện tiên quyết là một hệ thống tư pháp độc lập. Điều kiện này có khả thi không nếu chỉ có một Đảng Cộng sản độc quyền nắm hết quyền bính? Chính người Việt phải trả lời câu hỏi này chớ không phải trách nhiệm của ông Đại sứ.

N.V.T.

 Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.