Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nếu không đổi mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa

Trước hết, mời bấm đọc hai bài của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương: “Nếu không đổi mới, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa” và “Lợi ích nhóm và chủ nghĩa tư bản thân hữu”.

Tôi biết ông. Đã từng nhiều lần phỏng vấn, chất vấn, thậm chí… tra kích ông. Công bằng thì Vũ Ngọc Hoàng là nhân vật có tư duy. Ông sẽ được việc nếu được trọng dụng. Tiếc là từ khi rời ghế Bí thư Quảng Nam ra Ba Đình suốt hai nhiệm kỳ qua, ông toàn bị ném vào những chỗ không thực quyền, có cũng như không, chẳng vai trò gì. Trong khi những tay ất ơ dưới trướng và dưới tầm ông đứa nào đứa nấy lần lượt vượt mặt.

Đã có thời cùng lúc hai chiếc ghế được kê sẵn mời ông chọn: Phó Chủ tịch nước hoặc Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư. Nhưng gần sát lại bị gạt lui vì… lý do sức khoẻ (ông từng bị một cơn tai biến nặng tưởng đi khi đương nhiệm Bí thư Quảng Nam). Từ đó, mỗi bận soạn bàn chuyện cất nhắc ông, cánh đàn em lại lôi “chuyện sức khoẻ” này.

Một nhân vật có thời tưởng như dành cất cho ngôi vị tứ trụ, hơn 10 năm qua bỗng mờ nhạt chìm khuất đến mức chẳng ai còn nhớ, biết ông là ai, làm gì.

Mấy tháng gần đây (chỉ vài tháng thôi) đột nhiên ông… trỗi dậy! Những bài viết, những phát ngôn gây cả sự chú ý lưu tâm của các hãng truyền thông quốc tế.

Ông viết, ông nói, ông phán khi biết chắc chỉ còn vài tháng nữa thôi sẽ giã từ Ba Đình về lại Quảng Nam “vui thú điền viên”.

Cũng như lúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An mới nghỉ hưu. Cũng như ông Vũ Quốc Hùng cựu Phó chủ nhiệm thường trực Uỷ ban kiểm tra trung ương hiện đang rất hăng trên các trang báo. Cũng như ông Phạm Thế Duyệt, cựu Thường trực Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận.

Họ chỉ dám mở mồm khi cầm chắc trong tay cái… quyết định hưu.

Nhiều khi, trong rất nhiều sự thể chỉ cần một tiếng nói, một ai đó trong hàng ngũ họ lên tiếng. Tôi kỳ vọng và chờ mong nhiều ở sự lên tiếng của một ai đó trong lớp thượng tầng ấy. Nhưng tất cả câm lặng. Có kê xà beng nạy mồm cũng chịu.

Họ chỉ mở mồm, chỉ lên tiếng, thậm chí rất hay khi đã hưu, khi tiếng nói của họ chẳng còn chút gram nào.

Ấy là cái bệnh về hưu nói hay.

Tôi thích cách nghĩ của ông Bường (Nguyễn Bường, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Trị – bấm đọc lại bài: Ông Bường và những huyền thoại nhậu). Hỏi hưu rồi ông có… tham gia gì với địa phương? Ông cười: Nghỉ rồi để yên cho lớp trẻ nó làm, ý kiến ý cò mần chi. Mà hưu rồi nói ai thèm nghe. Lúc đương chức mình cũng vậy, có thèm nghe ai nói đâu. Giả vờ nghe nhưng bỏ ngoài tai hết. Vậy nên giờ nói làm gì. Không ích gì mà chúng thêm ghét. Vui với cháu con, viết sách hay đi nhậu cho khoẻ!

Tôi đặt bài này là “Về hưu nói hay 2” bởi đã có một bài về hưu nói hay từ rất lâu rồi.

Facebook Trương Duy Nhất

Nói được hay – hay vì đáp ứng đúng thực tế đòi hỏi chứ không phải diễn ngôn để nổi đình nổi đám – sau khi về hưu, hoặc ngay khi còn chưa hưu như trường hợp ông Vũ Ngọc Hoàng, ở hoàn cảnh tiếng nói dân sự còn quá thưa thớt như nước ta hiện nay, vẫn là quá tốt, tốt hơn rất nhiều trường hợp những ông trí thức nhân sĩ biết rõ tình cảnh đất nước hiện tại cần gì ở những người như mình mà vẫn nín khe không dám mở miệng, thưa anh Trương Duy Nhất.

Bauxite Việt Nam

VOV.VN – Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, chúng ta đã, đang tụt hậu và có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu như không đổi mới.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại Hội thảo: “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035” mới đây có lẽ khiến tất cả những ai đón nhận thông tin đều cảm thấy buồn và lo. Buồn vì theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tụt hậu với Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, Malaysia khoảng 25 năm, Thái Lan khoảng 20 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Còn theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015 vừa được công bố, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Thái lan, Indonesia.

Thực tế này cho thấy nếu không có những giải pháp thích hợp, thì nguy cơ tụt hậu của Việt nam so với khu vực sẽ càng lớn. Về đến vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trong chương trình Theo dòng thời sự, phát sóng trên Hệ Thời sự – Chính trị – Tổng hợp (VOV1).

Nghe nội dung cuộc phỏng vấn:

Để đổi mới phải chống bảo thủ

PV: Ông nghĩ sao về những con số mà hội thảo “Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015-2035” vừa mới đưa ra? Liệu có quá bi quan không khi nói rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ rằng một mặt chúng ta phải hết sức trân trọng tất cả những thành quả, thành tích đã đạt được vì đó là công sức chung của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, nhưng mặt khác phải có cách tiếp cận mới. Liệu có bi quan hay không nói rằng chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu?

Tôi nghĩ rằng nói vậy không có gì là bi quan. Không phải là nguy cơ tụt hậu mà chúng ta đã tụt hậu, chúng ta đang tụt hậu và chúng ta có nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu như không đổi mới.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Lê Anh Dũng/Vietnamnet)

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Lê Anh Dũng/Vietnamnet)

Chúng ta đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và việc này thể hiện trên nhiều mặt: năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Sau 30 năm, hàng công nghiệp để xuất khẩu, có uy tín trên thị trường quốc tế không đáng kể.

Chúng ta có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng sản phẩm thô về nông nghiệp của ta thấp hơn so với nhiều nước. Chúng ta chỉ có 70 triệu/ha giá trị sản phẩm, trong khi các nước đã có hàng mấy tỷ, có chỗ mấy chục tỷ rồi. Hay như chúng ta có thế mạnh về phát triển du lịch, nhưng cho tới giờ này vẫn rất ít, trong khi ở khu vực người ta hơn chúng ta hàng chục lần. Nợ nhiều, hiệu quả đầu tư thấp, chưa biết lấy nguồn tài chính ở đâu để trả nợ… Tất cả những vấn đề như vậy báo hiệu đã tụt hậu, đang tụt hậu và nguy cơ sẽ tụt hậu xa hơn.

PV: Thời điểm năm 1986, nước ta cũng đã gặp rất nhiều khó khăn và nhờ quyết tâm Đổi mới mà đất nước đã phát triển. Nhìn lại công cuộc Đổi mới, không thể phủ nhận Việt Nam đã có một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong suốt gần 30 năm qua. Trong 20 năm đầu đổi mới, chúng ta đã đạt tới 8 – 9% tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng 10 năm qua chỉ đạt 5-6%, thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng phát triển của đất nước. Tại sao lại có sự chững lại như vậy trong khi lẽ ra nước ta đã phải phát triển ở một tốc độ cao hơn, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: 20 năm đầu chúng ta đã đạt được khá nhiều thành tích. Nói khá nhiều là đúng chứ không phải cao lắm, bởi vì có nhiều nước đạt trên 10%, GDP tăng, trong khi chúng ta đạt 8-9%. Đúng là như vậy, điều đó đã làm cho đất nước thay đổi nhiều mặt, nhưng 10 năm sau lại chững lại. Nguyên nhân của câu chuyện này, theo tôi cũng có một phần khách quan do tình hình thế giới khủng hoảng, song chủ yếu vẫn là do chúng ta chậm chạp, dập dừng trong đổi mới.

Chúng ta chưa đổi mới một cách mạnh mẽ tiếp theo những động lực cũ của 20 năm trước, nhiều cái đã hết tác dụng thì cần tạo ra những động lực mới tiếp tục phát triển mạnh hơn. Có những cơ chế phát huy tác dụng trong một thời gian nhất định. Trước đây chúng ta tập trung phát triển theo chiều rộng, bây giờ là phát triển theo chiều sâu. Chính vì vậy, phải có những cơ chế phù hợp với nó, trong khi quá trình đổi mới chưa được khẩn trương, mạnh mẽ, còn chậm chạp, dập dừng.

Việc lựa chọn cách ưu tiên ngành và sản phẩm để phát triển cũng không phải được chúng ta lựa chọn đúng và tốt. Nhân lực chất lượng cao thiếu, nền giáo dục yếu, quản trị quốc gia vẫn còn nhiều mặt yếu… tất cả những việc đó làm chậm lại.

PV: Trong một hội thảo mới đây, một chuyên gia kinh tế đã dẫn lại lời của các chuyên gia kinh tế nước ngoài nói một cách hài hước nhưng cũng rất chua chát rằng “Việt Nam là một quốc gia không chịu phát triển”. Sự “không chịu phát triển” ở đây nằm ở rất nhiều yếu tố, buộc chúng ta phải nhận diện những yếu kém đặt ra. Khi nói tới câu chuyện cần phải Đổi mới tư duy lần 2, chúng ta cũng sẽ phải tính tới chuyện xoá bỏ lực cản tồn tại từ rất lâu; bóc tách riêng rẽ những hạn chế để tìm ra một giải pháp thích hợp. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đúng là không phải dễ dàng nhưng cũng không phải đến nỗi quá khó. Bản thân cuộc sống luôn đặt cho chúng ta những câu hỏi rắc rối, phức tạp nhưng bản thân cuộc sống luôn luôn manh nha câu trả lời trong thực tế. Hãy lắng nghe thực tế, lắng nghe nhân dân rồi sẽ có câu trả lời.

Từ trước đến nay, mỗi lần Đảng yêu cầu nhân dân, cán bộ đảng viên phải nói thẳng, nói thật. Những lúc khó khăn Đảng lắng nghe nhân dân thì đều có cách giải quyết. Nhân dân ta cũng thông minh lắm, vì vậy cứ thảo luận kỹ để tìm nguyên nhân và giải pháp thì nhất định sẽ có cách giải quyết vấn đề.

PV: Nếu đi trên con đường Đổi mới, quyết tâm Đổi mới dư duy điều hành, quản lý thì có lẽ chúng ta sẽ gặp khá nhiều thách thức. Chúng ta sẽ phải đổi mặt với những thách thức đó như thế nào và giải quyết nó ra sao, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Để đổi mới thì chúng ta phải vượt qua thách thức. Thứ nhất là chúng ta đã nhìn thấy tình hình rõ chưa? Tôi nghĩ nhiều người đã nhìn thấy tình hình nhưng không phải tất cả đã nhìn thấy. Và nhìn thấy rồi có dám đương đầu, có dám đối mặt với nó để giải quyết không hay lảng tránh, hay vì các lẽ khác?

Để đổi mới phải chống bảo thủ, vượt qua được tư tưởng bảo thủ vì có những thứ đã thành thói quen, thành sức ì, có những cái do tư duy thiển cận không theo kịp những bước tiến mới của tình hình đất nước và của thời đại. Do đó phải đổi mới mạnh mẽ, bắt đầu từ tư duy.

Yếu tố con người là quyết định nhất

PV: Ông cũng đã từng trả lời báo chí rằng để xoá bỏ lực cản tạo ra những động lực mới về tư duy, chúng ta phải chống được tham nhũng, “lợi ích nhóm” và chống lối tư duy bảo thủ. Vì sao ông lại đưa ra quan điểm này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Cho tới bây giờ tôi vẫn bảo lưu quan điểm này. Trong các nguy cơ thì nguy cơ lớn nhất thuộc về lợi ích nhóm. Còn trong các giải pháp, giải pháp lớn nhất thuộc về đổi mới căn bản, mạnh mẽ.

Đổi mới thì mới giải quyết căn bản tình hình lợi ích nhóm. Nếu không đổi mới, không có những cơ chế mới mà cứ giải quyết từng vụ việc thì cứ bị động. Phải có tư duy đổi mới để trên cơ sở đó đổi mới cơ chế quản lý.

PV: Các nước phát triển nhanh hơn ta có lẽ một phần là họ triển khai tư duy Đổi mới nhanh hơn. Mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng có những điều chúng ta phải học họ, rút kinh nghiệm từ các nước để áp dụng vào môi trường Việt Nam. Ông nghĩ gì về câu chuyện này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta hoàn toàn có thể học được những kinh nghiệm của các nước. Nhiều nước đi trước và đã trở thành nước phát triển. Còn chúng ta chưa phát triển và hoàn toàn có thể nghiên cứu kinh nghiệm của họ để học tập, vận dụng một cách phù hợp với tình hình của nước ta.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do chúng ta chậm chạp trong Đổi mới, và thiếu một sự nhanh nhạy trong tư duy điều hành và quản lý. Như một số Tổng công ty rất lớn, Tập đoàn kinh tế các ngành rất lớn như Điện lực, Bưu chính Viễn thông, trước khia trực thuộc các Bộ quản lý, rồi sau đó trực tiếp chịu sự quản lý trực thuộc Chính phủ, nay lại chuyển cho các Bộ quản lý. Nó cho thấy chúng ta có một sự lúng túng không nhỏ trong tư duy điều hành. Và đây không phải là một chuyện đơn lẻ. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi cũng nghĩ như vậy. Trong quản lý có nhiều mặt chúng ta còn chậm, lạc hậu và cần phải nghiên cứu nghiêm túc câu chuyện này. Ngay cả việc lúc trực thuộc chỗ này, mai trực thuộc chỗ kia… bản thân việc đó đã thể hiện sự lúng túng. Đến giờ này, tôi cũng không hiểu tại sao cứ phải trực thuộc các cơ quan hành chính, trong khi đã nhiều lần chúng ta nói đến chuyện tách ra giữa quản lý nhà nước với quản trị của các doanh nghiệp, các tập đoàn.

Cảnh báo về “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu”

“Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức.

PV: Từ lần Đổi mới đầu tiên năm 1986 cho đến thời điểm hiện nay, có thể thấy rõ yếu tố con người, đặc biệt là vai trò của những người đứng đầu là đặc biệt quan trọng. Yếu tố này sẽ quyết định sự thành bại của chúng ta thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Ngọc Hoàng: Yếu tố con người là quyết định nhất, vì có con người thì sẽ có tất cả. Và trong những con người ấy, người lãnh đạo có vị trí quan trọng nhất. Và sự thay đổi tư duy, quyết tâm, tâm huyết trong sáng, gương mẫu của những người lãnh đạo có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Cũng phải nói thêm rằng, trách nhiệm của mọi người, của tất cả cán bộ đảng viên, của nhân dân cũng hết sức quan trọng. Vì khi một vài người nói, lãnh đạo chưa nghe nhưng vạn người nói thì lãnh đạo sẽ nghe. Do vậy, phải có trách nhiệm của tập thể, của cộng đồng chứ không phải riêng của lãnh đạo, song các vị lãnh đạo ở vị trí quan trọng nhất, chịu trách nhiệm lớn nhất.

Tất cả người dân Việt Nam dù ở cương vị, lĩnh vực nào hãy tha thiết và quyết tâm đổi mới để đất nước tiến lên. Bởi vì chúng ta hoàn toàn có khả năng thúc đẩy đất nước ta trở thành một nước phát triển, miễn là làm đúng và tâm huyết.

Dân tộc ta có truyền thống khi gặp khó khăn thì biết vượt qua. Đảng ta cũng có truyền thống khi gặp khó khăn biết nghe nhân dân. Tôi tin chúng ta sẽ vượt qua, không lẽ lại chịu thất bại.

PV: Xin cảm ơn ông./.

PV/VOV.VN (ghi)

Nguồn: http://vov.vn/chinh-tri/neu-khong-doi-moi-viet-nam-co-nguy-co-tut-hau-xa-hon-nua-429852.vov

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.