Giấy mời của lãnh đạo tỉnh đề là “hỏa tốc” làm người đọc cả nước – nhất là con em Hà Tĩnh – vừa đọc đến đã hết hồn, tưởng đâu cảng Vũng Áng mà từ lâu ai cũng ngơm ngớp bị bọn Tàu âm thầm ém quân, nay chúng bỗng từ các đường hầm ngang dọc đào sâu dưới lòng đất bất thần vùng lên, đánh thọc sang biên giới Lào, cắt đôi đất nước ở khoảng ngắn nhất, trong khi phía quân mình tay chưa kịp trở… Hỡi ôi, thì ra không phải. Đó là công văn hỏa tốc mời khắp lượt các cán bộ cơ quan đầu tỉnh, đầu huyện gấp rút tụ tập về sân vận động tỉnh cho kịp giờ đã định để… tham gia lễ hội uống bia mang tên “Tôi yêu bia Sài Gòn”.
Thở phào! Trong bốn thứ “thủy hỏa đạo tặc” người xưa bắt buộc phải truyền lệnh hỏa tốc thì đây đúng là “thủy”, nhưng lại là thủy… có chất cồn. Cho nên thở phào xong thì mừng rỡ đến… chảy cả nước mắt và nhão hết ruột gan. Mừng, vì Hà Tĩnh quê mình vốn là “quê bọ” thế mà bỗng dưng lại trở nên cấp tiến quá sức. Người đứng đầu một tỉnh hoạt bát đứng ra kêu gọi cấp dưới uống thật nhiều bia để tỉnh nhà có thêm một mặt hàng kinh hoanh có lãi – dù mới chỉ là một chi nhánh của hãng bia Sài Gòn. Thế mới đáng mặt làm kinh doanh chứ! Chẳng bù với cái xứ sở Hoa Kỳ mang danh tư bổn phát triển mà ngu thậm là ngu, sao không cho tư nhân bán bia rượu tràn lan mà lại hạn chế trong một số cửa hàng nào đó phải có thẻ đặc biệt mới được bán? Thế này thì đến phải mời ông quan đầu tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự sang Mỹ một chuyến để dạy cho dân Mỹ cách lobby món hàng kiếm ra tiền dễ như bỡn này mới thỏa dạ.
Mà hẳn là ông đương chức Bí thư (trước đây là Chủ tịch) tỉnh cũng đã biết quá rõ tình hình nông dân nhiều huyện trong tỉnh (nặng nhất là Can Lộc) đang sống dở chết dở vì quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ vắt mũi, vụ nào vụ ấy vừa thu hoạch xong đã bị cán bộ xã đến nã tiền đóng góp công ích, gây tình trạng lạm thu, phải bán thóc nộp cho quan sạch như chùi? Có thế ông mới hết lòng cổ động cán bộ cấp dưới nhậu nhẹt để tăng thêm một nguồn thu vào quỹ công của tỉnh, đỡ gánh nặng phần nào cho nông dân chăng? Hay ông còn muốn “nhân rộng điển hình”, từ hàng ngũ lãnh đạo cấp tỉnh cấp huyện “triển khai” ra cho nhân dân toàn tỉnh cùng uống, để bà con có cơ hội giải sầu, quên đi nỗi đau bụng lép? Cứ xem bức ảnh ông đang tặng một thùng bia cho anh ngư dân nghèo làm anh ta cười rất tươi thì đủ biết. Vậy thì quả thực đây là cao kiến của Hà Tĩnh ta rồi, một cách giật giải độc đáo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, ăn đứt nhiều tỉnh chứ chẳng chơi.
Lại sực nhớ hồi còn mồ ma thực dân Pháp, sau khi chiếm được nước ta, mấy ông Tây mũi lõ liền nghĩ đến việc độc quyền bán rượu, muối và thuốc phiện cho dân An Nam để thu lãi khủng cho ngân sách xứ Đông Dương. Nhà máy rượu Hà Nội do Hãng rượu Fontaine thành lập năm 1898 đi kèm với lệnh của Đại Pháp cấm ngặt dân bản xứ nấu rượu gạo, chỉ được uống rượu “Phông Tên” (Fontaine) với hàng nghìn đại lý xâu chuỗi về đến tận thôn xã. Chưa hết. Nhà đoan Pháp còn ra sức cổ vũ dân chúng uống thứ rượu cồn đó với những lời quảng cáo “ích quốc lợi dân” rổn rảng trên không ít báo chương từ Bắc đến Nam. Chẳng thế mà ở số báo Ngày nay 68, nhóm Tự lực văn đoàn từng vẽ bức tranh ông Lý Toét tay cầm chai rượu Fontaine vừa đi nghiêng ngả vừa chép miệng: “Tự do! Tự do! Chúng mình đã được tự do uống rượu rồi còn gì nữa!”. Nay thử tưởng tượng quang cảnh hàng trăm gia đình nông dân khắp các xóm làng cả một tỉnh Hà Tĩnh chiều chiều ông bà, bố mẹ, cho đến con cái ngồi túm tụm quanh thùng bia Sài Gòn, mặt đỏ tưng bừng, miệng hô to “Nào, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam! Dô! Dô!”, còn tay thì cụng chai cốp cốp – thì có phải là thật trọn vẹn một bức tranh “xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” không còn chệch vào đâu được nữa, có phải không thưa ông Võ Kim Cự cùng các vị lãnh đạo “quê choa”?
Bauxite Việt Nam
Hà Tĩnh “hỏa tốc” mời lãnh đạo toàn tỉnh đi dự lễ hội bia
Lê Đình Dũng
Hình ảnh Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bia cho ngư dân nghèo trong chuyến đi làm việc về nông thôn mới trên báo Hà Tĩnh.
Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ‘hỏa tốc’ phát đi giấy mời lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh, các huyện, ngành tham gia chương trình lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn” được tổ chức vào ngày 5.9.2015 này.
Giấy mời do ông Lê Quang Đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ký với nội dung: “Thực hiện cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Bộ Chính trị phát động và Chỉ thị số 48 TU/CT ngày 12.8.2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường thực hiện cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’; UBND tỉnh phối hợp với Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn tổ chức lễ hội ‘Tôi yêu bia Sài Gòn’ năm 2015”.
Thành phần được mời gồm rất nhiều như: các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Chủ tịch và các Phó chủ tịch tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN, Giám đốc và thủ trưởng các sở ban ngành; Thường trực Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy và lãnh đạo UBND các thành phố, thị xã, huyện trong tỉnh…
Lễ hội sẽ được khai mạc vào chiều 5.9 tại sân vận động Hà Tĩnh.
Giấy mời nhấn mạnh: “Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ do Bộ Chính trị phát động và chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian nêu trên”.
Khuyến khích uống bia
Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Sài Gòn có chi nhánh tại Hà Tĩnh là Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn-Hà Tĩnh. Công ty này xây dựng vào năm 2011 với tổng mức đầu tư khoảng 480 tỉ đồng, công suất thiết kế 50 triệu lít bia/năm, sản phẩm sản xuất chính là bia chai Sài Gòn 355ml và bia lon 333.
Theo thông báo của Công ty này, dự tính khi đi vào hoạt động nhà máy chạy đủ công suất sẽ đóng góp nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh khoảng 300 tỉ đồng/năm.
Với chủ trương ưu tiên sử dụng hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh đã không ít lần thể hiện việc khuyến khích uống bia Sài Gòn bằng văn bản và hình ảnh.
Vào tháng 8.2014, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự xuất hiện trên Báo Hà Tĩnh với hình ảnh đang tặng một thùng bia Sài Gòn cho ngư dân. Chuyến đi này của ông Cự với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểm tra tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch Long (Thạch Hà) và làm việc với lãnh đạo, cán bộ cốt cán huyện Thạch Hà. Sau làm việc, ông Cự nói chuyện và tặng quà cho ngư dân Nguyễn Văn Yên ở xã Thạch Long là một thùng bia.
Ở cấp huyện, cũng vào tháng 8.2014, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng đã ký và ban hành văn bản ‘đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn trên địa bàn huyện’.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Bổng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị trong các cuộc hội thảo, hội nghị, tiếp khách theo quy định phải ưu tiên sử dụng đồ uống sản xuất trong tỉnh là bia Sài Gòn của nhà máy bia Sài Gòn-Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim… Đối với các chủ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… phải ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh như bia lon Sài Gòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor…, nước khoáng Sơn Kim.
Tiếp đó, đến tháng 2.2015, huyện Kỳ Anh tiếp tục phát bản cam kết đến các chủ nhà hàng, khách sạn, karaoke về việc tăng cường số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim.
Nội dung của bản cam kết là: “Kể từ ngày 10.2.2015 trở đi, nhà hàng tăng số lượng tiêu thụ bia Sài Gòn (gồm bia Sài Gòn, bia 333…) và nước khoáng Sơn Kim. Giảm dần và tiến tới không tiêu thụ các hãng bia khác và các loại nước khoáng khác.
Ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia 333…, nước khoáng Sơn Kim là góp phần tăng thu ngân sách tỉnh, chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Nhiều người cho rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi các cơ quan, ban ngành và người dân tăng cường sử dụng bia Sài Gòn thay vì các loại bia khác là đúng vì nhà máy bia Sài Gòn-Hà Tĩnh hàng năm đóng ngân sách lớn cho tỉnh.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng việc ‘khuyến khích’, ra văn bản, và ‘đôn đốc’ sử dụng bia Sài Gòn của lãnh đạo các cấp ở tỉnh này đang có biểu hiện ‘làm quá’.
L.Đ.D.