TS. Quang A có thể ‘sẽ kiện Bộ Công an’

Nhà quan sát và hoạt động xã hội Nguyễn Quang A sau khi bị câu lưu 15 tiếng đồng hồ tại sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 01/9/2015. 

Một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam vừa nói với BBC ông có thể ‘sẽ kiện’ lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam về việc an ninh Việt Nam đã ‘câu lưu’ ông một cách bất hợp pháp suốt 15 tiếng đồng hồ tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, Hà Nội, sau khi ông vừa ở nước ngoài trở về.

Hôm 03/9, ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện độc lập (IDS đã tự giải thể), nói với Bàn tròn Trực tuyến của BBC tuần này với chủ đề ‘2/9 và đặc xá và câu lưu’:

“Chắc chắn tôi sẽ nhờ các luật sư xem xét lại tất cả những khía cạnh pháp lý của việc làm của cơ quan an ninh đối với tôi.

“Chắc chắn tôi sẽ nhờ các luật sư xem xét lại tất cả những khía cạnh pháp lý của việc làm của cơ quan an ninh đối với tôi.”

Tiến sỹ Nguyễn Quang A

“Và nếu đủ điều kiện, tôi sẽ vận động những người khác cũng bị như tôi làm một việc” mà theo ông “để chặn đứng tất cả việc làm vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước,” TS Quang A nói với BBC sau khi nhắc lại các cáo buộc về việc ông bị câu lưu mười lăm tiếng đồng hồ tại sân bay.

Ngạc nhiên

Bình luận ngay tại bàn tròn về sự việc mà ông Nguyễn Quang A thuật lại, một luật sư từng tham gia nhiều vụ án liên quan lĩnh vực nhân quyền, nói:

“Tôi có theo dõi việc câu lưu Tiến sỹ Nguyễn Quang A và tôi cũng rất ngạc nhiên về câu chuyện là họ đã vận dụng những quy định pháp luật gì để mà thực hiện câu chuyện giữ người trái pháp luật như vậy…,” Luật sư Trần Thu Nam từ Văn phòng Luật sư Tín Việt & Cộng sự nhận xét.

Và luật sư giải thích:

Luật sư Trần Thu Nam tỏ ra ‘ngạc nhiên’ về cách thức hành xử của nhà chức trách qua cáo buộc của Tiến sỹ Quang A.

“Bởi vì theo pháp luật của Việt Nam, muốn giữ một người theo thủ tục hành chính thì nó phải có trình tự nhất định và phải có người thẩm quyền ra một quyết định ‘tạm giữ hành chính’.

“Và người mà bị tạm giữ đó phải có những dấu hiệu phạm tội, dấu hiệu gọi là ‘vi phạm pháp luật’, thì mới được tạm giữ như là văn bản quyết định, nếu tôi nhớ không lầm, số 12/2013, chỉ cho phép tạm giữ hành chính khi mà người đó đang thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, hay là đang đánh người hoặc là một số hành vi khác.

“Thế thì ở đây chưa có một quyết định nào cả, mà chỉ có một giấy mời làm việc. Thế thì giấy mời, thì người được mời có quyền làm việc hoặc có quyền từ chối làm việc,” luật sư nói với Bàn tròn Trực tuyến thứ Năm.

“Ở đây chưa có một quyết định nào cả, mà chỉ có một giấy mời làm việc. Thế thì giấy mời, thì người được mời có quyền làm việc hoặc có quyền từ chối làm việc”

Luật sư Trần Thu Nam

BBC chưa có điều kiện kiểm chứng các thông tin mà Tiến sỹ Quang A đưa ra về sự kiện hôm thứ Ba.

Khách mời

Bàn tròn Tọa đàm trực tuyến của BBC hôm thứ Năm cũng thảo luận về đợt đặc xá của nhà nước Việt Nam trong dịp 70 năm nước này đánh dấu cuộc Cách mạng Tháng Tám và ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9.

Đợt ân xá được cho là lớn thứ hai về mặt số lượng sau đợt thả tù năm 2009, với trên 18.000 người được đặc xá năm nay, mà trong đó có nhiều người bị tù vì các tội liên quan tới ma-túy, thậm chí giết người v.v…

Tuy nhiên, dường như trong số được đặc xá lần này, nhà nước đã không xem xét một số trường hợp được cho là các tù nhân chính trị mà dư luận trong nước và quốc tế quan tâm.

Trong số các khách mời sẽ có đại diện, nhân chứng được ‘hưởng đặc xá’, hoặc cựu tù nhân ‘chính trị’, nhà hoạt động xã hội, người bị ‘câu lưu’ và chuyên gia luật pháp. Đó là các vị:

 Anh em ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý nằm trong số 18.000 tù nhân mới được ân xá dịp 2-9 năm nay.

Anh em ông Đoàn Văn Vươn (trái) và Đoàn Văn Quý nằm trong số 18.000 tù nhân mới được ân xá dịp 2-9 năm nay.

– Kỹ sư Đoàn Văn Vươn, người mới được ra tù sau 3 năm, 7 tháng 21 ngày bị tù giam sau khi đã có hành vi chống lại quan chức địa phương ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng tới cưỡng chế đất đai và cơ sở sản xuất, nuôi trồng thuỷ, hải sản.

– Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự và nhân quyền của Việt Nam, người mới bị câu lưu hôm thứ Ba sau khi vừa đặt chân về nước ở sân bay Nội Bài, Hà Nội sau một chuyến ra nước ngoài dài ngày.

– Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, cựu tù nhân chính trị, mới được ra tù vài tháng trước sau khi bị bỏ tù theo điều 258 Bộ luật hình sự của Việt Nam về tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ hoạt động ‘tuyên truyền chống phá’ nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, điều mà ông luôn luôn bác bỏ.

– Nhà hoạt động xã hội dân sự, nghệ sỹ điện ảnh Kim Chi, người có mặt trong cuộc ‘đòi trả lại tự do’ trong vụ TS. Nguyễn Quang A bị câu lưu vừa qua ở Nội Bài;

– Và luật sư Trần Thu Nam, luật sư về nhân quyền làm việc tại Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự ở Hà Nội.

Quý vị có thể theo dõi cuộc Tọa đàm Bàn tròn tại đây: http://bit.ly/1Jzkg23

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150903_hangout_2thang9_an_xa_cau_luu

 

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.