Tiến sỹ Nguyễn Quang A về tới Nội Bài vào ngày 1-9-2015 có thể chỉ là một sự trùng hợp. Nhưng việc tước 15 giờ tự do của ông trong đêm trước lễ Độc lập đã gửi một thông điệp rất phản chính trị.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A là một người vận động cải cách một cách ôn hòa. Ông khát khao một tiến trình chuyển đổi an toàn. Thay vì “lật đổ” hay “cướp chính quyền”, ông chủ trương một lộ trình dân chủ hóa có sự tham gia của cả những người đang cầm quyền.
Nếu không có tự do chính trị thì không thể có dân chủ. Nhưng nếu chỉ có tự chính trị thì chưa phải là dân chủ. Một nền dân chủ mạnh, bền vững, chỉ có thể đứng được trên nền tảng: xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền.
Không thể có dân chủ khi nó không phải là nỗi khát khao cháy bỏng của mỗi người dân. Nhưng cũng không thể có dân chủ khi khát khao quá cháy bỏng để rồi nôn nóng quá. Đa đảng có thể xuất hiện sau một đêm nhưng nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự thì cần một quá trình.
Tôi có đôi lần trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Quang A, Việt Nam cần một lộ trình đi đến dân chủ mất hai mươi năm hơn là một lộ trình hai tháng hay chỉ hai năm. Tất nhiên, là phải bắt đầu lộ trình đó ngay từ bây giờ chứ không phải vì “còn hai mươi năm” mà trì hoãn.
Không có những người dấn thân thì không thể có những đổi thay. Nhưng đó không phải là công cuộc tìm kiếm minh quân. Tiến trình xây dựng nền tảng của xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền cần sự tham gia của mọi người. Ai cũng có phần việc của mình để góp một cục gạch cho ngôi nhà tương lai đó.
Tại sao “nước độc lập hơn 70 năm” mà “dân vẫn chưa có tự do”.
Có chính quyền mà nhân sự và mô hình chính trị không được quyết định bởi lá phiếu của người dân thì chỉ mới có được một phiên bản khác của nền thực dân. Có chính quyền mà dân không tin là hết lệ thuộc, đường lối đối nội, đối ngoại chưa hoàn toàn minh bạch, thì Nước cũng chưa độc lập.
Cờ – đèn – kèn – trống chỉ có giá trị sân khấu. Tự do của dân chúng mới là tượng đài vững bền. Tượng đài độc lập.
- Đ.
Nguồn: FB Trương Huy San