1. Sau khi cậu bé 14 tuổi Vũ Thạch Tường Minh, học sinh trường Amsterdam, Hà Nội dùng tính từ “thối nát” để bày tỏ suy nghĩ của cậu về nền giáo dục nước nhà thì gần như ngay lập tức, bên cạnh những ý kiến ủng hộ là luồng ý kiến tỏ vẻ nghi ngờ cậu bé này đã được “mớm” lời trước, hoặc không cũng là do bị xúi dục, bị “giật dây” bởi người nào đó “lớn” hơn. Nhìn lại luồng ý kiến nghi ngờ này nếu không phải xuất phát từ những người đang tự cho mình sự độc quyền “vì dân, vì nước” (nên đã nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ trước “âm mưu diễn biến hòa bình” của các “thế lực thù địch” đang “điên cuồng chống phá ta”) [thì] cũng là từ những vị phụ huynh vốn không bao giờ chịu lắng nghe và tin tưởng vào sự trưởng thành của thế hệ cháu con mình.
Bây giờ chúng ta thử đặt vấn đề tại sao nhiều người lại không tin suy nghĩ và lời nói kia là của cậu bé 14 tuổi – một cá nhân bị ảnh hưởng và chịu tác động trực tiếp bởi nền giáo dục nước nhà hiện nay?
Trong khi đi tìm lời giải cho câu hỏi trên, bản thân tôi thấy rằng, qua sự việc này ít nhiều đã cho thấy dường như đa phần người Việt Nam hôm nay đang mắc phải căn bệnh rất ngặt nghèo: bệnh rối loạn niềm tin hay thậm chí mất luôn cả những đức tin trong cuộc sống! Và căn bệnh này cũng chính là lời cảnh báo cho thấy mối quan hệ rất lỏng lẻo giữa người Việt với người Việt trên mọi phương diện của đời sống xã hội hôm nay, nếu như không kịp thời cải thiện sẽ có nguy cơ đẩy dân tộc và đất nước vào vòng xoáy của những “hiểm họa khôn lường”. Điều này cũng giống như cậu bé 14 tuổi cho rằng nền giáo dục hiện thời đã quá “thối nát” có nghĩa là cậu hoàn toàn không tin vào cách làm của những người đang cai quản nền giáo dục hiện nay và ở chiều ngược lại khi nghe cậu bé nói như vậy những người đang cai quản nền giáo dục cũng không tin cậu bé với ngần ấy tuổi mà có những suy nghĩ và phát ngôn như thế? Một sự “không gặp nhau”, “không tìm được tiếng nói chung” giữa hai thế hệ đang cùng chung sống trong ngôi nhà mang tên Việt Nam XHCN hôm nay?
Tuy vậy, có thể thấy trong mối quan hệ lỏng lẻo này, phía đáng trách hơn cả theo tôi chính là thế giới của “những người lớn”. Nói cách khác, theo quan sát của tôi, có không ít người thuộc “thế giới người lớn” ở Việt Nam hôm nay đang nhìn về “thế giới người trẻ” bằng ánh nhìn không những rất bảo thủ, định kiến mà còn rất ích kỷ, nhỏ mọn… Rất nhiều người hiện nay đang sống với một nhận thức, thái độ cũng như cách hành xử phải nói là rất giả tạo và thiếu sự tôn trọng đối với thế hệ kế thừa. Ở phương diện văn hóa và đạo đức đây chính là biểu hiện của sự dối trá, lừa mỵ, nói một đằng làm một nẻo của những kẻ miệng lúc nào cũng bảo “đặt trọn vẹn niềm tin vào giới trẻ” hay “tương lai vận mệnh của đất nước đang nằm trong tay các bạn trẻ” nhưng trên thực tế thì rất độc đoán, chuyên quyền, không bao giờ chịu lắng nghe và đối thoại nghiêm túc với con em mình.
Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao nhiều người trong khi tỏ vẻ nghi ngờ suy nghĩ và sự cảm nhận của cậu bé 14 tuổi nhưng cũng chính họ chứ không phải ai khác đang oang oang cho rằng mình rất sáng suốt trong công cuộc “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực tư duy và óc sáng tạo cho thế hệ trẻ thay vì nhồi hét kiến thức một chiều như trước đây? Tại sao một mặt họ không tin vào khả năng và nhận thức của những đứa trẻ nhưng mặt khác lại triển khai và áp dụng mô hình “chủ tịch hội đồng tự quản” ở bậc giáo dục tiểu học nhằm phát triển tư duy và phẩm chất của các em? Hay tại sao nhiều người không tin người trẻ nhưng lại ra sức cổ vũ và tuyên truyền trên sóng truyền hình quốc gia rằng tuổi trẻ Việt Nam vốn thông minh, lanh lẹ, mưu trí bằng những chương trình game show với tên gọi rất cụ thể như: “Trẻ em luôn luôn đúng”, “Ai thông minh hơn học sinh lớp 5?”, “Đường lên đỉnh Olympia”…?
2. Không tin và không chịu lắng nghe người trẻ nghĩ, người trẻ nói đã đành, nhiều người trong “thế giới người lớn” hiện nay còn nhẫn tâm lợi dụng uy quyền cùng những lề thói, cái nhìn định kiến, bảo thủ của mình (kiểu “sống lâu lên lão làng”, “gừng càng già càng cay”) để trù dập và nhất là đẩy những người trẻ vào bước đường cùng, hay không cho họ cơ hội để sửa sai (trường hợp nếu cho rằng người trẻ phạm sai lầm)? Hoặc không thì lại biến người trẻ thành những con rối không hơn không kém.
Thật không hiểu nổi tại sao nhiều người trong “thế giới người lớn” hôm nay lại sợ và cảm thấy bất an về một công trình nghiên cứu khoa học – vốn là thành quả bước đầu của cô giáo Đỗ Thị Thoan với tuổi đời chỉ mới ngoài 30? Đến nỗi phải “cử” người lôi công trình ấy ra, bới tung nó lên sau đó xé nó đi rồi tiện đà đẩy chủ nhân của nó xuống vực thẳm trong sự ngờ vực, cảnh giác rất cao độ chẳng khác gì những kẻ bị tâm thần và hoang tưởng! Nếu thực sự là những người làm khoa học chân chính và có lương tri thì tại sao không ngồi xuống đối thoại với cô giáo trẻ ấy một cách đường hoàng và nghiêm túc? Tại sao một mặt thì kêu gọi, hô hào “đổi mới nhận thức”, “đổi mới tư duy” nhằm phát huy sự sáng tạo, “phát huy tiềm lực của khối đại đoàn kết dân tộc” nhưng khi con, cháu mình sáng tạo và đổi mới thì lại xuống tay không thương tiếc?
Là “người lớn” mà lại cư xử xử với thế hệ cháu con mình như vậy nhưng không biết thẹn trái lại còn giương giương tự đắc nghĩ rằng mình vừa mới lập nên một chiến công hiển hách?
Và cũng thật là xấu hổ bởi chỉ vì cách hành xử ấy mà nhiều người đã biến một bộ phận giới trẻ hiện nay thành những chú gà công nghiệp với bộ mặt nếu không ngơ ngáo cũng là hoang mang, đăm chiêu vì không biết phải làm gì trước những vấn đề của xã hội đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của dân tộc, đến chủ quyền và bờ cõi Thiêng Liêng của Tổ quốc. Thử hỏi có đau lòng không trong khi kẻ thù đang rình rập xâm lấn biển đảo quê hương thì một bộ phận giới trẻ Việt Nam vốn được xem là thông minh, mưu trí, sức dài vai rộng nhưng chẳng biết làm gì ngoài chuyện suốt ngày ăn no rồi lên face lập hội để “chém gió”? Khá hơn một chút thì được các “anh chị” thuộc tổ chức Đoàn thanh niên CS “dìu dắt”, bày ra các chương “văn nghệ, văn gừng” nhằm “lên gân lên cốt” cho nhau! Cuối cùng là… đi mua và“tặng cờ Tổ quốc nhằm tiếp thêm sức mạnh cho bà con ngư dân kiên cường bám biển”? Những người trẻ như thế này thì được ca ngợi hết lời trong khi người trẻ khác với thái độ và hành động quyết liệt hơn (như xuống đường biểu tình phản đối quân xâm lược) thì bị phê phán, lên án thì liệu có trái khoáy không? Phải chăng “những người lớn” và những bạn trẻ được xem là “ngoan hiền”, “biết vâng lời” và “yêu nước có ý thức” kia nghĩ rằng kẻ thù hung ác một khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam thì chúng sẽ thôi không… ác nữa, hay chúng sẽ tha cho đồng bào mình trên những con tàu vỏ gỗ chẳng khác gì hai mảnh trấu nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông?
3. Có ý kiến nói rằng, sở dĩ đất nước Việt Nam hôm nay không thể phát triển là vì phần đông tầng lớp trí thức nước nhà chịu ảnh hưởng và chi phối quá nặng nề bởi tư tưởng, văn hóa “hủ nho” thời trước. Nhận xét này theo tôi là rất đúng, và thậm chí có lẽ phải nói thêm rằng, về mặt tư duy và nhận thức, nhiều “trí thức” hiện nay ở Việt Nam còn tệ hơn thế nữa, nghĩa là còn bảo thủ và độc đoán hơn cả tầng lớp trí thức thời xưa.
Nên nhớ rằng, tuy ngày nay chúng ta gọi là “hủ nho” nhưng các bậc trí thức trong xã hội Việt Nam thời xưa lại thừa nhận “cậu bé” Nguyễn Hiền – người được xem là Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng nước Việt (12 tuổi). Và cùng năm (1247) với Trạng nguyên Nguyễn Hiền là Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi) và Thám hoa Đặng La Mã [nguyên tên trong sử cũ là Đặng Ma La 鄧麻羅 (1234-1285) – BVN] (14 tuổi). Đó là chưa kể đến trường hợp những “thần đồng” như Trạng Lường – Lương Thế Vinh (1441-1496), nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) sau này – những người mà giai thoại lịch sử kể rằng thuở nhỏ vốn rất nổi tiếng là những đứa trẻ thông minh, lanh lẹ nhưng cũng rất hay “quậy phá”, “lí lắc” làm cho các bậc trưởng thượng vô cùng khổ sở…
Hay gần đây nhất là trong thời kỳ Pháp thuộc, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1930 đến 1945, nước Việt đã sản sinh ra rất nhiều nhân sĩ trí thức tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có những công hiến lớn lao đối với lịch sử, văn hóa dân tộc.
Trong cái nhìn so sánh hãy nghiêm túc nhìn lại xem, Việt Nam từ ngày thống nhất đến nay đã tròn 40 năm thế nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trẻ dưới 35 tuổi trong mấy chục triệu dân được xã hội thừa nhận và cho phép giữ các chức vụ lãnh đạo quan trọng trong bộ máy Nhà nước (tính theo đơn vị hành chính từ cấp quận huyện, trở lên)? Hay Việt Nam có bao nhiêu người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 30 đạt được những thành tựu trong các hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật… được cộng đồng thừa nhận như giai đoạn 1930-1945? Tuy chưa có một thống kê cụ thể nhưng theo tôi thì tỉ lệ những người trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên sau ngày 30/4/1975 được xã hội thừa nhận như so sánh trên là rất ít. Từ đây, thử hỏi một xã hội, một đất nước đang trong thời kỳ “dân số vàng” mà giới trẻ bị đối xử như vậy thì có phải là rất tệ hại không? Và lỗi này đương nhiên là thuộc về thế giới “những người lớn” đang cai quản đất nước này chứ còn ai vô đây nữa mà chối? Đến đây, tôi bỗng nhớ lại một nhận xét trong bài “Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” (được cho) của một du học sinh người Nhật cách đây một năm như sau:
“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường?”
4. Còn nhớ, để phản biện lại luận điệu nghi ngờ cậu bé Vũ Thạch Tường Minh bị mớm lời hay xúi giục, nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bài viết “Đi xa hỏi già về nhà hỏi trẻ” đã nói rằng: “… có ý kiến cho rằng đám đông người lớn nổi loạn đang mượn miệng trẻ con, nói những điều không thuộc thế giới trẻ thơ. Thật lạ, khi cần, người ta vẫn chứng minh các thiếu niên Lê Văn Tám, Kim Đồng, Kơ-pa Kơ-Lơng, Võ Thị Sáu… là đầy đủ ý thức. Còn nếu không, thì mọi phát ngôn khác đều là bị coi là bị “kẻ xấu” xúi giục”. [1]
Với lập luận này của nhạc sĩ Tuấn Khanh, tôi tin rằng những người lớn nào nghi ngờ cậu bé Vũ Thạch Tường Minh bị người khác xúi giục hoặc là “cứng họng” hoặc cùng lắm là sẽ tiếp tục thói ngụy biện nhằm chứng minh cho sự hồ đồ và ngoan cố của bản thân mà thôi.
Từ đây, một kết luận cuối cùng là nếu “thế giới người lớn” hôm nay không chịu nghe, không chịu tin, không chịu ngồi xuống và đối thoại nghiêm túc với thế hệ trẻ để xem họ đang thực sự nghĩ gì, muốn gì thì đừng có mơ về một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” trong tương lai.
Nếu không triệt để thay đổi nhận thức thì cái khẩu hiệu trên, theo tôi nếu không phải là sự ảo tưởng thì cũng là bốc phét, mỵ dân của những kẻ không phải “đểu giả” mà là đểu…thật.
CT, 29/8/2015
N.T.B.
[1] Tuấn Khanh – “Đi xa hỏi già về nhà hỏi trẻ”. https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/08/19/di-xa-hoi-gia-ve-nha-hoi-tre/
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 29-8-15
Nguồn: http://www.viet-studies.info/NTrongBinh_RoiLoanNiemTin.htm