Dịch giả: Trà Văn Kính
26 Tháng Tám , 2015
Bức ảnh này được chụp vào ngày 15 tháng 2 năm 2015, cho thấy một người Trung Quốc đang bán thịt, chuẩn bị xắt thịt heo để bán trong một ngôi chợ ở Bắc Kinh (STR / AFP / Getty Images)
Những vụ bê bối xảy ra một cách đều đặn trong ngành công nghiệp thực phẩm đã làm xã hội Trung Quốc choáng váng, tạo nên làn sóng hoài nghi mới đối với các nhà chức trách Trung Quốc về khả năng của họ trong việc điều chỉnh tốt lĩnh vực an toàn thực phẩm. Từ sữa bột trẻ em bị nhiễm melamine đã giết chết ít nhất 6 trẻ sơ sinh và gây bệnh cho 300.000 trẻ khác, cho đến cá rô phi bị ngâm trong hóa chất và thuốc kháng sinh, [khiến cho] người dân Trung Quốc trở thành nạn nhân của rất nhiều nỗi sợ hãi liên quan đến thực phẩm kém chất lượng, và thậm chí cả các loại thực phẩm và sản phẩm có chứa chất độc hại.
Tương tự như vậy, ngành công nghiệp thịt của Trung Quốc cũng bị gây tổn hại do các nhà sản xuất và chế biến thịt đã lạm dụng và cố tình vi phạm luật pháp nhằm thu về cho mình nguồn lợi nhuận lớn hơn và nhanh hơn.
Cho đến nay, các vụ bê bối liên quan đến thịt của Trung Quốc đã gây cho Mỹ sự ảnh hưởng nho nhỏ, vì Trung Quốc xuất khẩu thịt qua đây rất ít, tổng cộng chỉ có 5,2 triệu USD trong năm 2014. Tuy nhiên, điều này có thể sớm thay đổi, khi mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào năm 2014 rằng một số cơ sở chế biến ở Trung Quốc có thể xử lý thịt gà của Mỹ rồi xuất khẩu trở lại Mỹ để tiêu thụ vì chi phí lao động ở Trung Quốc rẻ hơn rất nhiều. Sự thay đổi này đã dẫn đến những lo ngại về sự an toàn từ các nhà máy chế biến thực phẩm ở Trung Quốc, đặc biệt là kể từ khi thực phẩm được tiếp tục xử lý ở Trung Quốc không phải bắt buộc dán nhãn [an toàn thực phẩm].
Dưới đây là 5 vụ bê bối đáng báo động nhất tại Trung Quốc liên quan đến thịt trong những năm gần đây:
1. Thịt heo chứa chất kích thích khiến cho các vận động viên Olympic bị truất quyền thi đấu
Đông Văn – nữ vận động viên người Trung Quốc lên bục nhận huy chương vàng dành cho hạng cân trên 78kg tại giải vô địch Judo thế giới, vào ngày 27 tháng 8 năm 2011 ở Paris (Bertrand Langlois / AFP / Getty Images)
Vào tháng 3 năm 2011, hàng trăm người Trung Quốc đã bị bệnh do tiêu thụ thịt heo nhiễm clenbuterol, một chất hóa học có thể làm cho cơ thể run lẩy bẩy, buồn nôn và đau đầu, theo Trung tâm Quốc gia về Thông tin Công nghệ Sinh học. Chất này được sử dụng để làm cho heo tăng cân nhanh hơn và thịt có nhiều nạc hơn, nhiều người chăn nuôi Trung Quốc đã bắt đầu thêm chất clenbuterol vào khẩu phần ăn của heo từ cuối những năm 1980. Sau đó, người ta phát hiện ra nó gây nguy hiểm đến sức khỏe, nên chất này đã bị cấm vào năm 2002, nhưng một số người chăn nuôi heo vẫn tiếp tục sử dụng trái phép loại thuốc này nhằm thu lợi nhuận.
Trong năm 2012, Tổng cục Thể thao của Trung Quốc đã ban hành một công văn khẩn cấp yêu cầu các vận động viên Trung Quốc dự thi Olympic không được ăn thịt vì sợ rằng họ sẽ tiêu thụ chất clenbuterol, do chất này đã bị cấm dùng trong thi đấu vì đặc tính nâng cao khả năng của các vận động viên. Thông báo này được đưa ra sau khi Đông Văn – nhà vô địch judo người Trung Quốc đã bị cấm thi đấu 2 năm vì có dư lượng chất clenbuterol trong máu.
2. Thịt heo phát sáng trong bóng tối
(Ảnh: chinasmack.com)
Vào năm 2011, nhiều người tiêu dùng đã thông báo rằng trong bóng tối, họ phát hiện miếng thịt heo sáng rực một màu xanh óng ánh. Sau khi điều tra, các nhà nghiên cứu phát hiện thịt có nhiều khả năng bị ô nhiễm bởi một loại vi khuẩn phát quang. Cục Giám sát y tế Thượng Hải tuyên bố là thịt vẫn an toàn nếu được nấu chín hoàn toàn, nhưng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc vẫn hoài nghi.
3. “Thịt cừu” được làm từ những con chuột
Bức ảnh này được chụp vào ngày 6 tháng 5 năm 2013, cho thấy một đĩa thịt cừu đang bày trên bàn trong một nhà hàng lẩu ở Thượng Hải. Trung Quốc đã bắt giữ 900 người vì tội lấy thịt chuột và thịt cáo để làm giả thành thịt bò và thịt cừu. Bộ Công an đã cho biết như trên, trong một đợt trấn áp tội phạm thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm trên toàn quốc (STR / AFP / Getty Images).
Vào đầu năm 2013, là một phần của chiến dịch điều tra các vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ 63 người vì đã chế biến thịt cừu từ các loại thịt của cáo, chồn, chuột và các loài thú nhỏ khác bằng các chất phụ gia không an toàn để đem đi bán tại các chợ nông sản trong tỉnh Giang Tô và Thượng Hải. Trong toàn bộ cuộc điều tra về an toàn thực phẩm, các cán bộ đã bắt giữ hơn 900 nghi phạm vì đã bán và sản xuất các sản phẩm giả mạo hoặc thịt bị nhiễm độc, và thu giữ hơn 20 tấn thịt.
4. Thịt quá hạn trong bánh mì kẹp thịt của McDonald
Khách bộ hành đang đi ngang qua nhà hàng của McDonald ở Thượng Hải ngày 22 tháng 7 năm 2014 (Johannes Eisele / AFP / Getty Images)
Vào giữa năm 2014, một chương trình thời sự của đài truyền hình địa phương ở Thượng Hải đã phát sóng một đoạn băng do camera bí mật quay những người công nhân tại một nhà máy của Công ty Thực phẩm Phúc Hỷ Thượng Hải (Husi Food Shanghai) – một chi nhánh của tập đoàn OSI có trụ sở tại bang Illinois, Mỹ, đang chế biến thịt gà và thịt bò đã hết hạn sử dụng. Các sản phẩm này đã được mang đi phân phối cho các chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC và Pizza Hut. Đoạn video cho thấy họ trộn chung thịt đã hết hạn từ tháng trước với những miếng thịt tươi bằng tay trần, và thậm chí còn nhặt những miếng thịt đã rơi xuống đất và ném chúng trở lại dây chuyền chế biến. Các nhà chức trách cũng phát hiện nhà máy của công ty Husi Food đã thay đổi ngày hết hạn trên hàng ngàn sản phẩm.
Kết quả là, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải đã nhanh chóng đóng cửa nhà máy này. Đoạn video đã dẫn tới một đợt thu hồi rất lớn những sản phẩm làm từ thịt. Và các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tại Trung Quốc tuyên bố họ đã ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm của công ty Husi Food Thượng Hải. Nhiều chi nhánh McDonald tại Trung Quốc, do không có thịt để cho vào bánh kẹp thịt gà hay bò của mình, nên đã phục vụ bánh mì kẹp cá và khoai tây chiên trong nhiều ngày liền.
5. Thịt gia cầm 40 năm tuổi
Sản phẩm cánh gà đông lạnh trên một kệ trưng bày tại siêu thị ở Bắc Kinh (Frederic J. BROWN / AFP / Getty Images)
Trong một chiến dịch trên quy mô toàn quốc trải rộng khắp 14 tỉnh và khu vực, các quan chức Trung Quốc đã bắt giữ hơn 100.000 tấn thịt đông lạnh nhập lậu trị giá hơn 480 triệu USD. Thịt thường được vận chuyển từ nước ngoài đến Hồng Kông và sau đó là Việt Nam, trước khi chúng được nhập lậu qua biên giới.
Trong nhiều trường hợp, những kẻ buôn lậu đã sử dụng xe tải không có thiết bị giữ lạnh để vận chuyển thịt nhằm cắt giảm chi phí, rồi làm chúng đông lạnh lại nhiều lần trên suốt đoạn đường. Cho đến khi thịt được vận chuyển đến nhiều ngôi chợ để người ta làm đông lạnh trở lại một lần nữa, chúng có thể đã bốc mùi thối rữa, như một cán bộ hải quan ở Trường Sa, Hồ Nam cho biết: “Suýt nữa thì tôi đã nôn ra, khi cửa xe được mở”.
Ở Quảng Tây, nhiều cán bộ hải quan tìm thấy một số thịt lậu có tuổi đời hơn 40 năm, theo một bài đăng trên Nhật Báo Trung Quốc – cơ quan ngôn luận chính thức bằng tiếng Anh của nhà cầm quyền Trung Quốc. Thịt bò, thịt lợn, và rất nhiều cánh gà đông lạnh này sắp sửa bán cho các cửa hàng bán lẻ, siêu thị và nhà hàng trên khắp quốc gia này. Các nhà chức trách Trung Quốc không nói rõ số thịt này đến từ đâu hoặc làm thế nào nó đã được lưu trữ trong vài thập kỷ qua. Leung Ka-sing, một giáo sư chuyên ngành sinh học tại Đại học Bách Khoa Hồng Kông cho biết trong một báo cáo trên tờ South China Morning Post, rằng thịt có thể đã được xử lý bằng một lượng lớn các hóa chất bảo quản để ngăn ngừa chúng không bị thối rữa, và không nghi ngờ gì nữa khi khẳng định chúng chứa rất nhiều vi khuẩn độc hại.
Nguồn:
http://vietdaikynguyen.com/v3/70420-5-vu-boi-thit-tai-trung-quoc-se-lam-cho-ban-khiep/#