Nhân bài viết của Kỹ sư Lê Quốc Trinh bàn về việc có nên hay không thăm dò khai thác “bể than sông Hồng” đăng trên BVN từ năm 2009 (kèm thêm bài hưởng ứng cùng lúc của GSTS Nguyễn Thế Hùng), mới đây lại được đăng lại vào ngày 20-8-2015 theo nguyện vọng của hai tác giả (xin xem ở đây), nhằm gióng lên một lần nữa lời cảnh báo khẩn thiết đối với nhà cầm quyền trước nguy cơ nước biển đang xâm nhập nhiều vùng thấp trũng trên lãnh thổ Việt Nam trong đó có đồng bằng sông Hồng, TS Nguyễn Thành Sơn, người được nhắc đến trong bài – một cộng tác viên gần gũi của BVN, cũng là người từng được giao phụ trách dự án “mở bể than sông Hồng” vào thời gian cụm bài viết của Lê Quốc Trinh và Nguyễn Thế Hùng công bố lần đầu – có viết một lá thư nhờ BVN chuyển cho ông Lê Quốc Trinh nói rõ một vài sự thật, không chỉ khoanh trong chuyện “bể than sông Hồng”.
Nhận thấy đây là một vấn đề khá quan trọng, liên quan đến nhiều việc lâu nay dư luận vẫn đang quan tâm mà chưa biết rõ hư thực, được ông Nguyễn Thành Sơn tán thành, chúng tôi xin công bố bức thư lên trang BVN để người có trách nhiệm cũng như bạn đọc rộng rãi cùng tham khảo.
Bauxite Việt Nam
Thưa anh Lê Quốc Trinh,
Qua anh Tô Văn Trường, tôi đọc được ý kiến của anh đề ngày 15/8/2015 trên Bauxite Việt Nam về than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), trong đó có nhắc đến tôi.
Đã lâu rồi tôi không trao đổi gì về than ở ĐBSH với báo chí (vì tôi đã về hưu), còn Công ty Năng lượng sông Hồng cũng đã được Vinacomin đổi thành BQL từ lâu lắm rồi. Nhân dịp này, tôi xin được trao đổi vài điều với anh:
1/ Chính vì tôi phản đối bauxite Tây Nguyên, Vinacomin đã giao tôi dự án nhạy cảm và khó nhằn này để dằn mặt là chính (thực ra thì cũng chẳng có ai dám nhận vì nó là “khúc xương” của Vinacomin). Tuy nhiên, tôi với tư cách là một cán bộ KHKT (chứ không phải là một Giám đốc của Vinacomin) không hổ thẹn với những gì đã kịp làm ở bể than ĐBSH trước khi về hưu; đó là:
- Đánh giá lại tiềm năng của bể than ĐBSH: Theo tính toán của tôi, bể than ĐBSH chỉ có tiềm năng khoảng hơn 30 tỷ tấn (chứ không phải là 210 tỷ tấn như các nhà địa chất đưa ra), và nếu áp dụng công nghệ UCG (giống như dự án “Đồi Thiên Nga” của Canada đã làm), khả năng khai thác được chỉ khoảng 10 tỷ tấn, còn nếu áp dụng công nghệ hầm lò truyền thống như ở Quảng Ninh (UCM) thì chỉ khai thác được tối đa là 3 tỷ tấn (tức chỉ tương đương với trữ lượng của bể than Quảng Ninh).
- Khẳng định, bể than ĐBSH chỉ tồn tại ở 2 tỉnh Hưng Yên (10%) và Thái Bình (90%). Còn 9 tỉnh còn lại (cũng nằm trong ĐBSH) không có than đáng để quan tâm (kể cả ở Nam Định, Hà Nam quê tôi).
- Đã đề xuất và thuyết phục được Bộ Công Thương và Chính phủ cho phép Vinacomin thử nghiệm công nghệ UCG ở bể than ĐBSH, mà theo đó, gần đây Vinacomin đã nhận được giấy phép thăm dò để thử nghiệm.
- Phản đối việc Chính phủ VN “quẳng tiền qua cửa sổ” khi cấp vốn ngân sách (tiền thuế của dân) cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN đang triển khai một cách không cần thiết đề án “điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng” của bể than ĐBSH. Tôi và anh Nhự (Kỹ sư địa chất của PVN, cũng đã về hưu) đã nhiều lần gửi thư (E-mail) cho anh Hoàng Trung Hải (Phó Thủ tướng) nói rõ việc phản đối này. Nhưng không ai nghe cả. Tiền thuế của dân vẫn đang được sử dụng vào việc vớ vẩn ở bể than ĐBSH.
2/ Việc anh nhắc lại những ý kiến của tôi về bauxite, tôi xin cám ơn. Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy ý kiến nào của mình về bauxite là sai cả. Ngược lại, thực tế đã chứng minh là tôi đúng. Riêng phần anh “qui tội” cho tôi liên quan đến bể than ĐBSH thì hơi vội và không có gì đúng sự thật:
- Việc sông Hồng cạn như hiện nay là do từ 1988 nhà máy thủy điện Hòa Bình (1920MWe) đi vào hoạt động. Nhà máy này có 2 chức năng phát điện và điều tiết lũ. Chính vì vậy, việc khô hạn ở ĐBSH là đương nhiên.
- Ở Hưng Yên, người dân biết “không còn lũ lụt” như ngày xưa nên đã chuyển đổi cây trồng rất hiệu quả.
- Ở Thái Bình, bây giờ nước mặn xâm nhập vào còn sâu hơn so với ở đồng bằng sông Cửu Long. Có nơi tới 60km. Những hiện tượng đó không phải là hậu quả của việc triển khai bể than ĐBSH như anh nói. Vì ở ĐBSH đã có ai “động” được đến than đâu. Sắp tới (2-3 năm nữa), may ra Vinacomin mới thử nghiệm công nghệ như tôi đã đề xuất. Thế thôi.
3/ Tôi với anh là đồng nghiệp, chúng ta hiểu nhau không cần nhiều lời. Khi còn công tác, tôi cũng trực tiếp thăm ngành than của nhiều nước (Nga, Ucraina, Kazakstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Úc, Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc, Bulgaria, Rumania, Nhật, Bangladesh, Thái Lan). Tôi thấy ngành than của VN, so với của các nước đó rất khó khăn (trữ lượng quá nhỏ, điều kiện mỏ-địa chất và điều kiện mỏ-kỹ thuật quá phức tạp). Chính vì vậy, tôi cũng là người phản đối (ngay từ những năm 2000) việc Vinacomin xuất khẩu than (xuất quá nhiều, và bán quá rẻ).
4/ Hiện Công ty “New Technology Solutions” của tôi đang tư vấn cho các doanh nghiệp VN trong các lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, năng lượng và hóa chất. Chúng tôi đang quan tâm xử lý các vấn đề như: (i) tận dụng các chất thải công nghiệp (trong đó có xử lý bùn đỏ trên Tây Nguyên); (ii) công nghệ chế biến sâu quặng ilmenit-titan; (iii) công nghệ CMD (Chemical Mangan Dioxid) v.v.
5/ Ngoài ra, tôi đang cố vấn cho các DN về nhập khẩu than vào VN để bán cho các nhà máy điện và xi măng. Trong tương lai, VN phải nhập khẩu nhiều than. Nhân tiện hỏi anh khả năng nhập than (Mỹ và/hoặc Canada) về VN qua cảng than mới Gateway Pacific (gần cảng Puget Suond) của Mỹ liệu có khả thi?
Nếu anh có thể giúp được gì thì tốt quá.
Kính chúc anh sức khỏe và hạnh phúc.
Nguyễn Thành Sơn
Hà Nội, 26/8/2015