Mặt trái của cuộc cách mạng kỹ thuật số

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

 

Eric Schmidt là chủ tịch, và cựu Tổng Giám đốc, của công ty Google. Jared Cohen là Giám đốc Google Ideas. Họ là tác giả của cuốn “The New Digital Age: Reshaping the Future of People, Nations and Business” (Tân Kỷ nguyên Kỹ thuật số: Tái định hình Tương lai của Con người, Các quốc gia, và Kinh doanh), do nhà xuất bản Alfred A. Knopf phát hành ngày 23/4/2013. Bài viết sau đây trích từ cuốn sách này, bàn về mảng u ám của cách mạng kỹ thuật số khi bị các chế độ độc tài lợi dụng để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến, đồng thời đề cập đến khả năng phe chống đối nhà nước chuyên quyền có thể vận dụng kỹ thuật số để tạo thay đổi tích cực, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Làm sao ta giải thích cho người ta hiểu họ là hiện tượng nổi đình nổi đám trên YouTube, khi họ chưa hề nghe tới YouTube hay Internet? Chúng tôi đã đụng câu hỏi này trong chuyến thăm Bắc Hàn hồi tháng Giêng, khi chúng tôi thử bắt chuyện với công an giao thông Bình Nhưỡng. Bạn có thể đã xem trên mạng những đoạn video tuyên truyền của Chính phủ Bắc Hàn chiếu cảnh “công an giao thông” ở thủ đô điều khiển giao thông bằng những động tác uyển chuyển như múa ba lê khiến họ nổi tiếng trên mạng. Tuy nhiên, chính các nam nữ công an này – giống như phần lớn người dân Bắc Hàn – chưa từng thấy một trang mạng, dùng máy vi tính để bàn, hoặc cầm một máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Họ chưa từng nghe tới Google (hay Bing, nếu cũng phải kể luôn cho khách quan).

Ngay cả ý tưởng về Internet cũng chưa thấm vào ý thức của công chúng ở Bắc Hàn. Khi người ngoại quốc tới thăm, Chính phủ dàn dựng những buổi lướt mạng Internet bằng cách cho “các sinh viên” xem như những nội dung được tải về từ trước và đã được duyệt trước, dành hàng giờ đồng hồ (như họ đã làm khi chúng tôi có mặt ở đó) rê chuột kéo màn hình hết lên rồi xuống rất nhịp nhàng đồng bộ rất đúng phong thái của xứ toàn trị.  Rốt cuộc chúng tôi đành thử mô tả với những người Bắc Hàn mình gặp về Internet bằng các giá trị của nó: tự do phát biểu, tự do hội họp, tư duy phản biện, tinh thần trọng người giỏi người tài. Đây là những ý tưởng không dễ chấp nhận trong một xã hội mà ở đó “Lãnh tụ kính yêu” được xem là nguồn cung cấp mọi thông tin, và hình phạt cho tội phủ nhận lãnh tụ là thanh trừng và tru di tam tộc của đương sự.

Các sinh viên trong phòng máy tại một đại học ở Bình Nhưỡng đang xem một số trang mạng, trong đó có Wikipedia và Google. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy họ hầu như chỉ rê chuột lên xuống với vẻ hết sức tập trung và có kỷ luật. (Ảnh của đồng tác giả Jared Cohen)

Bắc Hàn đang ở giai đoạn khai cuộc của một ván cờ mèo vờn chuột đang diễn ra trên khắp thế giới giữa những chế độ đàn áp và người dân của họ. Hầu như trên khắp thế giới, sự phổ biến khả năng kết nối đã thay đổi kỳ vọng của người dân đối với Chính phủ của họ. Bắc Hàn là một trong nơi cố thủ cuối cùng. Chỉ mới vài năm trước đây, cái giá phải trả cho việc bị bắt quả tang sử dụng điện thoại trái phép ở nước này là án tử hình. Điện thoại di động hiện nay đã phổ biến hơn ở Bắc Hàn kể từ khi Chính phủ quyết định cho phép một triệu công dân sử dụng; và ở những vùng gần biên giới, đôi khi có thể truy cập được Internet vì công dân có thể thỉnh thoảng bắt được tín hiệu từ Trung Quốc. Trong những chuyện nêu trên, không một điều nào có thể biến đổi đất nước này trong một sớm một chiều, nhưng có thể biết chắc một điều: Tuy có thể ngăn cản và theo dõi công nghệ, một khi [người dân] đã tiếp cận được công nghệ, thì ngay cả những chế độ đàn áp nặng nề nhất cũng không thể cất lại công nghệ vào hộp khóa kín.

Điều này có ý nghĩa gì đối với các Chính phủ và những người muốn làm cách mạng? Tuy công nghệ có tiềm năng lớn để tạo ra thay đổi, cuộc cách mạng kỹ thuật số có mặt trái thường bị phớt lờ. Một quá trình chuyển biến đầy sóng gió đang đợi các chế độ chuyên quyền khi ở các chế độ đó ngày càng có thêm nhiều công dân lên mạng, nhưng công nghệ không chỉ giúp người tốt kêu gọi cải tổ dân chủ, mà công nghệ còn cung cấp những công cụ mới rất hữu hiệu để các nhà độc tài bóp nghẹt chính kiến bất đồng.

Năm mươi bảy phần trăm dân số thế giới vẫn sống trong các chế độ chuyên quyền dưới một hình thức nào đó. Trong vòng một thập niên, các chế độ chuyên quyền sẽ đi từ chỗ chỉ có thiểu số tới chỗ có đa số công dân của mình lên mạng. Từ Tehran tới Bắc Kinh, những kẻ chuyên quyền đang xây dựng công nghệ và huấn luyện nhân sự để trấn áp chính kiến bất đồng dân chủ, thường với sự giúp đỡ của các công ty phương Tây.

Hẳn nhiên việc này không dễ, mà cũng chẳng rẻ. Những kẻ chuyên quyền trên thế giới sẽ phải tiêu tốn nhiều tiền để xây dựng các hệ thống có khả năng theo dõi và chế ngự sinh lực của giới bất đồng chính kiến. Họ sẽ cần các tháp tín hiệu thông tin di động và các máy chủ, những trung tâm dữ liệu lớn, phần mềm chuyên dụng, hàng ngũ đông đảo nhân sự được huấn luyện và nguồn cung cấp đáng tin cậy cho các nguồn lực cơ bản như điện và khả năng kết nối Internet. Một khi đã có cơ sở hạ tầng như vậy, các chế độ đàn áp sẽ cần các siêu máy điện toán để quản lý biển thông tin tràn ngập.

Tuy tốn kém, tất cả những gì mà một chế độ cần để xây dựng một nhà nước cảnh sát kỹ thuật số vô cùng đáng sợ – trong đó có phần mềm giúp dễ dàng khai thác và phân tích dữ liệu, và theo dõi công dân ngay lúc diễn ra hoạt động – hiện giờ đều đã có sẵn trên thị trường. Hơn nữa, sau khi một chế độ xây xong nhà nước chuyên rình rập giám sát, chế độ đó sẽ chia sẻ những bài học của mình với các chế độ khác. Chúng ta biết rằng những Chính phủ chuyên quyền chia sẻ thông tin, các chiến lược cai trị và phần cứng quân sự, và cũng hợp lý thôi khi cái cấu hình mà một nhà nước thiết kế (nếu công hiệu) sẽ truyền bá sang các đồng minh của nhà nước đó và đủ loại chế độ khác. Các công ty bán phần mềm khai thác và phân tích dữ liệu, máy quay phim để giám sát và các sản phẩm khác sẽ phô trương sản phẩm của mình với một Chính phủ để thu hút thêm đơn đặt hàng mới. Đây chính là phiên bản kỹ thuật số của việc buôn bán vũ khí, và cũng giống như buôn bán vũ khí, việc này không hề rẻ. Những chế độ chuyên quyền giàu tài nguyên quốc gia – dầu, khí đốt, khoáng sản – sẽ đủ sức trang trải. Những chế độ độc tài nghèo hơn có thể không đủ khả năng duy trì công nghệ tân tiến nhất và phải lệ thuộc vào những nước bảo hộ cùng ý thức hệ.

Và đừng nghĩ rằng dữ liệu do các chế độ chuyên quyền thu thập chỉ giới hạn ở những thứ ta đưa lên Facebook hay các bình luận trên Twitter. Những dữ liệu quan trọng nhất họ sẽ thu thập trong tương lai sẽ là thông tin sinh trắc; các thông tin này có thể được dùng để xác định các cá nhân thông qua những đặc tính cơ thể và sinh học đặc thù của từng người. Dấu vân tay, hình ảnh và thử DNA đều là những loại dữ liệu sinh trắc quen thuộc hiện nay. Thực vậy, trong tương lai, du khách tới những nước có chế độ đàn áp có thể ngạc nhiên khi thấy an ninh sân bay đòi hỏi không chỉ tờ khai hải quan hay kiểm tra hộ chiếu, mà cả nhận dạng giọng nói. Trong tương lai, phần mềm nhận dạng giọng nói và khuôn mặt sẽ vượt qua tất cả các loại kiểm tra sinh trắc hiện nay về độ chính xác và dễ sử dụng.

Các hệ thống nhận dạng khuôn mặt hiện nay dùng máy ảnh để tập trung cận cảnh vào cặp mắt, miệng và mũi của một người, và trích ra một “véc tơ đặc điểm”, tức là một tập hợp những con số mô tả các khía cạnh quan trọng nhất của hình ảnh đó, chẳng hạn như khoảng cách giữa hai mắt. (Nên nhớ là các hình ảnh kỹ thuật số suy cho cùng chỉ là những con số). Những con số đó thể được đưa trở vào một cơ sở dữ liệu lớn về các khuôn mặt để tìm cho khớp. Độ chính xác của phần mềm này hiện nay còn hạn chế (do hình ảnh chụp mặt nghiêng, và nhiều lý do khác), nhưng lĩnh vực này đang có bước tiến bộ đáng kể. Trong một cuộc nghiên cứu năm 2011, một nhóm ở [Đại học] Carnegie Mellon đã chứng minh rằng việc kết hợp phần mềm nhận dạng khuôn mặt hiện có trên thị trường và các dữ liệu trực tuyến sẵn có (chẳng hạn như hồ sơ cá nhân trên các mạng xã hội) có thể ghép khớp một số lượng lớn các khuôn mặt rất nhanh. Với kỹ thuật điện toán đám mây, chỉ mất vài giây để so sánh hàng triệu khuôn mặt. Độ chính xác này tăng lên với những người có nhiều hình ảnh của chính mình trên mạng – mà trong thời đại Facebook, gần như ai ai cũng làm vậy.

Bằng cách lập chỉ mục cho các chữ ký sinh trắc của chúng ta, một số Chính phủ sẽ cố gắng dò theo từng hành động, từng lời nói của chúng ta, cả trên thực tế lẫn bằng kỹ thuật số. Chính vì vậy chúng ta cần đấu tranh cật lực không chỉ để bảo vệ quyền riêng tư và an ninh cho chính mình, mà còn cho những người không được trang bị để tự bảo vệ cho họ. Chúng ta có thể quản lý các dữ liệu sinh trắc ngay tại các nước dân chủ, và như vậy sẽ có ích. Nhưng đối với những công dân mới được nối mạng phải đương đầu với những chế độ độc tài mạnh về kỹ thuật số, họ sẽ cần có thông tin và công cụ để tự vệ – mà các nền dân chủ và các tổ chức phi Chính phủ sẽ cần phải góp phần cung cấp.

Hẳn nhiên, những nhà độc tài không phải là những người duy nhất hưởng lợi từ các tiến bộ về công nghệ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến đông đảo thanh niên ở các nước như Ai Cập và Tunisia chỉ có điện thoại di động trong tay nhưng có thể châm ngòi các cuộc cách mạng. Khả năng kết nối đã giúp họ thách thức hàng chục năm kiểm soát của nhà cầm quyền, đẩy nhanh một quá trình mà trong lịch sử thường phải mất mấy thập niên. Tuy nhiên, do có thể xảy ra nhiều kết cuộc trong những tình huống này – trấn áp tàn bạo, thay đổi chế độ, nội chiến, chuyển tiếp sang nền dân chủ – cũng thấy rõ rằng công nghệ không phải là nhân tố duy nhất.

Giới quan sát cũng như những người tham gia đã mô tả biến cố “Mùa xuân Ả Rập” gần đây là “không có lãnh tụ” – nhưng điều này rõ ràng vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm. Trong quá trình biểu tình từng ngày, điều này có thể giữ được một cơ cấu chỉ đạo phi tập trung (mà cũng an toàn hơn, vì các chế độ không thể giết chết phong trào chỉ bằng cách bắt giữ các lãnh tụ). Nhưng dần dà sẽ cần phải có một hình thức quyền lực tập trung nào đó nếu một phong trào dân chủ muốn có định hướng. Những cuộc nổi dậy của dân chúng có thể lật đổ các nhà độc tài, nhưng chúng chỉ có thể thành công về sau nếu các lực lượng chống đối có kế hoạch và có thể thực hiện kế hoạch đó. Dựng lên một trang Facebook không tạo nên một kế hoạch.

Lịch sử cho thấy rằng các phong trào chống đối cần thời gian để phát triển. Thử lấy ví dụ Đại hội Dân tộc Phi ở Nam Phi. Trong nhiều thập niên lưu vong tránh nhà nước phân biệt chủng tộc, tổ chức này nhiều lần thay đổi hình hài, và những người về sau trở thành các Tổng thống của Nam Phi (Nelson Mandela, Thabo Mbeki và Jacob Zuma) đều có thời gian xây dựng danh tiếng, thành tích và mạng lưới của mình trong khi trau dồi các kỹ năng hoạt động của mình. Tương tự như vậy với Lech Walesa và nghiệp đoàn Đoàn kết của ông ở Đông Âu. Phải mất một thập niên các lãnh tụ nghiệp đoàn Đoàn kết mới có thể tranh ghế trong Quốc hội Ba Lan, và chiến thắng của họ dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Phần lớn các tổ chức chống đối mất nhiều năm để tổ chức, vận động hành lang và bồi dưỡng lãnh tụ. Chúng tôi đã hỏi cựu ngoại trưởng [Mỹ] Henry Kissinger, người từng biết nhiều lãnh tụ cách mạng quan trọng trong 40 năm qua, nếu lịch trình đó được đẩy nhanh thì sẽ mất gì. Ông đáp: “Thật khó mà hình dung được những de Gaulle và những Churchill thu phục nhân tâm trong thế giới Facebook”. Trong một thời đại siêu kết nối, “Tôi không nghĩ người ta sẵn sàng đứng một mình và có đủ tự tin để đứng lên một mình”. Thay vì thế, ông Kissinger cho rằng một kiểu “đồng thuận điên cuồng” sẽ là động lực thúc đẩy thế giới, và hiếm có ai sẽ muốn công khai chống lại nó – mặc dù đó chính là loại rủi ro mà một lãnh tụ vĩ đại phải gánh chịu.

Ông Kissinger nói: “Những công dân với năng lực công nghệ mới hiểu biết kỹ thuật để kêu gọi dân chúng kéo ra quảng trường, nhưng họ chẳng biết làm gì với dân chúng khi dân chúng đã có mặt ở quảng trường. Thậm chí họ còn biết ít hơn về việc cần làm gì với dân chúng khi họ đã chiến thắng”. Theo lý giải của ông, những người này có thể dễ dàng bị đẩy ra bên lề, vì các chiến lược của họ dần dà sẽ mất công hiệu.

Mahmoud Salem, là một blogger người Ai Cập chuyển sang làm nhà hoạt động đấu tranh, và trở thành phát ngôn nhân cho cuộc cách mạng năm 2011 của Ai Cập. Ông có phần hơi lạc quan hơn về triển vọng hứa hẹn của hoạt động đấu tranh trên mạng, tuy nhiên ông cũng chia sẻ một số nỗi lo trong những quan ngại của Kissinger về những khó khăn của việc chuyển từ hoạt động đấu tranh sang trị nước. Ông Salem chỉ trích kịch liệt những người đồng hương Ai Cập vì ông nghĩ họ không thể vượt qua được những mục tiêu ngắn hạn là lật đổ Hosni Mubarak và mở cửa hệ thống chính trị để chấp nhận cạnh tranh. Như ông đã viết hồi tháng 6/2012, ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Ai Cập đầu tiên sau cuộc cách mạng, “Nếu bạn là nhà cách mạng, hãy cho chúng tôi thấy các năng lực của bạn. Khởi đầu một cái gì đó. Gia nhập một đảng. Xây dựng một thể chế. Giải quyết một vấn đề thực sự. Làm gì đó ngoài việc chạy vòng quanh từ cuộc biểu tình này cho tới cuộc diễu hành nọ. Đây không phải là công tác vận động quần chúng: công tác vận động quần chúng thực sự nghĩa là dẫn dắt quần chúng đi tới, chứ không phải chỉ kéo quần chúng ra đường biểu tình là xong”.

Đây chính là quá trình chuyển tiếp mà các nhà cách mạng kỹ thuật số hiện nay phải thực hiện – từ chống đối sang chính trị. Trong lịch sử, một vị thế nổi bật xuất phát từ một mức độ tin tưởng của công chúng (ngoại trừ các trường hợp ví dụ như các nhà quân phiệt hay nhà độc tài đứng đầu một chính đảng). Một lãnh tụ lắm thanh thế có được nhiều người biết tới hay không tùy thuộc lực lượng ủng hộ mình đông đảo tới đâu. Nhưng trong tương lai, với phạm vi tác động rộng lớn của các phương tiện kỹ thuật số, phương trình này sẽ bị đảo ngược. Tiếng tăm sẽ xuất hiện sớm hơn và dễ hơn; chỉ sau lúc đó một người muốn thành lãnh tụ mới bắt đầu gầy dựng lực lượng ủng hộ hữu hình, bồi dưỡng phẩm chất và tích lũy kinh nghiệm.

Các nhóm đối lập sẽ phải cạnh tranh với nhau để đưa ra kế hoạch tốt nhất cho tương lai của quốc gia họ, tập hợp những liên minh đối nội và đối ngoại tốt nhất, và những bộ công cụ vận hành cũng như những trung tâm hữu ích nhất cho những người vận động phong trào. Nếu bạn điều hành một nhóm đối lập, ảnh hưởng của bạn sẽ được đo lường không chỉ bằng số lượng người ủng hộ mà bạn có thể vận động tham dự một cuộc mít tinh, mà còn bằng số lần cẩm nang hoạt động thực địa của bạn được tải xuống từ trang mạng, số bình luận về bản hiến pháp do bạn đề xuất, và số bài viết của khách mời đăng trên blog của bạn.

Cạnh tranh có tác dụng lành mạnh cho các nhóm đối lập cũng cho các công ty. Ông Kissinger nói đúng là các tổ chức đối kháng cần thời gian để thai nghén, nhưng công nghệ có thể đẩy nhanh quá trình đó, giúp các cộng đồng tập hợp và tự hoàn thiện mình. Về lâu về dài, công nghệ sẽ tiếp tục làm công việc sở trường của nó: kết nối con người với nhau và với các ý tưởng. Và các lãnh tụ sẽ tiếp tục làm công việc sở trường của họ: hiểu rõ vấn đề gì thật sự quan trọng và xây dựng các kế hoạch để đi từ hiện tại tới tương lai.

Bọn độc tài và chuyên quyền trong những năm sắp tới sẽ ra sức xây dựng các nhà nước giám sát toàn thể không chừa một ai, và chúng sẽ làm được nhờ có những công nghệ vô tiền khoáng hậu. Nhưng chúng không bao giờ thành công trọn vẹn được. Những người bất đồng sẽ xây đường hầm và cầu để vượt qua. Công dân sẽ có thêm nhiều cách hơn trước đây để chống lại – có người đấu tranh âm thầm giấu mặt, có người công khai chống đối.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ tiếp tục. Tuy cuộc cách mạng này mang lại nhiều rắc rối, không có quốc gia nào bị thiệt vì Internet. Và với năm tỉ người sắp sửa cùng chúng ta lên mạng trong những thập niên sắp tới – có lẽ một ngày nào đó ngay cả những công an giao thông Bình Nhưỡng và các sinh viên ở phòng máy dàn dựng ngụy tạo mà chúng tôi đến thăm ở Bắc Hàn cũng nằm trong số đó – tương lai kỹ thuật số thực sự tươi sáng, bất chấp mặt trái u ám của nó.

Nguồn: The Dark Side of the Digital Revolution, The Wall Street Journal, 19/4/2013.

(Bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 8/5/2013.)

Nguồn: https://phamvuluaha.wordpress.com/2013/05/15/dark-side/

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.