“…Cái thứ cát đen đúa mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ thành pha lê rực rỡ. Chính nhờ ánh pha lê ấy mà Galileo Galilei và Isacc Newton phát hiện những vì sao”. Ý tưởng ấy thường tái hiện trong tôi khi những âm vang của lịch sử dội về, đánh thức những hoài niệm. Tác giả của “Những người khốn khổ” đưa ra thông điệp giàu sức biểu tượng ấy cũng đồng thời chỉ rõ “hãy nhìn vào dân chúng, bạn sẽ tìm thấy chân lý”. “Ánh pha lê rực rỡ” kia là “ánh sáng tỉnh thức”.
Âm vang của Cách mạng Tháng Tám 1945 trong những ngày này đang làm sống động thông điệp ấy của V.Hugo, và cũng đang ngời lên “ánh sáng tỉnh thức” mà đại văn hào Pháp từng muốn đem đến cho “những người khốn khổ”. Chắc không chỉ riêng cho những người khốn khổ trong tác phẩm bất hủ của ông, mà là cho cả những người, những dân tộc bị áp bức trên quả đất này đứng lên đòi quyền sống. Thì chẳng phải Cách mạng Tháng Tám 1945 chính là do những người đang chịu thân phận nô lệ “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” như Hồ Chí Minh đã viết trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa cách đây 70 năm đó sao? Cái hợp lực tạo ra sức mạnh làm nên Cách mạng Tháng Tám không gì khác là khối quần chúng nhân dân vĩ đại, những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ.
Nhưng, chỉ ra được thời điểm ấy là ai nếu không là người đem lại ánh sáng tỉnh thức mà đại văn hào Pháp mong đợi để khiến cho những khối u minh dày đặc trở thành trong suốt… Vì chẳng phải những cuộc cách mạng là những cuộc thay hình đổi dạng đó sao” *. Ánh sáng ấy đến từ bộ phận tinh hoa của nhân loại nói chung và của dân tộc nói riêng trong dòng chảy miệt mài, sôi động và nghiệt ngã của cuộc sống. Bởi thế, khi nói đến bộ phận tinh hoa của dân tộc là nói đến sự kết tinh sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại vào trong họ, sức mạnh ấy làm nên lịch sử. Và đó cũng chính là chân lý lịch sử. Ấy vậy mà, “ngay cả những tư tưởng thiên tài của những vĩ nhân, liệu chúng ta có chắc chắc rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám đông đã hun đúc nên chúng. Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông“.
Mượn lời của Gustave Le Bon, tác giả của “Tâm lý học đám đông” để nói về “những bí ẩn của sức mạnh đám đông” về cát trở thành pha lê và qua đó nhận thức sâu hơn về sức mạnh nào đã làm nên Cách mạng Tháng Tám. Phải chăng chính cái “bí ẩn của sức mạnh đám đông” ấy sẽ bùng phát mạnh mẽ khi được đánh thức bởi dòng ánh sáng tỉnh thức. Vậy thì, ánh sáng tỉnh thức ấy đến từ đâu nếu không phải từ trí tuệ được khởi động bởi trái tim con người? Đương nhiên, không phải ở bất cứ bộ óc và tráí tim nào. Theo Einstein thì “tạo hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống tốt” còn tác giả của “Tâm lý học đám đông” thì lưu ý thêm : “Trong mọi hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ“.
Liệu có phải những “bí ẩn” đến từ đó? Và phải chăng đó cũng là cái bí ẩn của lịch sử. Chỉ có điều, cách suy tư và khai thác bí ẩn của lịch sử cũng nhiều dạng vẻ với nhiều động cơ không giống nhau. Chẳng hạn như, có thể dựa vào đó để tuỳ tiện tô son điểm phấn nhưng lại cũng có thể bẻ queo lịch sử theo vô vàn những dụng ý khác nhau. Tốt đẹp có, xấu xa có, thông minh uyên bác có, và hạn hẹp dốt nát cũng chẳng thiếu! Nhưng rồi, sự sòng phẳng và nghiêm minh của lịch sử sẽ trả về cho nó sự công bằng. Bởi lẽ, lịch sử chính là con người nhân với thời gian. Bụi thời gian khoả lấp bao sự kiện, nhưng cũng chính thời gian lại làm nổi rõ lên biết bao những sự kiện khác vốn mang trong lòng nó những hàm lượng giá trị ngời sáng từng bị chôn vùi. Chuyện lẫn lộn cát và pha lê chẳng là chuyện lạ. Nhưng đánh lộn sòng màu cát đen đúa với ánh pha lê rực sáng mới là chuyện cần nói. Cát có thể trở thành pha lê nếu được “ném vào lò nấu, để nó chảy ra, cho nó sôi lên”, nhưng điều cần khẳng định là cát chỉ là cát, cát không phải, tuyệt đối không phải là pha lê. Ánh lấp lánh của pha lê dù bị khoả lấp nhưng pha lê vẫn là pha lê. Thời gian lạnh lùng trôi chảy, nhưng con người thì nhiều toan tính. Cũng chính vì thế, lại phải đến với con người, nói về con người.
Hồi tưởng về những ngày tiền khởi nghĩa ở Cao Bằng, Võ Nguyên Giáp có kể: “Trong những đêm đông lạnh, tránh bọn lính dõng đi lùng tại vùng Pắc Bó, Bác Hồ đã tiên đoán ngày cách mạng thành công ‘45, sự nghiệp hoàn thành’. Đó là câu thơ kết thúc tập “Việt Nam lịch sử diễn ca” Bác đã làm, và đã được in đá từ hồi đó…Bác không bao giờ nhắc lại câu này. Từ đó đến nay, bị lôi cuốn vì công việc, anh em chúng tôi cũng chưa ai có dịp hỏi lại Bác vì sao Bác đã có được một sự tiên đoán như vậy…” [Tổng tập Hồi ký. 2005, tr. 175].
Liệu có thể xem đây là một đốm lửa le lói về cái được gọi là “bí ẩn” của lịch sử vừa nói? Có thể hay không thể? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cũng còn tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi cá nhân, nên đành phải mượn lời Einstein để tìm một điểm tựa giàu sức thuyết phục: “cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình“[Albert Einstein.”Thế giới như tôi thấy”. t.20]. Nhưng có lẽ sức thuyết phục sống động nhất của sự “bí ẩn” về lời “tiên đoán” nói trên là cuộc sống. Cuộc sống của đất nước đã hiện thực hoá lời tiên đoán ấy. Như một phản ứng dây chuyền suốt từ bắc chí nam được khởi động bằng “Quân lệnh số 1” của Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc phát đi từ Tân Trào, Tuyên Quang ngày 13.8 và kết thúc tại Hà Tiên ngày 28.8, “những người theo mệnh lệnh của trái tim” đã vùng dậy viết nên trang sử hào hùng của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Vậy thì đây là một sự thật lịch sử chứ đâu còn là một bí ẩn nữa. Cho dù thế, lại cũng không thiếu những người muốn phủ lên sự thật đó một màn sương tù mù hư ảo để phủ nhận lịch sử nhằm phục vụ cho những mục tiêu họ đặt ra. Chuyện này thì cũng xưa như quả đất vậy thôi. Cơ man là giấy mực, loạn xị những nhân danh để luận bàn lịch sử. Thôi thì nhân tâm tuỳ thích, kể sao cho xiết! Vấn đề đặt ra cho những ai đang luận bàn về lịch sử chính là đừng tắt rụi lửa sống trong mắt mình như Einstein cảnh báo thì mới mong tiếp cận được với chân lý. Chân lý không sợ thời gian, và thời gian sẽ làm ngời sáng chân lý lịch sử. Sự khảo nghiệm của thời gian đã chứng thực những “tiên đoán” của Hồ Chí Minh đưa ra trong những ngày buốt giá khi những người làm cách mạng còn phải hoạt động trong bóng tối. Từ trong bóng tối ấy mà nhen nhóm lên những đốm lửa của ánh sáng tỉnh thức
Đình Tân Trào
Lời “tiên đoán” của Hồ Chí Minh đã thành sự thật với Tuyên ngôn Độc Lập 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Có lẽ điều cần suy ngẫm là Hồ Chí Minh không chỉ có một tiên đoán ấy. Còn có những “tiên đoán” khác mà những dự phóng của chúng vượt lên trước thực trạng có dáng dấp của những lời “tiên tri”.
Xin chỉ gợi ra hai ví dụ. Vì sao Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 lại được mở đầu bằng “những lời bất hủ” trong Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ rồi tiếp đó là Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791? Phải chăng với tác giả của Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945, đây là ánh sáng tỉnh thức, kết tinh trí tuệ của cả loài người chứ không chỉ của riêng một quốc gia, dân tộc nào. Đây là ánh sáng soi rọi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mục tiêu trước sau như một của “người yêu nước” Nguyễn Ái Quốc, mọi cái khác chỉ là phương tiện hoặc là công cụ để nhằm đạt được mục tiêu đó. Và cũng đừng quên rằng đây là một ý tưởng được nung nấu, được chuẩn bị kỹ lưỡng chứ không phải là một cảm hứng ngẫu nhiên. Bằng chứng là chính Hồ Chí Minh đã yêu cầu những phi công Mỹ trong “đội Con Nai” thả dù xuống vùng núi Việt Bắc buổi ấy một bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ! Phải với một tầm vóc trí tuệ mang tính thời đại mới nhận ra được dòng “ánh sáng tỉnh thức” ấy để có được sự nung nấu và lựa chọn ấy.
Ví dụ tiếp theo về lời “tiên tri”, đó là sự cảnh báo về cuộc “chiến đấu khổng lồ” nhằm “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi” nhằm thực hiện “điều mong muốn cuối cùng” về một nước “Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh ”. Những gì đang diễn ra đã cho thấy những gì đã cũ kỹ, hư hỏng đang làm cho sự nghiệp của Hồ Chí Minh dày công xây đắp đang bị huỷ hoại khủng khiếp như thế nào. Xa rời mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh, người ta chỉ hô hào học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Ai cũng thấy đây là một đòi hỏi vô vọng chỉ cốt che lấp sự băng hoại về đạo đức và lối sống vô phương cứu chữa khi cái cơ chế đẻ ra sự tha hoá về quyền lực và đi liền với nó là sự tham nhũng vẫn đang được hà hơi tiếp sức. Vì thế, mặc dầu Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất rõ ràng : “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” nhưng thử xem người ta đã “làm theo” lời dặn đó như thế nào một khi mà trong hành động cụ thể thì người ta sợ dân hơn sợ kẻ xâm lược!
Khi mà một bộ phận những người nắm quyền lực ở chóp bu đẩy đất nước ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, bị chi phối bởi quyền lực mềm và quyền lực rắn của Bắc Kinh thì làm sao họ dựa vào dân được? Đơn giản chỉ bởi một lẽ, yêu nước chống Tầu xâm lược vốn chìm sâu vào tâm thức người Việt Nam tự bao đời. Dân phẫn nộ lên án những kẻ đang khiếp nhược trước nanh vuốt kẻ thù thì sao có thể làm chỗ dựa cho họ được. Cũng vì thế, việc “kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” càng được rêu rao thì lại càng phản cảm. Phản cảm, vì cái chiêu bài ấy đã quá nhem nhuốc khi nó gắn liền với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán được che đậy bằng cái lá nho xã hội chủ nghĩa! Càng nhem nhuốc hơn nữa khi cái lá nho ấy đã rơi xuống với những hành động xâm lược trắng trợn của “người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN” không cần che đậy! Cho dù thế, một số người quyết bám giữ cái ghế quyền lực đang lung lay đang cần sự che chắn lại vẫn khó bề buông bỏ 16 chữ vàng bịp bợm mặc dầu cũng đã từng nhiều phen sứt đầu, mẻ trán vì những món võ lừa mị cổ truyền nói một đằng làm một nẻo.
Những gì đang diễn ra cho thấy trên hành động thực tế, người ta đâu có “học tập và làm theo” Hồ Chí Minh, mà về thực chất là phản lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Những câu chữ cách mạng đầu lưỡi không “cách mạng” như người ta nói mà là phản bội sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Thì chẳng phải thế sao khi những thế lực “cũ kỹ và hư hỏng” trong bộ máy quyền lực đang tìm mọi cách ngăn chặn và huỷ hoại “những cái mới mẻ tốt tươi” đang sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Đây chính điều mà Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo.
Thật đau đớn cho một dân tộc khi lịch sử đặt nhầm người vào những vị trí được quyền đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Đành rằng xưa nay, giữa “cứu tinh” và “tội đồ” rồi cuối cùng sẽ được lịch sử phán xét, nhưng trong dòng chảy bất tận của cuộc sống, ranh giới của nó thật mong manh. Và sự trớ trêu của lịch sử lại cho thấy không hiếm những chuyện “đặt nhầm” như vậy. Phải chăng vì vậy mà cách đây cả nghìn năm, ông cha ta đã từng nhìn ra cái lẽ biến thiên của lịch sử “thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ”. Cuối cùng rồi những chuyện “đặt nhầm” vốn đầy rẫy trong lịch sử sẽ bị dòng sông cuộc sống cuốn phăng đi trong sức cuộn chảy dữ dội của nó. Quả thật, cách mạng đôi khi cũng không “cách mạng” như người ta tưởng và quần chúng cũng không “quần chúng” như người ta muốn! Ấy thế mà cuộc sống đã từng chứng kiến những cơn lốc của đám đông phẫn nộ chuyển thành sức mạnh đẩy tới những đột biến tạo nên những bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử khi được chiếu rọi bởi ánh sáng tỉnh thức. Cát có thể trở thành pha lê, quần chúng sẽ trở thành quần chúng cách mạng, và cách mạng sẽ lại là những cuộc thay hình đổi dạng như tác giả của “Những người khốn khổ” mong mỏi. Chỉ cần đừng đùa dai, cát mà lại cứ muốn là pha lê.
Chẳng thế mà Tuyên ngôn Độc lập thì dẫn ra những lời bất hủ kết tinh khát vọng ngàn đời của nhân loại rọi ánh sáng tỉnh thức cho con đường đi tới của dân tộc, thì 68 năm sau trong một “tuyên ngôn liều mạng” lại dám kết tội thành tựu của văn minh, xem đòi “tam quyền phân lập” là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức…cần phải xử lý”! Đây quả là một dẫn chứng tuyệt vời cho lời cụ Marx, những biến thiên lớn và nhân vật lớn trong lịch sử đều xuất hiện có thể nói là hai lần: lần đầu như một bi kịch, lần thứ hai như một trò hề! Bi kịch trở thành hài kịch, đề làm gì, để vui vẻ từ bỏ quá khứ mà đi tới.[Toàn tập. Tập 8. NXBCTQG. ST 1993, tr.145].
Liệu ở đây có phải là một bí ẩn của lịch sử cần giải mã?
T.L.
Tác giả gửi BVN