Nhóm Cánh Buồm ra mắt sách giáo khoa mới

Một buổi tọa đàm về sách giáo khoa tại Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội). Từ trái sang: nhà giáo Phạm Toàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, nhà giáo Vũ Thế Khôi, điều khiển phần thảo luận và TS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức, nơi xuất bản SGK Cánh Buồm .

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ xướng vào ngày 12 tháng 8 vừa qua giới thiệu bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp sáu tại Trung tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội.

Việc ra mắt sách mới của Nhóm Cánh Buồm không thuộc Bộ Giáo Dục như thế được cho là một dấu chỉ tích cực trong tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay.

Hưởng ứng

Buổi hội thảo ra mắt sách giáo khoa mới của Nhóm Cánh Buồm vừa qua là nơi mà cậu học sinh lớp 8 trường chuyên Amsterdam Hà Nội- Vũ Thạch Tường Minh thẳng thắn phát biểu cho rằng nền giáo dục Việt Nam hiện nay ‘thối nát’. Từ dùng của một học sinh trung học cơ sở Thủ đô nói về nền giáo dục Việt Nam như thế tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi.

Vũ Thạch Tường Minh cho rằng giáo dục Việt Nam không thể cải cách được nữa mà phải cách mạng. Một trong những cách thức mà em này đưa ra là có thể theo đường hướng của nhóm Cánh Buồm.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người từng có chương trình giáo dục thực nghiệm tại Việt Nam trong 40 năm qua, cũng cho rằng việc ra đời một bộ sách giáo khoa như của Nhóm Cánh Buồm là điều đáng khích lệ. Ông có ý kiến:

“Tôi có biết chuyện này và tôi khuyến khích nên để họ tiếp tục nghiên cứu, triển khai tiếp tục nghiên cứu. Tôi hoan nghênh và khuyến khích động viên.

Đó là một giải pháp, một đề nghị, một cái có thật người ta đưa ra thì quí thôi. Hiện nay là việc xã hội chọn lựa, xã hội có quyền và có khả năng chọn lựa thì các tác giả nên đưa ra những giải pháp cho cuộc sống, xã hội chọn lựa. Điều đó thì tôi hoan nghênh. Đa dạng hóa giải pháp, có nhiều giải pháp, nhiều cách xử lý chứ không phải độc tôn chỉ có một cách. Đây là một cách đổi mới để khai thác sức mạnh của xã hội, trí tuệ xã hội, các luồng ý kiến khác nhau sẽ làm phong phú cho xã hội thôi, không có hại gì cả. Không nên có mặc cảm, định kiến gì mà nên ủng hộ”.

Một nhà giáo công khai đấu tranh chống những tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam lâu nay, thầy Đỗ Việt Khoa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với sách giáo khoa do Nhóm Cánh Buồn soạn thảo:

“Theo tôi sách của họ khá hay: đổi mới, cập nhật và có nhiều cái hiện đại hơn, khắc phục được nhiều nhược điểm của sách giáo khoa truyền thống. Trong thời gian tới khi đưa ra rộng rãi sẽ nhận được những ý kiến đóng góp sau, nhưng trước mắt chúng ta cứ cổ vũ việc biên soạn một cuốn sách như vậy đã”.

Thầy Đỗ Việt Khoa

“Đây là nhóm khá tâm huyết đang soạn bộ sách giáo khoa cho liên cấp từ tiểu học trở lên. Theo quan điểm của tôi làm được một bộ sách giáo khoa như vậy là công sức cực kỳ lớn, rất tốt. Sẽ có những chỗ chưa được, có người sẽ đánh giá khiếm khuyết… nhưng sửa dần không sao cả.

Theo tôi sách của họ khá hay: đổi mới, cập nhật và có nhiều cái hiện đại hơn, khắc phục được nhiều nhược điểm của sách giáo khoa truyền thống. Trong thời gian tới khi đưa ra rộng rãi sẽ nhận được những ý kiến đóng góp sau, nhưng trước mắt chúng ta cứ cổ vũ việc biên soạn một cuốn sách như vậy đã. Trong sáng, xa rời chính trị. Nói chung bỏ bớt tính đảng trong sách giáo khoa đi là điều chúng tôi mong muốn nhất. Những sách giáo khoa truyền thống hiện nay là sách của Đảng, của chính quyền, nói theo chính quyền nhất là môn lịch sử không còn là môn lịch sử nữa mà là cuốn sách chính trị, tuyên truyền, mà tuyên truyền sai sự thật nhiều lắm”.

Cuốn Tiếng Việt lớp 6 (Nhà xuất bản Trí Thức 2015)

Thực tế khó khăn

Nhà giáo Phạm Toàn trình bày lại việc thực nghiệm bộ sách do nhóm của ông soạn thảo:

“Được phép làm thực nghiệm ở Việt Nam là cực kỳ khó khăn, người ta tìm mọi cách để không cho thực hiện. Thế nhưng chúng tôi tìm được cách len vào một trường tư là Trường Phổ thông Liên cấp Olympia tại Hà Nội. Trường này có từ lớp mẫu giáo đến lớp 12. Trường này không cần nghiên cứu khoa học mà họ cần học sinh giỏi để ganh đua với các trường khác. Cách của họ là dùng sách và phương pháp của chúng tôi ở tiểu học và số học sinh của họ tăng lên rất nhiều.

Thế còn Bộ Giáo dục vẫn ‘án binh bất động’ với chúng tôi. Người ta tìm cách để tiêu tiền, để giữ thanh thế.

Năm nay chúng tôi còn một trường thứ hai nữa mời chúng tôi cử người sang để phụ trách, và chúng tôi cử các bạn trong nhóm sang từ mồng một tháng giêng năm nay. Một người làm hiệu phó và hai người sang làm chuyên gia Văn và Tiếng Việt. Tên trường là Getaway International Hanoi”.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa nhận định về những khó khăn mà những nhóm muốn góp phần cải tổ nền giáo dục Việt Nam như Cánh Buồm gặp phải trong tình hình hiện nay như sau:

“Mặc dù phía Nhà nước nói rằng khuyến khích các tổ chức, khuyến khích nhiều người biên soạn sách giáo khoa; nhưng trên thực tế việc biên soạn sách giáo khoa từ xưa đến nay là độc quyền của ngành, của Bộ Giáo dục. Họ làm hẳn dự án mà đã là dự án thì được chia tiền. Đã có lúc họ nói xin 30 ngàn tỷ, sau rút xuống còn 800 tỷ đồng để biên soạn sách giáo khoa. Nếu trong số 800 tỷ đồng đó mà phân cho nhóm của thầy Phạm Toàn chừng chục tỷ đồng thôi thì nhóm cũng hoàn thành được sách giáo khoa chất lượng.

“Tôi muốn sau này mình sẽ phục vụ cho một hệ thống trường của trẻ em Việt Nam mà chúng tôi gọi là ‘trường ba không’: không hộ khẩu- muốn học đâu thì học; không học phí- tức không phải nộp một xu nào…thứ ba là không ‘bắt nạt’- tức không thi cử, không kiểm tra, không đánh số, làm các thứ bắt chẹt các em, bởi vì hệ thống của chúng tôi là tìm ra cơ chế tự học cho các em”.

Nhà giáo Phạm Toàn

Điều quan trọng bây giờ là vì lợi ích nên người ta làm như vậy. Thứ hai nữa là họ sẽ gây những khó khăn, rào cản trong việc kiểm soát, in ấn, phát hành; thậm chí họ sẽ đưa ra những nội dung chính thức trên lớp không trùng với nội dung sách giáo khoa đó để gây cản trở chẳng hạn”.

Tuy nhiên theo giáo sư Hồ Ngọc Đại thì những người trong cuộc cần tìm cách để vượt qua những trở ngại thực tế:

“ Dễ hay không là tùy mình. Hiện nay không có gì cản trở đâu; nhưng không có nhiều điều kiện để thực thi, để triển khai thì còn khó. Nhưng nói chung về cả chủ trương và xã hội thì người ta không có ý kiến gì đâu!”.

Hướng tương lai

Ngoài việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới để giảng dạy, Nhóm Cánh Buồn còn có chủ trương về một hình thái nhà trường mới như trình bày của nhà giáo Phạm Toàn:

“Tôi muốn sau này mình sẽ phục vụ cho một hệ thống trường của trẻ em Việt Nam mà chúng tôi gọi là ‘trường ba không’: không hộ khẩu- muốn học đâu thì học; không học phí- tức không phải nộp một xu nào ( không như các trường tư phải nộp nhiều tiền lắm, mình phải chịu); thứ ba là không ‘bắt nạt’- tức không thi cử, không kiểm tra, không đánh số, làm các thứ bắt chẹt các em, bởi vì hệ thống của chúng tôi là tìm ra cơ chế tự học cho các em, mà đã là tự học thì tự đánh giá thì suốt tiểu học là tự học và tự đánh giá, lên đến lớp 6 chúng tôi đề xuất hoàn toàn tự học”.

Nhà giáo Phạm Toàn cho biết ngoài những sách giáo khoa giảng dạy trên lớp, nhóm còn có những sách tự học dành cho học sinh lớn tuổi không có điều kiện học sách từ lớp 1 đến lớp 5. Hiện Nhóm cũng đang biên soạn bộ sách ‘lối sống’ giúp cho các cháu học sinh biết sống đồng thuận từ gia đình ra đến xã hội và thế giới.Đây là mô hình dạy giáo dục cho con người thời hiện nay do Nhóm Cánh Buồm đề ra.

 G.M.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/new-textbook-by-canh-buom-08242015055428.html

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.