“Một cháu bé bị hành hạ dã man như thời Trung cổ, một công ty đầu độc cả dòng sông, làm hàng nghìn nông dân điêu đứng vẫn nhởn nhơ, một Hoàng thành ngang nhiên bị phá ủi làm đường trong khi người ta đổ tiền tỷ để kỉ niệm nghìn năm Thăng Long. Phát ngôn Hành động tuần này cho thấy lời cảnh báo tột cùng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội”.
Đó là cảnh báo hết sức đúng đắn của bác Trực Ngôn. Nhưng than ôi, thưa bác, đạo đức xã hội xây dựng trên nền tảng của cái gì? Khi một thể chế đã có dấu hiệu hư hỏng, làm thoái hóa con người vượt khỏi giới hạn cho phép, về nhân cách, về ý thức trách nhiệm, về tinh thần tuân thủ phép nước…, đến nỗi những ông Chủ tịch cấp tỉnh (ngang Tổng đốc thời trước) dấm dớ cứ thoải mái bán rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn cho nước ngoài (mà là loại nước ngoài nguy hiểm) mà vẫn ung dung trả lời ú ớ rằng đến 50 năm sau kẻ nào còn sống kẻ ấy chịu trách nhiệm; một tổ chức như Thành ủy một thành phố quan trọng nọ đang tâm đưa một nữ anh hùng vào tù; hay đến cả một ông Tổng bí thư cũng cứ ký bừa việc cho nước ngoài (cũng là loại nước ngoài có dã tâm kẻ cướp) vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên bất chấp đấy không phải là chức năng của mình, thì liệu một bà Tím nuôi chim sẻ, một ông Ái nhặt đinh cho người qua đường có đủ sức vãn hồi toàn bộ sự chệch choạc lủng củng đáng sợ từ trên xuống dưới ấy hay không? Chúng tôi ngờ những tấm gương đạo đức nói ở đây tuy đẹp thật nhưng vẫn thuộc loại “tiểu khí”, mà một xã hội muốn đứng vững thì cần “đại khí” kia. Đại khí đã hỏng rồi thì còn làm gì được nữa!
Bauxite Việt Nam
Phép logic học về những tội ác
Nhìn hình ảnh cháu Hào Anh (14 tuổi) bị vợ chồng ông bà chủ (gọi bằng cậu mợ) trang trại tôm sú giống ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) dùng kìm bấm vào môi, bẻ răng, dùng bàn là nóng chà lên da thịt… trong một thời gian dài không ai không cảm thấy rùng mình kinh hãi.
Việc hành hạ những đứa trẻ một cách man rợ như thời Trung cổ trong xã hội chúng ta không hề thuyên giảm. Nếu xét một cách logic trong việc giáo dục con người thì với lý trí người ta sẽ thấy những chuyện man rợ ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Nếu chúng ta xâu chuỗi những vấn đề về sự suy đồi nhân cách thì chúng ta sẽ thấy tội ác không hiện ra ở nơi này thì sẽ hiện ra ở nơi khác, không hiện ra trong hình thức này thì hiện ra trong hình thức khác. Tội ác của vợ chồng ông chủ trang trại tôm sú giống cho thấy hai điều: Một, sự độc ác đã công khai như thách thức với xã hội. Hai, sự coi thường luật pháp và những giá trị sống.
Khi người ta ngang nhiên tàn phá thiên nhiên, giết hại nuông thú ngay trước cửa chùa, chen lấn cãi cọ nhau trên đường, tranh giành bổng lộc, ức hiếp lẫn nhau, khi người ta nhìn thấy những kẻ móc túi trên một chuyến xe nhưng giả vờ quay mặt đi, giả vờ quay mặt đi để không nhường chỗ cho một người lớn tuổi hay một phụ nữ có thai, khi người ta ngang nhiên xâm lấn đến các di tích văn hóa, lịch sử bởi lợi ích vật chất, khi người ta trắng trợn đục khoét tài sản của tập thể, khi một thầy Hiệu trưởng mua dâm học sinh đã xin trút bỏ y phục trước tòa để chứng minh mình không có khả năng tình dục hòng chạy tội thì đức hạnh của con người đã nát như bùn.
Nhưng trước tội ác ở mức độ man rợ ấy, chúng ta thật may đã không rơi xuống đáy của sự tuyệt vọng nếu chúng ta không được thấy sự lên tiếng của những người dân ở xã Ngọc Chánh. Cho dù sự lên tiếng này không tỉ lệ thuận với những hành động phi văn hoá và phi nhân tính đang diễn ra.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và sẽ xử lý hai vợ chồng ông chủ trang trại tôm giống kia. Nhưng những hành động phi nhân tính một cách công khai như vậy đã xẩy ra trong xã hội từ lâu cho dù có những vụ đã bị pháp luật xử lý, nhưng “thông điệp đen” từ những hành động phi nhân tính đó vẫn chưa thực sự được đặt lên bàn những người có trách nhiệm với xã hội. Bởi chúng ta vẫn chưa nhìn thấy một chiến lược giáo dục nhân tính cho con người. Nó cho thấy những hành động phi nhân tính ấy xẩy ra như chuyện một cái cây tự nhiên đổ. Người ta dọn cái cây đổ ấy xong là quên ngay chuyện đó.
Mọi chuyện trong những gia đình, trong những khu phố, trong mỗi ngôi trường, trong mỗi công sở… vẫn “bình chân như vại”. Cũng có những nỗi lo được cập nhật và những giải pháp nào đó được đưa ra nhưng đó chỉ là những nỗi lo chủ yếu về giá hàng hóa, giá vàng, đô la, giá căn hộ cao cấp, về những ngày nghỉ dài sẽ du lịch ở đâu… mà không thấy nỗi lo về đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng.
Chẳng lẽ chúng ta chỉ trông chờ vào sự an ủi như một tia hy vọng mong manh về đạo đức xã hội qua một vài người thi thoảng lóe lên như sao đổi ngôi hay sao ?
Tôi là một kẻ lắm mưu mẹo
Cho dù không muốn nhắc lại bởi xấu hổ và đau lòng thì tôi vẫn phải nhắc rằng: theo báo chí mấy năm vừa rồi đưa tin, Việt Nam là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Thế nhưng, số vụ tham nhũng được phát hiện lại không nhiều, chủ yếu là “tham nhũng vặt”, “cá to lọt lưới” như nhận định trong một báo cáo của cơ quan chức năng công bố tại Hội nghị Đối thoại về Phòng chống tham nhũng năm 2008. Kết quả đó có phải là do chuyên môn của các cơ quan chống tham nhũng kém hay do các cơ quan đó không dám làm gì mạnh tay ?
Tuần này, một tin vừa vui vừa ngờ trên Báo Tuổi trẻ về việc tới đây các cán bộ công chức phải có nghĩa vụ giải trình tài sản của mình và từng bước công khai tài sản và có những quy định xử lý đối với tài sản không giải trình được.
Về việc này, cho dù tôi có nói gì dưới đây chăng nữa thì hầu hết mọi người cũng sẽ hình dung ra chuyện đó nó sẽ như thế nào. Cái tin nói trên vui vì nếu chúng ta làm đúng với những gì chúng ta nói thì công cuộc chống tham nhũng mới thực sự có kết quả và có ý nghĩa. Và cái tin nói trên mang lại cho người dân nỗi băn khoăn bởi họ khó tin việc đó được thực thi một cách cương quyết khi chúng ta đã làm việc đó một hai lần và ở đâu đó nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu.
Nhưng sau niềm vui và cả nỗi nghi ngờ kia thì người dân hỏi nhau: vậy những cán bộ nào, công chức nào sẽ là những người kê khai tài sản đầu tiên. Hỏi thế mà cũng hỏi. Đương nhiên phải là các cán bộ từ cao xuống thấp chứ. Nếu một Bộ kê khai tài sản thì ngài Bộ trưởng phải gương mẫu kê khai đầu tiên. Rồi đến các Thứ trưởng. Sau đó là cán bộ cấp Vụ rồi cuối cùng các các cán bộ, công chức không chức quyền.
Nhưng cách làm cũng phải kỹ lưỡng và đầy đủ. Một ngài Bộ trưởng kê khai tài sản thì không chỉ mình ngài kê khai mà vợ ngài, các con ngài và thậm chí các cháu ngài. Tôi nói vậy bởi thực tế và cũng bởi từ bụng ta suy ra bụng người. Vì nếu tôi là Bộ trưởng mà có nhiều tài sản thì tôi sẽ cho vợ tôi đứng tên, cho con tôi đứng tên, rồi con rể tôi hay con dâu tôi nữa. Hơn thế, tôi sẽ gửi tiền vào nhiều ngân hàng khác nhau. Rồi tôi mua bất động sản nhưng cho thuê hoặc dưới một hình thức khác. Nói chung là tôi như thế thôi nhưng tôi rất lắm mưu lắm mẹo.
Tất nhiên trong việc kê khai tài sản này tôi lo lắng hay tôi kê gối cao mà ngủ ngon còn phụ thuộc vào những ai đứng ra giám sát việc chúng tôi kê khai tài sản nữa chứ. Nếu các cơ quan chức năng làm đúng thì tôi cũng khó mà thoát được. Hoặc trong các cơ quan chức năng của Nhà nước mà lại có những đại diện có nghiệp vụ và có lương tâm thì cũng gay go đây.
Còn nếu chúng ta thực sự vì sự trong sạch của cán bộ công chức thì chúng ta phát động phong trào quần chúng phát hiện tài sản của những ông bà cán bộ tham ô, tham nhũng giống như chúng ta từng phát động phong trào vì an ninh Tổ quốc trước kia thì đố kẻ tham nhũng nào thoát được.
Nhưng tôi phải thành thật trước mọi người là tôi khó tin vào kết quả của việc kê khai tài sản này lắm. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng hãy làm cho người dân tin đó là một cuộc đấu tranh chống tham nhũng thật sự mà tôi là một người dân trong nhân dân cần lao ấy. Và những người kê khai tài sản trước tiên, theo tôi, nên là những ngài Bộ trưởng và những tổ chức giám sát việc kê khai tài sản phải có đại diện của người dân một cách thực sự.
Đố ngài Bộ trưởng nào dám từ chức đấy!
Trong chương trình thời sự của VTV1 tối qua ( 6/5) có tin về vụ thu hoạch mía của Cuba thất thu. Lý do là thời tiết khắc nghiệt và một số lý do chủ quan khác nữa. Và với chỉ một vụ mía thất thu, Ngài Bộ trưởng Bộ mía đường Cuba đã xin từ chức.
Nghe vậy mà lòng đầy cảm xúc lẫn lộn. Từ bên này trái đất, lòng tôi hướng về Cuba và tỏ lòng ngưỡng mộ ngài Bộ trưởng. Và “trông người lại ngẫm đến ta”. Biết bao giờ ở nước Việt Nam này có một ngài Bộ trưởng đứng lên xin từ chức nhỉ? Tôi xúc động và đầy suy tư nói với mấy người bạn, thì một người trề môi nói: “Có mà đến mùa quýt. Ông đúng là thằng viển vông”. Rồi ông bạn ngửa cổ ngâm một câu ca: “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa / Sao đẻ dưới nước thì Bộ trưởng nước ta từ… chức”.
Nghe ông bạn tôi ngâm nga, lòng tôi cũng thấy tưng tức, bèn hỏi: Ông chỉ cho mọi người xem ở nước ta ngài Bộ trưởng nào đáng từ chức không ? Tôi cam đoan là nếu ngài Bộ trưởng nào đó ở nước ta mà mắc lỗi ở mức độ như ngài Bộ trưởng Bộ mía đường Cuba thì chắc họ cũng xin từ chức. Còn nếu ông cứ khăng khăng ở nước ta cũng có vài ngài Bộ trưởng đáng từ chức và nên từ chức thì xin rà soát thử xem.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ư ? Làm gì đã đến mức ấy tuy ở Bộ này học sinh thì quay cóp, đánh thầy, chửi cô, thầy thì gạ tình lấy điểm, mua dâm học trò, cô thì bắt trò liếm ghế mà không liếm ghế thì tát cho vẹo hàm, kết quả thi tốt nghiệp một cách thực sự thì than ôi tệ hại vô cùng…
Bộ trưởng Bộ Y tế ư? Cũng làm gì đến nỗi ấy tuy rằng Bác sỹ thì ăn tiền bệnh nhân, Bác sỹ thì lĩnh lương trong bệnh viên nhưng mở phòng mạch ở ngoài bệnh viện, thuốc thì tăng giá vù vù mà không quản lý được, bệnh viện thì bẩn thỉu, ba bốn bệnh nhân nằm chung một giường…
Vậy thì Bộ trưởng Bộ xây dựng ư ? Càng không đến mức ấy tuy rằng Bộ này xây nhà thì sai quy định để đến khi cháy thì chẳng biết làm thế nào, cầu hàng ngàn tỷ xây xong thì nứt [và chưa xong đã sập], đường hàng ngàn tỉ làm xong thì lún, công trình thì tô trát bên ngoài nhưng vòng tay rút ruột bên trong…
Có lẽ mấy ông Bộ trưởng của nước người như nước Cuba anh em kia chắc sai sót trầm trọng lắm mới đệ đơn từ chức. Mà có lẽ, làm Bộ trưởng ở nước ngoài nó khác làm Bộ trưởng nước mình.
Không phải là cứu dân đen mà là bảo vệ chủ quyền quốc gia
Có thể ví vụ Vedan thải chất độc giết chết sông Thị Vải có thể gọi là ” vụ đầu độc” công khai và lớn nhất từ trước đến nay đã bị bắt quả tang. Người dân đã khởi kiện Công ty Vedan bồi thường thiệt hại. Nhưng thời gian cứ thế trôi đi mà kẻ đầu độc vẫn phởn phơ.
” Vụ đầu độc ” công khai này đã xẩy ra gần hai năm trời rồi nhưng “kẻ đầu độc” vẫn ung dung trước đau khổ và bức xúc của người dân. Vedan đã phạm tội. Điều đó đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ phải bồi thường là đúng pháp luật. Thế nhưng bi hài thay họ lại chỉ định… hỗ trợ những nạn nhân của họ mà thôi. Cứ như là họ đang làm công tác từ thiện với khẩu hiệu của họ “duy trì mối quan hệ thân thiện với nông dân”. Việc đánh tráo khái niệm giữa “bồi thường” và “hỗ trợ” là trò ma. Nhưng tại sao giữa thanh thiên bạch nhật mà Vedan lại trơ trẽn diễn cái trò này được?
Khi Vedan đưa chuyên gia từ Đài Loan sang để kiểm chứng lại mức độ độc hại mà họ gây ra thì sự việc đã vượt qua ngưỡng “quá trớn” và coi thường luật pháp Việt Nam. Đồng thời, Vedan hứa hết lần này đến lần khác nhưng không thực hiện và giở nhiều trò, nhiều mánh để chạy tội. Một cái công ty mà còn ngang ngược như thế hỏi những kẻ có tiền nhiều, vũ khí nhiều sẽ ngang ngược và chà đạp lên lợi ích của các quốc gia nhỏ hơn như thế nào.
Chưa bao giờ như lúc này, chúng ta cần thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ luật pháp của chúng ta. Các cơ quan chức năng nếu không có ý giúp những người dân hai bờ sông Thị Vải thì hãy giúp nhà nước chứng minh chủ quyền của đất nước này. Chuyện ngay ở trong nước mình mà không làm được thì hỏi chuyện ngoài xa kia thì làm thế nào ?
Kết quả giám định của Viện MT-TN được Nhà nước ủy quyền hãy công bố kết quả điều tra một cách rõ ràng và cơ quan luật pháp dựa trên đó mà phán định. Làm gì có chuyện một công ty như Vedan lại coi kết quả giám định của một cơ quan chuyên môn Nhà nước và phán quyết của cơ quan luật pháp Nhà nước như là chuyện trẻ con như thế.
Khi hai cơ quan Nhà nước kia có kết luận chính thức mà Vedan không thực hiện thì chúng ta phải cưỡng chế như chúng ta cưỡng chế việc di dời nhà dân để làm đường hay xây dựng công trình gì đó. Nếu không thì chấm dứt hoạt động của Vedan cho dù Công ty này có mang lại một chút lợi ích nào đó vì không có lợi ích nào lớn hơn chủ quyền của một quốc gia.
Cứ tiến lên đi, máy ủi!
Cho dù được thông báo và cả cảnh báo nữa thì những chiếc xe ủi vẫn hùng hục phá tan những di tích lịch sử cụ thể là bức tường thành Đại La – Hoàng Thành dưới đường Hoàng Hoa Thám của Thăng Long ngàn tuổi ẩn giấu dưới lòng đất khi họ làm con đường.
Nhưng những chiếc máy ủi kia đâu phải là những kẻ vô văn hóa và bất chấp dư luận như thế. Và có điều lạ lùng là từ mấy năm trước, các cơ quan quản lý văn hóa đã cảnh báo với chính quyền thành phố Hà Nội về một di tích lịch sử vô giá sẽ bị tàn phá khi triển khai thi công dự án đường Văn Cao – Hồ Tây.
Và như một vấn đề muôn thuở, người nói cứ nói và kẻ làm cứ làm trước những điều hiển nhiên như vậy. Nói thật là nhiều người dân cảm thấy vỡ óc khi không hiểu sao người ta cứ làm những điều không bao giờ được phép làm.
Một công viên hiển nhiên đấy mà cứ ký giấy phép cho xây dựng khách sạn ở trong, một di tích văn hóa đấy mà cứ cho phép xây dựng đủ thứ linh tinh bên cạnh và kinh doanh đủ loại linh tinh trước cửa, một hồ nước đấy mà cứ hiển nhiên lấn chiếm. Ngay như Vịnh Hạ Long mà có đến biết bao nhà hàng nổi xấu xí trên vịnh rồi ăn uống rồi thải ra đủ thứ.
Ngày 20.4 vừa qua, Bộ VHTTDL tiếp tục gửi công văn tới UBND TP.Hà Nội đề nghị “chỉ đạo các cơ quan liên quan có kế hoạch nghiên cứu về di tích này, trường hợp phát hiện di tích khảo cổ học, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia cần tổ chức thăm dò thám sát, khai quật khảo cổ học theo Luật Di sản văn hoá…”.
Các nhà chuyên môn đã lên tiếng và chứng minh có sở cứ khoa học về sự hiện diện của bức tường thành đã tồn tại qua nhiều triều đại. Các cơ quan quản lý về văn hóa đã từng cảnh báo và đang tiếp tục có ý kiến đề nghị khai quật, phân tích di sản hiếm hoi này.
Thế nhưng công văn cứ đến, cứ đi còn máy ủi cứ san, cứ phá. Những người có trách nhiệm và có quyền dừng bọn máy ủi vô văn hóa kia còn đợi gì nữa ? Cái gì đã ngăn cản các vị ? Sự không nhận thức được những di sản ấy hay là cái gì? Việc ngang nhiên tàn phá một di sản văn hoá trong thế kỷ XX thì chúng ta mới thấy vụ những thế lực Hồi giáo cực đoan phá bức tượng phật khổng lồ mà thôi.
Trong lúc đó thì người ta lại tốn phí không ít tiền vào những thứ mơ hồ và đầy tính hài hước để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long còn những điều cụ thể kia, những giá trị cụ thể kia thì bỏ mặc. Cũng trong thời gian này, người ta cho thuê hết di tích văn hóa này đến di tích lịch sử kia để kinh doanh. Có lẽ những chuyện này chỉ có ở nước ta mà thôi.
Và đêm đêm trong những ngày này, những người Hà Nội mất ngủ tỉnh giấc, họ tưởng nghe được tiếng Trống Hà thành lung lay bóng nguyệt nhưng chỉ thấy những tiếng hô “tiến lên đi, máy ủi”.
Lớp học nhân cách và người thầy “nhặt đinh”…
Trong khi bao kẻ kể cả những kẻ có đầy bằng cấp đang hạ gục nhân cách xã hội thì chúng ta vẫn được chứng kiến những hiệp sỹ chiến đấu không mệt mỏi để cứu vớt nhân cách xã hội. Đó là bà Tim nuôi chim sẻ bảo vệ môi trường, đó là người chèo bè ở thác Bản Giốc, đó là những người dân Ngọc Chánh, Cà Mau phẫn nộ trước hành động bạo hành man rợ của một đôi vợ chồng…Và mới đây, chúng ta lại chứng kiến ông Đỗ Văn Ái ở Tân An, Long An qua chương trình HTV9.
Ông Ái là một người dân thường ngèo khổ nhưng là ví dụ của lối sống truyền thống “đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhiều năm nay, ông lặng lẽ ngày ngày đi nhặt những chiếc đinh do vô tình và do cố ý người ta rải trên đường để những người khác đi qua tránh được tai nạn. Trách nhiệm xã hội của ông ngang bằng với tất cả những người Việt Nam đang sống trên mảnh đất này. Lòng yêu nước của ông ngang bằng tất cả những người Việt Nam [chính trực nhất]. Và nhân cách của ông ngang bằng với tất cả những ai yêu nước cho dù đó là một ngài Tổng thống [hãy cứ nói thẳng ra là một Tổng bí thư hay Thủ tướng không bất lương] hay một vị Giáo sư không đạo văn.
Những người cứu vớt nhân cách xã hội lại là những con người bình dị và đang sống một cuộc sống thiếu thốn. Tôi cứ hình dung về một lớp học nhân cách. Trong lớp học đó, các học sinh là những vị có bằng cấp, giàu có và có thể cả địa vị nào đó trong xã hội nữa. Còn thày cô của lớp học này không phải là Khổng Tử hay Chu Văn An… mà là ông Ái “nhặt đinh”, bà Tim ” bảo vệ chim sẻ”…
Giáo trình của họ không phải do một Hội đồng chuyên môn hay gì gì đó mà là những hành động ngày ngày của họ đối với thiên nhiên và con người một cách tự giác và đầy lòng yêu thương, nhân ái.
Hỡi các ngài, hãy học đi. Ai tự nguyện đăng ký lớp học này? Tôi không biết những ai sẽ đăng ký học. Nhưng với những khiếm khuyết của mình, tôi – Trực Ngôn – xin đăng ký được làm học trò của thầy Ái “nhặt đinh” và cô Tim ” bảo vệ chim sẻ”
TN
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-05-07-do-bo-truong-nao-dam-tu-chuc-va-mot-ke-lam-muu-