Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 44
ĐÔNG ĐỨC: QUYỀN LỰC NHÂN DÂN
NHÌN KRENZ LÀ MUỐN ĐI – VỠ NỢ – THÀNH CÔNG DỐI TRÁ, NỢ 123 TỈ – “BÁN” TƯỜNG BERLIN – XOAY TIỀN LIÊN XÔ – CỐ THỦ – HUNGARY BỎ ĐẢNG, ĐÔNG ĐỨC VỜ TRĂN TRỞ – “BƯỚC NGOẶT” VÀ 700.000 NGƯỜI – KẺ TRỞ CỜ – “ĐỐT ĐI” – LÃNH ĐẠO TỪ CHỨC, LUẬT DI TRÚ MỚI
***
Đông Berlin. Thứ ba, ngày 31 tháng 10, năm 1989
NHÌN KRENZ LÀ MUỐN ĐI
1.
NHỮNG NGƯỜI LẬT ĐỔ Honecker tin rằng quần chúng sẽ biết ơn và kính trọng họ. Nhưng họ hoàn toàn sai. Tân Tổng Bí thư Đảng Egon Krenz là người bị dân ghét hạng hai trong nhiều năm qua, chỉ sau Honecker, và trong 46 ngày cầm quyền sắp tới, Krenz từ hạng hai đã lên được vị trí số một.
Cuộc biểu tình lớn đầu tiên đòi ông từ chức xảy ra ngay trong đêm Krenz lên thay Honecker. Mặc dù bây giờ Krenz cố tỏ ra mình là một nhà cải cách, là một người luôn muốn Đông Đức thay đổi theo hướng tự do, không còn ai tin ông.
Họ vẫn nhớ trong nhiều năm qua ông là “thái tử kế vị” chức Tổng Bí thư, và ông ứng xử y như một thái tử chính hiệu. Họ vẫn nhớ ông là người mới vài tháng trước đã ca tụng kết quả cuộc bầu cử đểu ở Đông Đức là mẫu mực của nền dân chủ thực tế.
Và nhiều người Đông Đức vẫn còn nhớ như in hình ảnh Krenz ở Bắc Kinh, khi ông đến thăm ngay sau cuộc thảm sát Thiên An Môn, ông bắt tay Đặng Tiểu Bình và ca ngợi hành động cứng rắn của Trung Quốc trong việc dẹp tan biểu tình gây bất ổn.
2.
Dân chúng Berlin truyền tai nhau nhiều chuyện châm biếm ông. Chẳng hạn: “Hỏi: Krenz khác Honecker chỗ nào? Đáp: Khác ở chỗ Krenz có túi mật!”
Khi biểu tình, nhiều người mang theo các bức phác họa châm chọc ông, nhiều bức vẽ ông như con chó sói trong truyện Cô bé Quàng Khăn đỏ với dòng chữ diễu cợt bên dưới “Bà ơi, sao răng bà to thế?”
Nhà văn châm biếm Wolf Biermann, như thường lệ, dùng một câu rất súc tích tóm được tính cách của ông: “Egon Krenz là … tấm thiệp mời di động, nhìn mặt Krenz là muốn bỏ nước mà đi”.
Phó Đại sứ Liên Xô tại Đông Đức, Igor Maximichev, làm việc thường xuyên với Krenz, nhận xét về ông: “Egon Krenz … hoàn toàn không có chút sức hút nào. Dân không chấp nhận ông. Ông không hấp dẫn. Ông không thể tìm ra lời để nói chuyện với dân vì toàn dùng chữ của Đảng”.[1]
Ông cho thiên hạ biết ông là ai ngay bài diễn văn đầu tiên khi nhậm chức: “Chúng tôi … không có quyền lợi nào khác ngoài quyền lợi của nhân dân … Sự lạc quan lịch sử của chúng tôi xuất phát từ kiến thức về chiến thắng tất yếu của chủ nghĩa xã hội do Marx, Engels và Lenin thiết lập”.
Người Đông Đức đáp lễ bằng cách xuống đường đông hơn trước, họ biểu tình đòi Krenz từ chức, đòi được quyền tự do đi lại, và kêu gọi dẹp bỏ Bức tường Berlin. Một tuần sau ngày Krenz lên thay Honecker, tổng cộng 1.000.000 người đã xuống đường trong nhiều cuộc biểu tình tại các thị trấn và thành phố khắp Đông Đức.
*
VỠ NỢ
3.
Ngày 31/10/1989 là ngày đầu tiên Krenz nghe biết sự thật đầy đủ về tình trạng tài chính thê thảm Honecker gây ra và để lại cho Đông Đức. Những dữ liệu về việc này hoàn toàn bị giấu kín, không ai hay biết ngoại trừ vài người, trong đó có: ông “vua” kinh tế của chế độ, Gunter Mittag; nhà tài chính “lục lâm” Alexander Schalck-Golodkowski; trùm mật vụ Erich Mielke; và Trưởng ban Kế hoạch Nhà nước Gerhard Schurer.
Đến lúc này thì toàn bộ các nhà lãnh đạo đều được biết. Tất cả đều chấn động. Họ đối mặt với tình trạng phá sản chỉ trong vài ngày nữa. Đông Đức không còn đủ tiền mặt để trả lãi cho các khoản nợ nước ngoài và sắp vỡ nợ đến nơi.
Một báo cáo tối mật, có tên “Báo cáo về Tình hình Kinh tế Cộng hòa Dân chủ Đức và những Hệ quả” được Trưởng ban Kế hoạch Schurer trình bày cho các thủ lĩnh Đảng, trong đó Schurer đã đưa ra những con số không xi mạ đánh bóng về sổ sách tài chính.
Cũng nên nhắc lại là vào tháng 5/1989, Schurer đã cố thuyết phục Honecker nghiêm túc xem xét khủng hoảng nợ, rằng chẳng bao lâu nữa “chúng ta sẽ không trả được nợ”. Nhưng Honecker không chịu đương đầu với khủng hoảng, ông cho rằng thời điểm chưa đúng lúc. Cả Honecker lẫn Mielker đều yêu cầu Schurer “phải bảo đảm không được nói gì về việc này”. Tuân lệnh, Schurer phải im lặng, nhưng giờ đây ông lên tiếng và tuyên bố đất nước thực ra đã và đang trong tình trạng vỡ nợ.[2]
*
THÀNH CÔNG DỐI TRÁ, NỢ 123 TỈ
4.
Báo cáo mật cho biết, tất cả những lời lẽ tuyên truyền về thành công của Cộng hòa Dân chủ Đức chỉ là nói dối. Sự thật trần trụi là dưới chế độ “chủ nghĩa xã hội giữa đời thực”, gần 60% toàn bộ nền công nghiệp Đông Đức chỉ là một đống phế liệu, năng xuất trong các nhà máy và hầm mỏ ở Đông Đức chỉ bằng 50% năng xuất ở phương Tây. Thảm hại nhất là nợ đã tăng lên 12 lần trong 15 năm qua, lên đến mức 123 tỉ Đức-mã và đang tăng thêm khoảng 10 tỉ Đức-mã mỗi năm, một con số, theo Schurer “cao bất thường trong một nước như Cộng hòa Dân chủ Đức”.
Schurer còn chỉ ra những chiêu trò phạm pháp đã được dùng để che giấu dữ liệu thực trước các chính phủ và ngân hàng phương Tây, che giấu các khoản vay ngắn dùng để trả lãi cho các khoản vay dài hạn. Nếu các thị trường tài chính phương Tây biết Cộng hòa Dân chủ Đức dối trá trơ trẽn ra sao về tài sản của mình thì họ sẽ ngưng các khoản cho vay ngay lập tức.
Theo Schurer, bây giờ đã quá trễ, chỉ còn cách tiếp tục vay thêm. Ông cho rằng nếu năm năm trước, chính quyền đưa ra được một số biện pháp quyết liệt để giảm nợ thì còn có cơ cứu vãn, giờ thì mọi sự đã đi quá xa. Ông nói: “Chỉ để giảm thêm nợ, nhà nước sẽ phải cắt tiêu chuẩn sinh hoạt xuống, từ 25% đến 30% vào năm sau, nhưng điều đó sẽ khiến Cộng hòa Dân chủ Đức lâm vào đại loạn”.[3]
*
“BÁN” TƯỜNG BERLIN
5.
Nghe xong điều này, Krenz và các thủ lĩnh khác thất kinh. Sinh mệnh chính trị của họ quá mong manh và sẽ rớt xuống bằng không ngay khi họ đưa ra những biện pháp thắt lưng buộc bụng gây bức xúc. Nhưng vấn đề cấp bách trước mắt cũng gay go không kém, đó là làm sao kiếm được tiền để trả các khoản lãi sắp đến hạn?
Schurer hiến kế rằng: “Chỉ còn cách duy nhất là thương lượng với chính quyền Cộng hòa Liên bang Đức để họ cho vay ngắn hạn số tiền từ hai đến ba tỉ Đức-mã nữa, ngoài mức đụng trần hiện nay”. Nếu không kiếm được thêm tiền trong vòng hai tuần nữa, thì “có thể có một cuộc đối đầu tai hại với Quỹ Tiền tệ Quốc tế”. Và khi điều này xảy ra, uy tín của Cộng hòa Dân chủ Đức như một quốc gia đáng tín nhiệm để cho vay sẽ biến mất.
Nhưng thương lượng ra sao? Schurer và đội ngũ kinh tế gia của ông đã đưa ra một ý tưởng rất táo bạo, nhưng cũng đầy tuyệt vọng. Họ đề nghị hãy “bán” Bức tường Berlin, và dùng nó như món hàng để thương lượng vay thêm tiền. Báo cáo của Schurer viết: “Chúng ta sẽ đặt biên giới, như hiện trạng, lên bàn thương lượng”. Đây là một bước nối dài của việc “bán” người qua phương Tây mà chế độ đã làm bao nhiêu năm nay.
Schurer nói với Krenz rằng Tây Đức có thể sẵn lòng chấp thuận đề nghị này. Dĩ nhiên, Đông Đức sẽ không cho thống nhất hai nước Đức, hoặc thành lập liên bang, nhưng họ có thể hứa sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Tây Đức trong hàng loạt các vấn đề khác.
Báo cáo viết thêm: “Để Tây Đức thấy Đông Đức thành khẩn, phải tuyến bố chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi, ngay cuối thế kỷ này, để làm cho biên giới hiện có giữa hai nước Đức không còn cần thiết nữa”.[4]
6.
Krenz và các lãnh tụ khác phấn khởi, chấp nhận ngay ý tưởng của Schurer và muốn liên hệ với Tây Đức lập tức. Còn ai xứng đáng để đảm đương phi vụ chính trị và tài chính nhạy cảm này hơn tay thương lái chuyên nghiệp của chế độ, một người hơi huê dạng nhưng cực kỳ kín kẽ, ông Alexander Schalck-Golodkowski, người đã từng thực hiện những vụ làm ăn tế nhị với Tây Đức? Ông được lệnh đi Bonn, trong vòng bí mật tuyệt đối, để đánh tiếng với chính quyền Tây Đức.
Thoạt đầu, các nhà lãnh đạo Tây Đức không quá hào hứng. Schalck-Golodkowski nói chuyện với Rudolf Seiters, chánh văn phòng của Phủ Thủ tướng Helmut Kohl, người đưa ra những điều kiện chặt chẽ cho bất cứ thỏa thuận nào có thể có. Cả Seiters lẫn Kohl đều không tin giới lãnh đạo Đông Đức thực lòng trong vụ này.
Seiters nói với Schalck-Golodkowski rằng trước khi các cuộc đàm phán chi tiết có thể bắt đầu thì Đảng Cộng sản Đức phải từ bỏ độc quyền chính trị trước đã, phải cho phép các đảng phái chính trị độc lập hoạt động và phải tiến hành bầu cử tự do có bảo đảm, “rồi thì Thủ tướng Kohl mới sẵn lòng nói chuyện về một chiều hướng hoàn toàn mới của chúng tôi trong công cuộc viện trợ kinh tế”. Schalck-Golodkowski đáp ông không tin hai bên có thể thỏa thuận với những điều kiện như thế, nhưng ông sẽ trở về Berlin xem các lãnh tụ Đảng nói gì.[5]
*
XOAY TIỀN LIÊN XÔ
7.
Hôm sau, ngày 1/11/1989, Krenz đi Moscow để ra mắt và tỏ lòng trung thành với Mikhail Gorbachev. Cuộc gặp diễn ra thật oái oăm, vì Liên Xô muốn một nhân vật khác lên thay Honecker. Gorbachev vừa không thích vừa không xem trọng Krenz, vì Krenz quá thân với vị tiền nhiệm của ông, và mang tiếng là một kẻ quỵ lụy, không đáng tin.
Lãnh tụ Liên Xô và lãnh tụ KGB đều muốn đưa Bí thư Thành ủy Dresden, ông Hans Modrow, lên ngôi cao nhất tại Đông Đức. Đánh giá theo chuẩn Đông Đức, Bí thư Modrow, 51 tuổi, tóc bạch kim, thông minh và tinh tế, là một nhà cải cách và một nhà quản lý có năng lực. Ông là một trong vài quan chức cộng sản dám bất đồng với Honecker, nhưng bị Honecker gạt qua một bên, bổ đi làm tại các tỉnh lẻ. Tuy vậy, Modrow có quan hệ rất tốt với Liên Xô, và đó là lý do Gorbachev chú ý đến một quan chức Đảng tại Đông Đức khá ít người biết đến như thế.
Trở về với Krenz, tin tức Krenz mang đến Moscow lần này làm Gorbachev thật khó xử. Krenz báo cho Gorbachev biết về tình hình tài chính của Đông Đức, với hy vọng ông thông cảm và cho Đông Đức vay tiền. Lãnh tụ Liên Xô nghe xong, im lặng một lát, rồi tuyên bố: “Tôi rất kinh ngạc. Chúng tôi không biết phải làm gì đây. Những dữ liệu này là bí mật thật không? Chúng tôi không khi nào nghĩ tình hình lại nguy kịch đến thế. Sao lại tệ đến thế được?”
8.
Krenz nói ông không biết đầy đủ chi tiết, các đồng nghiệp của ông cũng không biết nốt. Ông nói với Gorbachev rằng tất cả mọi số liệu đều được Honecker và Mittag canh giữ chặt chẽ, họ là hai người điều khiển nền kinh tế Cộng hỏa Dân chủ Đức, và “Những con số không sai được. Chỉ để trả lãi thôi, đã cần có 4,5 tỉ Đô-la Mỹ, khoảng hai phần ba thu nhập ngoại tệ”. Rồi Krenz trực tiếp kêu gọi Liên Xô giúp đỡ tiền bạc: “Dù sao thì Cộng hòa Dân chủ Đức, theo nghĩa nào đó, cũng là một đứa con của Liên Xô, và người ta phải công nhận tư cách làm cha với con mình”.
Mặt Gorbachev quặn lại. Ông nói: “Chúng tôi không có điều kiện để giúp đỡ, nhất là trong tình hình Liên Xô hiện nay”. Ông nói với Krenz cách duy nhất có thể làm được là Krenz phải cởi mở hơn với người dân của mình, nhất là trong khi “hàng ngàn người đang bỏ nước ra đi”.
Gorbachev cũng nói giới lãnh đạo Đông Đức không thể tiếp tục sinh hoạt theo cách quen thuộc, bất chấp ngày mai và bất kể mình có gì. Krenz một lần nữa xin tiền viện trợ, vì nếu không chế độ Đông Đức sẽ không thể sống còn. Nhưng Gorbachev nói Krenz không nên trông chờ Liên Xô giúp đỡ.
9.
Krenz báo động rằng sẽ có rắc rối lớn nếu các cuộc biểu tình rầm rộ như ở Leipzig diễn ra ngay tại Berlin. Ông nói: “Chúng tôi phải dùng biện pháp để ngăn cản quần chúng phá thủng và kéo nhau đi qua Bức tường. Sẽ khủng khiếp vì lúc đó công an phải can thiệp và áp dụng một số chính sách thường dùng trong tình trạng khẩn cấp”.
Gorbachev xem đây là một thứ hăm dọa chính trị để tống tiền, nên bảo Krenz rằng ông và các cộng sự đừng chờ đợi quân đội Liên Xô sẽ đến giải cứu. Gorbachev nói: “Ông cần giải quyết vấn đề phải làm gì khi dân chúng rầm rộ di tản và làm gì về tương lai Bức tường. Nếu ông không làm ngay thì ông sẽ gặp rắc rối to, từ người dân của chính ông”.
Khi Krenz ra về, cố vấn đối ngoại của Gorbachev, Anatoli Chernyaev, chua chát đùa rằng: “Thế là là “Ủy ban Giải thể Cộng hòa Dân chủ Đức” đã ra về”. Gorbachev thì nghiêm trọng, không lâu sau đó, ông ra chỉ thị nhắc nhở các tướng lĩnh của ông rằng lính Liên Xô không được, trong bất cứ trường hợp nào, dính líu đến các cuộc xung đột giữa chế độ ở Berlin và công dân Đông Đức của họ. Ông nói với các cộng sự: “Đây là ưu tiên tối cao. Tôi không muốn bất cứ tai nạn nào có dính líu đến lính của ta xảy ra tại đó”.[6]
***
CỐ THỦ
10.
Krenz rời Moscow về nước với hai bàn tay trắng, nhưng ông vẫn không tính chuyện từ chức, hoặc giải thể Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong ngày ông có mặt tại Liên Xô, chính phủ của ông đã mở lại cửa biên giới với Tiệp Khắc, sau ba tuần Honecker đóng cửa để ngăn chặn dòng người “Xuất hành”.
Đúng như lường trước, đông đảo dân chúng lại lái xe Trabant đổ dồn về biên giới Tiệp Khắc. Chính quyền Praha không muốn một vụ khủng hoảng người tị nạn khác nữa trên lãnh thổ mình, nên để họ đi tiếp về phía tây, đi thẳng qua biên giới Tiệp Khắc và Tây Đức. Vậy là lúc này Bức màn Sắt đã thủng ở hai chỗ, một ở biên giới với Hungary, đối với người tị nạn từ Hungary, và một ở biên giới Tiệp Khắc, đối với người tị nạn từ Đông Đức.
Tuy nhiên, Krenz vẫn quyết tâm giữ lại Bức tường Berlin. Ông tuyên bố vào đầu tháng 11/1989: “Tôi không thấy có lý do nào để phải phá bỏ Bức tường. Bức tường là thành trì chống phương Tây phá hoại”. Krenz cũng không chấp nhận bầu cử tự do hoặc từ bỏ quyền thống trị độc tôn của Đảng.[7]
*
HUNGARY BỎ ĐẢNG, ĐÔNG ĐỨC VỜ TRĂN TRỞ
11.
Lúc đó tại Ba Lan, chính quyền do Công đoàn Đoàn kết nắm đa số đã hoạt động được hơn hai tháng. Tại Hungary, Đảng Cộng sản đã ngưng tồn tại vào cuối tháng 9/1989, sau khi các Đảng viên nhẹ nhàng biểu quyết giải tán Đảng Cộng sản và thành lập một Đảng Xã hội Chủ nghĩa mới.
Tại Hungary lúc bấy giờ, độc quyền chính trị của Đảng không còn nữa, hầu hết tiền bạc và tài sản của Đảng đã bị tịch thu, và luật lệ mới cấm Đảng thành lập chi bộ trong các nhà máy, nơi xuất phát phần lớn quyền lực của người cộng sản. Theo thỏa thuận với phe đối lập tại Budapest, đạt được sáu tuần trước đó, bầu cử tự do sẽ diễn ra vào tháng 3/1990, và trong cuộc bầu cử đó, có một đảng cánh hữu được cho là sẽ thắng cử dễ dàng.
Ngày 23/10/1989, Hungary chính thức ngưng tồn tại với tư cách pháp lý là một nền Cộng hòa Nhân dân. Hungary đổi tên, chỉ còn là nước Cộng hòa, cũng không còn điều nào trong hiến pháp quy định “vai trò lãnh đạo” của Đảng Cộng sản trong sinh hoạt chính trị của đất nước.
Nhưng tại Đông Đức, chế độ vẫn tiếp tục cho dân bầu cử trên cơ sở một đảng cầm quyền. Đây là cuộc bầu cử mà một nghị quyết của Đảng viết rằng: “có dân chủ, nhưng không dẫn đến việc mở cửa cho chủ nghĩa đa đảng kiểu tư sản”.
12.
Ngay một số nhân vật lãnh đạo chế độ Đông Đức cũng cảm thấy có điều gì như hoang đường khi họ gặp nhau lúc này. Những cuộc biểu tình khổng lồ đang diễn ra hàng ngày ở hầu như khắp các đô thị, và rõ ràng là biểu tình sẽ không bị đàn áp bằng bạo lực. Các lãnh đạo Đảng không còn quyết tâm để chiến đấu bảo vệ quyền lực, cũng không còn sức mạnh để cai trị, nhưng họ vẫn nói năng kiểu cộng sản, nhất là Egon Krenz.
Theo một nghị quyết lạ lùng ra ngày 4/11/1989, một số nhân vật lãnh đạo Đảng hàng đầu được giao nhiệm vụ gặp gỡ phe đối lập, nhưng họ “được chỉ đạo là phải tỏ ra khác biệt với đường lối chính thống của Đảng để quần chúng hy vọng và tin tưởng trở lại … Các đồng chí phải chuẩn bị để không cổ xúy cho đường lối Đảng, mà phải tỏ ra trăn trở và luôn bám sát thực tế để lấy lại uy tín cho chúng ta”.[8]
*
“BƯỚC NGOẶT” VÀ 700.000 NGƯỜI
13.
Sáng thứ bảy, 4/11/1989, các lãnh đạo Đảng quyết tâm không để Đảng “bị những biến cố trên đường phố điều khiển”. Tuy vậy, xế chiều hôm đó tại Quảng trường Alexanderplatz, khoảng 700.000 người dân Berlin đã thách thức quyết tâm kia của lãnh đạo. Một biểu ngữ khổng lồ ngay trung tâm Quảng trường sơn dòng chữ “Wir Sind Das Volk” (Chúng tôi là dân)*. Chỉ trong vài ngày qua, không khí toàn xã hội đột ngột thay đổi. Mọi người lạc quan hơn, vui vẻ phấn khởi hơn, vẫn tức giận nhưng đã bớt phần cay đắng.
Ulrike Poppe, một trong những người tổ chức biểu tình cho biết: “Với tư cách đối lập, chúng tôi cũng đã thay đổi. Chúng tôi không tìm cách đối thoại nữa. Giờ là đối đầu, dĩ nhiên không bằng vũ lực … chúng tôi đặt vấn đề về quyền lực của họ. Chúng tôi đặt cho họ câu hỏi ai xứng đáng nắm quyền”.[9]
Đây là cuộc mít-tinh phi thường nhất trong tất cả những cuộc tụ tập rầm rộ được gọi là “die Wende” (Bước ngoặt). Lần đầu tiên, những nhân vật nổi bật của chế độ xuất hiện trên khán đài bên cạnh những sáng lập viên của các nhóm đối lập và các nhà bất đồng chính kiến. Stefan Heym, tác giả có sách bị cấm suốt 10 măm qua tại Đông Đức, xuất hiện trước đám đông và khi ông tuyên bố “Các bạn thân mến, dường như ai đó vừa mở toang cánh cửa sổ, sau bao nhiêu năm ngộp thở … về tinh thần”, ông đã được quần chúng tán thưởng nồng nhiệt.
Lát sau, Gunter Schabowski, Bí thư Thành ủy Berlin, cố bình tĩnh bảo đảm với đám đông rằng nhiều biện pháp cởi mở mới sắp sửa được áp dụng. Tuy là người vui vẻ, sôi nổi, có nhiều sức hút và có tiếng là nhà cải cách, ông vẫn không phải là khuôn mặt cộng sản được quần chúng chấp nhận. Ông bị lo ó phản đối phải rời khán đài.
Một trong những người biện hộ cho chế độ nổi tiếng nhất và là người được nhà nước hậu thuẫn, nhà văn Christa Wolf, đăng đàn. Nhưng quần chúng chỉ nghe chiếu lệ, họ lạnh nhạt với những gì bà nói.
*
KẺ TRỞ CỜ
14.
Vào thời điểm đó, trên toàn khối Xô-viết, nhiều người cộng sản với thành tích đáng ngờ nhưng đầy tham vọng đã nhanh chóng lột xác và đóng bộ cho thành “những nhà cải cách bí ẩn, luôn hoạt động sau hậu trường để thay đổi chế độ từ bên trong”.
Trường hợp kỳ quái nhất trong số các nhà dân chủ “tái sinh” này là ông trùm gián điệp Markus Wolf, người mới năm ngoái còn đứng đầu sở tình báo hải ngoại của cơ quan mật vụ Stasi, nơi ông chỉ đạo nhiều cuộc đảo chính đình đám và được ngưỡng mộ như một bậc thầy về “ma thuật” trong nghề gián điệp. Là người trơ trẽn lộ liễu, ông tưởng mình có thể dùng đám đông để tiến thân chính trị, và có thể khoác lên vẻ vô tội lành lặn giữa những đổ vỡ ông nghĩ sẽ xảy ra trên đất nước. Nhưng khi đứng lên phát biểu, đám đông như nhìn thấu tim gan ông, và con người thật kịch cỡm của ông lộ ra, dù ông không hay biết.
Sau này ông kể lại: “Tôi cố thuyết phục … đám đông tại chỗ và hàng triệu người đang xem truyền hình đừng bạo động. Nhưng trong khi tôi nói, trong khi tôi phản đối việc đổ trách nhiệm lên đầu các nhân viên an ninh, biến họ thành con dê tế thần chịu tội thay cho các chính sách của lãnh đạo trước đây, tôi chỉ loáng thoáng nhận ra có nhiều chỗ trong đám đông người ta huýt sáo phản đối tôi. Đúng là họ không còn tâm trí đâu để nghe một ông tướng Stasi về hưu dậy bảo họ phải tử tế ra sao”.[10]
*
“ĐỐT ĐI”
15.
Trùm mật vụ Mielke vẫn giữ được ghế của mình – một phần thưởng cho những gì ông làm trong vụ lật đổ Honecker. Nhưng đến lúc này, Mielke thấy vấn đề không còn là cứu nhà nước nữa, mà là cứu chính mình.
Sự giận dữ dành cho cơ quan mật vụ Stasi đang được quần chúng lần đầu tiên bộc lộ công khai. Mielke không còn cố thuyết phục đồng nghiệp của ông chống phe đối lập, nhưng ông cũng cảnh báo cho giới lãnh đạo rằng nhiều cuộc biểu tình rầm rộ đang hình thành bên ngoài các tòa nhà của sở mật vụ Stasi, mà một số có vẻ rất đáng ngại. Ông bảo họ: “Dân chúng đang hét vang những câu như “Đốt nhà nó đi”, “Đả đảo lợn Stasi”, “Giết chúng đi”, hoặc “Dao đã mài, thòng lọng đã sẵn””.
Ngày 7/11/1989, Mielke gửi mật lệnh đến các thủ lĩnh Stasi địa phương yêu cầu hủy bỏ mọi tài liệu có thể hủy, nhất là thông tin có thể làm lộ tung tích mạng lưới chỉ điểm. Nhưng hủy tài liệu là việc hết sức nặng nề. Cũng nhờ Mielke đã quá cuồng nhiệt muốn giữ mọi sự trên giấy trắng mực đen mà khối lượng hồ sơ tại sở mật vụ hết sức lớn.
Nhiều sĩ quan phụ trách văn phòng mật vụ cấp quận huyện và cấp sở cho đốt một số tài liệu về các gián điệp ở vị trí nhạy cảm, nhưng ngoài việc đó ra, họ phớt lờ chỉ thị của Mielke, vì cho rằng bây giờ là lúc “mạnh ai nấy lo cho bản thân”. Nhiều sĩ quan còn cố giữ hồ sơ lại vì cho rằng sau này có thể có lợi cho mình.
*
LÃNH ĐẠO TỪ CHỨC, LUẬT DI TRÚ MỚI
16.
Cùng ngày 7/11/1989, ngày Mielke ra chỉ thị đốt hồ sơ, Krenz cho thay toàn bộ nhân sự trong chính phủ. Modrow được bổ nhiệm làm Thủ tướng. Một ngày sau, 8/11/1989, tất cả các nhân vật lãnh đạo Đảng chủ chốt khác, ngoại trừ Krenz, đều từ chức. Nhưng, tất cả những biện pháp này đều không cứu vãn được chế độ trước áp lực dồn dập.
Ở Đông Đức xưa nay, di trú luôn là vấn đề then chốt. Krenz đã hứa có luật di trú mới, nhưng luật di trú mới ban hành vào ngày 6/11/1989 đã bị quần chúng châm chọc. Lý do là luật mới cho phép người dân được đi du lịch 30 ngày mỗi năm, khi được phép của Bộ Nội vụ, nhưng thời gian xin phép mất một tháng và người dân chỉ được phép mang theo 15 Đức-mã mỗi năm, tức chỉ đủ mua một lon bia và một chiếc bánh mì kẹp ở Tây Đức. Thế là hàng trăm ngàn người trong nước “Cộng hòa Nhân Dân Biểu tình Đức” một lần nữa lại xuống đường, ở Leipzig, ở Berlin, ở Dresden, họ hô vang câu “Vòng quanh thế giới 30 ngày, tiền lấy đâu trả đây?”
Krenz biết ông phải đưa ra thứ gì tốt hơn nhiều. Ông lệnh cho bốn viên chức của Bộ Nội vụ, trong đó có hai đại tá Stasi, phải soạn lại ngay thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh để dẹp yên cuộc khủng hoảng này. Và Krenz yêu cầu phải làm cực nhanh, phải xong trong vòng chưa đến hai ngày.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
PT
[1] Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 9
[2] Nobert Potzl, Erich Honecker, Eine Deutsche Biographie (Deutsche VerlagsAnstalt, Stuttgart, 2002), tr. 310-12
[3] Uwe Muller, Supergau Deutsche Einheit (Rowholt, Berlin, 2006), tr. 56-70
[4] Cold War series, tại USNSA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC); BA SPMO (Bundesarchiv, Stiftung Archiv der Parteien und Massenorganisationen der DDR), Krenz’s office IV 2/2.039/79
[5] Hans-Hermann Hertle, Der Fall der Mauer (Westdeustscher Verlag, Opladen, 1999), tr. 108-10
[6] BS SPMO, DY/JIV2/SA/3225; về ý kiến riêng của Gorbachev, xem Nhật ký Chernayev tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow)
[7] Báo Neues Deutschland, ngày 2/11/1989
[8] Hans-Hermann Hertle, sđd, tr. 467-75
* Theo nhà ngoại giao Mỹ E. Wayne Merry – trong bài “The Fall of the Berlin Wall: A Forgotten Part of the Story” đăng trên trang mạng “The National Interest” ngày 9/11/2014 – “Wir sind das Volk” xuất phát từ câu đầy đủ: “Wir bleiben hier! Wir sind das Volk!” (Chúng tôi ở lại! Chúng tôi là dân!), hoặc đầy đủ hơn nữa, từ câu: “Chúng tôi ở lại. Sao phải ra đi? Đất nước này là của chúng tôi. Chúng tôi ở lại! Chúng tôi là dân!” khác với hàng chục ngàn người đã bị nhà nước “bán” qua phương Tây trong nhiều năm, hoặc tự ý ra đi trong thời gian gần đó, họ là những người chọn ở lại và góp phần đòi hỏi thay đổi chế độ. Câu trên, để đủ nghĩa, có lẽ cũng có thể dịch thành: “Chúng tôi ở lại! Chúng tôi là dân! Dân là chủ!” (ND)
[9] Fall of the Wall series, LHCMA, box 4
[10] Markus Wolf và Enne Mc Elvoy, Man Without a Face (Times Books, London, 1997), tr. 210
Dịch giả gửi BVN