Hiện tượng “ngồi nhầm lớp” từng làm nhức nhối lương tâm các bậc phụ huynh chúng ta bao nhiêu năm nay mà không sao giải quyết được, góp thêm một kỷ lục đen cho ngành giáo dục, rốt cuộc nguyên nhân của nó là do đâu? Chúng tôi đã cố gắng rà đi soát lại để tìm kiếm… nhằm giúp ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thu thập bằng cứ cho một bản kiểm điểm “toàn diện”, “sâu sắc” chắc cũng đã đến lúc phải lên tiếng công khai rồi chứ không tránh né được nữa, nhân thấy ông đã bước đầu dám chịu trách nhiệm về kỳ thi đại học hỗn loạn lần này, tuy người dân vẫn chưa hết bức xúc đâu, nhưng như thế cũng đã là một thái độ thành khẩn đáng ghi nhận.
Và may mắn chúng tôi đã tìm được nó. Xin thưa, có một thầy giáo đã cất công chỉ ra rất đúng cái chủ trương ban đầu làm phát sinh những tệ trạng dẫn đến căn bệnh “ngồi nhầm lớp” thập tử nhất sinh ấy. Kính mời quý bạn đọc và các vị chức sắc trong ngành giáo dục đọc và ngẫm nghĩ về bài viết trên blog của thầy giáo Vũ Đức Cảnh mà chúng tôi xin được đăng lại dưới đây.Bauxite Việt Nam
Lâu nay, người ta cứ kêu ca về chất lượng giáo dục, về bệnh thành tích trong giáo dục. Nhưng nguyên nhân chính thì vẫn cứ đổ tại cho giáo viên. Ai biết, một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh thành tích trong giáo dục có sự đóng góp rất lớn của Phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Có thể nói, tư tưởng của những người nghĩ ra việc phổ cập là rất đúng nhưng thực tế khác xa do với lí thuyết.
Xin nói cụ thể về Phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (từ đây viết tắt là PCGDTHĐĐT).
1) Mặt tích cực của Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi:
a) Định nghĩa:
PCGDTHĐĐT (nghĩ theo nghĩa hẹp-thông thường) là thông qua hoạt động dạy học làm cho tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định phải đạt một một mức độ kiến thức nhất định.
b) Phân tích:
Theo thực tế dạy học, ta có thể đánh giá như sau:
– Phổ cập giáo dục là việc làm tích cực, để cho mỗi HS được hưởng quyền lợi học tập. Và khi đi học thì được nhà trường quan tâm đúng mức để đạt được kiến thức thật (mỗi độ tuổi ứng với một mức độ kiến thức cần đạt theo quy định).
– Với tư tưởng như vậy, đòi hỏi người giáo viên phải tận tụy, nhiệt tình và trung thực thì mới có được chất lượng thật. Điều này thật không hề dễ ở Giáo dục Việt Nam chúng ta.
Như vậy, tư tưởng của Phổ cập GDTH đúng độ tuổi đưa ra là ĐÚNG, nhưng đó là LÝ THUYẾT.
2) Mặt tiêu cực của Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi:
(Đây mới là thực tế của Phổ cập GDTH đúng độ tuổi)
a) Phân tích thứ nhất:Chênh lệch vùng miền
Nếu tính theo vùng miền (theo chủ quan của người viết) nước ta có thể chia ra từng vùng miền từ cao đến thấp về điều kiện mọi mặt, như sau:
– Vùng 1: Thành phố trực thuộc trung ương.
– Vùng 2: Thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.
– Vùng 3: Thị trấn
– Vùng 4: Các xã vùng đồng bằng,
– Vùng 5: Các xã vùng miền núi
– Vùng 6: Các xã vùng hải đảo.
* Với 6 vùng có mức chênh lệch quá xa về giàu nghèo, về cơ sở vật chất trường lớp, sách vở, về đường đi – lối lại, về nơi ăn chốn ở của thầy và trò, …thì phổ cập giáo dục đồng bộ được là điều không tưởng. Ta hãy mở lại MyTV sẽ thấy rõ bản tin Chào buổi sáng VTV1 vào 6 giờ 30 phút sáng ngày 12 tháng 01 năm 2013, viết về trẻ em xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đi học tiểu học.
Các cháu phải ở trong những lán trại không bằng cái chuồng trâu của người dân vùng đồng bằng (xét về độ vững chắc và kín đáo). Cơm các cháu ăn thì chỉ có cơm không và một nồi nước lõng bõng (chẳng biết là nước gì). Mỗi cháu một cái thìa (không có bát) để xúc cơm trong một cái nồi không có vung. Để cải thiện, các em phải bẫy chuột để làm thức ăn. Nhưng cái mồi để bẫy chuột các em cũng không có. Vì làm gì có mẩu xương hay miếng bì lợn nào khả dĩ để có thể dụ được lũ chuột vào ăn cho nó mắc bẫy. Trường thì không ra trường, lấy đâu chỗ để sách vở! Các dụng cụ như đàn ooc-gan điện tử mấy chục triệu, nếu để ở những nơi đó thì không hỏng mới là lạ. Mà có đàn thì lấy đâu ra điện để mà đánh đàn?
Cái ăn các cháu không đủ, nơi ở như ổ chuột, lớp học thì thân thiện hết mức với thiên nhiên (vì các cháu ngồi trong lớp có thể nhìn ra ngoài rõ 9 phương trời, 10 phương đất).
Với các cháu ở những vùng như vậy có thể học tập bằng những cháu ở vùng 1, vùng 2 hay không? Điều đó là điều không tưởng!
Các cấp lãnh đạo cao nhất của giáo dục có giải pháp gì để cho giáo dục ở vùng 5, vùng 6 phải đạt được mọi tiêu chí về học tập như các cháu vùng 1, vùng 2? Điều đó cũng là điều không tưởng.
Khác gì một anh khỏe và một anh yếu, hai anh cùng phải vác một vật nặng vừa với sức của anh khỏe và đi đoạn đường dài bằng nhau thì anh yếu không theo được, thậm chí là anh yếu chết giữa đường.
b) Phân tích thứ hai: Chỉ tiêu phổ cập
Yêu cầu đặt ra là các công dân từ 6 tuổi phải đi học tiểu học, tối đa là 14 tuổi thì học hết tiểu học (như vậy là cho phép lưu ban 2 lần).
Thực tế nó hoàn toàn khác.
Có những cháu HS, dù thầy cô có cố gắng hơn nữa (cố gắng thật sự) thì nó vẫn không lên lớp được, mặc dù nó có 2 lần lưu ban. Vậy là xảy ra 2 khả năng:
– Khả năng thứ nhất: cho em HS đó lên lớp để nó không bị 3 lần lưu ban. Em đó chưa đạt trình độ so với tiêu chuẩn quy định mà vẫn cứ phải cho lên lớp. Như vậy là báo cáo thì tròn trịa về độ tuổi hết tiểu học nhưng chất lượng giả dối. Điều đó dẫn tới những hiện tượng như ở Trường tiểu học Chuẩn quốc gia Thanh Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An là học sinh học đến lớp 4 vẫn không biết đọc viết (VTV1 tối 15-02-2014).
– Khả năng thứ hai: đánh giá thật, không cho em ấy lên lớp, để em lưu ban lần thứ 3. Vậy là cả huyện, cả xã chỉ cần lòi ra 1 cháu HS 15 tuổi vẫn học tiểu học. Thế là cả xã, cả huyện, cả tỉnh không hoàn thành phổ cập đúng độ tuổi.
c) Phân tích thứ ba: Bất công do Phổ cập gây nên
Trong tập thể giáo viên của một nhà trường (chưa nói rộng ra ở huyện, tỉnh, quốc gia) có người thế này, người thế khác, người nhiệt tình, người không nhiệt tình, người dạy và đánh giá thật, người thì không,… muôn hình muôn vẻ.
Từ đó nảy sinh ra tình trạng người dạy thật, đánh giá thật bao giờ cũng thua thiệt so với người đánh giá không thật. Rõ ràng HS lớp họ qua các kì kiểm tra chất lượng, điểm yếu, điểm kém nhiều hơn (thật sự là vậy). Nhưng cuối năm họ cứ cho lên lớp 100%. Còn thầy cô nào liêm khiết, trung thực đánh giá thật: HS đáng lên lớp cho lên lớp, đáng lưu ban cho lưu ban.
Vậy là khi bình xét thi đua cuối năm thì người liêm khiết rõ ràng là có HS lưu ban nên bị thua cái người giả dối không có HS lưu ban.
Nói thẳng ra, PC GDTHĐĐT đã vô tình làm cho cái giả dối lên ngôi, cái trung thực bị tiêu diệt. Bệnh thành tích trong giáo dục nó xuất phát từ phổ cập mà ra.
Nói cách khác, Phổ cập GDTHĐĐT là mẹ đẻ của bệnh thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục.
Hãy nhìn lại những năm chưa có phổ cập GD, cơ sở vật chất các trường còn tạm bợ, trình độ của rất nhiều GV chưa đạt chuẩn nhưng chất lượng giáo dục vẫn cao và rất thật.
3) Những việc vô lí mà Giáo viên tiểu học phải làm:
a) Việc vô lí thứ nhất:Giáo viên tiểu học làm công việc của Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình cấp xã.
Mỗi năm, GV tiểu học phải phụ trách công việc điều tra liên tục xem từ ngày 01-01 đến 31-12 của năm đó có bao nhiêu trẻ em ra đời (họ tên cụ thể, con ông nào, bà nào, địa chỉ ở làng nào trong xã), rồi vào sổ tạo nguồn của nhà trường. Như vậy là GV nắm được con số sinh đẻ và tỷ lệ giới tính còn chi tiết hơn cả Uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình (UBDSKHHGĐ) của xã.
Công việc này rất mất thời gian. Vì không phải hôm nào GV đi điều tra thì nhà người ta cũng có ở nhà để đón tiếp mình và cho mình số liệu, thông tin. Hôm nào người ta vắng nhà thì GV lại phải trở về, hôm khác đến. Điều tra một thôn ở đồng bằng cũng mất hàng tuần, hàng tháng, thậm chí còn hơn. Vậy ở vùng miền núi, hải đảo thì sao?
Nói đến đây, chắc có người lại bảo GV không linh hoạt, sao không sang UBDSKHHGĐ xã mà lấy số liệu? Họ có số liệu, nhưng số liệu của họ không chi tiết bằng của Phổ cập.
Vậy là ngành GD làm cả việc của UBDS, lại còn làm chi tiết hơn ngành chuyên môn của họ.
b) Việc thứ hai:GV tiểu học phải làm thêm việc của cảnh sát điều tra.
Các trường Tiểu học phải có trách nhiệm thống kê về chất lượng và số lượng những em HS không học trường mình bao giờ.
Nghe vô lí nhỉ, nhưng chuyện là thế này:
Ví dụ :
Cháu Nguyễn Văn A, sinh năm 1998 ở xã B, có hộ khẩu ở xã B (miền Bắc), xã B có trường tiểu học B.
Đến năm 1999, vì công việc làm ăn, bố mẹ cháu A cho cháu đi theo vào Sài Gòn đến nay vẫn ở đó. Cháu A học mầm non, tiểu học, cấp 2 tại Sài Gòn. Đến cuối năm 2012 cháu 14 tuổi.
Cháu A không học ở bất kể cấp học nào của xã B, cháu cũng không biết mặt mũi, biết tên một thầy cô giáo nào của xã B. Thầy, cô giáo xã B cũng không biết cháu Nguyễn Văn A mồm ngang mũi dọc như thế nào. Vậy mà đến năm 2012, các thầy cô giáo ở trường tiểu học xã B lại buộc phải biết: Cháu Nguyễn Văn A, nhà ở địa chỉ nào của Sài Gòn, trong những năm cháu đi học (từ 2004 đến nay), có năm nào cháu bị lưu ban không, cháu hiện học ở lớp mấy trường cấp 2 nào?
Và cấp trên (không rõ cấp nào) bắt nhà trường B và ban phổ cập xã B (nơi cháu A đăng kí hộ khẩu) phải lập danh sách tên cháu Nguyễn Văn A với đủ ngày tháng năm sinh, địa chỉ hiện tại của cháu ở Sài Gòn.
Rồi trường B phải gửi danh sách ấy vào cho trường tiểu học của cháu A đã từng học trong Sài Gòn để xin xác nhận:”Cháu Nguyễn Văn A đã học ở trường tiểu học…, quận…., Sài Gòn vào thời gian từ ngày … tháng… năm… đến ngày… tháng… năm…”.
Về pháp lí, kể cả những HS có học ở trường B sau đó chuyển đi nơi khác thì nhà trường B cũng không phải chịu trách nhiệm với em đó nữa. Vì trách nhiệm với em HS đó là trách nhiệm của trường mới mà em đang học.
Về pháp lí, cháu A không học ở trường B ngày nào, sao trường B lại phải có trách nhiệm biết cháu A học ở đâu, học như thế nào (lưu ban hay lên lớp)? Một việc làm hết sức vô bổ.
Nhưng quy định của Phổ cập là như vậy, là bắt các trường phải chịu trách nhiệm về những học sinh không phải của mình. Bắt giáo viên phải làm công việc của Cơ quan Cảnh sát điều tra!
Hiện nay, nhiều nơi có làng chài, người dân quanh năm ngày tháng lênh đênh sông nước. Họ ở đâu lâu một vài tháng thì lại chuyển con em tới đó học. Nếu họ mải làm không nhập học được cho con thì họ cho con bỏ học luôn. Vậy là trường sở tại nơi em HS đã đăng kí hộ khẩu phải chịu trách nhiệm về việc em đó bỏ học. Mặc dù nhà trường nơi đó không làm em đó bỏ học, mà đi tìm em đó về học tiếp thì tìm không nổi (họ lênh đênh sông nước biết đỗ bến nào mà tìm).
Trường hợp các cháu đang học tiểu học (hoặc các cháu có hộ khẩu ở xã nhưng chưa đi học tiểu học) sau đó các cháu theo bố mẹ đi làm ăn ở Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, U-crai-na, Nhật Bản,… Các cháu cũng sang học tiểu học hoặc THCS ở Séc, Nhật, U-crai-na,…
Nếu theo quy định quái gở trên thì nhà trường (nơi các cháu có hộ khẩu) phải đánh công văn sang Bộ Giáo dục các nước trên để xin xác nhận rằng các cháu đó đang học ở trường A, B, C ở nước Cộng hoà D, E, G,… hay sao? Thật cực kì vô lí.
Giả sử Nhà trường B, cuối kì 1 (hoặc cuối năm vừa qua) chất lượng đạt 80% trung bình, khá, giỏi.
Đầu học kì 2, có đoàn kiểm tra phổ cập về kiểm tra. Nếu có được tờ giấy xác nhận như yêu cầu trên thì nhà trường có tăng được chất lượng lên 100% hay không?
Nếu không xin được xác nhận thì chất lượng của nhà trường bị hạ xuống còn 30% hay sao?
Xét cho cùng thì phổ cập giáo dục chỉ là một công việc thống kê chất lượng đơn thuần. Không thể nói có phổ cập thì mới có được chất lượng. Phổ cập là lí thuyết, Công việc giảng dạy của GV mới là thực tế. Giữa lí thuyết Phổ cập với Thực tế giảng dạy của GV còn một khoảng cách quá xa. Chỉ có việc giảng dạy của GV mới quyết định chất lượng chứ Công việc thống kê thuần tuý (Phổ cập) là những con số thành tích không thể giúp giáo dục tiến bộ được.
Học tập là công việc suốt đời của một con người. Sao cứ phải cứng nhắc cho rằng hết tuổi này là phải học xong lớp này? Người, thì có người thế nọ thế kia, cùng sinh một năm đấy nhưng đâu phải ai cũng phát triển như ai.
V.Đ.C.
Nguồn: http://vuduccanhgv.com/Tin-giao-duc/Pho-ca-p-gia-o-du-c-tie-u-ho-c-du-ng-do-tuo-i-80/