GIÁO DỤC VỚI HỌC PHÍ VÀ NHÀ NƯỚC VỚI NGÂN SÁCH, THẾ NÀO CHO PHẢI LẼ?

Đọc  Bản kiến nghị về giáo dục của nhóm Giáo sư Ngô Bảo Châu (GS NBC), người viết không khỏi băn khoăn về hai điểm quan trọng trong phần “Đề mục cải cách đại học Việt Nam“: Thứ nhất là “Cải cách mô hình quản trị đại học“, và thứ hai là“Cải cách tài chính trong giáo dục đại học Việt Nam“. Trong đó, nhóm GS NBC cho rằng cần nên tăng học phí đại học. GS TS Nguyễn Đình Cống cũng“Tát nước theo mưa“ như thế! Xa hơn nữa, nhóm cho rằng các trường đại học “chưa có chủ thực sự“.

 

Trước hết chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng giáo dục là lĩnh vực then chốt của một quốc gia, nó đào tạo con người tiến bộ, đưa đất nước đi đến văn minh, dân tộc hưng thịnh.

Hầu như có sự thống nhất với những nhận định trong bản kiến nghị của nhóm GS NBC. Tuy nhiên, trong phần khuyến nghị, một số vấn đề cơ bản cần phải làm rõ lại: Để giải quyết tài chính, nhóm GS NBC đưa ra khuyến nghị tăng học phí đối với sinh viên, một việc làm mà theo tôi rất là nguy hiểm. Nó không những tạo ra thêm bất bình đẳng trong xã hội mà còn cản trở việc “khai mở, chấn dân khí“ quốc gia trong khi nước ta chưa thuộc vào nhóm quốc gia tiên tiến. Cũng trong bản kiến nghị, nhóm GS NBC tập trung nói về sự làm “chủ“ của các trường đại học nhưng lại rất mơ hồ, không đi vào thực trạng khi đề cập đến, ngược lại, vai trò và trách nhiệm của người “chủ“ thực sự của giáo dục là nhà nước thì bị làm cho lu mờ.

 

“Hỗ trợ“ từ nhà nước?

 

Mỗi quốc gia cần phải được điều hành trong một trật tự mà sự hiện hữu rõ nhất qua việc tổ chức các bộ ngành: Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bộ Công thương, Bộ Giáo dục… . Nhà nước có bổn phận và trách nhiệm cung ứng, điều tiết các bộ để đất nước ổn định và phát triển. Đây công việc chủ yếu của một nhà nước.

Giáo dục là lĩnh vực quan trọng bậc nhất của một quốc gia, là mũi nhọn chủ đạo cho nền văn minh và sự hưng thịnh. Ở một góc độ nhất định, như ở ta hiện nay, ít nhất giáo dục cũng quan trọng ngang hàng với các ban ngành quan trọng khác. Vì thế, nhà nước không chỉ có quyền điều hành mà còn phải có bổn phận, xúc tiến, chăm lo, đáp ứng và phân bổ ngân sách theo nhu cầu cho ngành, coi đó là trách nhiệm trọng đại của mình. Giáo dục không phải là “xa xỉ phẩm“, nó thiết yếu nên phải được “đầu tư“ – Đầu tư có nghĩa là bỏ vốn ra hòng lấy lại cái lợi, mà cái lợi trước mắt ở đây không gì khác hơn đó là “khai dân trí, chấn dân khí“.

Vì lý do nào đó (?!) mà trong bản kiến nghị nhóm GS NBC không nhìn nhà nước dưới góc độ này, “quên“ không đề cập đến trách nhiệm cụ thể của nhà nước mà chỉ nhợt nhạt yêu cầu sự “hỗ trợ“ – Hỗ trợ là giúp thì giúp, không giúp không sao cả!

 

Vì mục tiêu phát triển, đã từ trong thế kỷ trước, khi còn nghèo, và cho đến hiện nay, hệ thống giáo dục ở các nước văn minh đều do nhà nước bao cấp tài chính từ ngân sách. Xin lấy ví dụ ở Đức: Hệ thống trường của nhà nước mà ta gọi là trường công lập là chủ đạo, từ tiểu học đến đại học đều miễn học phí, trải rộng khắp nước. Ngay cả lệ phí nhập học (không phải học phí) ở các trường đại học sau một thời gian áp dụng kể từ 2014 cũng đã được hủy bỏ. Không những thế, họ còn cung cấp chi phí sinh sống để đi học cho mọi người. Cũng có những trường tư thục (sẽ bàn cụ thể ở dưới) nhưng mục đích không phải là để thay thế các trường công lập.

 

Luật bắt buộc dưới 18 tuổi phải đến trường, nếu cha mẹ không đủ khả năng chu cấp sinh sống thì đã có trợ cấp xã hội. Có nghĩa là nhà nước bao trọn gói, vừa chu cấp nuôi sống, vừa bao cấp học phí. Từ 18 tuổi trở lên, và nếu theo học đại học, thì nhà nước có chương trình tín dụng cho vay không lãi suất BaföG [1] (nhóm GS NBC gọi là tín dụng sinh viên). Sinh viên chỉ phải trả lại khi đã đi làm và có thu nhập trên mức trung bình.

 

Mục đích của việc “đầu tư“ này từ nhà nước là để cho mọi người có cơ hội bình đẳng ăn học như nhau không giới hạn giầu nghèo, nâng cao mặt bằng dân trí cũng như nâng cao nền văn minh của quốc gia. Hoàn toàn không có trường hợp thất học vì kinh tế, vấn đề chỉ còn ở khả năng học tập và nghị lực tiến thân của từng người. Thành quả của việc “đầu tư“ cho giáo dục như chúng ta đang thấy: Một nhà nước Đức cường thịnh văn minh và nhân bản hàng đầu thế giới, xoá gần như hết dấu vết độc tài của nhà nước phát xít Đức Hitler đã để lại. Đương nhiên đây là một quá trình dài hạn.

 

Điều mà hầu hết các nhà nước tiên tiến áp dụng bao cấp toàn bộ cho giáo dục như vậy không mới. Lạ một điều là không thấy nhóm GS NBC đề cập đến trong bản kiến nghị – mà kiến nghị ở đây lại là kiến nghị với nhà nước -. Ngược lại chỉ thấy kiến nghị “hỗ trợ“ từ nhà nước, như một sự ban phát.

Với hiện tình của Việt Nam hiện nay, có thể trợ cấp xã hội (sinh sống) còn là thử thách, nhưng việc miễn học phí cần phải được coi là sách lược, là tiêu chí ưu tiên hàng đầu như các nước văn minh Tây phương trong quá khứ và hiện tại đã và đang áp dụng, để phát triển. Ở cả hai miền Nam-Bắc thì việc này cũng chẳng mới lạ gì, đất nước đã từng có những giai đoạn bao cấp như thế.

 

Điều tiếp đến là những con số và những bảng thống kê để minh họa trong bản kiến nghị chỉ nói lên được phân nửa của sự thực.

Có những viện dẫn kiểu so sánh bò-gà bằng nhau như trường hợp đem chi phí cho giáo dục của Mỹ là 2% GDP  để so sánh với của Việt Nam là 0,9% GDP (GDP là tổng sản lượng làm ra được trong 1 năm của một quốc gia). Con số % chỉ cho thấy trước mắt Mỹ chi cho giáo dục gấp đôi (2/0,9) so với Việt Nam, nhưng nếu quy ra bằng con số US$ thì sẽ thấy phân nửa sự thật còn lại của việc so sánh này.

 

Theo bảng tổng hợp năm 2011 của qũy tiền tệ quốc tế thì GDP của Mỹ là 15.075.675 triệu US$ và 2% là 301.513 triệu US$, còn GDP của Việt Nam là 122.722 triệu US$ và 0,9% là 11.045 triệu US$. So ra ngân sách dành cho giáo dục của Mỹ gấp hơn 27 lần của Việt Nam. Sòng phẳng hơn, nếu tính dân số của Mỹ là 318.892.103 người thì bình quân mỗi đầu người nhà nước Mỹ chi ra 945 US$ cho giáo dục hằng năm, và VN với số dân là 93.421.835 người thì bình quân mỗi đầu người nhà nước VN chi ra là 118 US$ hằng năm cho giáo dục (nếu trừ ra khả năng ăn chặn của quan chức VN thì con số nêu trên còn ít hơn rất nhiều). Sự chênh lệch về đầu tư cho giáo dục của Mỹ tính theo đầu người cũng gấp 8 lần so với của VN chứ không phải gấp đôi (2/0,9) như trong bản kiến nghị dẫn ra.

 

Và để minh hoạ cho ý kiến đòi tăng học phí sinh viên, bản kiến nghị cho rằng “nếu chiếu theo mức học phí trung bình của các trường đại học thuộc nhóm xếp hạng khá ở Mỹ xấp xỉ bằng GDP đầu người thì học phí ở Việt Nam sẽ cần tăng lên từ 2 đến 3 lần so với mức hiện nay“. Một thực tế mà bản kiến nghị không nghiên cứu tới là GDP của Mỹ bình quân đầu người tính ra là 47.275$/năm. Cứ cho là một công dân Mỹ chi tiêu cho đời sống hết 30.000$/năm thì họ vẫn còn có khoản vốn nhàn rỗi ít nhất là 17.275$/năm để chi tiêu cho các việc khác trong đó có việc học hành nếu cần, còn GDP của VN bình quân đầu người hằng năm tính ra là 1313US$, với con số này, chi tiêu thường nhật còn chưa đủ thì dân làng nhàng lấy đâu ra để đóng học phí, chưa kể nếu tăng gấp 2-3 lần như bản kiến nghị nêu ra thì con số theo học sẽ tụt đến mức độ “chết người“ và ai cũng có thể ước tính được cái hoang tàn đổ nát của nó chỉ ít năm sau.

 

Bản kiến nghị còn cho rằng “học phí thấp làm cho các trường không có đủ nguồn thu để cấp học bổng cho sinh viên nghèo“. Người viết cho rằng lập luận này sai từ cơ bản, bởi nếu có đóng học phí thì là để trang trải chi phí cho việc học của bản thân chứ không phải để trích ra cấp học bổng cho ai khác. Việc cấp học bổng có động lực khác, là việc của nhà nước, và phải hoàn toàn từ một nguồn tài chính khác, không thể bắt các sinh viên gánh chịu, dù nghèo hay giầu.

 

“Tự quản đại học“ và “Tự chủ đại học“ 

Người viết cũng cho rằng nhóm GS NBC có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm“tự quản đại học“ và “tự chủ đại học“ (hoặc có thể không cụ thể nên gây nhầm lẫn cho người đọc). Đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Việc mà bản kiến nghị nêu ra là nên để các trường hoạt động theo “kinh tế thị trường“ tức là nói đến “tự quản đại học“. Tự quản đại học cũng là xu hướng của toàn cầu, nó hợp thời vì tạo ra môi trường mà chính các cơ sở giáo dục có thể tạo thêm nguồn thu để bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Nhưng đặt trường hợp hoạt động không hiệu qủa, trường học có thể bị phá sản thì sao? Điều này tất nhiên không được phép xảy ra, và như thế, để bảo đảm tính khả thi của giáo dục, dù có trao quyền quản trị cho các cơ sở giáo dục, nhà nước vẫn là “chính chủ“, nguồn ngân sách cho giáo dục từ nhà nước vẫn là chủ đạo, chỉ giảm đi khi nào cơ sở có nguồn thu nhập khác trám vào. Những hình thức “kinh doanh“ phổ thông nhất của các trường đại học là qua nhân lực và kiến thức nổi trội của mình, họ mở các seminare đào tạo và khai sáng về quản lý, know-how kỹ thuật, thông tin cấp độ cao, những đánh giá toàn cầu… để hướng dẫn các công ty tư nhân bắt kịp cho nhu cầu kinh doanh, đặc biệt trong môi trường toàn cầu hóa, và với số tiền học phí rất cao (họ không đầu tư bất động sản J). Ngoài ra còn có thu nhập từ học phí, nhưng với những tính toán như đã trình bày ở phần trên: Sinh viên của Mỹ, ở Úc… giàu hơn sinh viên VN rất nhiều.

 

Phụ lục (1) trong bản kiến nghị nói về “Mức độ hỗ trợ (ở đây phải dùng cụm từ “cung cấp ngân sách“ thay vì “hỗ trợ“) của nhà nước trong nguồn thu của một số ĐH công lập Hoa Kỳ“ chỉ ra ở bề nổi rằng càng ngày ngân sách cho đại học từ nhà nước càng giảm. Con số bình quân từ 1987 là 60% tụt xuống còn khoảng 30% trong năm 2012. Điều này đúng, nhưng không phải vì chi phí tổng thể cho đại học ít đi  – nó vẫn là 100% hoặc có thể cao hơn nữa – mà là vì các trường đại học được tự quản, hoạt động ra ngoài theo “kinh tế thị trường“ có hiệu quả như đã nói ở trên, trám được phần lớn ngân sách từ nhà nước. Các nhà nước tiên tiến đã tận dụng phương pháp này, nhưng các cơ sở giáo dục công lập của nhà nước vẫn phải vận hành qua sự giám sát của nhà nước, của ngành tư pháp với một khung pháp lý hẳn hòi (điều này bản kiến nghị có bàn đến).

Với hiện tình nghèo đói của VN, xin nói rất rõ là việc chủ trương lấy học phí cuả sinh viên học sinh là điều rất nguy hiểm. Như đã dẫn chứng ở trên, dân Mỹ dân Úc… có của ăn của để, còn dân mình đa số chạy bữa từng ngày, lấy đâu ra để đóng học phí? Chỉ có nước là bỏ của chạy lấy người chứ biết làm gì hơn nếu tăng học phí gấp 2-3 lần.

 

Cách đây đôi ba chục năm, khi mà các nước tiên tiến Tây phương chưa giầu hẳn, họ có lấy học phí đâu mà họ cũng đã vượt qua sóng gió và phát triển tốt. Không thể thấy người ta làm thế mình cũng làm bất chấp hoàn cảnh. Nếu coi giáo dục là ngành mũi nhọn để phát triển thì phải ưu tiên cho nó, về ngân sách, tận dụng các nguồn tài trợ của thế giới để thúc đẩy giáo dục. Các nước còn bao cấp cả cho y tế nữa mà người ta còn làm được, ta ở đây chỉ nói đến mỗi ngân sách cho giáo dục mà đã cho là bất khả thi, thì đất nước không lầm lũi sao đuợc?.

 

Tất cả là do yếu tố con người, tiêu chí của các nước văn minh được đặt ra rất rõ ràng: bao cấp cho giáo dục và y tế. Nếu giới cầm quyền của nhà nước VN không thành tâm đặt ra tiêu chí để thực hiện – nói chung ở các mặt – thì nói lắm cũng thừa. Cái “lỗi hệ thống“ không thể đau đâu bịt đấy được.

 

Phải nhấn mạnh là nhà nước với ngân sách luôn đứng bên cạnh, bảo đảm cho sự vận hành trôi chảy của hệ thống cơ sở giáo dục công lập chủ đạo, cho dù có tự quản hóa các cơ sở giáo dục.

 

Thực tế càng ngày càng có nhiều ngành nghề “bị“ các nhà nước trên thế giới “cúp“ dần ngân sách. Lý do của họ là có cầu mới có cung, dân tự chi rồi thì nhà nước không chi nữa, ngay cả trong giáo dục. Điển hình là ngành hàng không, các phi công cũng như các chuyên gia điều khiển không lưu đều phải tự lo chi phí cho suốt quá trình ăn học đào tạo, nhưng bởi mức lương sau đó quá cao nên số lượng người tham gia để được đào tạo không hề giảm.

 

Phụ lục (2) nói về “Chi phí đơn vị, tỷ lệ đóng góp giữa học phí và đầu tư nhà nước cho sinh viên bản địa tại Australia năm học 2014-2015“. Bản phụ lục này chỉ ra rằng tỷ lệ nhà nước cấp ngân sách cho các khoa khác nhau mà lý do chính là tùy theo cung/cầu. Hầu như ngân sách nhà nước vẫn chiếm trên phân nửa tổng số học phí, phần còn lại được cho rằng do sinh viên đóng học phí (?!). Nước Úc cũng không phải nước nghèo, ngoài ra, một thực tế là chính sách ưu đãi miễn các loại thuế má cho sinh viên học sinh Úc cũng được ưu tiên tối đa mà ở đây không được bàn tới. Ta đã có chính sách ưu đãi thuế này để hỗ trợ sinh viên chưa?

 

Việc phải nâng mức lương của các thầy cô và các nhà khoa học cho tương xứng với khả năng và điều kiện sinh hoạt ngoài xã hội là việc phải làm, nhưng gõ đầu sinh viên nghèo lấy tiền là việc làm mà chưa có nước văn minh nào dám đem ra áp dụng như là một qui mô.

 

Song song với mô hình cơ sở giáo dục công lập như đã nói ở trên, vì một số lợi điểm, và vì có nhu cầu, các nhà nước tiên tiến còn có xu hướng tạo điều kiện phát triển các cơ sở tư thục từ tiểu học cho đến đại học. Những cơ sở giáo dục tư thục này phải hoàn toàn tự lực cánh sinh. Về cơ bản không hề nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ nhà nước. Sách lược hoạt động của các cơ sở tư nhân này là đào tạo nhân lực cho xã hội với chất lượng cao, nhưng cũng với học phí thật cao để tồn tại (điều này bản kiến nghị có đề cập đến). Rõ như ban ngày là những trường này chỉ dành cho con nhà giầu. Dẫu vậy, dân phổ thông hoặc nghèo vẫn có thể tiếp tục học hành ở các trường công lập của nhà nước, và chỉ cần “nhanh“ một chút là cũng có thể có chất lượng kiến thức tương đương.

 

Những cơ sở giáo dục tư nhân này thực chất mới là “tự chủ“. Để áp dụng cho các trường đại học tư thục thì đây là mô hình “tự chủ đại học“. Nó không hề được phép có tham vọng “soán ngôi“ cơ sở giáo dục công lập của nhà nước, mà chỉ có quyền hoạt động song song, đào tạo ra những con người với trình độ tốt với giá cao và… đóng thuế. Ở VN đã xuất hiện các loại trường tư thục này khá nhiều, các trường tiểu học, trung học được gọi với mỹ từ là “trường quốc tế“, một số trường đào tạo sinh ngữ và một số trường ở vài ngành nghề khác.

Cũng như quốc phòng, hoàn toàn các quốc gia không có chủ trương tư hữu hoá hệ thống giáo dục.

 

“Cải cách mô hình quản trị đại học“

 

Nói xa nói gần, thật ra nói đến việc “Cải cách mô hình quản trị đại học“ là nói đến việc điều hành và quản lý đại học.

Điều này cũng  không có gì mới lạ. Đó chính là Ban Giám Hiệu nhà trường gồm: Ban Giám đốc lo việc điều hành và quản lý, Ban Hiệu trưởng lo việc chuyên môn. Vai trò người “chủ“ tức “hội đồng trường“, tương tự như hội đồng quản trị mà nhóm GS NBC nhắc đến chính là Ban Giám đốc trường. Nó không ai khác hơn chính là Chi bộ đảng của nhà trường mà chỉ có những nước theo Chủ nghĩa Cộng Sản mới có. Họ chính là người của nhà nước, là “chủ thể“, quyết định tất cả các vấn đề. Thậm chí nếu cần, họ thay cả Ban Hiệu trưởng quyết định về cả chuyên môn nếu trái ý, mặc dù họ không biết tí gì về chuyên môn cả. Vụ luận văn Nhã Thuyên mới đây xảy ra là một bằng chứng, khi “chủ thể“ tức Nhà nước, tức Chi bộ đảng, can thiệp vào vụ việc và rút lại quyết định thuộc về chuyên môn của Ban Hiệu trưởng. Cuối cùng “chủ“ chính là cái “hội đồng trường“ mà “trên thực tế ít người biết đến“ như nhóm GS NBC đã đề cập. Hiện nay, Ban Giám đốc và Ban Hiệu trưởng thường không còn phân định rạch ròi nữa mà gộp chung lại thành Ban Giám hiệu, tuy nhiên công việc vẫn là thế.

 

Sự thật rất rõ ràng là các cơ sở giáo dục công lập cũng như tư thục đều có chủ.

Tư thục thì chủ của nó là tư nhân và công lập thì chủ của nó là nhà nước. Không có chuyện các trường đại học “chưa có chủ thực sự“ như trong bản kiến nghị nêu lên.

 

Như thế, lộ trình “giáo đại học về địa phương“ mà nhóm GS NBC đưa ra sẽ không giải quyết được bản chất của vấn đề “tự quản đại học“. Nhiều khi nó còn rối rắm hơn nữa bởi mấy ông địa phương biết gì về đại học mà cai quản. Với lối quản lý hiện nay, Chi bộ đảng với cái tiêu chí từ trên mới là cái xương sườn của “cải cách mô hình quản trị đại học“. Nó cũng chẳng giải quyết được vấn đề tự chủ đại học, bởi tư nhân muốn đầu tư ở đâu là quyền của họ, họ phải tính toán và tự chọn lựa vùng đất nào để có thể sống còn.

 

“Đảm bảo chất lượng“?

 

Tuy nhiên, dù tất cả các kiến nghị cải cách dù có đúng và được chú tâm thực hiện, nếu hệ thống chính trị với các chi bộ trong đại học vẫn dùng quyền lực áp đặt vào nhân lực và vào sự vận hành của các cơ sở trường đại học, can thiệp vào nội dung của các chuyên khoa như được trình bày ở đây, thì tất cả những cố gắng cũng chỉ đổ xuống sông xuống bể. Việc chồng chéo tư duy của “lãnh đạo nhà nước“ với “chuyên ngành nhà trường“ là một thái độ vô lối thiệt tình.

 

Hỏi tiền từ đâu?

 

Xin trả lời: Từ tiền thuế lấy của dân chứ từ đâu nữa. Bớt đi những công trình hào nhoáng nhất nọ nhất kia đi, xếp đặt những người có chuyên môn vào cho đúng các ban ngành, bớt đi bộ máy cồng kềnh, không nuôi tham quan rút tiền công quỹ, cho về hưu những người không có khả năng, cứ phân bổ cho đâu ra đấy là thấy tiền ngay, thấy giáo dục ngay, thấy y tế ngay!

 

Kết:

 

Tóm lại, bản kiến nghị cần được nghiên cứu lại, nhóm GS NBC nên nghiên cứu về cuộc sống của sinh viên học sinh, kiến nghị nhà nước cải thiện điều kiện sống, hỗ trợ công ăn việc làm phụ, có chính sách ưu đãi về thuế má bớt đi phần nào gánh nặng mà sinh viên học sinh phải chịu, và điều quan trọng là thành lập một ban nghiên cứu về sự tương quan giữa “ngân sách cho giáo dục và chỉ số phát triển“ ở các nước tiên tiến, hầu đúc kết lại thành một phương án và khuyến nghị cải cách mới phù hợp với nhu cầu phát triển, nhu cầu dân giầu nước mạnh, theo kịp nền văn minh của thế giới.

 

Đ.P

Tác giả gửi BVN

___________

 

[1]https://de.wikipedia.org/wiki/Bundesausbildungsf%C3%B6rderungsgesetz#Ziele

[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_qu%E1%BB%91c_gia_theo_GDP_danh_ngh%C4%A9a_2011

[3]http://boxitvn.blogspot.de/2015/08/cau-be-lop-8-oi-lam-thay-viec-cua-bo.html

 

Tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_qu%E1%BB%91c_gia_theo_s%E1%BB%91_d%C3%A2n

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.