Thì cũng là một cách tự phê bình!

“… Mặc dù vậy, VEFAC đánh giá khu ẩm thực Việt Nam tại Expo hiện nay vẫn là một trong những khu ẩm thực mà khách đến thưởng thức thuộc loại đông so với các khu xung quanh. Vào những giờ cao điểm, khách muốn thưởng thức món ăn của Việt Nam phải xếp hàng khá dài.

Riêng những sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc được giới thiệu và bày bán tại Nhà Triển lãm sẽ được VEFAC thu lại, không cho tiếp tục trưng bày nữa. Ngoài ra, Nhà Việt Nam sẽ tăng cường lựa chọn những bộ trang phục chất lượng hơn cũng như điều chỉnh cách thức trưng bày đẹp mắt và hợp lý hơn”.

Vâng, nhận lỗi mà cũng là thanh minh, hay đúng hơn là chống chế, là thế cơ đấy. Thôi thì cũng coi như một cách khắc phục những bê bối tệ hại mà dư luận bạn đọc bốn phương đã rộ lên suốt mấy ngày nay (có 2 bài được đăng lại trên BVN: https://boxitvn.online/bai/36689 / https://boxitvn.online/bai/36609) – một kiểu “khắc phục” trong đó tốt đẹp thì cố mà bày ra, làm cho phấn son rực rỡ thêm chút nào hay chút ấy, còn xấu xa thì cố giảm bớt liều lượng, che mắt được thiên hạ càng nhiều càng… mừng. Cứ xem lại những lời “phản bác quyết liệt” của một vị Cục trưởng ở Bộ Văn-Du và một vị Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2015 trên nhiều tờ báo lề phải trước đây mấy hôm thì biết: “Tôi khẳng định những thông tin mà du khách nào đó phản ảnh là không đúng. Nhưng tôi chỉ có ý kiến nếu là một ý kiến của cá nhân thì không thiện chí. Vì trước đó từ lúc mới khai mạc, có thông tin phản ánh về gian hàng Việt Nam, chúng tôi đã có chấn chỉnh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua thăm và đều đánh giá rất tốt” – Nguyễn Trùng Khánh (http://tinhhoa.net/truong-dai-dien-vn-tai-expo-milan-the-gioi-con-ca-ngoi-ngoi-nha-viet-nam.html); “Nếu không có gì thì tại sao có lúc chúng ta được bình chọn là 1 trong 4 nhà triển lãm uy tín nhất, gần đây một tạp chí đưa trang bìa hình ảnh “Ngôi nhà Việt Nam”, một tạp chí kiến trúc của thế giới bình chọn “Ngôi nhà Việt Nam” là 1 trong 5 kiến trúc được chờ đợi trong năm 2015” – Trần Văn Tân (http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/tong-dai-dien-vn-tai-expo-milan-neu-do-sao-thu-tuong-y-khen-ngoi-nha-vn-tren-facebook-596391.html). Đó là cung cách tự phê bình rất giàu “tính đảng” vốn là sở trường của Việt Nam chúng ta từ đã hơn 60 năm nay. Nói như Facebooker Pham Nguyen Trương: “Chẳng có mấy người muốn trở thành chuyên nghiệp, tất cả đều chỉ muốn vào đảng để làm quan cho nên nó mới ra nông nỗi này” (Chttps://www.facebook.com/pham.nguyentruong?fref=ts).

Nhưng mà nỗi đau tha hóa của người Việt – kể từ khi có nhà thơ/chính khách “ta là ta mà lại cứ mê ta” nào đấy bỗng “nói mớ” giữa bàn dân thiên hạ một câu nói nổi tiếng làm cho lớn bé trẻ già đều một mực sướng rơn lên rằng “thế giới ước ao muốn một đêm ngủ dậy trở thành người Việt Nam” cho đến tận nay – thì xem ra nhiều lắm, sờ đâu cũng thấy, có phải chỉ riêng một chuyện triển lãm hình ảnh đất nước bôi bác như thế này đâu. Nếu đọc truyện ngắn Hóa thân của Franz Kafka, hẳn ai cũng dễ liên tưởng “giấc mơ bong bóng” kia với giấc mơ của chàng Gregor Samsa, một nhân viên bán hàng, một sáng mai thức dậy bỗng thấy mình đã biến thành một con bọ lớn khủng. Từ đấy, trong nỗ lực thích nghi với hình thù mới và với cuộc sống xung quanh, anh ta ngày càng trở thành gánh nặng cho cả gia đình, bởi “sự hóa thân” vượt trên mơ ước này đã đủ làm cho họ hàng thân thích anh ta chết khiếp; mặt khác trong hình thù kỳ dị đột nhiên được khoác lên mình đó, anh ta cũng trở nên một “phản nhân vật” bạo hành cả với chính người thân của mình.

Hãy thử dùng triết lý nghiệm sinh mà xem xét một đôi điều khái lược nhé: Ở trong nước thì lừa đảo, cướp bóc trắng trợn diễn ra hàng ngày (cướp đến mảnh ruộng sinh sống tối thiểu của người nông dân, nhân danh quy hoạch này, dự án nọ); đâu đâu cũng giết người như cơm bữa (cháu giết ông, bà giết cháu, cha mẹ giết con, con giết cha mẹ… hoặc là giết hết cả một nhà chỉ vì những nguyên nhân lãng nhếch)… Mọi đạo lý đều “lộn tùng phèo” đến mức trí tưởng tượng phong phú cỡ nào cũng không hình dung nổi, kể cả cái đạo lý bắt buộccủa chính quyền nhà nước đối với dân (vào trụ sở công an một ngày là đủ trở thành… người thiên cổ). Ra nước ngoài thì hàng chục nghìn phụ nữ phải muối mặt bán thân; hạng người bảnh chọe hơn ít nhiều thì lại ăn cắp vặt, bị bêu tên tại không ít nước. Vân vân và vân vân… Việt Nam hôm nay chẳng phải đã chuyển hóa giấc mơ thành hiện thực theo kiểu Hóa thân của Kafka thì là gì?

Dân mọn chúng tôi chỉ xin có một lời hỏi vọng: Ai là những vị trong tầng lớp được gọi là tinh hoa sẽ dám lên tiếng chỉ vào mình: Trách nhiệm ở tôi đây?

Bauxite Việt Nam

Thu lại toàn bộ sản phẩm thời trang không phù hợp tại Expo Milan 2015

Yến Anh

(NLĐO) – Những sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc được giới thiệu và bày bán tại Expo Milan 2015 sẽ được thu lại, không trưng bày tiếp.

Ngày 14-8, Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEFAC) đã có báo cáo gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) về phản ánh của báo chí và du khách về Ngôi nhà Việt Nam tại Expo 2015 Milan (Ý)

Cũng như những lần giải thích trước đó, VEFAC cho rằng việc không thể giới thiệu món Phở Việt Nam tại Expo 2015 là do diện tích Nhà triển lãm Việt Nam nhỏ và bằng vật liệu tre, hệ thống báo khói, phòng cháy chữa cháy, hút mùi của Nhà triển lãm không cho phép chế biến những món tạo ra nhiều mùi và khói như phở. Ban Tổ chức chỉ cho phép Nhà triển lãm Việt Nam được chế biến và hâm nóng những món ăn nhanh. Do đó, VEFAC chỉ giới thiệu được một số món ăn như bún chả giò, bún bò Nam Bộ, gỏi cuốn. Điều này phù hợp với đặc điểm của Expo là khách đến và đi nhanh, nên Khu Ẩm thực Việt Nam được tổ chức dưới hình thức ăn nhanh mang tính công nghiệp.

Một số sản phẩm thời trang bày bán tại Khu Nhà Việt Nam ở Expo Milan 2015 được du khách Việt chụp lại. Ảnh Facebook

Giải thích vì sao các loại hoa quả giới thiệu tại Expo ít phong phú và đều trong tình trạng héo úa, VEFAC cho biết vì ban tổ chức chỉ cho phép vận chuyển thực phẩm vào trong Nhà triển lãm 1 lần/ngày và yêu cầu phải trữ đủ nguyên liệu để đủ chế biến món ăn cho 2 ngày. Ngoài ra, do thực phẩm và trái cây Việt Nam không có sẵn ở Ý, phải vận chuyển từ Đức sang (vì thủ tục nhập khẩu thực phẩm vào EU khó khăn và tốn thời gian) nên một lần vận chuyển phải chuyển theo số lượng lớn, không thể cung cấp nguồn trái cây mới hàng ngày.

Du khách xếp hàng vào Khu Nhà Việt Nam. Ảnh: VEFAC

Mặc dù vậy, VEFAC đánh giá khu ẩm thực Việt Nam tại Expo hiện nay vẫn là một trong những khu ẩm thực mà khách đến thưởng thức thuộc loại đông so với các khu xung quanh. Vào những giờ cao điểm, khách muốn thưởng thức món ăn của Việt Nam phải xếp hàng khá dài.

Riêng những sản phẩm ảnh hưởng từ thời trang Trung Quốc được giới thiệu và bày bán tại Nhà Triển lãm sẽ được VEFAC thu lại, không cho tiếp tục trưng bày nữa. Ngoài ra, Nhà Việt Nam sẽ tăng cường lựa chọn những bộ trang phục chất lượng hơn cũng như điều chỉnh cách thức trưng bày đẹp mắt và hợp lý hơn.

Du khách tại quầy tiếp tân. Ảnh: VEFAC

Nói về việc bố trí tại Khu Nhà Việt Nam chưa hợp lý, sản phẩm triển lãm chưa thật phong phú, VEFAC cho biết do các quy định về xây dựng của luật pháp Ý và ban tổ chức Expo nên Nhà triển lãm Việt Nam đã phải tốn nhiều diện tích cho các khu phụ trợ, ví dụ như toilet cho nhân viên nhà triển lãm, toilet cho diễn viên nam, nữ, toilet cho người tàn tật, toilet riêng cho nhân viên khu ẩm thực, phòng chứa rác 20m2, phòng thay đồ cho nhân viên khu ẩm thực để ngăn cách khu vực chế biến thức ăn và bên ngoài, thang máy cho người tàn tật. Thực tế, diện tích khu ẩm thực và thương mại rất nhỏ, chỉ có 45,3 m2 trên 552 m2 diện tích sàn toàn khu nhà.

Khách xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà Việt Nam. Ảnh: VEFAC

Khu vực sảnh của Nhà triển lãm chủ yếu phục vụ cho chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc nên phải có một không gian thông thoáng đủ chỗ cho khoảng 100 người đứng xem. Chương trình nghệ thuật này là sản phẩm của nền văn minh lúa nước nên đồng thời là hình thức trưng bày gián tiếp theo chủ đề của EXPO được các nghệ sỹ tài hoa cử sang biểu diễn thu hút khán giả.

Ngoài ra có điểm xuyết một số vật trưng bày bằng gốm, tranh sơn mài để giới thiệu văn hóa Việt Nam và một số phướn quảng cáo giới thiệu 2 mũi nhọn của nông nghiệp Việt Nam: gạo, cà phê… Về đôi Nghê trưng bày tại Nhà Triển lãm, các chuyên gia mỹ thuật thẩm định là do nghệ nhân Việt Nam phóng tác.

Du khách tại khu ẩm thực của Nhà Việt Nam. Ảnh: VEFAC

Nói về lý do không mời các đơn vị kinh doanh cà phê trong nước sang giới thiệu sản phẩm tại Expo, VEFAC cho biết đơn vị đã liên hệ với Cà phê Trung Nguyên; Vinacafe; Công ty CP Cà phê Mê Trang; Công ty CP Phindeli; Công ty TNHH Nescafe Viet Nam; Công ty TNHH MTV Café Nguyên Huy Hùng; Công ty TNHH Linker Việt Nam nhưng các doanh nghiệp này từ chối vì chưa có kế hoạch hoặc không có nhu cầu.

Về cung cách phục vụ, VEFAC cho rằng tất cả nhân viên phục vụ tại Nhà Triển lãm Việt Nam kể cả người nước ngoài đều mặc trang phục dân tộc Việt Nam, tiếp đón ân cần, văn hóa, gần gũi với khách tham quan. Tuy vậy, trong quá trình ứng xử cũng có một số thiếu sót nhưng đã được chấn chỉnh và tiếp tục chấn chỉnh để phục vụ khách tham quan tốt hơn.

Một số sản phẩm lưu niệm. Ảnh: VEFAC

VEFAC cho biết từ nay đến khi Expo 2015 kết thúc (31-10-2015), đơn vị sẽ nghiêm túc khắc phục những thiếu sót, khiếm khuyết để Nhà Triển lãm Việt Nam hoạt động tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Y.A.

 

Nguồn: http://nld.com.vn/kinh-te/thu-lai-toan-bo-san-pham-thoi-trang-khong-phu-hop-tai-expo-milan-2015-2015081511251927.htm

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.