CÁCH MẠNG 1989 (Kỳ 40)

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 38

HUNGARY: CẢI TÁNG NAGY, CHÔN MỘT THỜI KỲ

NAGY: LỄ TANG SAU 31 NĂM TREO CỔ – BÍ MẬT LÔ 301 – NHÌN ĐÚNG LỊCH SỬ CUỘC NỔI DẬY 1956 – MƯU MẸO MẬT VỤ: CỎ DẠI, ĐỖ QUYÊN… – 6 QUAN TÀI, 300.000 NGƯỜI – VIKTOR ORBAN NẢY LỬA – CẨN THẬN: ĐẢNG CÓ THỂ TRÁO TRỞ – LÀN SÓNG DI DÂN TỪ ĐÔNG ĐỨC BẮT ĐẦU – DI DÂN TRABANT, XE TRABANT – LỘ TRÌNH: ĐÔNG ĐỨC, HUNGARY, ÁO, TÂY ĐỨC – HUNGARY KHÔNG TRẢ NGƯỜI TỊ NẠN – KADAR: Ở NƠI PHẢI Ở, LÀM VIỆC PHẢI LÀM

*** 

Budapest, Hungary. Thứ Sáu, ngày 16 tháng 6, năm 1989

NAGY: LỄ TANG SAU 31 NĂM TREO CỔ

1.

ĐẾN 9 GIỜ SÁNG THÌ ĐÃ CÓ HƠN 200.000 NGƯỜI đứng kín Quảng trường Anh hùng, nơi hầu hết những anh hùng liệt sĩ Hungary được tưởng nhớ. Đây là một quảng trường nhìn rất ấn tượng, thiết kế theo lối tân-cổ-điển, với những hàng tượng đậm chất sử thi.

Đám đông càng lúc càng nhiều người, tràn qua cả Đại lộ Nhân dân rộng lớn và Công viên Thành phố cạnh bên. Họ đến vì Imre Nagy, lãnh tụ chính trị của Cuộc Nổi dậy 1956, một nhân vật mà tên tuổi trong suốt 33 năm qua gần như là điều cấm kỵ, không ai được nhắc tới.

Năm 1958, hai năm sau cuộc nổi dậy, Nagy bị chế độ treo cổ xử tử, nhưng giờ đây, năm 1989, ông được cải táng trong một nghi lễ hoành tráng và đầy cảm xúc. Nói cách khác, đây là đám tang của một người đã chết từ lâu, nhưng mọi người chứng kiến ngày trọng đại này đều có thể thấy: đám tang cũng chôn cất và tống tiễn cả một thời kỳ lịch sử Hungary.

Cùng ngày này cách đây một năm, khi thân bằng quyến thuộc của Nagy tổ chức một buổi diễu hành nhỏ để tưởng niệm 30 năm ngày ông chết, công an đã dùng gậy gộc để đánh dẹp. Giờ thì ngược lại, đám tang Nagy trở thành một sự kiện quốc gia trọng đại và được đài truyền hình nhà nước tường thuật trực tiếp. Công an hợp tác với những nhân vật trước đây được xem là nhà bất đồng chính kiến, nhà hoạt động chính trị, và thân nhân Nagy để bảo đảm buổi lễ diễn ra ôn hòa và trang trọng đúng mức.

*

BÍ MẬT LÔ 301

2.

Nơi chôn cất Nagy đầu tiên, sau khi ông bị treo cổ chết trong Nhà tù Trung ương Budapest trên Phố Fo, là một bí mật được bảo vệ rất kỹ. Chế độ không muốn nơi này trở thành điểm hành hương và biến Nagy thành người tử đạo.

Giữa đêm hôm đó, Nagy và bốn đồng chí thân thiết nhất của ông, sau khi bị hành quyết khoảng cùng một giờ, được đưa đến một nghĩa trang ở quận Rakoskeresztur, một nơi hẻo lánh ở ngoại ô phía đông thủ đô Budapest. Imre Nagy – khi còn sống là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng – cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Pal Maleter, thư ký riêng Joszef Szilagyi, tùy viên chính trị Ferenc Donath, và một trong những trí thức chủ chốt của Cuộc Nổi dậy 1956, Miklos Gimes, đã được công an chôn cất trong những nấm mồ không tên trong Lô 301 tại nghĩa trang.

Bí mật này đã được đưa ra ánh sáng bởi Miklos Vasarhelyi, tùy viên báo chí của Nagy trong Cuộc Nổi dậy 1956 và bị giam tù từ đó đến năm 1960. Vào thập niên 1980, Vasarhelyi, một người đàn ông tóc bạch kim, có sức hút nhưng thân thiện, đã trở nên gần như người cha đỡ đầu của phong trào phản kháng, ông có những mối quan hệ gần gũi với báo chí phương Tây. Ông đã được một người gác tù thân thiện kể cho biết về sự hiện diện của Lô 301, và thi hài ai được chôn cất ở đó.

Ông biết chuyện nhưng không thể tiết lộ điều gì vì Tổng Bí thư Kadar vẫn còn nắm quyền, và vì phục hồi danh dự cho Nagy đồng nghĩa với việc lên án lề lối cai trị của Kadar suốt 30 năm qua. Nhưng nay, sau khi Kadar bị truất phế, Vasarhelyi và gia đình Nagy đã thành lập Ủy ban Công bằng Lịch sử để đòi lại danh dự cho Nagy và 329 nhà cách mạng bị hành quyết vì vai trò của họ trong Cuộc Nổi dậy 1956.

*

NHÌN ĐÚNG LỊCH SỬ CUỘC NỔI DẬY 1956

3.

Quả là những người đã chết vẫn có thể đẩy Đảng vào thế kẹt, nhất là trong giai đoạn Đảng gần như sắp tan vỡ vì những mâu thuẫn nội bộ gay gắt, khi tìm cách đối phó với ký ức về năm 1956, vết thương lớn nhất của chế độ cộng sản Hungary.

Những nhà cải cách trong Đảng như Imre Pozsgay tin rằng thời kỳ im lặng và chối phăng mọi sự kéo dài 30 năm qua không thể tiếp tục được nữa. Ông nói: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề. Không có cách nào để ta làm lại từ đầu, để lật qua chương sử mới, nếu ta không giải quyết những gì đã xảy ra trong quá khứ.”

Pozsgay đặt mình vào vị trí tiên phong theo đuổi những cải cách cấp tiến trong Đảng để ông có thể đạt được một thỏa thuận then chốt với phe đối lập. Nhưng trong mắt nhiều Đảng viên già trung kiên, Pozsgay gần như “là” phe đối lập.

Động lực của ông có một phần là tham vọng, ông nghĩ mình có thể lên nắm quyền khi trở thành nhân vật đại diện cho cải cách, và một phần vì ông tin cải cách là có lợi. Ông nhận thấy chủ nghĩa cộng sản đã chấm dứt, và ông có thể ở đúng vị trí để bắt tay làm lại từ đầu.

Cuối năm 1988, ông thành lập Ủy hội Lịch sử, với sự tham gia của hơn một chục những trí thức cộng sản và sử gia hàng đầu, để nghiên cứu về Cuộc Nổi dậy 1956. Họ được phép dùng những tài liệu chưa từng thấy trước đây, giúp soi tỏ những hành động đáng nhục của Đảng vào thời kỳ đó.

4.

Báo cáo của họ vào đầu tháng 1/1989 đảo ngược toàn bộ lịch sử Đảng, vốn khẳng định rằng Cuộc Nổi dậy 1956 chỉ là một cuộc “phản cách mạng” và việc Liên Xô đưa quân chiếm đóng Hungary là cần thiết để bảo vệ Hungary khỏi bọn phản động và tay sai đế quốc.

Ủy hội Lịch sử kết luận rằng Cuộc Nổi dậy 1956 là “cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại một chế độ độc đoán đã làm suy đồi đất nước” và việc Hồng quân Liên Xô đè bẹp cuộc nổi dậy là hoàn toàn không thể biện minh được.

Đây không là một vấn đề hiểm hóc về lý thuyết cộng sản, hoặc là vấn đề có tính tượng trưng, vì ngay những người bảo thủ, trong hàng ngũ Đảng viên ngày càng thưa thớt, cũng thấy rằng: Cái nhìn mới về lịch sử này cho thấy chế độ cộng sản suốt 30 năm qua là một chế độ không chính danh, và quân Liên Xô thực chất chỉ là một đoàn quân chiếm đóng. Nó phủ nhận các giáo điều dễ dãi cũ kỹ mà mọi người đã từng bước làm quen rồi xem là đúng, và phá vỡ nốt sự im lặng đồng lõa, qua đó Kadar cùng đồng đảng dùng để duy trì ổn định tại Hungary.

Pozsgay thắng thế trong một loạt những cuộc họp tự kiểm căng thẳng của Đảng. Ông lập luận rằng đây là cách duy nhất để Đảng cầm quyền tại Hungary thanh lọc chính mình, và Đảng sẽ không bao giờ lấy lại được niềm tin của nhân dân “trừ khi chúng ta nắm lấy cơ hội này, ngay bây giờ”.

Một câu hỏi lớn là Liên Xô sẽ phản ứng ra sao? Đã không có phản ứng chính thức nào từ phía Liên Xô, và Pozsgay cho rằng tuyên bố mới về Cuộc Nổi dậy 1956 là một phép thử dành cho công cuộc cải cách của Gorbachev và cho “Học thuyết Sinatra” chủ trương đường ai nấy đi. Pozsgay nói: “Dĩ nhiên, chúng tôi đã chờ xem phản ứng của Liên Xô, và sau khi thấy Liên Xô không phản ứng, chúng tôi đã tiến thêm một bước nữa. Đó là cách chúng tôi nắm thế chủ động.”[1]

*

MƯU MẸO MẬT VỤ: CỎ DẠI, ĐỖ QUYÊN…

5.

Tháng 3/1989, chính quyền tuyên bố sẽ cho phép khai quật năm thi thể và một lễ cải táng trang trọng sẽ diễn ra. Ban đầu, chính quyền không muốn biến dịp này thành một nghi lễ lớn dành cho công chúng. Chế độ chỉ muốn một lễ tang đơn giản, riêng tư, khuất tầm nhìn của công chúng và nghĩ như thế là có thể khép lại hoàn toàn vấn đề này, một lần là xong. Nhưng trong một năm qua, nhiều thay đổi đã diễn ra với tốc độ nhanh chóng và Đảng ra vẻ đang kiệt sức, nên quan chức cộng sản nghĩ rằng cách tốt hơn để xử lý vụ việc này là “phỗng tay trên” buổi lễ, biến nó thành có lợi cho mình.

Từ giữa tháng 3/1989, chế độ đã bắt đầu thảo luận không chính thức với phe đối lập. Hai bên đồng ý rằng các cuộc đàm phán Bàn tròn kiểu Ba Lan sẽ diễn ra vào ngày 13/6/1989, tức ba ngày trước lễ tang Nagy. Các nhà lãnh đạo Đảng khăng khăng đòi có mặt tại lễ tang và đọc diễn văn. Mặc dù Vasarhelyi và gia đình Nagy lưỡng lự không muốn lãnh đạo Đảng đến dự, nhưng họ không có thế mạnh để từ chối.

Cả Ủy ban Công bằng Lịch sử của gia đình Nagy lẫn chính quyền đều kêu gọi mọi người hãy giữ “bình tĩnh, nghiêm trang” và yêu cầu không trương bất cứ cờ xí chính trị nào, chỉ dùng màu cờ tổ quốc hoặc cờ tang đen mà thôi.

Tuy nhiên, chính quyền vẫn lo sợ sẽ có bất ổn. Và như một báo cáo tối mật kỳ lạ của sở mật vụ Hungary cho biết, chính quyền quyết tâm dùng dịp này để tạo lợi thế chính trị cho mình. Báo cáo mật cho thấy lực lượng tình báo đã xâm nhập vào mọi nhóm đối lập như thế nào, và nhân viên mật vụ tích cực ra sao trong việc thuyết phục các nhóm đối lập hạ thấp các yêu sách. Báo cáo có đoạn sau:

“Trong số mật vụ hoạt động tại các nhóm khác nhau, mật vụ ‘Cỏ dại’, mật vụ ‘Cây leo’, mật vụ ‘Đỗ quyên’, mật vụ ‘Cây thùa’, mật vụ ‘Cờ kiếm’ có nhiệm vụ … tạo ảnh hưởng lên các nhóm, tác động để họ từ bỏ ý định phát động hoặc tham gia một cuộc biểu dương chính trị … Mật vụ ‘Hoa chuông’ có nhiệm vụ tìm hiểu kỹ kế hoạch và ý tưởng của Diễn đàn Dân chủ Hungary và sự tham gia của họ vào cuộc đại diễu hành … Mật vụ ‘Hoa ly’ sẽ theo dõi các cuộc họp điều phối của nhóm Những nhà Dân chủ Tự do”.

Báo cáo cũng nhắc nhở: Mật vụ hải ngoại phải theo dõi hoạt động của các cộng đồng người Hungary ở Mỹ và Châu Âu, và “tìm cách sử dụng truyền thông … để phát tán ý tưởng rằng nếu lễ tang diễn ra trong trật tự thì điều này cho thấy Hungary là một đất nước trưởng thành, đĩnh đạc”.[2]

***

6 QUAN TÀI, 300.000 NGƯỜI

6.

Thợ dựng sân khấu và thợ xây đã làm việc trong ba ngày để biến Quảng trường Anh hùng thành một sân khấu ngoài trời khổng lồ. Mọi chi tiết đều được thiết kế rất có phong cách và người thiết kế là kiến trúc sư Laszlo Rajk, một trong những nhà bất đồng hàng đầu của Hungary, có cha là nạn nhân trọng phạm của “tòa án nhân dân” kiểu Stalin cuối thập niên 1940.

Những hàng cột tại Quảng trường được bọc vải đen. Mặt trước của các tòa nhà vĩ đại tại Quảng trường được phủ bằng những lá cờ khổng lồ ba màu xanh lá cây, đỏ và trắng, nhưng cờ có lỗ thủng ở giữa để tưởng nhớ những nhà cách mạng năm 1956 khi họ dùng cờ quốc gia có huy hiệu búa liềm bị cắt bỏ làm biểu tượng. Ở một bên Quảng trường, đặt trên đài cao, giữa những hàng đuốc cao, là sáu chiếc quan tài. Chiếc thứ sáu là quan tài trống, đại diện cho những Người Phản kháng Vô danh.

Buổi lễ gây xúc động mạnh mẽ. Từ giây phút đầu tiên, lúc 10 giờ sáng, khi diễn viên nổi tiếng Imre Sinkovits đọc lá thư của gia đình Nagy gửi nhân dân Hungary, cảm xúc đã dâng tràn rất thật. Trong hai tiếng đồng hồ, người tưởng niệm đi qua trước những cỗ quan tài, trong khi tên tuổi của từng người Hungary đã chết trong cuộc cách mạng, và trong những cuộc đàn áp sau đó, được đọc lên.

Phần lớn trong số 300.000 người đến dự lễ tưởng niệm đều là những người trẻ, năm 1956 họ chưa chào đời.

*

VIKTOR ORBAN NẢY LỬA

7.

Cao trào của buổi lễ được nhiều người nhớ mãi là bài diễn văn nảy lửa được một thanh niên 26 tuổi, tên Viktor Orban, tóc đỏ, râu rậm, mặc quần jeans, loại quần những người phản kháng thường mặc. Đó là một bài diễn thuyết truyền được lửa cho người nghe và lập tức tên người thanh niên được công chúng nhắc tới (Orban tiếp tục hoạt động và 10 năm sau trở thành Thủ tướng Hungary). Hôm đó, anh dõng dạc nói:

“Những người trẻ hôm nay không hiểu được nhiều việc làm của thế hệ cha anh. Chúng tôi không hiểu được vì sao cũng những Đảng viên ấy, những quan chức chính quyền ấy – họ từng dạy chúng tôi đọc những cuốn sách bóp méo lịch sử về Cuộc Nổi dậy 1956 – nay các vị ấy lại tranh nhau chạm vào những cỗ quan tài kia, như chạm vào bùa hộ mệnh.

“Chúng tôi không thấy có lý do nào để phải biết ơn chính quyền khi được phép chôn cất các vị tử đạo của chúng tôi. Chúng tôi cũng không nợ ai lời cảm ơn nào chỉ vì tổ chức chính trị của mình hôm nay có thể hoạt động …

“Nếu chúng ta tin vào … sức mạnh của chính mình, chúng ta có thể kết liễu chế độ độc tài cộng sản; nếu chúng ta quyết tâm đủ, chúng ta có thể buộc Đảng Cộng sản phải chấp nhận bầu cử tự do, và nếu chúng ta không đánh mất lý tưởng của Cuộc Nổi dậy 1956, thì chúng ta sẽ bầu được một chính quyền có thể lập tức tiến hành đàm phán để quân đội Liên Xô nhanh chóng rút quân.”

Tiếng vỗ tay và reo hò vang dội khắp Quảng trường Anh hùng và kéo dài suốt mấy phút. Ngay thời điểm này, việc đứng trước đám đông khổng lồ kêu gọi quân Liên Xô rút khỏi Hungary vẫn là một việc làm táo bạo.[3]

*

CẨN THẬN: ĐẢNG CÓ THỂ TRÁO TRỞ

8.

Trong số những người dự lễ tang, Maria Kovacs nhiều lần xúc động không cầm được nước mắt, đặc biệt là khi cô nghe đám đông hô vang Quảng trưòng “Ruszkik Haza” – “Quân Nga, về nhà!” Cô nói: “Tôi nhìn những thay đổi một cách thận trọng. Chúng tôi đã thấy cải cách ở Moscow trước đây rồi. Chúng tôi cũng đã thấy cải cách ở Trung và Đông Âu năm 1956, năm 1968, và năm 1980-1981 tại Ba Lan. Tất cả các trường hợp này … đều bắt đầu, hầu hết, từ Moscow, hoặc được Moscow cho phép. Cải cách diễn ra được một thời gian nhưng rồi lại đột ngột chấm dứt, có khi chấm dứt trong bạo động.” Cô thận trọng vì điều tương tự có thể xảy ra lần nữa, Gorbachev có thể bị truất phế và những cải cách ông khơi mào có thể bị đảo ngược.

Maria cho biết tiếp: “Và chúng tôi cũng không được quên tính nước đôi của … lễ tang. Lễ tang được những người cộng sản đứng ra tổ chức. Họ là những người mới vài năm trước còn ra sức lên án Imre Nagy là kẻ phản bội chế độ Xô-viết và phản bội chủ nghĩa xã hội. Tất cả những nhân vật cộng sản đứng trên lễ đài trong lễ tang cũng chính là những người mới vài năm trước vẫn theo thói quen ra rả lên án Cuộc Nổi dậy 1956. Điều này cho thấy họ có thể đối ý lần nữa, ngay khi có cơ hợi.”[4] “Họ” ở đây là Thủ tướng Nemeth, là Imre Pozsgay và là Chủ tịch Nước Matyas Szuros.

Các lãnh tụ cộng sản nhắc quần chúng rằng: nhân dân có quyền kính trọng Imre Nagy như một người thân của mình. Vì Nagy là một Đảng viên trung kiên nhiệt thành suốt đời ông, và lời nói cuối cùng trước khi ông dũng cảm chịu treo cổ là lời tuyên bố trung thành với Đảng của giai cấp công nhân. Thông điệp này của các nhân vật cộng sản không là điều hàng trăm ngàn người dân tại Quảng trường Anh hùng hôm đó muốn nghe.

9.

Lúc 1 giờ 30 chiều, đoàn lễ tang, lúc này chỉ còn gia đình Nagy, gia đình bốn đồng chí, cùng với một số ít người thân, trở về Lô 301. Những người đã khuất được đặt vào nơi an nghỉ lần cuối, trong một nghi lễ ngắn gọn dành riêng. Điều khác biệt là lần này họ có đài tưởng niệm và bia đá ghi tên.

***

LÀN SÓNG DI DÂN TỪ ĐÔNG ĐỨC BẮT ĐẦU

10.

Không lâu sau lễ cải táng Nagy, các nhân viên di trú Hungary bắt đầu để ý đến một hiện tượng chưa từng thấy trước đây.

Cũng nên biết Hungary là một điểm nghỉ hè quan trọng đối với người dân Đông Đức. Nhiều người thích đến Budapest, nơi có nhiều nhà hàng và điểm ăn chơi “chiều chuộng thân xác” không tìm đâu ra ở Đông Berlin buồn chán. Tuy nhiên, hầu hết du khách đều thích đến Hồ Balaton, nơi họ có thể nằm tắm nắng trên những bãi cát ven hồ, hoặc tắm nước khoáng trị bệnh trong các con suối nước khoáng rải rác ở bờ hồ phía nam. Đó là nơi nhiều gia đình người Đức đoàn tụ, dù chỉ được mấy ngày, vì nhiều du khách Tây Đức cũng đến thăm Balaton.

Thường thì khách thăm sẽ về nước sau khoảng hai tuần nghỉ ngơi, nhưng mùa hè năm nay, từ khoảng giữa tháng 6/1989, có dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhiều du khách Đông Đức đã ở lại quá thời hạn và một lượng người khác đang nối tiếp nhau đến Hungary qua ngả Tiệp Khắc, và rõ là họ cũng không có ý định về nước. Dòng xe lưu thông trên xa lộ dường như chỉ đi một chiều.

Tuy vậy, điều này chưa ra vẻ là một vấn đề lớn cho người Hungary. Vài ngàn gia đình du khách Đông Đức vẫn có thể được các gia chủ Hungary hào phóng cung cấp nơi ăn chốn ở tươm tất. Nhưng chính quyền rất hiểu tình hình này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng lớn và có thể là đầu mối cuộc tranh cãi với chính quyền Đông Đức, một điều họ muốn tránh nếu có thể.

Lãnh tụ Đảng Cộng sản Hungary, Grosz, Thủ tướng Nemeth và Ngoại trưởng Gyula Horn quyết định không làm gì nhiều và cứ chờ xem điều gì sẽ xảy ra. Họ có xin ý kiến từ Điện Kremlin, nhưng các trợ lý của cả Gorbachev lẫn Ngoại trưởng Shevardnadze đều nói đây là quyết định của Hungary, họ sẽ không can thiệp, và việc này ra sao thì tùy các đồng chí ở Budapest và Đông Đức tự giải quyết với nhau.

11.

Trong khi đó, nhà cầm quyền Đông Berlin càng lúc càng lo khi thấy nhiều người không trở về nhà hoặc đi làm lại sau kỳ nghỉ hè. Hiện tượng vắng mặt này trở thành đề tài được bàn tán khắp nơi, nhưng không được phép nhắc đến trên báo chí.

Số người rời Đông Đức tăng đáng kể sau khi các bản tin từ Trung Quốc về vụ Thiên An Môn được phát sóng trên truyền hình, với thông điệp được lập đi lập lại rằng chính phủ Hungary “thành tâm chúc mừng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vì đã hành động nhanh chóng để xử lý các vụ gây rối tại Bắc Kinh, do bọn tay sai đế quốc phương Tây giật dây”.[5]

*

DI DÂN TRABANT, XE TRABANT

12.

Đó cũng là khởi điểm của điều được gọi là “cuộc di dân bằng xe Trabant”, khi người Đông Đức chất đầy xe Trabant của họ [loại xe chất lượng thấp, phổ thông nhất Đông Đức] bất cứ những gì có thể chất được, rồi lái xe đến Hungary, và họ hy vọng cuối cùng chuyến đi sẽ đưa họ đến một xứ sở tự do.

Tất cả đều đi xe Trabant, loại xe hình hộp, động cơ hai thì, một phần làm bằng nhựa, phun khói phì phì và là biểu tượng thô kệch của cả đời sống lẫn nền công nghiệp Đông Đức.

Xe Trabant không đẹp nhưng dùng tương đối hiệu quả. Xe không được sản xuất theo quy luật cung cầu: khách mua chiếc xe, được mệnh danh là “xe nhân dân”, phải chờ lâu, có khi từ bảy đến tám năm, vì vậy khi có xe họ xem chiếc xe như một vật sở hữu rất quý giá.

Trên lý thuyết, xe có tất cả sáu màu, còn trên thực tế, người dân chỉ thấy được ba màu: trắng, xanh lơ, vàng nhạt. Đồng hồ tốc độ ghi số 130 km/giờ, nhưng theo truyền thống châm chọc tuyệt vời của Đông Đức thì họ nói rằng một tài xế cực kỳ may mắn mới có thể phóng xe quá 80 km/giờ. Nó phun khói độc hại bốn lần nhiều hơn một chiếc xe trung bình ở Châu Âu.

Người Đông Đức có vô số chuyện tiếu lâm về xe Trabant. Nhưng hầu hết chủ xe đều yêu thích chiếc Trabant của mình một cách lạ thường. Hiếm có khi nào, nếu có, một phương tiện di chuyển giản dị lại có nhiều đặc tính giống với đất nước nó ra đời đến thế.

*

LỘ TRÌNH: ĐÔNG ĐỨC, HUNGARY, ÁO, TÂY ĐỨC

13.

Sau khi Hungary hủy bỏ một phần Bức màn Sắt vào ngày 2/5/1989, người Đông Đức nghĩ rằng nếu họ đến được Hungary là họ đã đi được nửa đường đến phương Tây. Theo chính sách thì người Đông Đức đương nhiên sẽ được cấp quốc tịch Tây Đức, họ có thể có hộ chiếu Tây Đức gần như ngay khi yêu cầu tại bất cứ lãnh sự quán nào của Tây Đức, vấn đề là họ làm sao đến được nước Áo cạnh bên.

Nhưng, Đông Đức có những thỏa ước ký từ đầu thập niên 1960 với các nước trong Khối Warsaw là họ sẽ không chấp nhận hộ chiếu Tây Đức nếu hộ chiếu không có con dấu nhập cảnh hiệu lực. Luật này có nghĩa nếu bạn đã không vào Hungary bằng hộ chiếu Tây Đức thì bạn sẽ không thể rời Hungary bằng hộ chiếu Tây Đức. Điều này đủ để bảo đảm người Đông Đức phải ở lại khối Xô-viết. Tuy nhiên, lúc này nhiều người nghĩ rằng nếu họ cứ ở Hungary thì rồi chính quyền Budapest sẽ cho phép họ qua Áo, và từ đó họ sẽ đến được Tây Đức.

14.

Hầu hết người di dân bằng xe Trabant đều là những chuyên viên, thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, trong độ tuổi từ 20 đến trên 30, vừa lập gia đình. Một người trong số cho biết Đông Đức “không phải là nơi để con cái lớn khôn một cách đàng hoàng. Không có tương lai, không có hy vọng. Ở đó chỉ có đời sống vô sinh đầy dẫy dối trá”.

Không chỉ một, hầu như mọi người đều có chung nỗi bất bình, họ bảo rằng: “Chúng tôi không suy dinh dưỡng hoặc bị đối xử tệ hại về thể chất. Chính sự áp bức tệ hại đã khiến chúng tôi phải ra đi. Chúng tôi không nghĩ chính quyền Hungary sẽ trả chúng tôi về nước, mặc dù điều đó có thể xảy ra. Chúng tôi cứ chờ xem sao đã.”

*

HUNGARY KHÔNG TRẢ NGƯỜI TỊ NẠN

15.

Chính quyền Đông Đức yêu cầu Hungray tôn trọng thỏa ước trước đây và không cho phép người Đông Đức ra đi. Đáp lại, Hungary cam kết sẽ tôn trọng những quy định ghi trong Hiệp ước Khối Warsaw.

Đông Đức sau đó đòi trả công dân của họ về nước. Nhưng lãnh đạo Hungary nhất trí từ chối và nói rằng Đông Đức nên thương lượng để đạt được một thỏa thuận với Tây Đức về số phận của những người mà giờ đây lần đầu tiên họ gọi là “người tị nạn”.

Đông Đức xin Liên Xô đưa ra phán quyết. Chủ tịch Honecker họp kín với Ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze tại Berlin. Nhưng Shevardnadze không chịu nghiêng theo phía nào và nói lại lập trường của Kremlin là Đông Đức phải đạt được thỏa thuận với Hungary.

Nhà độc tài Đông Đức Honecker nổi giận và tuyệt vọng khi nhìn những gì đang diễn ra trong khối Xô-viết. Ông nói: “Chúng tôi thấy những gì đang xảy ra ở Ba Lan sau cuộc bầu cử. Tình hình … rất bấp bênh. Không thể để mất chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan. Ở Hungary, tình hình có vẻ không thể kiểm soát được. Tôi nhớ như in các sự kiện trong năm 1956. Nhiều đồng chí ở Hungary sợ rằng … với lễ cải táng Nagy, một cuộc phản cách mạng sẽ nổ ra lần nữa. Và nếu thế, có ngăn được Đảng Cộng sản Hungary rạn nứt không? Nếu không, Hungary sẽ lại càng đổ vỡ và rơi vào quỹ đạo tư sản.”[6]

***

KADAR: Ở NƠI PHẢI Ở, LÀM VIỆC PHẢI LÀM

16.

Một tháng sau lễ cải táng Nagy, hàng ngàn người lại dự một lễ tang khác ở Budapest, để tiễn đưa và vĩnh biệt người đại diện cho quá khứ Hungary, cựu Tổng Bí thư Janos Kadar. Kadar đã sống quá lâu và có thể thấy các đối thủ cũ về hưu ra sao, nhưng lúc đó ông quá già yếu bệnh tật nên không thể hiểu những gì đang thực sự diễn ra.

Ông chết vào sáng ngày 6/7/1989, và tin tức về cái chết của ông được đón nhận với sự ngạc nhiên và thương tiếc chân thật. Người dân Hungary có thể trước đây càng lúc càng ghét Kadar vì những gì gắn liền với ông – có lẽ họ cũng ghét chính mình vì những gì họ đã cùng làm với Kadar trong nhiều chục năm im lặng đồng lõa – nhưng họ vẫn tôn trọng ông.

Lễ tang ông vào ngày 14/7/1989 cũng là một sự kiện chính trị, diễn ra tại Kerpesi, nghĩa trang quốc gia Hungary, trong không khí buồn trang nghiêm, với 100.000 người tham dự. Nhiều người trong số đã dự lễ cải táng Nagy vài tuần trước đó. Ba triệu người Hungary theo dõi lễ tang được truyền hình trực tiếp.

Kadar, lãnh tụ cầm quyền tại Hungary trong 32 năm, được chôn trong nghĩa trang được gọi là Đền của Giai cấp Công nhân, nơi chôn cất rất đông các “anh hùng liệt sĩ” cộng sản khác. Dòng chữ khắc trên bia đá nghe như lời ông tự bạch, và có lẽ đó cũng là lời tự bạch cho vô số những người cộng sản đã chiến đấu vì lý tưởng trong suốt thế kỷ 20. Dòng chữ viết: “Tôi đã ở nơi tôi phải ở. Tôi đã làm việc tôi phải làm.”

V.S.

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

[1] Tài liệu Lưu trữ Quốc gia Hungary (Magyar Orszagos Leveltar), Budapest, M-KS-288/1050; phỏng vấn Pozsgay, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 9

[2] Janos Kenedi, Kis Allambistonsagi Olvasokonyvy (A Secret Police Reader) (Magvet, Budapest, 1996)

[3] Phóng sự phát thanh, Thế giới Vụ, Đài BBC, ngày 18/6/1989

[4] Tác giả nói chuyện với Maria Vasarhelyi và Miklos Haraszti, Budapest, tháng 4/2004; phỏng vấn Maria Kovacs, Cold War series, LHCMA, box 11

[5] Báo Neues Deutschland, ngày 11/6/1989

[6] BA SPMO (Bundesarchiv, Stiftung Archiv der Parteien und Massenorganisationen der DDR), ZK, JIV2/2A/3225

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.