Vì sao TQ phá giá đồng nhân dân tệ?

Vấn đề phá giá đồng Nhân dân tệ là nằm trong phản ứng đối phó với khó khăn mà nền kinh tế  TQ đang gặp khi nhìn về tương lai: tốc độ phát triển đang trên lộ trình giảm tốc và khó lòng đảo ngược, doanh nghiệp không thể dùng thị trường chứng khoán để có vốn giảm nợ đang ở mức cao (280% GDP, cao hơn 160% GDP của VN, giá lao động ngày càng cao so với Mỹ và các nước nên xuất khẩu giảm.

Như anh Doanh nói, nếu TQ phá giá đồng bạc thì VN không thể không phá giá đồng bạc vì hàng VN sẽ mất tính cạnh tranh với hàng TQ và các nước khu vực. Đây là lúc có thể làm vì lạm phát thấp nhưng phải thận trọng có điều độ để không đẩy lạm phát và không làm mất khả năng trả nợ nước ngoài (vì tiền trả nợ bằng tiền đồng sẽ lên).

Vũ Quang Việt

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào hôm thứ Ba xuống mức thấp nhất trong gần ba năm qua. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định nhanh chóng sau khi kết quả kinh tế yếu kém được đưa ra hồi cuối tuần rồi.

Với mức giảm 1,9%, PBOC nói đây là bước đi trước nhằm hướng tới cải cách tiền tệ.

Nhưng thời điểm phá giá khiến một số người cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu nước này.

Hồi tháng Bảy, xuất khẩu bất ngờ giảm 8%, chiếm phần lớn trong nền kinh tế Trung Quốc.

Gần đây, Bắc Kinh đã cố giữ đồng nhân dân tệ để người dân trong nước có thể mua hàng hóa nhiều hơn và các công ty Trung Quốc có thể đầu tư ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn. Nay, việc thay đổi chính sách rất có thể sẽ đem đến những nguy cơ.

Với các nhà đầu tư, câu hỏi là liệu giờ là lúc nên bán hay nên giữ đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc phá giá đồng nhân dân tệ không chỉ giới hạn trong phạm vi nền kinh tế Trung Quốc, theo bình luận của chủ biên kinh tế BBC, Robert Peston dưới đây.

Các nhà đầu tư thế giới lâu nay bị ám ảnh với chuyện khi nào Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ kết thúc kỷ nguyên áp mức lãi suất gần như bằng không, trong lúc kinh tế Mỹ đã gần như trở lại bình thường.

Thế nhưng có lẽ họ đang nhìn không đúng chỗ, nếu xét tới việc điều gì có ảnh hưởng tới dòng vốn và hoạt động kinh tế xuyên quốc gia.

Bởi quyết định của PBOC phá giá đồng nhân dân tệ 1,9% sẽ có tác động toàn cầu, cả trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Ngay lập tức, quyết định trên làm tăng tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thời điểm nền kinh tế nước này đang tăng ở mức chậm nhất kể từ sáu năm qua, và khi mà nhiều kinh tế gia sợ rằng việc chững lại sẽ trở thành vấn đề đau đớn, cấp bách cần xử lý.

Việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gợi lại những quan ngại rằng vẫn còn rất lâu nữa Bắc Kinh mới làm mới nền kinh tế để tạo sự tăng trưởng cân bằng hơn, dựa trên những nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ hơn.

Sự suy yếu của đồng tiền tệ nước này cũng sẽ khiến Fed bị chú ý.

Trên thực tế là Trung Quốc đang xuất tình trạng giảm phát sang Hoa Kỳ.

Nói cách khác, với các nhà sản xuất và xuất khẩu Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đã thắt chặt chính sách tiền tệ.

Về trung hạn, Trung Quốc sẽ lại nêu quan ngại về chuyện cạnh tranh thương mại không công bằng.

Không ai nghi ngờ gì, các ứng viên chạy đua chức tổng thống Hoa Kỳ, nhất là phía đảng Cộng hòa, sẽ than phiền nhiều hơn về việc Trung Quốc nỗ lực tái xác lập thị phần xuất khẩu nhằm chặn mức ảnh hưởng của tình trạng đi xuống không thể tránh khỏi của nền kinh tế Trung Quốc.

Về dài hạn, hiện chưa rõ việc phá giá tiền tệ có ảnh hưởng ra sao tới tham vọng của Trung Quốc trong việc muốn đưa đồng nhân dân tệ trở thành một loại tiền tệ dự trữ, được hiểu theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Các kinh tế gia của IMF và các quan chức tại các ngân hàng trung ương, là những người có quyền điều chỉnh quy chế của các loại tiền tệ dự trữ, sẽ cân nhắc xem liệu việc một ngân hàng trung ương như PBOC buộc phá giá hoặc định giá lại tiền tệ có làm sai lệch đi hoạt động của thị trường tự do hay không.

PBOC đang nói rằng việc làm đồng nhân dân tệ suy yếu là bước đi nhằm tiến tới việc có tỷ giá hối đoái được thị trường tự điều tiết mạnh mẽ hơn.

Với những áp lực thị trường trong những tuần vừa qua, thực tế cho thấy những lỗ hổng trong nền kinh tế Trung Quốc đã ngày càng lộ rõ hơn.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/business/2015/08/150811_china_slowdown_forces_devaluation

 

This entry was posted in kinh tế, Trung Quốc. Bookmark the permalink.