Bước vào tuổi 80, tôi không ít những ký ức vui và buồn. Một trong những ký ức đeo đuổi tôi dai dẳng nhất, đó là bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, kiến nghị Đảng phải thay đổi gần như tất cả, để trở thành một đảng khác, ngõ hầu có thể đưa đất nước lên con đường của phát triển.
Vậy, bức thư 09-08-1995 nói gì?
Đất nước chúng ta hôm nay đang đối mặt với những vấn đề gì?
Dưới đây xin nêu lên vài suy nghĩ.
I. Bối cảnh và nội dung bức thư
Mười năm đầu tiên của đổi mới trong kinh tế (1986-1995) có thể được xem là thời kỳ kinh tế Việt Nam phát triển ngoạn mục nhất cho đến nay, với nghĩa (a) các chỉ số của tăng trưởng và phát triển có thể nói là rất hài hòa, (b) kinh tế thị trường được phát huy, và (c) nhà nước chỉ thực hiện sự can thiệp tối thiểu phải có, vì không khí dân chủ trong kinh tế thời ấy một phần, và sự thật là vì còn thiếu nhiều luật lệ.
Quá trình phát triển nói trên làm xuất hiện trong giới lãnh đạo nỗi lo kinh tế thị trường có thể uy hiếp sự tồn vong của chế độ chính trị, mặt khác nạn tham nhũng bắt đầu nở rộ – gốc gác không phải do kinh tế thị trường; cha đẻ của tệ nạn này là quyền đứng trên luật pháp của chế độ chính trị một đảng. Trong tình hình ấy, Bộ Chính trị quyết định họp Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 – 25-01-1994), một hiện tượng bất thường chưa hề có thời bình, nhắm “chấn chỉnh” hướng phát triển của đất nước!
Hội nghị này nêu lên 4 nguy cơ: (1) tụt hậu về kinh tế, (2) chệch hướng chủ nghĩa xã hội, (3) tham nhũng, (4) diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Song hội nghị đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ chệch hướng và nguy cơ diễn biến hòa bình. Đây cũng là thời kỳ trong lãnh đạo Đảng có những quan điểm khác nhau quyết liệt chung quanh các vấn đề sinh tử: chiến lược phát triển, hội nhập quốc tế, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đàm phán gia nhập WTO… Sự xoay đổi của hội nghị này tác động nghiêm trọng tiến trình đổi mới tiếp, tăng cường xu thế bảo thủ… Từ đây trở đi kinh tế Việt Nam đi vào chu kỳ trồi – sụt nối nhau liên tiếp (khoảng 5 – 6 năm / chu kỳ, nghĩa là khá ngắn, luôn dao động…), mặc dù kinh tế Việt Nam ngày một phát triển cao hơn và hội nhập sâu hơn.
Tình hình trên chi phối sâu sắc quá trình chuẩn bị Đại hội VIII, làm mất đà phát triển kinh tế năng động vừa mới gây dựng lên được; trong khi đó lãnh đạo Đảng thiếu sự nhìn nhận đúng và thống nhất về con đường phát triển mà đất nước đòi hỏi. Đấy là bối cảnh thôi thúc viết bức thư ngày 09-08-1995.
Vào thời điểm soạn thảo thư, hầu như toàn bộ công việc chuẩn bị Đại hội VIII đã lên khuôn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, theo hướng đã được Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII ấn định (4 nguy cơ). Nghĩa là rất khó có cơ hội thay đổi hướng đi hoặc đưa ra những luồng suy nghĩ khác. Giữa lúc này trong Đảng lại xảy ra sự cố một số vị lãnh đạo bảo thủ muốn đưa Nguyễn Hà Phan lên làm Thủ tướng vào dịp Đại hội VIII sắp họp (28-06 đến 01-07-1996), khiến cho mọi chuyện thêm phức tạp.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rõ thực tế đã đóng khung này, song ông cố tận dụng những điều kiện hạn chế còn cho phép, nêu lên 4 vấn đề hệ trọng yêu cầu Bộ Chính trị xem xét: (1) Phải nhìn nhận lại để hiểu đúng cái thế giới chúng ta đang sống và quyết tâm hội nhập, (2) Chệch hướng hay không chệch hướng xã hội chủ nghĩa? (3) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, (4) Đổi mới xây dựng đảng.
Xin lưu ý, thư được viết ra cách đây 20 năm, nên không thể thoát ly được sự ràng buộc khắt khe của hoàn cảnh khách quan và sự hạn chế của nhận thức lúc ấy.
Nội dung cốt lõi của bức thư là:
Phải hiểu đúng thế giới, để từ đó xem lại và xác định cho đúng con đường phát triển của đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thế giới hôm nay phải được bắt đầu từ xây dựng một nhà nước pháp quyền dân chủ, muốn thế Đảng phải thay đổi toàn diện.
Phần nhìn nhận lại thế giới nêu lên sự cần thiết phải loại bỏ cách nhìn ý thức hệ, nhận thức rõ những xu thế mới trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, sự cần thiết Việt Nam phải chủ động tham gia vào quá trình này để xây dựng và bảo vệ đất nước, không được phép bỏ lỡ cơ hội này. Đáng chú ý trong phần này, bức thư đặt vấn đề phải nhìn rõ thực chất của bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại (Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Triều Tiên), không thể được xem như một dạng còn tồn tại của chủ nghĩa xã hội, trong khi đó quan hệ Việt – Trung có không ít điểm nóng.
Phần mổ xẻ câu hỏi “chệch hướng hay không chệch hướng?” nhấn mạnh: Phải kiên định kinh tế thị trường với sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế, tạo động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, không thể chỉ một chiều nhấn mạnh kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nguy cơ chệch hướng nằm trong tình trạng làm ăn trái pháp luật và tham nhũng, trong kinh tế ngầm, trong các mafia… mặc dù chỗ nào cũng có các tổ chức cơ sở Đảng. Chệch hướng không nằm ở đâu khác.
Phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước nêu lên những yếu kém nghiêm trọng trong hệ thống nhà nước, đi tới kết luận phải hoàn thiện và phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nhà nước pháp quyền với đầy đủ các phần lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhấn mạnh Đảng trong bộ máy và hệ thống của nhà nước pháp quyền phải thực hiện đúng vai trò lãnh đạo là: Làm cho bộ máy và hệ thống nhà nước thực hiện được các chức năng của nó, Đảng nhất thiết không được làm thay.
Phần đổi mới xây dựng Đảng xác định: để hoàn thành được nhiệm vụ, nhất thiết phải đổi mới xây dựng Đảng (a) về đường lối và (b) về tổ chức.
Đổi mới về đường lối: Phải lựa chọn con đường dân tộc và dân chủ để phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, đồng thời tạo ra cho nước ta khả năng tập hợp lực lượng mới trong thế giới ngày nay. Đảng cần đặc biệt quan tâm nâng cao dân trí, giáo dục, phát huy và bảo vệ quyền công dân để phát huy sức mạnh của cả nước, đẩy mạnh giáo dục đảng viên về chủ nghĩa yêu nước với nội dung sớm làm cho đất nước giàu mạnh.
Đổi mới về tổ chức: Cần sắp xếp lại các tổ chức và đổi mới sinh hoạt đảng để khắc phục tình trạng bất cập nghiêm trọng của đảng viên và của tổ chức; cần loại bỏ nguyên tắc “dân chủ tập trung” rất công thức và được vận dụng tùy tiện, để thay thế bằng nguyên tắc triệt để phát huy dân chủ trong Đảng, tuyệt đối trung thành với Điều lệ Đảng, phục tùng các nghị quyết của Đảng.
Có thể kết luận: Cả bốn vấn đề nêu trong bức thư 09-08-1995 đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự đối với đất nước cũng như đối với Đảng, thậm chí đang trở nên vô cùng bức xúc trong tình hình và nhiệm vụ mới mà đất nước đang phải đối mặt.
II. Những vấn đề và thách thức của hôm nay
Công sức và những hy sinh rất lớn của đất nước bỏ ra trong suốt 20 năm qua nói riêng (kể từ khi có bức thư) và trong 30 năm đổi mới nói chung đã đưa nước ta từ nước chậm phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). Những thành quả đã giành được của quốc gia độc lập thống nhất trong thời kỳ này cho dù chưa toàn vẹn, song là tiền đề vô cùng quan trọng, phải gìn giữ để phát huy cho những bước phát triển tiếp theo của đất nước. Bàn về những nguyên nhân thành công xin để vào một dịp khác, vì chủ đề của bài viết này là bàn về những thách thức phía trước đang đặt ra cho đất nước, nhìn theo những quan điểm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu trong thư của mình.
Đặt vấn đề như vậy, chúng ta phải thừa nhận những thành tựu đạt được cho đến nay vẫn chưa đảo ngược được tình trạng đất nước ngày càng tụt hậu và càng nhiều vấn đề bất cập!
So sánh theo quan điểm mất/được, còn phải thẳng thắn thừa nhận 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên là một giai đoạn phát triển có nhiều thất bại trên những phương diện chiến lược:
- chưa xây dựng được một chế độ chính trị thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nước có độc lập nhưng nhân dân chưa có tự do, nên chưa phát huy được sức mạnh dân tộc không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay; chế độ chính trị của Đảng đã tạo ra sự lũng đoạn của tập đoàn kinh tế quốc doanh, nền kinh tế GDP tỉnh, tư duy nhiệm kỳ và sự chi phối của các nhóm lợi ích phá nát đất nước, để lại những cát cứ và manh mún rất nan giải,
- công nghiệp hóa thất bại, năng suất lao động và tỷ trọng giá trị gia tăng đều thấp, nhiều thất thoát và tổn thất nặng nề do tham nhũng và yếu kém của chế độ chính trị; kinh tế Việt Nam vẫn ở vị thế thấp kém trong nền kinh tế toàn cầu: chưa hội nhập sâu được theo vùng và ngành, chưa tham gia được bao nhiêu vào các chuỗi sản phẩm, các chuỗi cung – ứng… của kinh tế thế giới; hiện có nhiều ách tắc, bất cập, và chưa tạo được tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo…[1]
- ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đặt ra nhiều vấn đề ngày càng bức xúc; đáng lo ngại là ô nhiễm sông suối, nạn thiếu nước cho người, nông nghiệp và gia súc, nạn ô nhiễm do phế thải công nghiệp… ngày càng khó kiểm soát; đặc biệt nghiêm trọng là đường lối phát triển kinh tế có nhiều sai lầm (phát triển theo chiều rộng, sự yếu kém của chế độ chỉ thu hút được FDI kém chất lượng khiến đất nước trở thành bãi rác công nghiệp cho nước ngoài, tư duy bóc ngắn cắn dài và chụp giựt, tư duy nhiệm kỳ…) cùng với năng lực đối phó có quá nhiều yếu kém, khiến cho môi trường tự nhiên xuống cấp nghiêm trọng, đất nước đang đứng trước những thảm họa rất nguy hiểm có thể xảy ra do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu (đây là một trong những thách thức rất nguy hiểm trong những năm tới, phải được quan tâm phòng tránh);
- tình trạng tụt hậu mọi mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…) ngày càng gia tăng so với ngay trong khu vực cũng như so với sự phát triển của kinh tế thế giới, và so với những thách thức mới trên trường quốc tế; hiện nay nước ta đứng bét sau ASEAN 6, bắt đầu có những mặt thua Lào và Campuchia;
- đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc ngày càng trầm trọng và bị chi phối toàn diện do sự can thiệp ngày càng nguy hiểm của quyền lực mềm và rắn của Trung Quốc; trên thực tế nước ta đã trở thành một chư hầu kiểu mới của Trung Quốc; có thể nói toàn bộ chính sách đối nội và đối ngoại của ta liên quan đến Trung Quốc đã mang lại cho đất nước nhiều tổn thất nghiêm trọng và những thách thức rất nguy hiểm. Đây là thất bại lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 40 năm độc lập đầu tiên của đất nước, Đảng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước đất nước, trước lịch sử,
- vị thế đối ngoại rất khả quan nhờ cơ hội của địa chính trị và địa kinh tế cho phép, song lại rất thấp kém trên thực tế, vì những yếu kém nội tại rất cơ bản không cho phép xây dựng các mối quan hệ đối ngoại có thực chất đúng với đòi hỏi cũng như tiềm năng của đất nước; chiến lược đối ngoại sai lầm do bị ý thức hệ chi phối, khiến đất nước không có đối tác chiến lược với đúng nghĩa (hữu danh vô thực còn nặng), không có đồng minh chiến lược, và đồng thời không giành được sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ lẽ ra phải có lúc này mà sự nghiêp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh quốc tế mới đòi hỏi,
- Vân vân…[2]
Nguy hiểm hơn nữa, càng tăng trưởng và phát triển như hiện nay, bất công càng lớn, xã hội càng xuống cấp mọi mặt, lòng dân càng phân tán, Đảng và chế độ chính trị ngày càng tha hóa, đất nước tích tụ ngày một nhiều những mâu thuẫn nội / ngoại nóng bỏng, độc lập chủ quyền quốc gia tiếp tục bị xâm phạm và uy hiếp nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, trong cẩm nang chính trị của mình hôm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không theo đuổi cái gì khác ngoài việc bảo vệ chế độ chính trị đến cùng và trên hết cả, nhân danh kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa…
Có thể nói chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam bế tắc về tư duy và đường lối, tha hóa nghiêm trọng về phẩm chất chính trị và đạo đức, rối nát về tổ chức như hôm nay. Đối phó với tình trạng bất cập ngày càng gia tăng này, Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay chỉ có phương sách duy nhất là làm mạnh nữa các biện pháp đã và đang thực thi lâu nay: dối trá, bóp nghẹt dân chủ, tăng cường chuyên chính – áp dụng cả trong nội bộ Đảng – nên dẫn đến chia rẽ.
Những thách thức đặt ra cho đất nước hôm nay càng trở nên đặc biệt nhạy cảm, vì lẽ cùng một lúc nước ta phải giải quyết cả ba vấn đề hệ trọng nhất, và cũng khó nhất:
- Khắc phục cuộc khủng hoảng mang tính cơ cấu rất trầm trọng của nền kinh tế đất nước, đồng thời phải tìm đường mở ra một thời kỳ phát triển mới.
- Phải khắc phục nguyên nhân gốc là sự bất cập và tha hóa toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ chính trị hiện tại – đã tới mức trở thành nguyên nhân trực tiếp kìm hãm sự phát triển của đất nước.
- Phải có đủ trí tuệ, ý chí, bản lĩnh, sức mạnh và sự khôn ngoan, để một mặt giữ được hòa bình, đối phó thắng lợi với mọi thách thức và can thiệp đến từ phía Trung Quốc; mặt khác phải giành được hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây là điều kiện quyết định cho phép duy trì mối quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi và được tôn trọng với Trung Quốc.
Cả ba nhiệm vụ khó nhất nêu trên nước ta phải thực hiện trong bối cảnh:
- Giữa lúc kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc về cấu trúc và phương thức phát triển của giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, thế giới đã bắt đầu đi vào một trật tự có những hỗn loạn mới của một cuộc chiến tranh lạnh mới đang hình thành. Điểm nổi bật của tình hình này là Nga đang tìm đường lấy lại vị thế đế chế trước đây, và siêu cường đang lên Trung Quốc với “giấc mộng Trung Hoa” đã chuyển sang thời kỳ chủ động bành trướng ảnh hưởng Đại Hán ở phạm vi toàn cầu.
Điều cực kỳ nguy hiểm là cả Nga và Trung Quốc hiện nay đang ra sức nuôi dưỡng, kích động chủ nghĩa dân tộc (chauvinism) làm động lực tinh thần của quốc gia mình cho tham vọng đế chế[3]. Hai quốc gia này thống nhất với nhau trong mục tiêu thách thức Mỹ – đối thủ số một trực tiếp ngáng đường thực hiện các tham vọng đế chế của họ. Qua đó liên minh Nga – Trung đã trực tiếp gây ra cục diện chiến tranh lạnh mới hiện nay của thế kỷ 21.
- Đi vào thời kỳ theo đuổi mục tiêu phục hồi lại đế chế Đại Hán (giấc mộng Trung Hoa), trận địa chính Trung Quốc quyết lựa chọn là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (vì Trung Quốc không có khả năng nào khác), trong đó Biển Đông là nơi Trung Quốc có những lợi thế cho phép tận dụng tốt nhất sức mạnh áp đảo tại chỗ đối với các nước trong khu vực, để có thể mở ra tại đây đột phá khẩu đầu tiên – nhất là trên phương diện quân sự.
Những bước đi quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông và việc xây những căn cứ quân sự trên các đảo lấn chiếm để hình thành cái gọi là Vạn lý trường thành trên Biển Đông đã buộc các nước hữu quan, kể cả Mỹ, phải tăng cường đối phó. Thực tế này tạo ra căng thẳng chưa từng có trên Biển Hoa Đông và Biển Đông kể từ sau chiến tranh thế giới II. Chưa bao giờ trên thế giới trong thế kỷ 21 này nóng lên như hiện nay những câu hỏi liệu có thể xảy ra chiến tranh thế giới III không? Chiến tranh trên Biển Đông sẽ như thế nào?
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, do từ nhiều thập kỷ nay đã chi phối áp đảo được Việt Nam bằng quyền lực rắn và mềm, nên Trung Quốc đã chủ động chiếm được những lợi thế có tính chiến lược trên toàn vùng Biển Đông nói riêng và trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Thực tế này đang kích thích Trung Quốc lấn tới.
Cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan khác đã xảy ra: Việc Trung Quốc giành được ảnh hưởng bá chiếm như hiện nay đối với khu vực Đông Nam Á có nguyên nhân quan trọng là: suốt ba thập kỷ vừa qua Mỹ một mặt có những sai lầm chiến lược (đặc biệt là sa lầy vào Iraq và Afghanistan), mặt khác do phải tập trung vào những vấn đề nóng toàn cầu, nên đã tạo ra các vùng trống rất đa dạng cho Trung Quốc giành lấy ưu thế hiện nay (đặc biệt tại Đông Nam Á). Mỹ từ thời Obama nhiệm kỳ I phải bắt đầu xoay trục để tìm cách kiểm soát tình hình này[4].
Đối với nước ta, điều bất hạnh lớn là địa kinh tế và địa chính trị của thế giới hôm nay một lần nữa có tiềm năng biến nước ta với tính cách là nước bên thứ ba thành một trong các nạn nhân hàng đầu của cuộc chiến tranh lạnh mới này. Nước ta đứng trước thách thức: Nếu không thoát khỏi sự chi phối nguy hiểm hiện nay của Trung Quốc, nước ta sẽ bị Trung Quốc thâu tóm chặt hơn nữa để tăng thêm thế mạnh lũng đoạn khu vực, đồng thời sẽ đẩy nước ta ra làm xung kích hay bia đỡ đạn cho những tranh chấp mới của Trung Quốc trên Biển Đông.
Xin đặc biệt lưu ý:
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh của nửa sau thế kỷ 20, tình hình địa kinh tế và địa chính trị lúc ấy của cái gọi là “thế giới hai phe bốn mâu thuẫn” đã biến nước ta với tính cách là nước bên thứ ba thành nạn nhân bi thảm nhất. Nước ta cùng một lúc trở thành trận địa chiến tranh nóng khốc liệt nhất của bốn cuộc chiến tranh ủy thác hồi ấy lồng vào nhau: (1) giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, (2) giữa Liên Xô và Mỹ, (3) giữa Trung Quốc và Mỹ, (4) giữa Liên Xô và Trung Quốc. Chưa nói đến trong lòng đất nước còn là một cuộc nội chiến tương tàn.
Có thể nói, trong khi trí tuệ đất nước ta hôm nay chưa kịp rút ra cho quốc gia mình những bài học xương máu phải trả giá cho các cuộc chiến tranh ủy thác này mà cả hai miền Bắc và Nam (Hà Nội và Sài Gòn) nước ta đã bất khả kháng bị cuốn hút vào trong thời kỳ chiến tranh lạnh nửa sau thế kỷ 20, thì hôm nay nước ta lại đang một lần nữa gần như vô thức ngấp nghé bước vào, hay đang bị xô đẩy vào một cuộc chiến tranh lạnh mới của thế kỷ 21. Trong khi đó ý thức hệ của Đảng đã và đang tiếp tục bịt mắt Đảng và đất nước trước thực tế đầy xương máu này. (Tham khảo thêm phần đối thoại trong chương 26 của tiểu thuyết Lũ, trong blog http://nguyentrung-vt.blogspot.com). Sự thật là: Nước ta hiện nay đang đứng trước bài toán đối ngoại cực kỳ khó: Một mặt phải làm sao thoát khỏi số phận là nạn nhân của chiến tranh lạnh thế kỷ 21, mặt khác phải tạo ra được nội lực và tập hợp lực lượng đủ sức bảo vệ đất nước sống hòa bình và hữu nghị bên cạnh cái chảo lửa Trung Quốc. Trí tuệ và ý chí nào của đất nước, sự đồng lòng nhất trí nào của cả dân tộc, sự lãnh đạo tinh hoa nào quốc gia phải có, để có thể cho phép đất nước giải được bài toán khó này?
- Do Mỹ có sức mạnh lớn nhất và có khả năng kiểm soát hữu hiệu nhất đối với toàn bộ chiến lược dưới cái tên gọi “giấc mộng Trung Hoa”, nên tranh chấp Trung – Mỹ cũng mang ý nghĩa quyết định nhất đối với cục diện quốc tế cũng như trong khu vực, tác động sâu sắc đến các nước bên thứ ba – trước hết là các nước bên thứ ba trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
So sánh lực lượng hiện tại không cho phép Trung Quốc tập trung mũi nhọn vào Mỹ, nên trọng tâm toàn bộ mọi nỗ lực của “giấc mộng Trung Hoa” dồn vào uy hiếp các nước bên thứ ba, nhất là tại khu vực Đông Nam Á, trước hết là Việt Nam.
Mặt khác, vì còn nhiều điểm nóng rất nghiêm trọng trên thế giới (vấn đề IS, sự mất ổn định ở Bắc Phi và Trung Đông, vấn đề Ukraina, v.v.) và vì sự phụ thuộc lẫn nhau cũng như khả năng hủy diệt lẫn nhau rất lớn, nên Mỹ cũng phải tìm cách tiếp cận rất thận trọng với Trung Quốc.
Kể từ bước ngoặt quan hệ Mỹ – Trung thời Kissinger – Nixon (1972) cho đến hôm nay, mọi chiến lược qua các đời tổng thống khác nhau của Mỹ đối với Trung Quốc, kể cả những biện pháp thỏa hiệp với nhau theo kiểu ăn chia lợi ích…, tất cả chỉ mang lại kết quả là làm cho Trung Quốc tiến chậm phần nào trên con đường ngoi lên siêu cường bá quyền Đại Hán. Song nửa thế kỷ nay Mỹ đã thất bại trong ý đồ chiến lược muốn kiềm chế Trung Quốc bằng chính sách lôi kéo Trung Quốc cùng đồng hành và trở thành một cường quốc có trách nhiệm với cộng đồng thế giới. Thừa nhận thất bại này, chính cựu tổng thống Richard Nixon 1994 đã phải thốt lên, đại ý: “Quái vật Trung Quốc” không thể thuần hóa được trong trật tự quốc tế hiện hành, nó đang thách thức trật tự quốc tế hiện hành…”[5].
Như một phản ứng tất yếu, trên toàn thế giới đang diễn ra những quá trình tập hợp lực lượng mới hoàn toàn khác trước và rất phức tạp. Đồng thời nhiều quốc gia – nhất là các nước trong khu vực (quyết liệt nhất là Nhật) – buộc phải thực hiện những thay đổi triệt để, nhằm tăng cường khả năng tự vệ và thích ứng.
Bản thân Mỹ cũng phải có những bước đi mạnh. Trục xoay Châu Á – Thái Bình Dương và TTP là những nỗ lực mới của Mỹ trong việc đối phó với “giấc mộng Trung Hoa”. Triển vọng những nỗ lực này sẽ có thể là tiếp tục kiềm chế ở mức độ nhất định siêu cường đang lên Đại Trung Hoa. Song sự thật cho thấy: Chỉ có sự phát triển nội tại trong lòng Trung Quốc (bao gồm cả khủng hoảng sâu sắc và nguy cơ sụp đổ) mới là yếu tố quyết định nhất chi phối sự hành xử của quốc gia này đối với thế giới bên ngoài. Với việc tái tạo hình tượng Mao và giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa (chauvinism) rất nguy hiểm, Tập Cận Bình đang biến Trung Quốc thành một quốc gia cảnh sát khổng lồ. Tự thân sự phát triển này đang trở thành một quả bom nổ chậm đối với chính Trung Quốc, đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cho cả thế giới.
Đối phó với sức mạnh áp đảo tại chỗ của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, hành động thống nhất của các quốc gia Đông Nam Á có ý nghĩa quyết định. Song rất tiếc điều này chưa trở thành hiện thực. Với sự hỗ trợ của cái roi và củ cà rốt, chính sách của Trung Quốc bẻ từng cái đũa bó đũa ASEAN nhiều lúc và trong nhiều trường hợp cho thấy là rất hữu dụng – trong đó không hiếm lúc là que đũa Việt Nam.
- Trong cục diện hiện nay của quốc tế và khu vực, trong quá trình đẩy mạnh việc thực hiện khát vọng phục hồi đế chế Trung Hoa, Việt Nam vừa có ý nghĩa là bàn đạp đầu tiên, đồng thời vừa là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên Trung Quốc cần khuất phục để mở đường ra biển tiến xuống phía Nam, vì vậy Trung Quốc tập trung rất nhiều nỗ lực vào đây.
Xem xét trên những phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh quốc gia…, phải thừa nhận nơi chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán thành công nhất và ít tốn kém nhất trên thế giới này là Việt Nam: Sự chi phối của quyền lực rắn (bao gồm cả kinh tế) và quyền lực mềm Trung Quốc đã khiến Việt Nam – một quốc gia trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược đã từng oanh liệt đánh thắng tất cả các đối thủ lớn, ngày nay là một nước không phải là nhỏ và có vị thế quan trọng trong khu vực – bây giờ trở thành nước lệ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng nhất và bị chi phối sâu sắc nhất, là “con mồi ngon nhất” của mưu đồ bá quyền của Trung Quốc[6]. Đây là sự thật đầy hổ thẹn và đau lòng cho đất nước.
Ngày 28-10-2010 tôi (Nguyễn Trung) có thư gửi ủy viên Bộ Chính trị khóa Đại hội X Nguyễn Phú Trọng, vì biết ông sẽ lên làm Tổng bí thư khóa Đại hội XI. Thư không được trả lời như mọi thư khác. Trong thư này tôi cảnh báo mối nguy phía trước đối với đất nước, trình bày nước ta đang tiếp tục thua trong keo vật hiện tại với Trung Quốc, và trên thực tế đã trở thành một trong những chư hầu kiểu mới của Trung Quốc. Thư này khẩn thiết đặt vấn đề: Đảng trong khóa Đại hội XI phải tìm cách đảo ngược xu thế phát triển hiện nay[7]. Song rất buồn là tình hình mọi mặt của đất nước trong khóa XI lại ngày càng trầm trọng thêm.
Qua những gì thấy được trên báo chí, có thể nhận xét: Toàn bộ tình hình nêu trên và những thách thức đang đặt ra cho đất nước hiện nay hoàn toàn không được quá trình chuẩn bị cho Đại hội XII đề cập tới.
Trong khi đó tâm trạng phổ biến trong dân là thờ ơ với Đại hội XII và mất lòng tin, tâm lý muốn phủ nhận Đảng gia tăng (cũng được xếp vào các thế lực thù địch). Trong đảng viên không ít ý kiến cho rằng: …Mọi chuyện của Đại hội XII ván đã đóng thuyền, chỉ còn tý teo câu chuyện nhân sự cấp chóp bu, chắc vào phút đấu đá bù giờ của Đại hội XII sẽ rõ… Đại hội XII sẽ là Đại hội XI kéo dài, đất nước sẽ đi tiếp con đường đã đi 40 năm qua… Để tới đâu? Không hiếm ý kiến phân vân: Đi với Trung Quốc mất nước. Đi với Mỹ mất chế độ. Đi với ai bây giờ? – một tâm lý mang nặng thân phận tầm gửi!
Thiết nghĩ, vận mệnh quốc gia không thể chấp nhận cách ứng xử tự đánh mất mình và bèo dạt mây trôi như thế. Trong khi đó, sau 40 năm độc lập thống nhất, đất nước đứng trước đòi hỏi sống còn: Làm thế nào thoát được thân phận chư hầu kiểu mới Trung Quốc đã trói buộc được vào nước mình để phát triển? – Đấy là bài toán quốc gia đặt ra mọi bài toán khác quyết định vận mệnh của đất nước.
III. Làm gì tại đại hội XII?
III.1. Đáp số của bài toán quốc gia
Để xác định hướng tìm lời giải, phải chăng bài toán quốc gia nêu trên cần được diễn dịch là:
Sau 40 năm độc lập thống nhất, đất nước ta lại đứng trước thách thức nếu không hóa giải được sự trói buộc của Trung Quốc, độc lập thống nhất đã phải trả bao nhiêu xương máu mới giành được dần dần chỉ còn mỗi cái vỏ, đảng lãnh đạo cách mạng sẽ tha hóa tiếp để trở thành đảng chư hầu cai trị dân, đất nước sẽ trở thành con tốt hữu dụng cho siêu cường đại bá Trung Quốc. Giải thế nào?
Nói thêm về Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay, thiết nghĩ: Bài toán quốc gia này nếu không giải được, toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng phải trả bằng xương máu của đồng chí và đồng bào cả nước trong gần một thế kỷ vừa qua cũng sẽ tiêu vong như một hệ quả tất yếu.
Cho nên phải tìm đường đi lên trở thành một nước phát triển, để có thế và lực trở thành đối tác chiến lược của thiên hạ, qua đó tạo ra cho đất nước nội lực và sự tập hợp lực lượng và hậu thuẫn của cả thế giới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay đòi hỏi. Đấy cũng chính là con đường mang lại hòa bình, hữu nghị, hợp tác để sống được bên cạnh cái chảo lửa Trung Quốc.
Đáp số của bài toán quốc gia phải tìm hiển nhiên chỉ có thể là như vậy!
Đáp số phải tìm là như vậy cho thấy đòi hỏi trở thành một nước phát triển là đối tác chiến lược của thiên hạ xé toạc trước mắt chúng ta sự thật: Cái gọi là lập trường kiên định “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, “xây dựng Hiến pháp 2013 phải thể hiện Cương lĩnh của Đảng”, “quân đội và công an phải trung thành với Đảng”, xếp tất cả những ý kiến trái chiều trong nhân dân vào “các thế lực thù địch” để trấn áp; cả nước có tới sáu, bảy trăm báo chí các loại và hệ thống tuyên giáo dày đặc, chi tiêu những khoản tiền khủng, nhưng thông tin nâng cao dân trí, nâng cao quyền làm chủ và vai trò giám sát của dân lại rất thiếu, và hiện nay vẫn không có tự do báo chí, vân vân, thực chất chỉ là kiên định trói buộc đất nước, duy trì sự thống trị và bộ máy quan liêu ăn bám của của Đảng[8].
Bài toán quốc gia và đáp số này phải được đặt ra cho Đại hội XII. Đảng có lãnh đạo nhân dân đạt được tổ quốc độc lập của một dân tộc tự do, đất nước phát triển và đứng vững được trong thế giới khắc nghiệt này thì mới còn sự nghiệp của Đảng.
III.2. Đất nước đứng trước ngã ba đường
Những diễn tiến vừa qua của tình hình trong khu vực và trên thế giới rất phức tạp, đặt nước ta trước những thách thức quyết liệt. Đặc biệt là:
- Những bước leo thang trắng trợn của Trung Quốc qua sự kiện HD 981 và việc thiết lập những căn cứ quân sự trên các đảo lấn chiếm ở Biển Đông uy hiếp nghiêm trọng toàn khu vực; Trung Quốc vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Việt Nam và bị cả thế giới lên án. Sức ép của thực tế này mở đường dẫn tới Thông cáo chung Việt – Trung 08-04-2015 (thật ra cũng phải chờ tới lúc Mỹ có lời mời Tổng bí thư đi thăm). Nhưng ngày 09-04-2015, khi cuộc đi thăm của Đoàn còn đang tiếp diễn, Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo lấn chiếm ở Biển Đông là chủ quyền của họ, không ai được chõ mũi vào. Trung Quốc theo đuổi ý đồ coi mọi hành động xâm chiếm các đảo là chuyện đã rồi (fait accompli), vừa dụ dỗ vừa ép ta nhìn nhận giữa hai nước sự phát triển của nước này là yếu tố quan trọng của nước kia trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (Thông cáo chung 08-04-2015). Trước sau Trung Quốc vẫn kiên định trói Việt Nam vào 4 tốt và 16 chữ vàng, thậm chí đã bước sâu vào thời kỳ chủ động giành bá quyền trên Biển Đông. Chỉ duy nhất đại bá Trung Hoa mới có thứ ngoại giao như thế: vuốt ve khách hết cỡ, rồi tát ngay vào mặt khách gần như cùng một lúc. Mấy ngày qua: Phó thủ tướng Trương Cao Lệ đi thăm Việt Nam để siết bang giao, giữa lúc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lại phải lên án Trung Quốc tập trận trên vùng biển Hoàng Sa. Còn nhiều bước leo thang nghiêm trọng phía trước luôn sẵn sàng…
- Sự kiện Mỹ quyết tâm mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ với Việt Nam, đồng thời quyết kiềm chế sự lũng đoạn nguy hiểm của Trung Quốc trong vùng, đã dẫn tới Tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ – Việt 08-07-2015 (“United States – Vietnam Joint Vision Statement”), mở ra một chương mới trong phát triển quan hệ Mỹ – Việt cũng như trong hợp tác giữa hai quốc gia này vì những lợi ích song phương và lợi ích chung của hòa bình và phát triển.
Những diễn tiến nêu trên đã đặt Việt Nam trước ngã ba đường:
- Hoặc là Việt Nam phải dứt bỏ sự lệ thuộc kiểu chư hầu vào Trung Quốc, quyết vươn lên tự mình trở thành đối tác chiến lược của thiên hạ để tồn tại, và cùng dấn thân với cả cộng đồng thế giới cho hòa bình, hợp tác và phát triển để tranh thủ được sự hậu thuẫn của cả thế giới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình.
- Hoặc là tiếp tục chịu khuất phục sự trói buộc của Trung Quốc, cam tâm sống với thân phận quốc gia leo dây giữa các nước lớn để trở thành con tốt cho sự phục hưng đế chế mang tên gọi “giấc mộng Trung Hoa” hôm nay.
Việc Việt Nam đạt tới Tuyên bố tầm nhìn chung Việt – Mỹ là quyết định đúng đắn, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước: Việt Nam và Mỹ có tầm nhìn chung quyết trở thành đối tác toàn diện của nhau, và cùng hợp tác cho hòa bình, phát triển. Quyết định này cần được nhìn nhận là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức công bố trước nhân dân nước mình và toàn thế giới, Việt Nam quyết lựa chọn ngả đường phải tự vươn lên là chính mình. Nếu không như vậy, làm sao Việt Nam có thể trở thành đối tác toàn diện của Mỹ với nội dung như đã nêu trong Tuyên bố?[9]
Vấn đề duy nhất và hàng đầu tiếp theo đặt ra cho Đại hội XII sắp tới là làm sao Đảng có thể tự giải phóng chính mình để trở thành đảng của dân tộc, vươn lên có phẩm chất và bản lĩnh lãnh đạo đất nước dấn thân trên con đường phải đi này? Xin nhấn mạnh đây là vấn đề duy nhất, nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay.
Bởi vì bất kể sự lựa chọn hay thủ đoạn nào khác của Đảng trong mối quan hệ toàn diện đã xác định trong Tuyên bố tầm nhìn chung, dù là ngập ngừng lúc tả lúc hữu, câu giờ, quay lui, nghi binh, trá hình, hai mặt, tay trái hợp tác với Mỹ tay phải tiếp tục trấn áp dân, giẫm chân tại chỗ, v.v. sẽ chỉ có chung một kết cục tất yếu: Nội lực dân tộc không được giải phóng, tạo thuận lợi cho Trung Quốc sẽ ngày một siết chặt hơn cái thòng lọng chư hầu đã khoác lên cổ đất nước, sự nghiệp của Đảng sớm muộn sẽ kết thúc trong sự phản bội lại lợi ích sống còn của quốc gia, nhân dân sẽ đoạn tuyệt và kiên quyết chống lại.
Xin lưu ý: Những thủ đoạn nêu trên thực ra đã được Đảng thực thi thường xuyên cho đến hôm nay trong suốt quá trình theo đuổi đường lối đối ngoại leo dây. Chung cuộc là nước ta ngày một suy yếu và đang bị thách thức toàn diện như hôm nay.
Trong cuộc sống đời thường vẫn xảy ra tình huống: Một gái điếm đã dám bước đi tìm đường tháo thân để giành lại quyền làm người của mình, nhưng nửa chừng không dám hoặc thất bại, đành phải quay về với ma-cô (maquereau) cũ, khỏi phải hình dung thân phận không tránh khỏi của người gái điếm đáng thương này! Thử nghĩ, nếu phải quay trở lại với ma-cô Trung Quốc! Trong đời sống chính trị trên thế giới cho thấy, cái gì phải xảy ra trong những trường hợp tương tự như thế, sẽ khốc liệt hơn, và sẽ bi thảm hơn nhiều bề, nhiều lần. Xin hiểu cho đây không phải là suy tưởng hay hù dọa, mà là sự vận động lô-gich và tự nhiên của đời sống chính trị các quốc gia, đã và đang luôn luôn diễn ra như vậy trong mọi thời đại của lịch sử.
Không phải giàu trí tưởng tượng lắm để hình dung: Nếu sau Tuyên bố tầm nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay lại ngựa quen đường cũ, quay lại cố thủ quyền lực của mình và kìm hãm đất nước, Mỹ sẽ làm gì? Làm như thế, Trung Quốc sẽ “đại xá” cho chuyến đi Hoa kỳ vừa qua? Làm như thế, Đảng sẽ ăn nói thế nào với nhân dân? Rồi cái gì sẽ chờ đợi đất nước? Đảng sẽ đi tiếp về đâu? Thế giới sẽ nhìn nhận Việt Nam ra sao?
Tôi không đủ trí thông minh để tưởng tượng rằng những điều phía Việt Nam đã chia sẻ và cam kết trong Tuyên bố về tầm nhìn chung chỉ là những điều nói dzậy mà không phải dzậy! Theo tôi không thể có chuyện này.
Song tôi thực sự lo lắng: Nói được, nhưng có thể làm được như nói hay không? Đây mới là vấn đề. Xin lưu ý: Vực đất nước lệ thuộc và tụt hậu như hiện nay vươn lên là chính mình là nhiệm vụ vô cùng khó, song không phải là cái khó nhất. Đáng sợ hơn là cái tự trói chân tay mình.
Bởi vì cái ỳ của quyền lực, tha hóa và bảo thủ sẽ tìm cách ngăn cản. Thêm vào đó là sự lũng đoạn nguy hiểm của Trung Quốc. Rồi thời cơ mới hôm nay sẽ có thể lại vuột mất chăng? – như đã bốn lần trước đây vuột mất trong 40 năm qua kể từ sau 30-04-1975?![10] Thời cơ vuột mất lần thứ năm này, có thể sẽ biến thành nguy cơ chia xé nội bộ Đảng và đất nước sâu sắc hơn nữa, tha hồ cho đục nước béo cò, với những hậu quả khôn lường, cái thòng lọng chư hầu sẽ siết chặt hơn trên cổ đất nước, nguy cơ ăn đòn chiến tranh của Trung Quốc cũng hiện thực hơn… Xin nói thẳng: Nguyên nhân quyết định của tình trạng đất nước độc lập thống nhất 40 năm bị tụt hậu và lạc lõng như hôm nay là sự bất cập của Đảng và hệ thống chính trị, và một phần là hậu quả của sự thâm nhập tư duy ý thức hệ Trung Quốc (một thứ diễn biến hòa bình độc hại). Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đất nước bị lệ thuộc. Vận mệnh đất nước trong bối cảnh thế giới và khu vực hôm nay không cho phép lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam để vuột mất cơ hội lần thứ năm này! Làm trái, sẽ mang trọng tội với đất nước, không thể đổ lỗi cho ai khác được.
Trong Tuyên bố tầm nhìn chung, phía Mỹ cam kết tôn trọng và không can thiệp vào chế độ chính trị của Việt Nam. Có nhiều căn cứ để tin được là Mỹ sẽ giữ cam kết này; đơn giản vì Mỹ đã có quá nhiều kinh nghiệm về Việt Nam để hiểu Việt Nam.
Cam kết này của Mỹ để ngỏ mọi lựa chọn của Việt Nam cho số phận của mình. Mỹ không thể làm thay Việt Nam bất kỳ việc gì, cũng không thể giải thoát được số phận hiện nay của Việt Nam khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Có thể nhận định cam kết của Mỹ không nhằm biến Việt Nam thành kẻ thù của Trung Quốc, không muốn Việt Nam là lính đánh thuê hay bàn đạp chiến lược của Mỹ… Đơn giản vì các phương án này đều nguy hiểm cho Mỹ, không phải là cái Mỹ cần, vì Mỹ và đồng minh đều cần hòa bình tại đây, vì Mỹ không bao giờ muốn chủ động gây chiến với Trung Quốc nếu tình hình không buộc Mỹ phải làm thế; hoặc ngoại trừ tình huống Mỹ có một bước đi ngu ngốc nào đó trong một hoàn cảnh ngu ngốc!
Cái mục đích chiến lược tiềm ẩn bên trong Tuyên bố tầm nhìn chung là Mỹ mong muốn: Phát triển rồi tới một lúc nào đó sẽ xây dựng lên được một Việt Nam với tính cách là một nước phát triển là đối tác chiến lược của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, từ đó tạo ra cho Mỹ một tập hợp lực lượng mới ở trong khu vực và trên toàn thế giới – không phải là để gây chiến tranh với Trung Quốc hay Nga, mà là để có được những kịch bản tối ưu trong hòa bình kiểm soát những hành động đối nghịch của Trung Quốc và Nga đang thách thức trật tự quốc tế hiện hành.
Làm được như thế, những giá trị do lá cờ Mỹ giương lên trên thế giới này sẽ tạo ra ảnh hưởng không một sức mạnh kinh tế hay quân sự nào của Mỹ có thể làm thay được. Nhìn từ góc độ quyền lực: Đây mới là mục tiêu chiến lược Mỹ nhằm tới trong Tuyên bố tầm nhìn chung Mỹ – Việt này, là sức mạnh văn hóa và tinh thần còn đang duy trì được sức bền của cái gọi là Pax Americana trong thế giới hôm nay! Mục tiêu chiến lược này của Mỹ trong thời đại hiện nay đang đi trên cùng một con đường của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta! Địa kinh tế và địa chính trị thế giới hôm nay đã tạo ra sự gặp nhau lịch sử này giữa hai quốc gia nhiều duyên nợ với nhau bằng máu và nước mắt.
Cam kết của Mỹ không thể “diễn biến hòa bình” Việt Nam thành một nước phát triển. Đây là việc Việt Nam phải tự làm lấy! Mỹ chưa bao giờ thành công tại bất kỳ đâu trên thế giới này, kể cả trường hợp Mỹ muốn. Cho đến nay, trường hợp nào Mỹ muốn cũng thất bại, và đều phải trả giá rất đắt. Song Mỹ để ngỏ cửa mọi hợp tác giúp Việt Nam tự tìm đường đi theo hướng này – Đại học Fulbright là một trong nhiều dẫn chứng.
Với lợi ích chiến lược như thế, Mỹ tuy gác sang một bên, nhưng không bao giờ có thể bỏ qua những vướng mắc còn tồn tại về phía Việt Nam trong những vấn đề kinh tế thị trường, dân chủ, quyền con người. Bởi lẽ một đối tác chiến lược Việt Nam mà bản chất lại không chia sẻ (chứ không phải copy hay du nhập) những giá trị chung căn bản của Mỹ, thì vẫn chỉ là một loại đối tác nửa vời và rất dễ phản thùng nhau. Hơn nữa hiến pháp, luật pháp và hệ thống chính trị của mình không cho phép Mỹ tự vứt bỏ những giá trị vừa là bản chất làm nên nước Mỹ và vừa là vũ khí chiến lược của Mỹ.
Trở thành đối tác chiến lược của Mỹ, Việt Nam sẽ sớm trở thành đối tác chiến lược của cả thiên hạ, của Trung Quốc. Là đối tác dang dở của Mỹ, sớm muộn và giỏi lắm Việt Nam cũng sẽ chỉ là đối tác dang dở của cả thiên hạ, và như thế sẽ tự rơi sâu không cưỡng lại được vào con đường trở thành chư hầu của Trung Quốc. Xin lưu ý điều này.
Trong lịch sử ngoại giao của Mỹ nói chung, của quan hệ Mỹ – Việt Nam nói riêng, không hiếm trường hợp Mỹ bỏ rơi đối tác của mình. Những chuyện đã xảy ra mới chỉ hôm qua thôi, rất đau đớn và còn nóng hổi, khẳng định cái lý “chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu” của Viscount Palmerston, khỏi phải dẫn chứng dài dòng ở đây.
Quan hệ đối tác chiến lược trong những trường hợp nhất định như vậy hiển nhiên không thể thắng được quan hệ thực dụng và sự tương tác của những mối quan hệ thực dụng “nước lớn – nước lớn”, “nước lớn – nước nhỏ”, “nước lớn – nước nhỏ – nước lớn”… mà Việt Nam đã từng là nạn nhân của tất cả các bên trong suốt nửa sau thế kỷ 20!
Để làm chủ được cái lý của Palmerston, cụ thể hơn nữa là để phòng ngừa mọi khả năng bị “bỏ rơi”, bị “bán đứng”, phải “bám đuôi”…, Việt Nam không được quên những gì lịch sử đã mấy lần răn bảo – trong đó có Thành Đô: Phải tự vươn lên là chính mình.
Cả dân tộc là một để tự mình vươn lên là chính mình như thế, đâu cần sợ gì ai bỏ rơi, đâu phải bám đuôi ai?[11] Và cũng quan trọng không kém: Phải chủ động dấn thân quyết liệt đến cùng, để thiên hạ đều cần đến mình như một đối tác chiến lược cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Làm được như thế, là chủ động phòng ngừa xảy ra chuyện bỏ rơi, chẳng phải nao núng theo ai. Giả thử có một, hai đối tác nào đó vì những lý do nào đó bỏ rơi hay phản ta, nhưng nước ta vẫn có cả thế giới còn lại đứng về phía mình thì lo gì? Chuyện Trung Quốc năm 1972 là như vậy! Những bài học trong những thập kỷ kháng chiến cũng từng dạy nước ta phải tự là chính mình để tạo ra cho mình tập hợp lực lượng ở phạm vi toàn thế giới.
Nhiều ý kiến trong ngoài nước không phải vô lý khi cho rằng: Chiến tranh trên Biển Đông có thể tránh được hoặc sẽ xảy ra, một phần quan trọng còn tùy thuộc vào Việt Nam có dám thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và tự vươn lên trở thành đối tác chiến lược của cả thiên hạ hay không? Càng muốn tránh được chiến tranh, nhất thiết nước ta càng phải dấn thân như thế – vì mình, và vì cả cộng đồng quốc tế. Trên đời này không có “free lunch”! Đây chính là con đường cho phép thoát khỏi thân phận làm bia đỡ đạn hay bị làm vật đổi chác. Cam chịu cúi đầu trước Trung Quốc, trước sau chiến tranh sẽ tới.
Một Việt Nam dấn thân tự vươn lên như thế để là chính mình, và qua đó để trở thành đối tác có thực lực và tin cậy của cả thế giới, sẽ có được cả nước một lòng, và sẽ tạo ra được hậu thuẫn của cả thế giới. Hiển nhiên đây là đảm bảo vững chắc nhất để giữ được hòa bình và phát triển trong khu vực mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta đòi hỏi. Vì vậy cải cách chính trị là để có nội lực nắm bắt lấy cơ hội đang đến này, là cách chủ động nhất phòng ngừa chiến tranh. Đơn giản hòa bình không thể van xin mà có được!
Một triển vọng khác trong tầm nhìn dài hạn hiện thực không kém: Do Việt Nam đến lúc nào đó trở thành đối tác chiến lược của Mỹ và một số quốc gia quan trọng khác, việc Việt Nam đến lúc nào đó cũng sẽ trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc là hoàn toàn có thể, vì bản thân Trung Quốc cũng cần Việt Nam. Một cấu trúc chính trị khu vực được thiết lập như thế mới bền vững, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển toàn vùng Đông Nam Á này, và như thế mới hứa hẹn phồn thịnh. Và có lẽ chỉ như thế mới giải tỏa hay hóa giải được xung đột giữa con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc và TTP. Song một triển vọng của tầm nhìn dài hạn như thế phải được bắt đầu nuôi dưỡng từ hôm nay: Việt Nam phải tự vươn lên là chính mình.
III.3. Mỗi người con đất Việt chúng ta đang đứng trước giờ phút của sự thật
Đến đây có thể khẳng định: Con đường sống đất nước hôm nay phải lựa chọn là phải đi từ tình trạng lạc hậu và không ít những vấn đề quốc gia bê bết trầm trọng hôm nay tới cái đích trở thành một nước phát triển. Ngay trước mắt, việc thực hiện những cam kết tự do hóa thương mại nước ta đã ký kết, và sắp tới là TTP, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc, nếu không ta sẽ thua ngay trên sân nhà.
Thời đại thông tin ngày nay có đủ trí tuệ giúp chúng ta nhìn rõ được để so sánh: một bên là nước ta hôm nay, và một bên là những quốc gia trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…, để từ đó chúng ta có thể thấy rõ được phải làm những việc gì và làm như thế nào cho việc khắc phục khoảng cách phát triển hiện nay giữa ta và họ.
Có thể nói ngay: Con đường phải đi này vô cùng gian truân, phải bắt đầu từ mỗi người chúng ta trước hết tự thay đổi chính mình, phải học hỏi lại từ đầu, phải xây bằng được một nền giáo dục chân chính cùng với một chế độ chính trị vừa nuôi dưỡng vừa tựa vào nền giáo dục này, gìn giữ và xây dựng những giá trị nhân bản, lao động hết mình, quyết nuôi chí lớn cha truyền con nối, làm sao cho đến giữa thế kỷ này mang lại cho đất nước trình độ của một nước phát triển. Chậm một ngày, nguy cơ đất nước bị nô lệ lớn thêm một ngày. Đất nước phải có một thể chế chính trị như thế nào để từng công dân gắn bó, để từng công dân lựa chọn con đường đất nước phải đi hôm nay làm lẽ sống, làm mục đích sống của bản thân mình? Nuôi dưỡng những giá trị nào để lẽ sống này dần dần sẽ trở thành truyền thống như cái gen trong máu mỗi người Việt chúng ta trong thế giới hôm nay?
Vì những lẽ nêu trên, mỗi người con của tổ quốc Việt Nam chúng ta hôm nay đang đứng trước giờ phút của sự thật: Chấp nhận lấy mục tiêu thiêng liêng đưa nước ta trở thành một nước phát triển làm lẽ sống của mình, mỗi chúng ta phải đủ can đảm và tự trau giồi trí tuệ dấn thân hết mình cho lẽ sống này. Không một nỗi sợ nào có thể ghìm chân chúng ta phấn đấu cho sự nghiệp này. Không một hẫng hụt trí tuệ hay đạo đức nào có thể làm chúng ta nản lòng! Dốt hoặc sai thì học! Người biết nói người chưa biết, để cả nước đều biết! Không một ươn hèn, tha hóa hay bạo lực nào có thể cướp đi ý chí này của chúng ta!
Mỗi chúng ta có dám như thế không?
Mỗi đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay cũng đang đứng trước giờ phút quyết liệt của sự thật: Có dám thay đổi chính bản thân mình và thay đổi đảng của mình thành đảng của dân tộc để cùng với cả dân tộc phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển và là đối tác chiến lược của cả thiên hạ hay không?
Vứt bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi và dối trá, chỉ giữ lại cho mình trái tim dành cho đất nước, quyết giải phóng mình khỏi mọi ngu dốt, để lấy lại cho mình tính tiền phong chiến đấu như một đảng tính thiêng liêng mà một thời Đảng đã từng có được, để hôm nay dấn thân đưa dân tộc đi lên con đường quyết liệt này. Toàn thể đảng viên có dám như thế hay không?
Hay là thà chết còn hơn, kẻ thì quyết bám giữ đến cùng những gì đã chiếm hữu được, kẻ thì phường giá áo túi cơm? Đất nước sống chết mặc bay!?
Các bài học trên thế giới và của chính nước mình cho phép khẳng định con đường đưa đất nước ta trở thành nước phát triển phải là con đường của cải cách dân chủ và phát triển.
Thực tế của nước ta từ đổi mới 1986 đến nay cũng khẳng định: Mọi thành tựu đất nước đã giành được cho đến hôm nay trước hết và chủ yếu là những thành tựu của cải cách dân chủ và phát triển; mọi sai lầm và tội lỗi phần lớn cũng do xâm phạm dân chủ, chống lại cải cách, chống lại phát triển. Thực tế nhiều nước và của chính nước ta cũng xác định: Hợp lý nhất và đồng thời cũng là trách nhiệm ràng buộc đang đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay phải chủ động đứng ra phát huy sức mạnh của đoàn kết dân tộc và dân chủ trong cả nước – trước hết từ trong Đảng ra và từ trên xuống, để thực hiện thành công trong hòa bình và phát triển sự nghiệp cải cách đưa nước ta trở thành nước phát triển.
Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự không phải là những kiêng cấm, mà phải được xây dựng thành những thể chế ưu việt không thể thiếu, nhằm phát huy dân chủ và quyền con người, tất cả để làm nên sức mạnh quốc gia. Đảng có dám không? Tại sao cứ phải kèo nèo đi xin sự công nhận ta có kinh tế thị trường[12]? Cứ phải thanh minh nước ta có những “hoàn cảnh” này nọ cho vấn đề quyền con người? Cứ phải xin sự thông cảm cho sự dị biệt này, sự đặc biệt khác?
Tri thức, kinh nghiệm và know how của trí tuệ nhân loại hôm nay không thiếu cho sự nghiệp cải cách này thành công. Những điều kiện hiện có về thiên thời, địa lợi, nhân hòa đất nước hôm nay hội tụ được khẳng định nhiệm vụ cải cách vỹ đại này đã chín muồi. Đây chính là con đường Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và đi từ sự nghiệp cứu nước, để hôm nay, với tính cách là đảng của dân tộc, đồng hành cùng với dân tộc trong suốt chiều dài của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Một sự nghiệp như thế không thể là lý tưởng của những người đảng viên yêu nước hay sao? Còn cách nào hơn để Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay tri ân với các bậc tiền bối của mình, các đồng chí, đồng bào mình đã ngã xuống cho đất nước hôm nay? Hay là Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay vì tha hóa nên lựa chọn vong ơn?!
Tất cả chỉ còn chờ đợi câu trả lời của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay: Có dám không? Dám thì công khai minh bạch cam kết và chịu trách nhiệm ràng buộc với nhân dân! Thực thi mọi quyền và trách nhiệm của công dân đã ghi trong Hiến pháp để đảm bảo sự cam kết ràng buộc này của Đảng, phòng ngừa sự nghiệp cải cách bị phản bội như ở Ukraina đã dẫn đến thảm trạng hiện tại của nước này, hoặc dẫn tới chế độ độc tài ở nước Nga hôm nay… Đây là những điều kiện để nhân dân tin và trao cho Đảng trọng trách tiến hành sự nghiệp cải cách. Là nước đi sau, chúng ta có cả một kho tàng kinh nghiệm phong phú của văn minh nhân loại ngày nay để thành công. Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào phẩm chất và ý chí người đảng viên.
Vượt lên lịch sử đầy máu và nước mắt của đất nước bảy thập kỷ vừa qua, giờ phút của sự thật đặt ra câu hỏi: Toàn thể dân tộc Việt Nam chúng ta hôm nay có đủ trí tuệ và nghị lực khép lại quá khứ đau thương của chính mình, tự mình đứng lên phát huy sức mạnh của đoàn kết và hòa giải dân tộc, giác ngộ và khẳng định quyền làm chủ đất nước của mình, cùng chung tay góp sức tự làm nên sức mạnh sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển hay không? Có dám như thế không?
Vì cải cách để phát triển không phải là một quá trình tự phát vô chính phủ, càng không phải là dịp để trang trải ân oán, mà là một quá trình hòa giải và phát triển, phải được dẫn dắt của tầm nhìn, trí tuệ và ý chí, phải có những bước đi có trình tự cao thấp trước sau, phải được tổ chức thực hiện bằng những kỹ năng bắt buộc… Toàn thể dân tộc ta dám có gan giao cho Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay với tính cách là người đang nắm quyền đứng ra phát huy trí tuệ, nghị lực và nguồn lực cả nước để thực hiện công cuộc cải cách đổi đời đất nước này hay không? Vì đây là con đường duy nhất để tiến hành cải cách trong hòa bình và phát triển. Bạo lực chỉ dẫn tới bạo loạn, để ngỏ cửa cho n kịch bản kiểu “Ukraina”, “Libya”… Ai muốn?
Những điều kiện gì dân tộc dứt khoát sẽ phải đặt ra đối với Đảng với tính cách là người được nhân dân thuê cho việc thực hiện giao kèo ràng buộc này? Nếu Đảng bất lực hay bội ước giao kèo, toàn thể dân tộc sẽ phải làm gì?… Không thể buông xuôi, và không ai có thể làm thay nhân dân quyền đòi thực hiện nhiệm vụ Đảng đã cam kết! Toàn dân tộc ta có dám đòi và biết đòi như thế không?
Nếu nhân dân dám tự khẳng định quyền mình là chủ của đất nước như vậy, thì người chủ phải xử sự như thế nào? Và cũng phải tự trưởng thành lên như thế nào?! Không thể cứ van xin hay khoanh tay ngồi chờ ai đến bảo ban. Cũng không thể chỉ một lời xúc xiểm hay đường mật cũng đủ làm ta mất hướng; rất dễ nóng mắt chửi vả, tỵ nạnh soi mói, trì kéo nhau…; nhưng lại khó cùng nhau giữ nguội cái đầu và gạn đục khơi trong, hiệp đồng cùng nhau vì nghĩa lớn! Đã đến lúc xin nhắc nhủ: Là dân, chủ có ra chủ thì mới mong có được tớ cho ra tớ, xin đừng phí thời giờ trách trời đất.
Đã hai thế kỷ ròng rã, giang san đất nước vừa mới gây dựng lại không được bao lâu đã lâm ngay vào nạn mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân. Rồi độc lập khi còn đang trong tình trạng trứng nước đã rơi ngày vào cái thế giới “hai phe bốn mâu thuẫn”, để đến hôm nay độc lập thống nhất 40 năm rồi, nhưng đất nước ta vẫn chưa ra khỏi cái trớn của lệ thuộc, lạc hậu và lạc lõng. Nguyên nhân cơ bản là cách đây hai thế kỷ đất nước ta đã lạc hậu mất cả một giai đoạn phát triển so với thế giới hồi đó, và tiếp đó là bị ý thức hệ trói buộc. Với tất cả hệ lụy dẫn đến hôm nay.
Hôm nay, Tổ quốc Việt Nam chúng ta lại đang lạc hậu hàng trăm năm so với những nước phát triển nhất ngay trong khu vực. Sự lạc hậu này một lần nữa đặt Tổ quốc chúng ta trước câu hỏi của sự thật: Dặt dẹo như hiện nay, Việt Nam liệu có thoát nổi ách nô dịch chư hầu kiểu mới của Đại bá Trung Hoa hay không?
Không có cách nào khác, Tổ quốc chúng ta hôm nay phải nhất quyết xác lập bằng được con đường dẫn dắt đất nước đi tới cái đích trở thành một nước phát triển. Vào giữa thế kỷ này, khi kinh tế Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng cạnh phải nhất thiết phải có được một vị thế phát triển như của Hàn Quốc – không phải chỉ có tăng trưởng khối lượng GDP, mà trước hết là chất lượng của phát triển, với một nền kinh tế của lòng yêu nước, trí tuệ và tự do, với những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao – thì mới tồn tại được. Đây là một cuộc chạy đua đầy thách thức khắc nghiệt đối với dân tộc Việt Nam ta, nhưng đảng lãnh đạo chưa bao giờ nghĩ tới, chưa bao giờ đặt ra!
Cạnh nước ta đã có Myanmar thay đổi. Một hai thập kỷ tới chắc sẽ có một Cuba khác, bài diễn văn tại trường đảng Nico Lopez năm nào về chủ nghĩa xã hội đến lúc ấy có lẽ sẽ đọng lại thành một giai thoại hài cho chương trình tạp hý (cabaret). Thế giới bây giờ xoay chuyển nhanh lắm và đầy rẫy những biến động khó lường, chúng ta có chịu thay đổi không?
Phải nói thẳng thắn nhân dân ta hiện nay đang có rất nhiều yếu kém trầm trọng, nhất là cái thấp hèn trong thời bình (nhiều lúc gần như đánh mất mình!) – phần vì các di sản văn hóa tiêu cực, nhất là các thứ di sản tệ hại của văn hóa tiểu nông tồn tại ngàn đời, và ngày nay vẫn còn ngấm sâu trong máu mọi tầng lớp nhân dân (kể cả trí thức), và sự phát triển kinh tế tự nó cũng mang trong mình nhiều thói xấu, trong đó có nguyên nhân tính kinh tế thị trường bị lũng đoạn. Song phần rất quan trọng là do những hệ quả kinh tế – chính trị – xã hội – văn hóa kéo dài suốt bốn thập kỷ độc lập thống nhất của chế độ chính trị một đảng; đấy là: tính phong kiến, sự bất công, mất dân chủ, nền giáo dục sai lệch, bảo thủ, che giấu và xuyên tạc sự thật, bưng bít thông tin, nuôi dưỡng lạc hậu… Sự kéo dài này đã gây nên nhiều vết hằn văn hóa tệ hại trong đời sống tinh thần của đất nước, làm mai một không ít những giá trị và truyền thống tốt đẹp của đất nước. Kinh tế phát triển, nhưng văn hóa và xã hội tha hóa nhanh hơn. Người dân bị nô dịch đã đành, song lãnh đạo nói riêng và tầng lớp cai trị nói chung cũng ngày càng trở nên hèn kém! Nghiêm khắc phải nói: Kể từ Cách mạng Tháng Tám, chưa bao giờ tinh thần yêu nước chân chính của nhân dân ta bị Đảng làm tổn thương như mấy thập kỷ nay, mà còn không được thở trong không khí của thời đại – tinh thần yêu nước của tự do và trí tuệ. Đây là một trong những trở lực lớn nhất trên con đường đi lên một nước phát triển.
Chuyên chính bạo lực vận dụng sai chỗ đã gây ra nhiều tổn thất đau lòng cho đất nước ta. Nhưng chuyên chính tinh thần vận dụng như hiện nay (trong đó có nhiều việc thiển cận và ngu dốt) đã đến mức trở thành chính sách ngu dân và làm thấp hèn dân tộc[13]. Đấy là chính sách làm tha hóa toàn diện dân tộc ta và lấy đi mất nhuệ khí vươn lên! Có thể nói: Chuyên chính tinh thần như hiện nay đang nô dịch dân tộc ta! Tất cả mỗi chúng ta, nhất là người có chức có quyền, nên coi việc cướp tự do tư duy của dân tộc là tội ác lớn nhất đối với quốc gia, vì nó tước đoạt quyền thiêng liêng nhất của mỗi cá nhân con người và sức phát triển của đất nước…
Nhưng cuộc sống của thế giới khắc nghiệt hiện nay không chiếu cố bất kỳ quốc gia nào. Sống hay chết, chúng ta phải trả lời: Dân tộc Việt Nam ta hôm nay có dám đứng lên khắc phục những yếu kém của mình, quyết tâm xây dựng tổ quốc mình thành một nước phát triển hay không?
Phần kết: Đặt lại việc xúc tiến Đại hội XII
Như đã nói trên, với Tuyên bố tầm nhìn chung, có thể được xem là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức công bố trước nhân dân mình và toàn thế giới: Việt Nam quyết bước vào con đường phải tự vươn lên trở thành chính mình. Đại hội XII cần được chuẩn bị và xúc tiến với tinh thần như vậy. Và sự thật là vận mệnh đất nước trong bối cảnh thế giới hôm nay như đã trình bầy trong các phần trên cũng đòi hỏi Đại hội XII phải mở ra bước ngoặt cho đất nước đi vào thời kỳ phấn đấu trở thành nước phát triển và đối tác chiến lược của cả thiên hạ.
Thiết nghĩ, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nên vì trách nhiệm trước đất nước và toàn Đảng đánh giá lại toàn bộ những vấn đề đã và đang chuẩn bị cho Đại hội XII, để đi tới nhận định hoàn toàn khác, xác lập mục tiêu chiến lược hoàn toàn khác: Đất nước ta dứt khoát phải vươn lên nắm bắt thời cơ trở thành đối tác chiến lược của thiên hạ, đề xuất với Đại hội XII nhiệm vụ chính trị hàng đầu của khóa này là cải cách để mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Như thế Đại hội XII chỉ cần có một nghị quyết: Nhận định rõ tình hình và nhiệm vụ đang đặt ra cho đất nước, khẳng định tiến hành cải cách chính trị để đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thực hiện. Mọi thứ văn kiện dài dòng khác đang chuẩn bị sẽ trở nên không cần thiết, kể cả dự thảo Báo cáo chính trị. Bởi vì việc của Nhà nước nên từ nay không cần đưa vào trong Đại hội, mà để cho Nhà nước làm.
Xin nói thẳng: Có thể lần thứ năm cơ hội của đất nước sẽ bị cướp mất, nếu Đại hội XII được tiến hành theo những văn bản đang soạn thảo và sự chuẩn bị nhân sự theo tinh thần Quyết định 244. Xin cứ công khai minh bạch đối chiếu giữa một bên là những gì đang chuẩn bị cho Đại hội XII, và một bên là tình hình, những nhiệm vụ và thách thức đang đặt ra cho đất nước, đưa ra thảo luận dân chủ trong toàn đảng và cả nước sẽ rõ. Còn 6-7 tháng nữa Đại hội XII mới họp, hy vọng thảo luận công khai dân chủ sẽ có thể chặn đứng nguy cơ đất nước bị cướp mất cơ hội lần thứ năm! Xin đừng quên Việt Nam đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới mong muốn phải đứng lên, đang là điểm đến của FDI và tiềm năng hợp tác của nhiều nền kinh tế quan trọng trên thế giới.
Xúc tiến Đại hội XII với tinh thần và nội dung mới nêu trên, có thể nói sự nghiệp cải cách chính trị và đổi mới xây dựng Đảng đã bắt đầu ngay từ khâu chuẩn bị trong nhiệm kỳ khóa XI.
Đại hội XII cần ra một Tuyên ngôn của Đảng trước nhân dân và thế giới, với ba nội dung:
- Đảng cam kết tiến hành cải cách chính trị theo tinh thần dân tộc, dân chủ, hòa giải dân tộc, không hồi tố, hướng về phía trước, để mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước; quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh trên nền tảng của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Trong nhiệm kỳ khóa XII thực hiện ngay những quyền công dân để tiến hành xây dựng hiến pháp mới, cổ vũ cả nước một lòng thực hiện sự nghiệp cao cả này; từng bước cải cách hệ thống nhà nước theo hiến pháp mới.
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình, nay quyết định thay đổi thành một đảng mới của dân tộc và dân chủ, phấn đấu đưa đất nước đi lên theo con đường của dân tộc và dân chủ. Trong nhiệm kỳ khóa XII sẽ xây dựng xong Cương lĩnh và Điều lệ mới, sẽ tổ chức lại đảng với tên gọi mới, để phấn đấu trở thành đảng cầm quyền trong một nhà nước pháp quyền dân chủ.
Trong nhiệm kỳ XII này, Đảng sẽ trưng cầu ý dân và xây dựng xong, sau đó trình Quốc hội thông qua một Luật quy định về đảng phái chính trị, nhằm xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, và nâng cao năng lực của đảng cầm quyền trong khung khổ nhà nước pháp quyền dân chủ. Đảng hiện nay sẽ là người đầu tiên thi hành Luật này. Sau đó, các đảng mới khi nào được thành lập theo Luật này sẽ cứ thế mà làm theo.
- Khẳng định trước toàn thế giới đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ của Việt Nam. Khẳng định Việt Nam phấn đấu trở thành đối tác chiến lược tin cậy như đã cam kết, quyết tâm gìn giữ các mối quan hệ truyền thống, và cùng với toàn thể cộng đồng các quốc gia trên thế giới dấn thân cho một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, và phát triển, gìn giữ môi trường.
*
Trong bức thư ngày 09-08-1995 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giục giã: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết là đảng cầm quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ […] Phải chăng đấy chính là một tư tưởng lớn, là nội dung cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đại hội VIII cần làm rõ, là kim chỉ nam xây dựng đường lối và mọi chủ trương chính sách mới của Đảng.”
Đại hội VIII chưa làm được điều mong ước thiêng liêng này. Chậm 20 năm rồi. Tình hình mọi mặt hôm nay nóng bỏng hơn nhiều so với cách đây 20 năm. Tổ quốc trên hết, vận mệnh đất nước đặt lên vai Đại hội XII trọng trách lịch sử: Nhiệm kỳ này bắt đầu sự nghiệp cải cách toàn diện để mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước, khởi sự từ việc xây dựng Đảng hôm nay trở thành đảng của dân tộc và dân chủ.
Thưa toàn thể nhân dân và các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,
Con đường đi từ mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân đến độc lập thống nhất hôm nay được xây đắp bằng xương máu của dân tộc ta hơn một thế kỷ nay (1858 – 2015). Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giai đoạn này đã viết lên những trang sử hào hùng của ý chí, trí tuệ và sự hy sinh anh dũng giành lại đất nước, lay động sự đồng cảm của toàn nhân loại. Hôm nay xin hãy một lòng cùng nhau gìn giữ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam như ngọn lửa thắp sáng tâm hồn mỗi chúng ta với tính cách là con người tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của một Việt Nam phát triển.
Con đường đất nước độc lập thống nhất phải đi hôm nay, để khỏi trừu tượng, về đại thể nó tương tự như con đường đã làm nên kiện tướng bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên (đến 2015), nghĩa là không thể ăn bớt được tí teo học hỏi, công sức và bất kể hy sinh gian khổ nào. Yếu tố quyết định là phải xây dựng bằng được một thể chế chính trị làm cho sự thành đạt của một cá nhân như thế trở thành phương thức thành đạt của toàn quốc gia. Mọi quyết sách quốc gia về quan hệ đối ngoại – kể cả kinh tế đối ngoại – nhất thiết phải bắt đầu từ và dựa trên căn bản của một nền nội trị như vậy. Trí tuệ của văn minh nhân loại ngày nay hoàn toàn cho phép nước ta xây dựng được một thể chế chính trị như thế. Cần phải dân chủ và trí tuệ để vận dụng sáng tạo – chứ không phải sao chép – vào tình hình và những điều kiện cụ thể của nước ta, lấy ổn định, dân chủ và phát triển làm thước đo. Cả nước có dám không?
Xin đừng quên, không bao giờ có thể có và thực hiện được một quốc sách đối ngoại đúng đắn trên căn bản một nền nội trị bệnh hoạn, lại càng không thể trở thành đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện của bất kỳ ai[14].
Vì vậy, yêu nước và hòa giải dân tộc trước hết là xin cùng nhau chia sẻ nỗi đau của dân tộc và của chính mình, hiểu được cái nhục của tụt hậu và lạc lõng, nhìn rõ con đường phía trước, để từ nay quyết cùng nhau vực đất nước ta tự vươn lên là chính mình thành một nước phát triển và là đối tác chiến lược của cả thiên hạ.
Cánh cửa cho đất nước ta bước lên con đường tự vươn lên là chính mình đã được mở ra. Với những nỗ lực lớn trong những năm gần đây, đất nước ta đã vượt qua được nhiều sóng gió nguy hiểm, đang tự khẳng định lại mình, và đang tạo ra được những thuận lợi rất quan trọng cho đất nước bước lên con đường này.
Đại hội XII đứng trước thách thức: Tại Đại hội này, bất kể một suy tính nhỏ nhen hay khiếp nhược của một cá nhân nào, bất kể một việc làm, một quyết định, hay một bước đi nào trấn áp khát vọng tự do của nhân dân hoặc cản trở đất nước bước lên con đường phải đi này, làm chậm hoặc chặn đứng đà phát triển đã tạo ra được này của đất nước…, đều phải được xem là tội lỗi chống lại đất nước và chống Đảng. Phải quyết liệt như vậy để Đại hội đi tới những quyết định đúng đắn, tạo ra được sức chiến đấu để thực nhiện những nhiệm vụ Đảng phải làm đối với đất nước.
Đại hội XII đứng trước trách nhiệm lịch sử không thể thoái thác: Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, phát huy sức sống của cả nước và sự phấn đấu của toàn Đảng, làm tất cả mọi việc thúc đẩy đà phát triển đang tạo ra được này thành những bước phát triển năng động của đất nước trên con đường phải đi, vượt qua cái gọi là quyết định 244 với tinh thần tổ quốc trên hết để bầu ra được một đội ngũ lãnh đạo có bản lĩnh thực hiện được trách nhiệm lịch sử của Đảng trong nhiệm kỳ khóa XII này như nêu trong Tuyên ngôn (cần phải có của Đại hội XII) cam kết trước dân tộc và cả thế giới.
Xin cả nước hãy đứng lên, đòi hỏi hết mình và hậu thuẫn Đại hội XII thực hiện trách nhiệm lịch sử này, giám sát Đảng thực hiện đúng giao kèo trao cho Đảng.
Trên hết cả, xin toàn thể những người con đất Việt chúng ta, sống trong nước hay tại bất kỳ đâu dưới gầm trời trái đất này, hãy đứng lên giác ngộ và thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ người chủ của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chúng ta, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập của đất nước[15].
Sống cạnh Trung Quốc muốn có hòa bình hữu nghị và hợp tác lại càng phải như vậy.
Xin chung tay chung lòng đừng để cơ hội lần thứ năm này của đất nước vuột mất!./.
Hết
Hà Nội – Võng Thị, 06.00 24-07-2015
N. T.
Tác giả gửi BVN.
1 Toàn văn bức thư xem trên blog: http://nguyentrung-vt.blogspot.com.
[1] Tham khảo thêm (1) Trần Văn Thọ, Việt Nam 40 năm qua và những năm tới: Cần một nền kinh tế thị trường định hướng phát triển (Thời Đại Mới tháng 7/2015), (2) Nguyễn Trung, Bài 5 – Bàn về hoàn thiện kinh tế thị trường (bài viết về Đại hội XII sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam), Hà Nội, 02-09-2014; bài này lưu ý người đọc: toàn bộ “input” cho 30 năm công nghiệp hóa đầu tiên (1986-2015) của Việt Nam nhiều khoảng gấp đôi so với Hàn Quốc (1960 – 1988), song Việt Nam thất bại, mặc dù có nhiều thuận lợi hơn Hàn Quốc. Xin xem: nguyentrung-vt.blogspot.com.
[2] Tìm xem các bài viết về Đại hội XII trên blog: : nguyentrung-vt.blogspot.com.
[3] Hiện tượng này nhắc nhở thế giới nhớ lại động lực tinh thần đã tạo ra chủ nghĩa phát xít Đức và Nhật, và đấy là một trong những nguyên nhân đã dẫn đến chiến tranh thế giới II. Đương nhiên, sau gần một thế kỷ, thế giới hôm nay đã thay đổi rất nhiều.
[4] Tham khảo: Nguyễn Trung “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
[5] Tìm xem: Nguyễn Quang Dy “40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại”, http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_LichSuDangLapLai.htm
[6] Nguyễn Quang Dy trong bài “40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại” nhận định Việt Nam vì những yếu kém của mình đang trở thành con mồi ngon nhất của con quái vật kinh tế và quân sự Trung Quốc. Tìm xem trên http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_LichSuDangLapLai.htm
[7] Tìm xem trong blog http://nguyentrung-vt.blogspot.com, nhãn Đảng Cộng Sản Việt Nam.
[8] Xin lưu ý: Bộ máy cai quản đất nước của ta hiện nay gồm ba hệ thống chồng lên nhau: Đảng, chính quyền, mặt trận, rất cồng kềnh và kém hiệu quả; hệ thống Đảng nắm thực quyền nhưng không phải chịu trách nhiệm ràng buộc với hiến pháp và luật pháp, không phải do dân bầu; hệ thống chính quyền và hệ thống mặt trận thực chất chỉ là công cụ thực thi quyền lực nhân danh “sự lãnh đạo triệt để, toàn diện và tuyệt đối” của hệ thống Đảng. Số người ăn lương do ngân sách nhà nước chi (tiền thuế của dân) tính theo 1/10 nghìn dân ở nước ta nhiều gấp 4 –5 lần so với các nước trong ASEAN 6… Số người ăn lương hoặc phụ cấp lương do ngân sách nhà nước chi ở nhiều xã hoặc phường lên tới 300-500 người…
[9] Có thể đánh giá Tuyên bố về tầm nhìn chung là bản tuyên bố chung cấp cao song phương có ý nghĩa quan trọng nhất theo nghĩa tich cực đối với Việt Nam so với mọi tuyên bố chung cấp cao song phương khác Việt Nam đã ký kết với các đối tác của mình kể từ sau 30-04-1975. Tuyên bố tầm nhìn chung mở ra cánh cửa cho sự lựa chọn của Việt Nam tự vươn lên là chính mình để dấn thân trở thành đối tác chiến lược của cả thiên hạ. Cuộc sống đất nước đòi hỏi phải làm tất cả bước qua cánh cửa đã mở để đi vào con đường trở thành chính mình.
[10] Lần thứ nhất: ngay sau 30-04-1975, cơ hội cho hòa giải dân tộc và kiến tạo một Việt Nam mới của dân chủ và phát triển. Lần thứ hai: Khi các nước Liên Xô Đông Âu đổ, Việt Nam có điều kiện đứng độc lập, không phải đi theo ai, càng không phải đến Thành Đô. Lần thứ ba: Ngay sau đổi mới 1986, với những thành tựu đạt được trong những năm đầu tiên, nếu hiểu đúng vấn đề toàn cầu hóa, hoàn toàn có thể đẩy nhanh hội nhập quốc tế và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập WTO… sớm trước dăm năm, mà như thế nước ta sẽ không phải gia nhập WTO sau Trung Quốc và sẽ có nhiều cái khác. Bức thư 09-08-1995 của Võ Văn Kiệt đã là chậm nhưng cũng không cứu vãn được tình hình này. Lần thứ tư: Sửa đổi Hiến pháp 2013; lẽ ra nếu sửa đổi thật theo góp ý của trí thức và của dân, hôm nay nước ta đã có được một hiến pháp của nhà nước pháp quyền dân chủ. Hiến pháp 2013 tiếp tục kìm hãm đất nước.
[11] Những năm đầu Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Việt Nam đơn thương một mình chống chọi với hùm sói, vũ khí trong tay hồi ấy – nói hình ảnh – gần như chỉ là cây gậy tầm vông, làm gì có đồng minh hay đối tác chiến lược nào? Đâu có sợ ai bỏ rơi, đâu có phải nao núng theo ai?!
[12] Theo tôi, không thể lấy tỷ trọng khối lượng hàng hóa trong kinh tế có giá cả do thị trường quyết định để xem xét đấy có phải là kinh tế thị trường hay không, mặc dù tỷ trọng này là một trong những tham số quan trọng. Tiêu chí quan trọng nhất của kinh tế thị trường tối thiểu phải có hai nội dung: (a) tính công khai minh bạch, và (b) mọi quyết định kinh tế vĩ mô chỉ được hình thành, thực thi và phải được giải trình theo luật pháp, thẩm quyền của nhà nước và hiến pháp. Hai nội dung này (công khai minh bạch, và theo luật) phải thực hiện quán triệt trong mọi vấn đề kinh tế vĩ mô – ví dụ vai trò độc lập của ngân hàng nhà nước và của hệ thống thống kê đối với hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước, vấn đề phát hành tiền, vấn đề lãi suất chỉ đạo nền kinh tế của Ngân hàng nhà nước, thu và chi ngân sách, quy trình hình thành và thông qua các quyết định kinh tế vỹ mô và giám sát thực hiện, vân vân. Nói bao quát hơn nữa, kinh tế thị trường đòi hỏi (a) loại bỏ mọi can thiệp làm méo mó tín hiệu của thị trường, (b) toàn bộ mọi quyết định của kinh tế vĩ mô đều thuộc thẩm quyền của luật pháp, hiến pháp và Nhà nước với tính cách là người thực thi luật pháp và tuân thủ hiến pháp, và (c) kinh tế thị trường không có chỗ đứng cho những quyết định của đảng phái chính trị hoặc nhóm lợi ích.
[13] Để có nhận xét khách quan, một mặt xin chịu khó tìm hiểu thế giới bên ngoài nhìn nhận hình ảnh người Việt Nam hôm nay thế nào; mặt khác xin chịu khó đọc báo chí lề phải hàng ngày về các tệ nạn xã hội và các tội phạm ghê rợn, về sự phục hồi và bùng nổ của văn hóa hủ lậu, về tôn giáo bị lạm dụng cho chính trị (đây là một quốc sách thiển cận và nguy hiểm)… Rất đáng tiến hành những điều tra xã hội học khách quan để nhìn rõ thực trạng của đất nước.
[14] Xin đừng lầm và so sánh ta với Trung Quốc và cùng chung một con đường xã hội chủ nghĩa, vì bản thân Trung Quốc là một thế giới riêng của nó và cho nó, vận động theo những quy luật của một quốc gia có quy mô là một thế giới riêng của nó và cho nó, nhất là trên nền tảng của văn hóa Trung Quốc với nội dung cốt lõi: tất cả là để “bình thiên hạ” và “mục tiêu biện minh cho biện pháp”. Ví dụ, Trung Quốc có thể giết vài chục triệu người trong cách mạng văn hóa, đưa xe tăng nghiền nát người trong vụ Thiên An Môn, đưa vài chục vạn quân đánh ta ở biên giới phía Bắc… Việt Nam không phải là và không bao giờ là Trung Quốc.
[15] Tham khảo: Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945.