Người dân VN lâu nay chỉ sống bằng niềm tin của “người”. Nguồn ảnh: Petro Times
Nhân dịp nói chuyện khẩu hiệu, tôi chợt nhớ đến những phát ngôn mang tính hứa hẹn của các lãnh đạo và quan chức trước đây. Bây giờ nhìn/đọc lại những phát ngôn đó cũng rất thú vị, và nó làm cho con người (nếu còn sống) trở nên khiêm tốn hơn.
Đầu tiên, câu nói nổi tiếng nhất về tương lai Việt Nam sáng chói phải kể đến câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước 1975, ở ngoài Bắc, ông nói rằng “Còn non còn nước còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Tôi nghĩ câu này rất quan trọng, vì sau ngày “giải phóng”, đi đâu cũng nghe thấy câu nói này. Nó có hiệu lực vừa như là một lời hiệu triệu quần chúng, vừa hứa hẹn một tương lai xán lạn cho Việt Nam. Tôi nghĩ có lẽ vì câu đó mà biết bao người hăng hái lao ra chiến trường sẵn sàng hi sinh vì một tương lai “Hơn mười ngày nay”. Nhưng lúc đó chắc chẳng có ai hỏi thế nào là 10 lần hơn? Để rồi 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh thì Việt Nam nằm trong số những nước nghèo kém nhất thế giới.
Một câu nói quan trọng khác cũng mang tính hứa hẹn nhưng cụ thể hơn là từ TBT Lê Duẩn. Năm 1976 (lúc đó tôi còn ở trong nước và đang hăng say góp phần xây dựng XHCH), tôi còn nhớ như in là trong một bài diễn văn ông hứa rằng “Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh”. Lúc đó tôi ngạc nhiên lắm, bởi vì những thứ vật dụng đó đâu có gì là quá khỏi tầm tay. Trước năm 1975 tôi đã có xe Honda rồi, còn nhà Ba Má tôi ở trong quê đã có radio và tivi rồi (nhưng chưa có tủ lạnh). Thời đó, tôi còn nhớ cứ mỗi tối về, nhà tôi y như cái rạp hát. Tối nào có chương trình tuồng cải lương thì ôi thôi, tôi rất bận rộn. Ba tôi và mấy trưởng lão thì ngồi ghế sofa trong phòng khách, còn má tôi và mấy dì cô khác thì trên bộ ván ngựa có tuổi đời lớn gấp hai lần tôi, còn mấy đứa con nít trong làng thì ngồi ngoài nhà, chống cằm lên xem cải lương. Tôi thì bận rộn ra oai, làm trật tự, tên nào lộn xộn bị tôi doạ là “lần sau không cho mày xem”. Những kỉ niệm thời thơ ấu là thế, vậy mà bây giờ có cái ông kia ổng nói 10 năm nữa sẽ có tivi và radio, thì tôi ngạc nhiên, vì tôi không biết ổng nói với ai.
Dĩ nhiên, ai cũng biết những năm sau khi ông phát biểu câu nói nổi tiếng đó thì VN bắt đầu lụn bại. Miền Nam chưa bao giờ thiếu gạo mà phải đói và ăn bo bo. Thuốc thì chỉ có xuyên tâm liên trị bách bệnh. Bây giờ mà tìm lại những bài báo của các Giáo sư y khoa thời đó quảng bá cho xuyên tâm liên thì chắc đọc hay lắm. Những gia đình ở thành phố có đồ đạc trong nhà thì dần dần bán hết. Thay vì 10 năm nữa mỗi gia đình VN có cái tivi, radio và tủ lạnh, thì thực tế ngược lại là họ mất tivi, radio và tủ lạnh. Chẳng những mất mấy thứ gia dụng đó, mà còn mất luôn xe cộ, và trong nhiều trường hợp, mất luôn mạng sống.
Đến giáo dục, tôi mới đọc lại một bài báo chưa cũ lắm (2006), nói đến kế hoạch xây dựng một số đại học đẳng cấp quốc tế. Trong bài báo “Làm gì để hội nhập giáo dục đại học” (1), GS TSKH Bành Tiến Long, lúc đó là Thứ trưởng Bộ GDĐT, cho biết mục tiêu tổng quát của công cuộc đổi mới giáo dục đại học là “đến năm 2020, […] xây dựng một số trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế”. Lúc đó ai cũng phấn khích trước một viển ảnh xán lạn của giáo dục VN, và VN sẽ làm cho các đại học trong vùng xấu hổ. Thừa thắng xông lên, có đại học kí kết với tập đoàn dầu khí xây dựng đề án để VN có giải thưởng Nobel.
Thế nhưng năm nay đã là 2015, chỉ còn 5 năm nữa là đến 2020, vậy mà các đại học Việt Nam vẫn còn ì ạch, chưa đi đến đâu. Công trình nghiên cứu thì vẫn rất ít, chỉ bằng “đếm trên đầu ngón tay” so với các đại học lớn trong vùng. Đại học lớn nhất và khá nhất của VN mỗi năm chỉ công bố được 200 bài báo, chỉ bằng 1/10 đến 1/20 của các đại học lớn trong vùng ASEAN. Lượng đã ít mà phẩm còn kém hơn, vì phần lớn các công trình khoa học VN thường được công bố trên tập san có ảnh hưởng thấp và có ít trích dẫn. Với thành tích công bố quốc tế như hiện nay, các đại học VN chưa có tư cách để nói đến “đẳng cấp quốc tế” được. Phải thành thật với nhau như thế.
Trong ngành y tế, chúng ta còn nhớ một lời hứa rất nổi tiếng của ông Nguyễn Quốc Triệu. Cách đây không lâu (có lẽ là 2008?) ông NQT lúc đó mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế có hứa trước quốc dân rằng trong vòng 3 năm, mỗi bệnh nhân sẽ có 1 giường riêng, thay vì 3 người nằm chung giường như lúc đó. Thế nhưng chúng ta biết rằng lời hứa đó đã không thành hiện thực. Một điều rất thú vị là sau này khi phóng viên nhắc ông về lời hứa đó, ông thản nhiên nói rằng ông chưa bao giờ hứa như thế!
Tóm lại, các lời hứa hẹn của giới lãnh đạo và quan chức trong thời gian qua chỉ là… hứa hẹn cho suông miệng. Tôi gọi những lời hứa hẹn có cánh đó là buôn bán hi vọng. Điều đáng ngạc nhiên là những món hàng hi vọng của họ vẫn có khách hàng! Bây giờ thì một số người buôn bán hi vọng đã qua đời, nên chúng ta không có dịp hỏi họ nghĩ gì khi bán món hàng đó. Nhưng một số người vẫn còn sống, tôi không biết họ có ngượng khi đọc lại những gì họ từng phát biểu. Dù họ có ngượng hay tự xấu hổ, thì những gì xảy ra trong quá khứ (xa và gần) cho thấy chúng ta chẳng có lí do gì để mua những món hàng hi vọng của giới chính trị, mà cứ xem như là những loại “mãi võ Sơn Đông” cho vui mắt.
____
(1) Làm gì để hội nhập giáo dục đại học? (vietbao.vn)
(2) Tôi phải thêm là ở bên Úc cũng có một ông thủ tướng buôn bán hi vọng, nhưng ông sám hối. Đó là thủ tướng Bob Hawke, lúc mới lên chức, ông hứa rằng đến năm 1990 sẽ không có trẻ em sống trong nghèo nàn. Nhưng sau này thì lời hứa đó trớt quớt, và bị phe đối lập đem ra diễu cợt trên TV. Mấy năm trước, khi phóng viên hỏi ông nghĩ gì câu nói đó, ông tỏ vẻ rất thành khẩn nói rằng đó là một trong những lời hứa ngu xuẩn nhất trong sự nghiệp. Ông rối rít xin lỗi dân chúng. Ước gì VN có người hành xử như ông Hawke.
N.V.T.
Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2015/08/08/4674-nhung-loi-hua-hen-co-canh-va-buon-ban-hi-vong-cua-lanh-dao-va-quan-chuc/#more-150524