Dịch giả: Phan Trinh
CÁCH MẠNG 1989 – CHƯƠNG 31
CHẤN ĐỘNG HUNGARY: HẠ MÀN SẮT
NEMETH MANG TIN ĐỘNG TRỜI – HÀNG RÀO THÚ – 10 NGƯỜI ĐI CHUI, 6 TRIỆU ĐI THẲNG – THÊM QUẢ BOM CHẤN ĐỘNG – GORBACHEV ĐỒNG Ý RÚT VŨ KHÍ, RÚT QUÂN – ĐÔNG ĐỨC LO LẮNG – BIỂU TÌNH BUDAPEST: LỊCH SỬ “XỬ TỬ’ CHỦ NGHĨA
***
Điện Kremlin, Liên Xô. Thứ sáu, ngày 3 tháng 3, năm 1989
NEMETH MANG TIN ĐỘNG TRỜI
1.
THỦ TƯỚNG HUNGARY MIKLOS NEMETH căng thẳng và lo lắng khi bước vào văn phòng của Gorbachev, lúc đó là hơn 10 giờ sáng. Ông biết vị lãnh tụ Liên Xô khá rõ vì Gorbachev đã đến thăm Budapest nhiều lần. Ông yêu thích và hết sức ngưỡng mộ Gorbachev. Nhưng ông e sợ không biết Gorbachev sẽ phản ứng ra sao khi nghe được tin động trời ông sắp nói.
Nemeth, nhìn vẫn trẻ trung, nói với Gorbachev rằng Hungary dự định hủy bỏ 300 cây số hàng rào kẽm gai gắn điện chạy dọc biên giới Hungary và Áo. Ông nói: “Hàng rào đã hết tác dụng, không cần nữa, hiện nay hàng rào có ở đó chỉ để ngăn người dân Đông Đức và Rumani đào thoát trái phép qua phương Tây mà thôi”. Gorbachev hoàn toàn không bối rối.
Hơn 40 năm qua, Bức màn Sắt là biểu tượng rõ nét nhất cho quyền lực Liên Xô và cho biên cương đế quốc đỏ tại Châu Âu, cũng là lời nhắc nhở rất vật lý và trần trụi về cuộc chiến ý thức hệ giữa Đông và Tây. Vậy mà giờ đây, một vị Thủ tướng Hungary lại đưa ra đề xuất, ngay tại Điện Kremlin, là họ sẽ hủy bỏ hàng rào, vốn được xem là vô cùng thiết yếu cho quyền lợi Liên Xô.
Nếu trước đây không lâu, “tay người Hung” này gặp phải các vị tiền nhiệm của Gorbachev, vốn xem các lãnh tụ Hungary như bọn mới phất nhờ chế độ thực dân, thì hắn có lẽ đã bị gửi thẳng qua cho KGB xử lý trong trụ sở Lubyanka, hoặc bị đầy đi “đập muối đá” rồi. Gorbachev rất hiểu tầm quan trọng của giây phút này. Nhưng gần như ông không phản ứng gì.
Nemeth vẫn thận trọng, chờ đợi một câu trả lời rõ ràng hơn. Ông nói: “Việc này, dĩ nhiên, chúng tôi còn phải nói chuyện với các đồng chí trong Khối Warsaw nữa”. Sau này Nemeth kể lại rằng, lúc đó Gorbachev chỉ nhìn ông thất thần rồi nói: “Chúng ta có một chế độ biên giới nghiêm ngặt, nhưng chúng ta cũng đang cởi mở hơn”.[1]
*
HÀNG RÀO THÚ
2.
Tại Hungary, Bức màn Sắt đã mất tác dụng từ lâu và bây giờ sắp sửa bị hủy bỏ. Trong thập niên 1950, 1960, phía đông Bức màn Sắt, trên lãnh thổ Hungary, là những bãi mìn. Đến giữa thập niên 1960 mìn được tháo gỡ, còn lại hàng rào kẽm gai gắn điện thế thấp, vốn thường xuyên bị chạm và kích hoạt báo động giả.
Gyula Kovacs, sĩ quan đứng đầu lực lượng biên phòng, cho biết hàng rào gây cho họ nhiều phiền phức. Cứ mỗi lần có còi báo động là lính của ông phải đi kiểm tra, và họ đã mất rất nhiều thì giờ chỉ để đuổi những con thú chẳng may đụng phải hàng rào.
Kovacs nói: “Thường thì một con thú nào đó đụng vào hàng rào thì còi sẽ hụ, nhưng khi lính trong đội ứng phó đến nơi thì chỉ thấy được dấu chân, lúc đó mới đoán đó là con gì. Có khi là thỏ rừng, đôi khi là một chú gà lôi hay con hươu. Có trường hợp là gấu. Chúng tôi ngạc nhiên lắm vì nghĩ làm gì Hungary có gấu!”.[2]
*
10 NGƯỜI ĐI CHUI, 6 TRIỆU ĐI THẲNG
3.
Cuối năm 1988, Bộ trưởng Nội vụ Hungary, Istvan Horvath, đề nghị Nemeth cho tháo bỏ hàng rào, một phần vì đây là hành vi có tính biểu tượng lớn, một phần vì lý do thực tế. Ông nói: “Phải tốn tiền triệu để duy trì hàng rào … nhưng để làm gì cơ chứ?”.
Thực ra, người dân Hungary nhiều năm qua đã được phép du lịch tự do, và tính đến năm 1989, đã có 6.000.000 người mỗi năm du lịch ra nước ngoài, chủ yếu là đến phương Tây. Hơn 25.000.000 du khách đang làm thủ tục vào Hungary.
Horvath nói: “Mỗi năm chúng ta có khoảng từ 200 đến 250 trường hợp người nước ngoài tìm cách vượt biên giới trái phép vào Hungary, trong khi chỉ có tối đa 10 người Hungary mỗi năm tìm cách vượt biên. Họ là bọn say rượu, bọn trẻ học hành không ra gì và mấy ông chồng trốn vợ. Với con số người du lịch ra vào khổng lồ như vậy, việc giữ hàng rào tốn kém chỉ để bắt vài người lẻ tẻ thì có ích gì?”.[3]
*
THÊM QUẢ BOM CHẤN ĐỘNG
4.
Là một nhà kinh tế, sau này hoạt động ngân hàng, Nemeth biết rõ sẽ tốn khoảng 50.000.000 đô la Mỹ để sửa sang hàng rào cho hiệu quả hơn. Nhưng tiền là thứ Hungary không có. Nemeth nói: “Tôi quyết định rằng chúng tôi không muốn chi tiền vì mục tiêu này nữa”.
Thực ra, nếu Gorbachev ra lệnh cho Hungary tái thiết hàng rào, Nemeth có lẽ cũng bất đắc dĩ phải làm theo. Nhưng lần này, Nemeth rất ngạc nhiên trước sự bình tâm của Gorbachev. Chưa hết, Nemeth còn thông báo thêm một điều mà khoảng một năm trước thôi sẽ được xem là quả bom chấn động.
Thủ tướng Hungary Nemeth nói với Gorbachev rằng sau khi chính quyền Hungary quyết định hợp pháp hóa tất cả các đảng phái chính trị, cách đây vài tuần, thì gần như chắc chắn sẽ có các cuộc bầu cử tự do tại Hungary trong không bao lâu nữa. Phía Cộng sản tại Hungary sẽ tiến hành đàm phán Bàn tròn với phe đối lập, bắt đầu từ tháng 6/1989, như Ba Lan đã làm.
Nemeth nói với Gorbachev: “Tôi không biết khi nào chúng tôi mới tổ chức các cuộc bầu cử này. Nhưng vì ông đang có 80.000 quân đóng tại nước tôi, và với những gì xảy ra năm 1956 [xe tăng Liên Xô đè bẹp cuộc nổi dậy ở Hungary] … liệu ông sẽ lặp lại điều đã làm năm đó không?”.
Gorbachev chăm chú nhìn Nemeth, đáp ngay: “Tôi không tán tành hệ thống đa đảng … hoặc đưa hệ thống đa đảng vào Hungary. Nhưng đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc đó tùy vào ông. Nhưng ông có thể chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không chỉ đạo hay ra lệnh đàn áp”.
*
GORBACHEV ĐỒNG Ý RÚT VŨ KHÍ, RÚT QUÂN
5.
Gorbachev cũng có một cuộc nói chuyện rất đáng chú ý, tương tự như cuộc gặp mặt Nemeth, với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hungary, Karoly Grosz, vào chiều cùng ngày.
Khi gặp riêng, Grosz yêu cầu Gorbachev rút toàn bộ hỏa tiễn hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hungary. Đây là những phi đạn Grosz không hề biết được cài đặt tại nước mình, mãi cho đến khi ông lên thay Kadar làm Tổng Bí thư. Gorbachev đồng ý lập tức.
Grosz rất kinh ngạc và nhân tiện đưa thêm yêu cầu, ông nói: “Để khẳng định tính chính danh của Đảng đối với dân chúng, và để tách chúng tôi khỏi những ký ức về năm 1956, tôi xin ông hãy cho toàn bộ quân đội Liên Xô rút khỏi Hungary!”.
Gorbachev nói họ sẽ rút, và rút sớm, nhưng trước mắt ông muốn thương lượng với người Mỹ để đạt thỏa thuận cắt giảm quân số NATO cùng lúc. Nhưng ngay cả khi ông không thỏa thuận được với Mỹ, thì quân Liên Xô sẽ vẫn rút khỏi Hungary. Gorbachev nói: “Phương Tây không có lợi gì nếu Hungary lâm vào tình trạng bất ổn. Tôi không lo họ sẽ can thiệp đâu. Tôi sẽ làm tất cả những gì phù hợp để … giữ ổn định”.
Như một dấu hiệu báo trước ý định nghiêm túc của Liên Xô, trong vòng ba tuần sau cuộc gặp mặt vừa kể, 500 xe tăng và 5.000 quân Liên Xô đã được rút khỏi Hungary. Grosz sau này kể lại rằng ông đã chết lặng vì ngạc nhiên: “Cứ mỗi lần tôi xin Gorbachev điều gì mà tôi tin rằng rất … nhạy cảm đối với quyền lợi của Liên Xô, thì ông lại luôn luôn đồng ý. Thế là tôi kết luận rằng ông và Shevardnadze đã dự trù một kế hoạch để tách rời Liên Xô hoàn toàn khỏi Đông Âu”.[4]
6.
Grosz nghĩ đúng. Nhưng đó không phải là một kế hoạch được tính toán cẩn thận mà chỉ là một nhận thức rằng họ sẽ cho các nước chư hầu tự chọn đường đi và Liên Xô sẽ chấp nhận hậu quả. Dĩ nhiên, Liên Xô muốn rút quân từng bước là vì lý do nội bộ, vì quyền lợi của chính họ.
Trong cuộc họp kín nội bộ trước khi phái đoàn Hungary đến nơi, Gorbachev nói rằng đối với ông, ông sẵn sàng rút toàn bộ lực lượng Liên Xô tại Đông Âu. Shevardnadze đồng ý, nhưng cũng thấy trước hậu quả. Ông nói: “Một khi chúng ta bắt đầu rút quân, bao nhiêu lời tru tréo sẽ nổi lên. Thiên hạ sẽ nói: ‘Thế thì chúng ta đã chiến đấu cho điều gì vậy? 27.000.000 người lính của chúng ta chết trong Thế chiến II vì cái gì vậy?’ Chẳng lẽ chúng ta từ bỏ hết cả sao?”.[5]
***
ĐÔNG ĐỨC LO LẮNG
7.
Khi các lãnh tụ Đông Đức nghe tin Hungary tháo gỡ hàng rào, lấp tức họ cảm thấy bị đe dọa. Với họ, Bức màn Sắt có giá trị sống còn vì giúp cầm chân dân chúng trong nước. Gunter Schabowski, Bí thư Đảng ủy Đông Berlin, nói: “Khi Hungary đơn phương mở cửa biên giới, thì đây là điều rất quan trọng vì khối Xã hội chủ nghĩa như một thực thể thống nhất đã không được tham dự vào kế hoạch này. Giới lãnh đạo Đông Đức cảm thấy bị đe dọa, dù ban đầu họ không tin”.
Lãnh tụ Đông Đức Honecker gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Heinz Kessler: “Này, nói cho tôi biết, bọn Hungary đang làm cái gì thế? Anh có biết gì không đấy?” Honecker rất muốn biết ban lãnh đạo Hungary có hiểu hậu quả sẽ ra sao không. Bộ trưởng Quốc phòng Đông Đức Kessler gọi người đồng nhiệm tại Budapest, Trung tướng Ferenc Karpati, và yêu cầu giải thích.
Karpati đã được Nemeth dặn trước hãy tìm cách “câu giờ” và nếu Berlin hỏi câu nào quá trực diện thì cứ trả lời quanh co làm người nghe hoang mang. Karpati bảo Kessler ông cũng không đồng ý với kế hoạch này, nhưng lập lờ: “Nếu phải giải thích đầy đủ tình hình thì chúng tôi lộ hết bí mật và sẽ càng rắc rối hơn. Nhưng đừng lo, chúng tôi làm việc này hoàn toàn vì lý do tài chính”. Karpati trấn an Kessler rằng Hungary sẽ kiểm soát biên giới để bảo đảm người Đông Đức không vượt biên qua lối đó.
Honecker không hoàn toàn được thuyết phục. Ông phái Ngoại trưởng Đông Đức Oskar Fischer đến Moscow để phản đối hành động của Hungary. Ngoại trưởng Shevardnadze chỉ đưa ra một câu trả lời đơn giản và cộc lốc: “Chúng tôi không thể làm gì được. Đây là việc của Đông Đức và Hungary!”.[6]
Theo nhận định của Bí thư Đông Berlin, Schabowski, đó là khoảnh khắc một số lãnh tụ Đảng nhận ra rằng: “Chúng ta không thể lệ thuộc Moscow 100%. Việc mở cửa biên giới là khởi đầu cho đoạn kết của khối Xã hội chủ nghĩa … Một số người ở Đông Đức, trong đó có tôi, nghĩ rằng Đông Đức không còn an toàn nữa, vì Moscow không còn bảo vệ nó và ai dám bảo đảm nó sẽ tồn tại?>”[7]
***
BIỂU TÌNH BUDAPEST: LỊCH SỬ “XỬ TỬ” CHỦ NGHĨA
8.
12 ngày sau khi phái đoàn Hungary từ Moscow trở về, một cuộc biểu tình khổng lồ đã tràn ngập các con đường ở thủ đô Budapest. “Lễ 15 Tháng 3” hơn một thế kỷ nay là ngày lễ truyền thống quan trọng của Hungary, đánh dấu ngày bắt đầu cuộc Cách mạng Hungary 1848 chống đế quốc Áo Habsburg. Cuộc cách mạng đã bị quân đội của Sa hoàng Nicholas I kéo từ Nga qua đè bẹp để yểm trợ đồng minh Áo. Dưới thời Cộng sản, việc mừng lễ hoàn toàn bị cấm, vì có thể kích thích các cuộc biểu tình chống Nga.
Nhưng hôm nay, khoảng 100.000 người đã diễu hành qua thủ đô Hungary. Một số biểu tình vì lý do môi trường dưới ngọn cờ của câu lạc bộ Vòng tròn Danube; một số biểu tình để đòi chính quyền đối xử tốt hơn với người tị nạn gốc Hung đến từ Transylvania; một số là thành viên các đảng phái chính trị mới thành lập như Diễn đàn Dân chủ, hoặc Hội những Người Dân chủ Tự do, là những đảng phái mới chỉ tồn tại hợp pháp được vài tuần.
Ngay sáng hôm đó, chính quyền tuyên bố ngày 15/3 hàng năm sẽ lại là ngày quốc lễ, và các cuộc đàm phán với phe đối lập sẽ bắt đầu trong một vài tuần nữa, mở đường cho các cuộc bầu cử tự do sẽ diễn ra trong vòng một năm.
Tại cuộc biểu tình khổng lồ ở Quảng trường Kossuth, trước tòa nhà Quốc hội Hungary nguy nga xây từ thế kỷ 19, nhà bất đồng chính kiến, triết gia Janos Kis, một trong những nhà tư tưởng chính của phe đối lập trong nhiều thập niên qua, nói rằng: “Lịch sử đã tuyên án tử hình cho hệ thống được gọi là Xã hội chủ nghĩa”.
Nội việc Kis có thể nói như thế mà không có bóng dáng công an nào chung quanh đủ cho thấy chế độ Cộng sản tại Hungary, nay có thể gọi là “chế độ cũ”, đã đầu hàng hoàn toàn như thế nào.
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[1] Biên bản cuộc họp tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow); Gorbachev nói chuyện với các lãnh đạo Hungary, 1989
[2] Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 11
[3] Như trích trong David Pryce-Jones, The War that Never Was (Weidenfeld & Nicolson, London, 1995), tr. 231
[4] Văn khố Quốc gia Hungary MOL (Hungarian National Archive), Budapest M-KS-288-11/4458
[5] Nhật ký Chernayev trong hồ sơ lưu trữ tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), tháng 1/1989
[6] Phỏng vấn Chernayev, Cold War series, LHCMA, box 8; và phỏng vấn Tarasenko, tháng 3/1999, OHCW (Oral History of the Cold war, Russian Academy of Sciences, Moscow)
[7] Phỏng vấn trong Fall of the Wall series, LHCMA, box 3
Dịch giả gửi BVN