CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 31)

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 29 

NHẢY TƯỜNG BERLIN: BẮN BỎ

ĐÔI BẠN LIỀU MẠNG – BƯNG BÍT THÔNG TIN “NHẢY TƯỜNG” – BỨC TƯỜNG BERLIN: BA HÀNG RÀO – CHẾT VÌ “NGUYÊN NHÂN TỰ NHIÊN” – KHÔNG THỂ BƯNG BÍT NỮA

***

Đông Berlin. Chủ nhật, ngày 5 tháng 2, năm 1989

ĐÔI BẠN LIỀU MẠNG

1.

ĐÊM ĐÓ TRỜI TRONG NHƯNG LẠNH BUỐT, ÂM 3 ĐỘ C, tuyết đá phủ mặt đường khi hai thanh niên Đông Đức đi bộ ngang qua Quận Treptow ở Berlin, vừa đi vừa cười đùa với nhau. Nhìn họ, không ai có thể đoán họ sắp làm một việc tày trời, liều mạng và điên rồ.

Chris Gueffroy là một nhân viên quầy rượu, 20 tuổi. Ba tháng nữa cậu sẽ đi quân dịch bắt buộc, phục vụ đất nước trong hai năm. Cậu không hoạt động chính trị, cậu chỉ ghét việc bị buộc phải vào quân đội. Cậu thường xuyên xem truyền hình Tây Đức và biết nhiều điều về thế giới bên ngoài, ước mơ của cậu là đi đó đây du lịch. Trên hết, cậu muốn được đến Mỹ.

Người bạn lớn tuổi hơn của cậu, Christian Gaudian, mới nghe một tin đồn rất khác thường, từ một người quen vừa nhập ngũ tham gia đội biên phòng Thuringia. Gaudian được người bạn cho biết, một cách bí mật, rằng chế độ đã bãi bỏ chính sách “bắn bỏ”, theo đó lính biên phòng được bắn bất cứ ai tìm cách vượt qua Bức tường Berlin trái phép.

*

BƯNG BÍT THÔNG TIN “NHẢY TƯỜNG”

2.

Chưa từng có thông tin chính thức nào về những “người nhảy tường”, biệt danh của họ. Mọi tin tức về họ đều bị giấu nhẹm trên các phương tiện truyền thông nhà nước, tuy thỉnh thoảng cũng có bài về 12 người lính biên phòng trong nhiều năm qua đã “anh dũng hy sinh” khi thực hiện nghĩa vụ với tổ quốc. Nhưng bất cứ ai ở Đông Đức đều biết rằng nhiều người đã bị bắn chết khi tìm cách vượt biên và một số khác đã thành công. Mặc dù trước công luận chính sách “bắn bỏ” luôn bị chối bỏ, mọi người đều biết nó tồn tại.

Hai thanh niên vừa kể rất biết người nhảy tường cuối cùng bị bắn chết tại Berlin là anh Lutz Schmidt, 24 tuổi. Vào ngày 12/2/1987, Schmidt đã tìm cách lái xe tải đâm qua Bức tường Berlin ở đoạn gần Phi trường Schoenfeld. Anh bị lính biên phòng bắn, đạn xuyên qua tim. Tin tức chính thức trong các báo địa phương chỉ nói rằng anh đã chết “trong một tai nạn thảm khốc”.

Nhưng điều đó đã xảy ra hai năm trước đây. Từ đó đến nay, án tử hình đã bị hủy bỏ ở Đông Đức, rồi 18 tháng trước, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã đứng trước Khải hoàn Môn Brandenburg kêu gọi Liên Xô “hạ bức tường này xuống”, và mới ba tuần trước lãnh tụ Erich Honecker đã ký Hiệp ước Hợp tác Châu Âu, trong đó ghi rằng mọi người đều “có quyền đi lại không giới hạn, để rời khỏi … và trở về nước mình”.

Có nhiều thay đổi như vậy tong thời gian qua, nên đôi bạn Gueffroy và Gaudian bị thuyết phục rằng tin đồn họ nghe được về việc ngưng “bắn bỏ” kia là sự thật. Họ quyết định nhảy tường, như thử xem hình ảnh mềm mỏng hơn mà Đông Đức đang bày ra cho thế giới thực hư đến đâu.

*

BỨC TƯỜNG BERLIN: BA HÀNG RÀO

3.

Khoảng 11 giờ tối, họ đến gần con kênh tại Quận Britz, biên giới ngăn cách Đông Đức với khu dân cư Neukoln thuộc Tây Đức. Gần đó là khu đất phân lô trồng trọt nổi tiếng.

Đôi bạn lẻn vào một chòi gác vườn, tìm được chiếc cuốc nhọn, họ buộc thêm dây vào và biến nó thành một chiếc móc bám dã chiến. Họ dùng chiếc móc này quăng bám vào tường rồi đu theo dây, vượt qua hàng rào song chắn đầu tiên cao 3,5 mét. Họ đã vượt qua mà không gặp trở ngại gì đáng kể và đi tiếp.

Trước đó, trên đường đến biên giới, Gueffroy nói đùa với Gaudian rằng: “Nghĩ xem, lát nữa tớ sẽ đứng ở Ku’damm (đại lộ mua sắm chính ở Tây Đức) gọi điện cho bà già, bảo bà: ‘Mẹ ơi, biết con đang ở đâu không?’” Gaudian tin điều đó sẽ xảy ra.

Thêm 5 mét nữa là hàng rào thứ hai, thấp hơn, và họ cũng leo qua khá dễ dàng. Nhưng, hàng rào này có gắn điện và họ đã làm hệ thống báo động chớp nháy, hú còi ầm ĩ.

Khu vực lập tức được rọi đèn pha sáng trưng. Lính biên phòng từ tháp canh gần nhất được báo động và bắn cảnh cáo. Hai thanh niên hốt hoảng, chạy vội đến hàng rào thứ ba, một hàng rào mắt cáo bằng sắt, cũng là hàng rào cuối cùng trước khi đến được biên giới.

Chẳng may, họ gặp hai lính biên phòng nổ súng tự động nã đạn vào họ. Gueffroy trúng 10 phát đạn vào ngực, chết ngay tại chỗ. Gaudian bị bắn vào bàn chân, ngã xuống đất.

*

CHẾT VÌ “NGUYÊN NHÂN TỰ NHIÊN”

4.

Báo cáo của chuyên gia bệnh lý ghi rằng đó là “chết do nguyên nhân tự nhiên”.

Mẹ của Gueffroy không được phép nhìn xác con. Bà phản đối việc hỏa thiêu con bà, nhưng chính quyền mặc kệ, cứ tiến hành thiêu xác. Đó là thủ tục thông thường của mật vụ Stasi trong những vụ tương tự, thiêu để hủy mọi chứng cớ có thể có về lỗ đạn trên thi thể.

Thường thì chỉ có gia đình thân thuộc mới được dự đám tang. Nhưng lần này có đến 120 người đến dự tang lễ sau khi nghe biết sự việc.

Gaudian bị bắt giữ và tại phiên xử ở Tòa án Quận Pankow ngày 22/5/1989, anh bị kết án ba năm tù vì tội “toan tính vượt biên trái phép”.

Hai lính biên phòng, Ingo Heinrich, người bắn những phát đạn chết người, và người đồng đội Andreas Kuhnpast, được trao giải và tiền thưởng 150 Đông Đức mã. Cấp trên của hai người bảo họ: “Các cậu không cần phải mất ngủ về việc này làm gì … các cậu đã làm đúng”. Tuy nhiên, cả hai sau đó đều được chuyển công tác khác.*

*

KHÔNG THỂ BƯNG BÍT NỮA

5.

Lần này, chế độ không thể ém nhẹm vụ giết người như trước nữa.

Bản tin chính thức, với ngôn ngữ rất quen của Cộng hòa Dân chủ Đức, nói rằng những người lính biên phòng đã “thực thi nhiệm vụ chiến thuật tại biên giới và bắt giữ hai người vi phạm”. Nhưng một nhà báo rất năng nổ của tờ báo Tây Đức Frankfurter Rundschau đã được lén đưa vào xem buổi thiêu xác, và câu chuyện về vụ này được tường trình rộng rãi trên truyền hình phương Tây, được hầu hết người dân Đông Đức theo dõi.

Honecker bị thế giới phản đối dữ dội. Liên Xô gửi một lời phản đối lịch sự nhưng cứng rắn, đặt vấn đề liệu có cần thiết phải gây ra cái chết như thế hay không. Chính Honecker cũng nhận ra rằng đã qua rồi cái thời họ có thể bắn bỏ những người trẻ vượt biên mà không bị trừng phạt.**

Hai tháng sau, ông hủy lệnh “bắn bỏ”. Nhưng trớ trêu là lệnh này không hề tồn tại chính thức, và mới một năm rưỡi trước đây Honecker đã nhìn thẳng vào mắt Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl thề thốt rằng không có lệnh nào như vậy, nên quyết định hủy lệnh lại tiếp tục là một bí mật quốc gia.

Chris Gueffroy là người cuối cùng trong số 238 người bị bắn chết khi tìm cách vượt qua Bức tường Berlin tìm tự do. Nhưng anh vẫn chưa phải là người chết cuối cùng.

Ngày 8/3/1989, Winfried Freudenberg, công nhân 33 tuổi của một nhà máy hóa chất gần Berlin, đã bơm đầy quả khinh khí cầu tự chế và bay qua biên giới. Anh đến được vùng ngoại ô Zehlendorf thuộc Tây Berlin, nhưng đã không sống sót để nếm trải tự do. Khinh khí cầu của anh đã đâm nhào xuống đất và anh chết lập tức khi chạm đất.[1]

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

* Cả hai lính biên phòng đã bị xét xử vào mùa xuân 1992 và lời bào chữa của họ là “lúc đó chúng tôi chỉ tuân theo luật và lệnh của nước Cộng hòa Dân chủ Đức”. Heinrich bị kết án 3,5 năm tù, trong khi Kuhnpast bị hai năm tù treo, trong một phiên tòa tạo tiền đề cho nước Đức thống nhất hậu Cộng sản, qua đó các viên chức hành động vì “tuân lệnh” chế độ Đông Đức hợp pháp trước tháng 11/1989 vẫn có thể bị truy tố. Một số chính trị gia cấp cao đã bị kết án, cùng với các lính biên phòng và quan chức cấp thấp hơn.

** Tài liệu chứng minh chính sách bắn bỏ là có thật mãi đến năm 2004 mới lộ ra. Theo các tài liệu này, vào năm 1966, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Heinz Hoffman đã ghi lệnh này trên giấy trắng mực đen, với nội dung: “Bất cứ ai không tôn trọng biên giới của chúng ta sẽ phải chịu đạn.” Năm 1974, giới lãnh đạo củng cố luật lệ này và ban hành một chỉ thị ghi trên giấy rằng các chỉ huy biên phòng sẽ bị trừng phạt nếu số vụ vượt biên thành công tăng lên. Honecker nói: “Vũ khí phải được sử dụng không thương xót nếu xảy ra những toan tính vượt biên giới – và các đồng chí sử dũng vũ khí thành công sẽ được tuyên dương.”

[1] Thông tin về Chris Gueffroy và chuyện anh vượt biên, xem phóng sự Chronik der Mauer của đài phát thanh Deutschland, trang mạng www.chronik-der-mauer.de; Frederick Taylor, The Berlin Wall (Bloomsbury, London, 2006); và Christopher Hilton, The Wall (The History Press, London, 2002)

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.