CÁCH MẠNG 1989 (kỳ 26)

Dịch giả:  Phan Trinh

CHƯƠNG 24

TỔNG THỐNG BUSH NẮM QUYỀN

REAGAN GẦN, BUSH XA – NGƯỜI AN TOÀN – NGHE HAY KHÔNG NGHE CIA? – TIN HAY KHÔNG TIN GORBACHEV? – VĂN VÕ TẢ HỮU AN TOÀN

***

Washington DC. Thứ ba, ngày 8 tháng 11, năm 1988.

REAGAN GẦN, BUSH XA

1.

CHIẾN THẮNG ÁP ĐẢO CỦA GEORGE H. W. BUSH trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hoàn toàn không bất ngờ. Ông là một nhân vật được biết đến rộng rãi từ trước khi trở thành Phó Tổng thống dưới thời Ronald Reagan tám năm trước.

Ông may mắn được phục vụ một trong những tổng thống được yêu chuộng nhất trong lịch sử nước Mỹ và trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, ông chỉ phải đương đầu với một đối thủ yếu ớt với một chiến dịch tranh cử kém cỏi của Đảng Dân chủ, Michael Dukakis.

Mặc dù vụ bê bối Iran-Contra làm nhiễu nhiệm kỳ cuối của Reagan nhưng Reagan vẫn là một nhân vật được ngưỡng mộ và yêu thích nồng nhiệt trong nước. Reagan đã thành công trong mục tiêu chính là làm cho người Mỹ thấy hài lòng về nước mình. Reagan cũng hợp lý nếu tự hào rằng ông giữ vai trò hàng đầu trong việc giảm thiểu các căng thẳng của Chiến tranh Lạnh.

Trong khi dó, Bush là một người được kính trọng rộng rãi tuy không được yêu thích nhiều. Ở tuổi 64 khi tranh cử, ông nhìn rất khỏe, thân cao lớn với bước đi dạn dĩ và phong cách quý phái. Nếu Reagan ấm cúng và dễ gần thì Bush có vẻ lạnh lùng và xa cách. Ông đã chuẩn bị cho mình hàng chục năm nay để ngày nào đó lên nắm vị trí cao nhất trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Bush là con của một Thượng Nghị sĩ, một người nắm vững nội tình Washington. Bush dọn đến Texas trước khi qua tuổi 30 để xây dựng sự nghiệp trong ngành dầu lửa, trước đó, ông là phi công chiến đấu đạt nhiều thành tích trong Thế chiến II. Bush đã phục vụ trong các chính quyền của cả Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, từng là Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, Giám đốc CIA, Đại sứ tại Liên hiệp Quốc và cuối cùng là Phó Tổng thống. Bush đầy kinh nghiệm, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại.

*

NGƯỜI AN TOÀN

2.

Bush chưa khi nào là nhân vật được cánh bảo thủ trong Đảng Cộng hòa ưa chuộng. Ông là người ôn hòa, theo truyền thống, không thích bày tỏ niềm tin tôn giáo một cách lộ liễu.

Ông cũng không phải là người lãng mạn, như Reagan, người mà ông nói chỗ thân cận rằng đã trở nên “quá cảm tính khi làm việc với những người Xô-viết”. Bush thiếu óc tưởng tưởng và thiên về thực dụng. Ông cũng không phải là một người tân-bảo-thủ hiếu chiến như những nhà lý luận vây quanh Reagan trong nhiệm kỳ đầu, những người mà Bush mô tả như các tay “trí thức du côn bên lề”.

Bush theo lề lối quy ước thông thường, vốn tin rằng vũ khí hạt nhân đã giúp duy trì hòa bình thế giới trong 40 năm qua. Ông nghĩ những người giải giới vũ khí như Reagan là người thừa mơ mộng nhưng thiếu thận trọng, họ có thể phá hoại thế cân bằng giữa các siêu cường trên toàn cầu.

Ông hoài nghi giá trị của Hiệp ước ký năm trước tại Washington mà Reagan xem là một trong những điểm nhấn trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Hiệp ước INF (Lực lượng Hạt nhân Tầm trung) là Hiệp ước đầu tiên hủy bỏ toàn bộ một hạng mục vũ khí hạt nhân. Trước dư luận, Bush ủng hộ Hiệp ước, theo đó hàng trăm hỏa tiễn phóng từ mặt đất, đặt tại Châu Âu, của cả hai phe đều bị hủy bỏ, nhưng lúc ở chỗ riêng tư ông lại hoài nghi ít nhiều.

Ông không tin rằng Liên Xô sẵn sàng từ bỏ đế quốc Đông Âu của mình và nghĩ rằng tất cả những điều Liên Xô rêu rao về “Học thuyết Sinatra” [Đông Âu được đi đường riêng] đều chỉ là trò thuyết khách.

Ông xem thường điều mà ông gọi là những “vở diễn” của Reagan và Gorbachev – tức những lần gặp gỡ làm việc có vẻ tâm đầu ý hợp của hai lãnh đạo siêu cường. Đặc biệt, có một cảnh trên truyền hình ông xem được đã khiến ông giận dữ: Tổng thống Reagan đi dạo quanh Quảng trường Đỏ, Gorbachev thình lình chọn một bé trai và nói với em “Đến bắt tay ông ngoại Reagan đi con”. Hoặc khi một nhà báo hỏi Tổng thống Reagan có còn nghĩ Liên Xô là “Đế quốc Ma quỷ” nữa hay không thì Reagan mỉm cười trả lời: “Không. Tôi đã nói thế để chỉ một thời gian khác, một thời đại khác.”

Từ lúc đó trở đi, Bush cố ý bộc lộ thái độ hoài nghi Liên Xô rõ ràng hơn, và trong cuộc vận động tranh cử, nhiều lần ông nói thẳng: “Chiến tranh Lạnh chưa kết thúc”.[1]

*

NGHE HAY KHÔNG NGHE CIA?

3.

Bush quen biết nhiều đặc vụ CIA, nhiều năm trước cả khi ông trở thành Giám đốc CIA dưới thời Tổng thống Ford. Bush rất tin những gì CIA nói, khác với Reagan chỉ tin CIA khi Reagan muốn tin.

Thực vậy, Reagan gần như đoan quyết rằng Gorbachev là người có thể tin cậy được, là người thực tâm muốn thay đổi đế quốc Liên Xô một cách triệt để, và Gorbachev cần được hỗ trợ nhiệt tình. Trong khi đó, các nhân viên tình báo hàng đầu của Reagan lại khuyên ông theo hướng khác. Phó Giám đốc CIA, Robert Gates, nhiều năm là một trong những nhà phân tích hàng đầu của CIA về Liên Xô, là người rất hoài nghi cả ý đồ lẫn tiền đồ của Gorbachev và thường xuyên khuyên Reagan không nên thỏa thuận gì với ông ta. Ngày 24/11/1987, nửa tháng trước khi Hiệp ước INF được ký kết, Gates viết một văn thư tuyệt mật cho Reagan, nói rằng:

“Hàng ngũ lãnh đạo Liên Xô đồng ý với nhau về nhu cầu phải hiện đại hóa nền kinh tế, nhưng không hiện đại hóa chỉ để hiện đại hóa hoặc để người dân Liên Xô thịnh vượng hơn, mà để củng cố sức mạnh nội bộ của Liên Xô, để gia tăng quyền lực cá nhân cho ban lãnh đạo, và để tiếp tục củng cố cũng như bành trướng thế lực của Liên Xô ở hải ngoại.

“Hiện có những thay đổi lớn lao đang diễn ra … trong hoạt động ngoại giao của Liên Xô. Nhưng thật khó phát hiện những thay đổi nền tảng, đang diễn ra hoặc có thể xảy ra, trong cách Liên Xô cai trị đất nước hoặc trong những mục tiêu chính yếu của họ ở hải ngoại …

“Đảng Cộng sản Liên Xô chắc chắn sẽ duy trì quyền lực độc tôn của họ … Mục tiêu chủ đạo của công cuộc hiện đại hóa kinh tế – tương tự như cải cách kinh tế Nga dưới thời Đại đế Peter – vẫn chỉ là để tăng cường hơn nữa quyền lực quân sự và ảnh hưởng chính trị của họ mà thôi.

“Người phương Tây trong nhiều thế kỷ đã nhiều lần hy vọng công cuộc hiện đại hóa kinh tế và chính trị – thậm chí cách mạng – của nước Nga sẽ báo hiệu ngày tàn của chế độ độc tài chuyên quyền và là khởi đầu cho cuộc Âu hóa. Cũng nhiều lần kể từ năm 1917, phương Tây đã hy vọng những thay đổi trong nội bộ Liên Xô sẽ dẫn đến những biến chuyển cả về lề lối cai trị cộng sản khắc nghiệt trong nước lẫn trong thái độ hung hăng gây hấn ở hải ngoại. Nhưng những hy vọng này cũng đã bị vứt bỏ nhiều lần …” [2]

*

TIN HAY KHÔNG TIN GORBACHEV?

4.

Tháng 9/1988, hai tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ, CIA tự tin phủ nhận mọi thay đổi quan trọng đang diễn ra trong các nước chư hầu Đông Âu của Liên Xô. Báo cáo mật về tương lai của các nước Khối Warsaw trình lên Reagan có đoạn sau:

“Không có lý do gì để nghi ngờ việc Gorbachev sẽ sẵn sàng can thiệp để bảo về quyền cai trị của Đảng Cộng sản và ảnh hưởng bao trùm của Liên Xô đối với khu vực.

“Với Gorbachev, cũng như với các tiền nhiệm của ông, tầm quan trọng của Đông Âu là điều miễn tranh cãi hoặc phóng đại. Nó là vùng trái đệm, về quân sự lẫn ý thức hệ, giữa Liên Xô và phương Tây, một căn cứ xuất phát cho quyền lực và ảnh hưởng của Liên Xô đối với Châu Âu, và một hành lang để đón nhận thương mại và công nghệ từ phương Tây. Đó là một trụ cột ngoại biên then chốt của chính hệ thống Xô-viết …

“Không có lý do gì để nghi ngờ việc Liên Xô sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ quyền cai trị của Đảng và duy trì vị trí của Liên Xô trong khu vực …

“Tuy Gorbachev cỗ vũ cho viễn kiến về một “Ngôi nhà Chung Châu Âu”, trong đó các nước Châu Âu sẽ hợp tác với nhau ngày càng nhiều, nhưng điều này vẫn ẩn chứa một mức độ độc lập quốc gia nào đó, sẽ khó lòng được Gorbachev hoặc các lãnh tụ Liên Xô khác chấp nhận … Moscow sẽ thấy ngày càng khó để quảng bá Ngôi nhà Chung ở phương Tây vì có thể làm xáo trộn các đường biên giới ở Đông Âu. Bức tường Berlin sẽ tiếp tục còn đó …” [3]

Reagan bác bỏ hầu hết những hoài nghi vừa kể của CIA. Là một Chiến binh Chiến tranh Lạnh kỳ cựu, ông hiểu những hoài nghi kia từ đâu đến.

Sau này Gates nói chỉ có thể có một lý do để giải thích vì sao “Tay Chơi” Reagan* lại bỏ ngoài tai lời khuyên của CIA: Ông ấy bắt đầu lú lẫn vì tuổi già. Gates nói: “Vào nhiệm kỳ thứ hai của ông, chúng tôi có thể nghe ông kể đi kể lại các chuyện cũ mà không có mục đích gì. Tôi nghĩ ông vẫn nắm rất rõ mọi vấn đề, ít nhất là những vấn đề quan trọng, nhưng cái chất lượng mà tôi tin là … thần kỳ trong phán đoán của ông đã ngày càng mai một.” Gates cho biết khi nói chuyện với Reagan vào năm 1987, “tôi có cảm tưởng ông sẽ không thể nhớ tên tôi, chỉ cần sau năm phút.”[4]

*

VĂN VÕ TẢ HỮU AN TOÀN

5.

Bush bổ nhiệm vào các vị trí cao cấp trong chính quyền ông những nhân vật cũng ôn hòa và thực tế như ông.

Ngoại trưởng ông chọn là một bạn thân từ Texas, cũng là người của Đảng Cộng hòa, một nhân vật tinh tế, sắc sảo, gốc gác thượng lưu, từng làm việc trong một công ty luật lâu đời tại Houston, ông James Baker III.

Baker có tóc nhạt màu, tay chân mềm mại, 58 tuổi, từng làm Tham mưu Trưởng trong nhiệm kỳ đầu và Bộ trưởng Tài chính trong nhiệm kỳ thứ hai của Reagan, ông cũng là người điều hành chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của Bush. Dưới thời Reagan, ông nổi tiếng ở Washington như một nhà thuyết khách cứng cáp và biết khai thông bế tắc một cách lão luyện. Lời khuyên đầu tiên của ông dành cho tân Tổng thống Bush là “phải tránh hấp tấp … Những sai lầm lớn nhất, đặc biệt khi bắt đầu nhiệm kỳ, thường là do hối hả làm một điều gì cho có, chứ không phải do quên làm một điều gì đó.”

Tân Cố vấn An ninh Quốc gia, Tướng Brent Scowcroft, từng là tư lệnh không quân và là phó của Henry Kissinger trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Nixon. Scowcroft, người hiếu chiến hơn các đồng nhiệm, đã khuyên Bush phải thận trọng trước khi tiếp tục đầu tư thêm vào Gorbachev. Ông nói: “Khi các lãnh đạo ở Kremlin chọn Gorbachev … rõ ràng họ không nghĩ mình chọn một người sẽ làm đảo lộn hệ thống, mà chọn người sẽ đặt lại hệ thống vào đúng đường của nó. Tính cách của những nhân vật đỡ đầu cho Gorbachev thăng quan tiến chức dường như khẳng định chọn lựa của họ là đúng. Chẳng lẽ họ sai cả sao? … Tôi không nghĩ thế đâu.”[5]

Đối lại, và để bảo đảm sự cân bằng, Bush cũng lắng nghe những tiếng nói khác, đến từ những người tích cực ủng hộ việc nhích lại gần Liên Xô hơn. Có thể kể đến Jack Matlock, Đại sứ Mỹ tại Moscow, cũng là một nhà khoa bảng tài giỏi và trẻ trung xuất thân từ Đại học Standford, và bà Condoleeza Rice, được bổ nhiệm lúc mới 34 tuổi vào vai trò cố vấn cho Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Liên Xô và Đông Âu.

———–

Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.

P.T.

Dịch giả gửi BVN

[1] Tác giả phỏng vấn James Baker, Houston, tháng 9/2007

[2] Văn thư Gates gửi Reagan, Michael Beschloss và Strobe Talbott, At the Highest Level (Little, Brown, New York, 1993), tr. 135

[3] National Intelligence Estimate 11/12-9-98, USNSA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC), Cold War Files

* “Tay Chơi” (“The Gipper”): Biệt hiệu của nhân vật George Gipp do Reagan thủ vai trong phim Knute Rockne, All American, nói về huấn luyện viên đội bóng chày Knute Rockne, chiếu năm 1940.  (ND)

[4] Robert Gates, From the Shadows (Simon & Schuster, New York, 1997), tr. 178

[5] Tác giả phỏng vấn James Baker, Houston, Texas, tháng 9/2007; George H. W. Bush và Brent Scowcroft, A World Transformed (Knopf, New York, 1998), tr. 93-9

 

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.