Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 22
LÃNH TỤ GIÀ VÀ THẾ HỆ TRẺ
HONECKER (ĐÔNG ĐỨC), HỒ HỞI Ở TÂY ĐỨC – KOHL: CHỊU ĐẮNG VÌ ĐỒNG BÀO – HONECKER ĐỔI CHIỀU – DẬY BẢO BÁO CHÍ – RÌNH RẬP, KIỂM DUYỆT, TỰ KIỂM DUYỆT – “QUA BÊN KIA” – HUSAK (TIỆP KHẮC), NHẠC LENNON, KIẾN NGHỊ TUỔI TRẺ – PHÁ ĐẠO VÀ NHẠC ROCK – SỢ HÃI, ĐỒNG LÕA – HUSAK XUỐNG, JAKES LÊN, KÉM CỎI – CỘNG SỰ CÔN ĐỒ – KADAR (HUNGARY), KHUYẾT ĐIỂM LỘ DIỆN – KADAR: ĐỘC TÀI MẤT NGỦ – HẠ BỆ KADAR – KẾT THÚC KHÔNG CÓ HẬU – TIỀN TÂY ĐỨC – VAY TIỀN, CẮN CÂU
***
HONECKER (ĐÔNG ĐỨC)
Bonn. Thứ hai, ngày 7 tháng 9, năm 1987.
HỒ HỞI Ở TÂY ĐỨC
1.
ĐÓ LÀ KHOẢNH KHẮC VINH DỰ NHẤT trong đời Erich Honecker. Khoảng 11 giờ sáng ngày 7/9/1987, chiếc phản lực Ilyushin chở ông đáp xuống phi trường Bonn sau chuyến bay dài 55 phút từ Berlin. Ông rời máy bay, xuống thang, bước trên đường băng, bắt tay các chức sắc chào đón ông, rồi đi duyệt hàng binh danh dự. Quốc thiều Đông Đức được tấu lên, lá cờ Cộng hòa Dân chủ Đức với huy hiệu cộng sản được kéo lên nghiêm trang, và thế là gương mặt thường xuyên nghiêm nghị của vị lãnh tụ Đông Đức giãn ra, nở một nụ cười thật rộng, thật mãn nguyện và rạng ngời thân thiện.
Ông là lãnh tụ Đông Đức đầu tiên được Tây Đức tiếp đón, và như thế thì cuối cùng Đông Đức cũng có được “tư cách quốc tế” họ muốn có hơn bất cứ điều gì bấy lâu nay. Ông Gunter Schabowski, bí thư Đảng bộ Berlin, một trong những nhân vật quan trọng nhất Đông Đức, nhận định: “Đó là thành tựu vĩ đại nhất của Honecker, theo cách nhìn của ông. Quan tâm lớn nhất của ông là Đông Đức phải được công nhận. Nhưng điều quan trọng nhất, hơn cả được các nước trên thế giới công nhận, là Đông Đức được Tây Đức công nhận … Đó là lời tuyên bố Đông Đức có quyền tồn tại, bất khả xâm phạm.”
2.
Honecker cứ thế vui vẻ trong suốt năm ngày còn lại của chuyến đi. Cả khi Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl – người có vóng dáng to lớn, khi đứng cạnh làm Honecker thành nhỏ bé – trong một diễn văn được phát sóng rộng rãi tại Đông Đức, nêu vấn đề rất nhạy cảm là việc tái thống nhất nước Đức, Honecker vẫn cứ giữ vẻ mặt vui tươi như tán thành.
Ông không nói gì trước công chúng về Bức tường Berlin, hoặc về vấn đề biên giới, và đơn giản lúc nào cũng dùng câu cửa miệng mỗi lần được hỏi, đó là: “Hai hệ thống, xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, khác nhau như lửa với nước.” Cả khi nói chuyện riêng, ông cũng mạnh miệng bác bỏ tin cho rằng ông ra lệnh cho quân biên phòng Đông Đức “bắn bỏ” những ai tìm cách đào thoát qua phương Tây. Ông cười, nói với Thủ tướng Kohl: “Chuyện đó không có đâu. Chúng tôi chỉ thực hiện những quy định về biên giới … cũng như ông thôi.”[1]
*
KOHL: CHỊU ĐẮNG VÌ ĐỒNG BÀO
3.
Dịp này, Honecker về thăm nơi mình sinh ra ở Saarland, một cuộc trở về nhiều cảm xúc, rồi đến thị trấn Trier gần đó, cũng là nơi Karl Marx sinh trưởng. Nhưng, nước chủ nhà đón tiếp thì không vui được như ông. Dorothee Wilms, bộ trưởng chịu trách nhiệm về quan hệ Đông và Tây Đức, nhận xét: “Chúng tôi đắng lắm … Kohl nói đó là một trong những dịp khó chịu nhất trong cuộc đời chính trị của ông. Nhưng chúng tôi phải làm thế, để giúp cải thiện hơn nữa đời sống đồng bào tại Đông Đức.”
Chuyến đi lịch sử này suýt nữa thì không thành. Trong nhiều năm trước, dù có nhiều lời đề nghị của Honecker, Liên Xô dứt khoát không cho ông qua thăm Tây Đức vì quan hệ giữa khối xã hội chủ nghĩa và phương Tây đang tồi tệ. Thế là Honecker phải chia chung nỗi buồn với người dân Đông Đức là không được qua Tây Đức. Nhưng cuối cùng Gorbachev đã làm dịu tình hình vì một trong những mục tiêu chính của ông là thiết lập quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Khi có mặt ở các thủ đô phương Tây, Gorbachev rất thường nói đến “ngôi nhà chung Châu Âu của chúng ta.”[2]
*
HONECKER ĐỔI CHIỀU
4.
Khi Honecker trở về Berlin, đáng lẽ có thể nghỉ ngơi với vòng nguyệt quế vừa nhận và tận hưởng chiến thắng, ông lại bắt tay vào việc với sự tự tin mới mẻ, tin rằng chính nghĩa của mình quả là chính nghĩa và tuổi tác không hề làm ông giảm thể lực lẫn trí lực. Thực vậy, ông luôn là tín đồ cuồng nhiệt của thể dục giữ dáng. Ông cho xây cả một phòng tập thể dục mà ông dùng hàng ngày trong cơ ngơi ở Wandlitz, vùng ngoại ô cách Berlin 25 km về phía bắc, và dành phòng tập này cho nhóm hơn 20 đầu lĩnh Đảng đến tập.
Honecker vốn không muốn nghe ai nói về cải cách kinh tế hay nới lỏng tự do, ngược lại, ông thường dấn sâu vào những tín điều cũ kỹ kiểu Stalin, không lạ gì vì ông đã dành cả đời khúm núm trước Moscow và Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên trong đời, ông bắt đầu phê phán Kremlin và ngày càng khinh thường Gorbachev. Ông nói với những người thân tín rằng: “Nếu Gorbachev cứ tiếp tục đà này, chủ nghĩa xã hội sẽ tiêu vong trong hai năm nữa.”
Dù Honecker là một trong rất ít người biết rõ tình hình tồi tệ của kinh tế Đông Đức, ông cứ hành xử như thể nước ông đang là hình mẫu thành công của khối xã hội chủ nghĩa. Không lâu sau chuyến thăm Tây Đức, Honecker đến Liên Xô, tháp tùng Gorbachev đến thăm thành phố công nghiệp Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg, cũng là tên trước Cách mạng 1917, nơi vị Sa hoàng cuối cùng và gia đình bị xử tử). Honecker lên lớp cho lãnh tụ Liên Xô Gorbachev về việc perestroika (tái cấu trúc) đang đi về đâu. Ông bảo Gorbachev: “Này, trong các cửa hàng ở đây, quần chúng chẳng có gì để mua, cả giấy vệ sinh cũng không. Đó là hậu quả của cải cách. Chúng tôi không cần cải cách kiểu đó ở Đông Đức.” Ông cũng nói thẳng với trùm phản gián Đông Đức Markus Wolf rằng: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép những gì đang diễn ra ở Liên Xô xảy ra ở đây. Không bao giờ.”[3]
*
DẬY BẢO BÁO CHÍ
Cũng có vài tiếng nói trẻ hơn trong hàng ngũ lãnh đạo Berlin muốn nới lỏng đôi chút việc kiểm soát truyền thông, nhưng không ai quan tâm đến lập trường của họ. Honecker và các đầu lĩnh thân cận ông – tất cả đều có tuổi trung bình lúc đó là 69 – quyết ra đòn mạnh tay với giới bất đồng.
Kiểm duyệt được thắt chặt hơn. Một trong những tay chân thân cận nhất của Honecker là Joachim Hermann, người nắm ngành tuyên truyền – một vị trí quan trọng trong các nước theo thể chế Dân chủ Nhân dân – từng là tổng biên tập cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng, tờ Neues Deutschland (Nước Đức mới). Hermann có điện thoại bàn nối trực tiếp đến điện thoại đỏ của tổng biên tập tất cả các tờ báo, đài phát thành và đài truyền hình cả nước. Văn phòng của Hermann liên hệ với các cơ quan truyền thông này mỗi ngày ít nhất một lần, đưa ra các chỉ đạo phát sinh từ cuộc họp hàng ngày giữa Hermann và Honecker.
Honecker thường xuyên đích thân duyệt bản in thử hai trang đầu tờ Neues Deutschland, yêu cầu đổi cách dàn trang nếu chưa thích và cắt cúp hình ảnh nếu chưa vừa ý. Điều lạ lùng nằm ở chỗ: Các viên chức chế độ hoặc giới báo chí Đông Đức xem việc lãnh tụ tối cao đích thân bỏ thì giờ ra đọc và sửa bản in thử tờ báo buổi sáng là một việc không hề bất thường.
Ông Schabowski, từng làm tổng biên tập tờ Neues Deutschland, sau này lý giải tình trạng của các nhà báo sống thời “chủ nghĩa xã hội trong thực tế” như sau: “Vai trò của nhà báo là trở thành kẻ biện minh cho nhà cầm quyền. Chức năng quan trọng nhất của họ không phải là cung cấp thông tin mà là tuyên truyền và dạy bảo. Có rất nhiều vụ trực tiếp bóp méo sự thật, làm giả dữ liệu, nhưng đó không phải là việc lúc nào cũng xảy ra. Tác hại kinh khủng nhất của nền truyền thông xã hội chủ nghĩa là cái cách truyền thông … phớt lờ thực tại.”[4]
6.
Không phải vì glasnost (cời mở) thắng thế ở Moscow nên nó sẽ được áp dụng ở Berlin. Lý thuyết gia chủ chốt của Đảng, Kurt Hager, giải thích rõ: “Không phải hễ thấy hàng xóm thay giấy dán tường là ta cũng trang trí lại nhà mình.” Một số báo và tạp chí của Liên Xô bị cấm bán tại Đông Đức, như tờ Sputnik, vì Honecker cho rằng những tờ báo kia ủng hộ cải cách kiểu Gorbachev và điều này mang tính phá hoại. Ông cũng không cho phép người phát ngôn của Đảng trong các cuộc nói chuyện trước công chúng nhắc tới những chữ như perestroika và glasnost.
Vào tháng 1/1988, Honecker tổ chức một cuộc đi săn lớn tại khu săn bắn của ông tại Thuringia cho phái đoàn ngoại giao. Đây là một sự kiện hàng năm và thường có tính chính thức. Dịp này, Honecker đã mời Đại sứ Liên Xô Vyacheslav Kochemasov bước ra ngoài để nói chuyện riêng. Theo lời vị đại sứ thuật lại, Honecker đã nói với ông như sau:
“Tôi muốn nói với anh rằng từ nay trở đi, chúng tôi sẽ không dùng từ perestroika, và tôi muốn anh hiểu tại sao. Anh cứ tự nhiên nói điều đó cho bất cứ ai cần nghe tại Liên Xô. Perestroika là một bước xa rời chủ nghĩa Lenin, và chúng tôi … kiên quyết chống xét lại cách chúng tôi diễn giải lịch sử Liên Xô. Chúng tôi chống lại việc bôi đen và làm sói mòn thành quả của nhân dân Liên Xô. Có một số vấn đề chúng tôi không thể đồng tình. Không ai được nói Stalin tệ hại chẳng kém Hitler, như tờ New Times (Thời đại mới) của các vị nói gần đây. Đó là lý do chúng tôi sẽ không cho phép dịch bài đó qua tiếng Đức … Chúng tôi chống lại việc phá hoại những gì mà hàng triệu người, trong đó có nhân dân Đông Đức, đã tin tưởng bao nhiêu năm nay.”[5]
*
RÌNH RẬP, KIỂM DUYỆT, TỰ KIỂM DUYỆT
7.
Việc kiểm duyệt sách vở cũng diễn ra rất nặng và các văn nghệ sĩ bị tình nghi chống đối đều bị theo dõi ngày càng chặt chẽ.
Mật vụ Stasi đã tăng gấp đôi số gián điệp theo dõi nhà tiểu thuyết Stefan Heym, người đã đào thoát qua Mỹ trong những năm Đức quốc Xã cầm quyền, và khi Thế chiến II kết thúc đã lý tưởng trở về Đông Đức thay vì đến Tây Đức. Thỉnh thoảng trong những ngày trời lạnh, ông vẫn bưng cà-phê trên khay ra mời các anh an ninh đứng gác nhà ông uống cho ấm. Nhưng thiện chí của ông đã phải dừng lại khi biết chính người giúp việc trong nhà là một gián điệp được trả tiền để theo dõi ông và đánh cắp bản thảo của ông đưa cho Stasi sao chép lại.
Các nhà văn Đông Đức đều quen thuộc với một hệ thống kiểm duyệt tinh vi. Cũng như những nơi khác ở Đông Âu, không gì được xuất bản nếu không được chế độ cho phép. Nhà nước làm chủ tất cả 78 nhà xuất bản cả nước. Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, văn học là một phần của kế hoạch nhà nước. Một số nhà văn khấm khá, vì tiền bản quyền họ có hoàn toàn dựa vào số bản sách được in ra chứ không dựa vào số bản bán được cho độc giả. Những tác giả được lòng chế độ thường được in rất nhiều bản cho mỗi đầu sách, dù nội dung sách rỗng tuếch.
Kỳ lạ hơn là các nhà văn có sách bị cấm xuất bản trong khối Đông Âu lại thường được nhà nước cho phép xuất bản ở phương Tây, miễn là họ trả ba phần tư tiền bản quyền và tiền ứng trước cho nhà nước.
Nhà nước cũng quyết định bao nhiêu cuốn sách sẽ được in trong những năm sau, và sách nào thì được in. Dĩ nhiên, điều này không đếm xỉa gì đến tính thời sự của nội dung sách.
Tệ hơn nữa, dưới hệ thống kiểm duyệt ở Đông Đức thì mỗi nhà văn trước khi được in, còn được chỉ định một người “giúp việc”, nửa là biên tập, nửa là đỡ đầu – và thường là nguyên một mật vụ Stasi – người này sẽ làm “bà đỡ” cho tác phẩm đến khi được in. Cấu trúc này tạo ra một hình thức tự kiểm duyệt rất tinh xảo được nhà thơ và nhà tiểu thuyết Gunter Kunert mô tả như sau:
“Là tác giả, chúng tôi luôn tìm cách đoán ý người kiểm duyệt, xem anh ta nghĩ bụng cái gì ‘được’ và cái gì ‘không được’. Điều đó có nghĩa chúng tôi tự đặt mình vào vị trí người kiểm duyệt … Sau vài chục năm làm điều này, chúng tôi hóa quen với ý kiến thứ hai cứ lởn vởn trong đầu mình, đến độ tin rằng tiếng nói đó là của chính mình. Chúng tôi tin rằng mình được tự do viết, được chủ động viết. Nhưng sự thật không phải vậy. Đó là khía cạnh ghê gớm nhất của hệ thống kiểm duyệt – nó cho phép chúng tôi tin mình tự do, và thâm tâm chúng tôi cũng muốn tin đó là thật. Và như thế, chúng tôi vào hùa với sự đàn áp mình đang chịu.”
Trong số những từ ngữ được nhà kiểm duyệt cho là “không được” có những chữ: “Xô-viết”, “glasnost, “cải cách”, và “môi trường”.[6]
*
“QUA BÊN KIA”
Khi đến thủ đô Bonn, Honecker đã thỏa thuận với Tây Đức một điều có tác dụng lâu dài. Nhưng sau đó không lâu, các trợ lý của ông và mật vụ Stasi đều thấy thỏa thuận như thế là sai lầm.
Kể từ khi xây Bức tường Berlin, gần như không một ai – trừ những người có uy thế nhất trong lực lượng an ninh, hoặc các tù nhân chính trị bị bán qua Tây Đức kiếm lời – được phép đi qua phía Tây, dù chỉ ngắn ngày. Giờ đây, theo thỏa thuận, lần đầu tiên Honecker nới lỏng luật lệ và cho phép những người già Đông Đức có thân nhân ở Tây Đức được đi gặp gia đình.
Tuy quá trình xin hộ chiếu rất chậm chạp và phiền hà, nhưng cơ bản dân vẫn được đi, và chẳng bao lâu sau sẽ gây cho chế độ những vấn đề nghiêm trọng. Có thể nói lúc này có hai giai cấp tại Đông Đức: Những người có thể đi, dù đi ngắn hạn, và những người không thể đi.
Những câu chuyện về việc “qua bên kia” trở thành đề tài hầu hết người dân Đông Đức bàn tán quanh bữa ăn mỗi ngày và giấc mơ của hàng triệu người dân giờ đây cứ tập trung quanh việc bỏ nước ra đi.
***
HUSAK (TIỆP KHẮC)
NHẠC LENNON, KIẾN NGHỊ TUỔI TRẺ
9.
Sáng sớm ngày 8/12/1987, công an Tiệp Khắc và an ninh chìm StB bắt đầu bao vây Công viên Kampa, một không gian nhỏ nhưng duyên dáng giữa thủ đô Praha, ngay dưới Cầu Charles.
Đã năm năm nay vào ngày này đều có cuộc tụ tập của hàng ngàn bạn trẻ để tưởng niệm cái chết của nhạc sĩ kiêm ca sĩ John Lennon. Không kể các trận bóng đá, đây là những cuộc tụ tập nơi công cộng đông người nhất tại Tiệp Khắc kể từ Mùa Xuân Praha, thu hút hơn 5.000 người mỗi lần. Hai lần trước đều do Câu lạc bộ Hòa bình John Lennon tổ chức. Cuộc tụ tập bắt đầu như một lễ hội khi các bạn trẻ hát lại các ca khúc của nhạc sĩ quá cố. Nhưng sau đó, đám đông trở nên hỗn loạn hơn, khiến cảnh sát chống bạo động phải giải tán, đánh đập một số người và bắt đi một số không ít.
Năm nay, chế độ định ra lệnh cấm cuộc tưởng niệm này. Nhưng những ‘Lennonist’ (người hâm mộ Lennon), như họ tự gọi, đã trở nên nổi tiếng ở phương Tây nên chính quyền để họ tiếp tục, và ra lệnh cho họ phải bảo đảm cuộc họp mặt không biến thành biểu tình chính trị. Người cộng sản tin rằng họ biết cách đối phó với các nhóm bạn trẻ mà họ cho là những tay hippy, ưa bất mãn, hay phản chiến các kiểu và thích trung thành với một ngôi sao nhạc phổ thông đã chết.
10.
Đầu giờ chiều, khoảng 1.500 người tụ tập tại Công viên Kampa và qua hệ thống âm thanh lớn, các nhạc công chơi nhạc của ban Beatles cùng một số bài hát bị cấm của nhà soạn nhạc Tiệp Khắc Karel Kryl. Một số bạn trẻ nhảy nhót, dù trời gió rất lạnh. Cảnh sát không làm gì, một số cảnh sát còn hát theo các ca khúc Lennon.
Rồi một trong những người tổ chức cuộc tụ tập, Orta Veverka, nhà văn kiêm nhạc sĩ và là một trong những người đầu tiên ký tên vào Hiến chương 77, xuất hiện trên bục phát biểu. Anh đọc điều anh gọi là “một kiến nghị chống vũ khí hạt nhân, chống ‘quân đội anh em’ đang đóng quân tạm thời tại đất nước chúng ta (dù tạm thời … nhưng không biết khi nào dừng), chống lại những biện pháp mà tôi không thích, và tôi đoán các bạn còn lại cũng không thích chút nào.”
Nhiều người nhanh chóng tụ lại quanh anh, nóng lòng muốn xem bản kiến nghị. Cảnh sát xem đây là lúc phải hành động. Họ bắt Veverka và hơn 10 nhà hoạt động, đánh đập một số khác và tuyên bố cuộc tụ tập kết thúc.[7]
11.
Cũng không phải lạ khi sự chống đối lớn tiếng nhất tại Tiệp Khắc đến từ những người trẻ tuổi bất mãn và được thể hiện qua nhạc rock. Một thập kỷ trước đó, nhóm Người Nhựa Vũ trụ đã trở thành chất xúc tác làm bùng nổ bất mãn.
Ngoài giới trẻ bất mãn, tại Praha và Bratislava còn có một số trí thức thích đọc văn chui (samizdat). Trong 10 năm hoạt động ngầm, với sự quan tâm tương đối rộng rãi của truyền thông phương Tây, kiến nghị có tên Hiến chương 77 do trí thức khởi xướng đã thu hút được một nhóm người ủng hộ mới. Đến cuối năm 1988, khoảng 1.000 người có đủ dũng cảm đã ký tên vào Hiến chương 77, và dĩ nhiên thu hút sự chú ý của mật vụ StB.
Hai ngày sau cuộc tụ tập tưởng niệm John Lennon tại Công viên Kampa, những người ký tên vào Hiến chương 77 tổ chức một cuộc biểu tình tại Quảng trường Wenceslas, thu hút khoảng 200 người tham dự.
*
PHÁ ĐẠO VÀ NHẠC ROCK
12.
Nếu so với Ba Lan, nơi Giáo hội Công giáo gần như trở thành một nhà nước độc lập trong lòng nhà nước chính thức, hoặc so với Đông Đức, nơi một số mục sư Giáo hội Luther bắt đầu lên tiếng phản kháng dù còn do dự, có thể nói Tiệp Khắc là một xã hội gần như phi tôn giáo. Điều này một phần có lý do lịch sử. Tín đồ theo đạo ngày càng ít dần kể từ thời Khai sáng tại Châu Âu. Một phần cũng vì chế độ Tiệp Khắc sau Thế chiến II đã thành công trong việc đàn áp, quấy nhiễu và hủ hóa các tôn giáo chính thống.
Giáo hội Công giáo vốn chiếm đa số bị bách hại dữ dội vào thập niên 1950. Các giáo xứ gần như biến mất. Hơn 10.000 linh mục và tu sĩ bị tống vào các trại lao động cải tạo và nhiều người trong số đã không thể sống sót trở về. Giới chức Công giáo buộc phải cho phép Đảng chỉ định ai có thể làm linh mục. Linh mục nào giảng những bài chính quyền không thích thì bị sa thải.
Tòa thánh Vatican cuối thập niên 1970 đã phong cho Linh mục Miloslav Vlk làm Giám mục Giáo phận Hradec Kralove, một trung tâm hành hương quan trọng theo truyền thống Công giáo cách Praha 80 km về phía đông. Nhưng chế độ đã bác bỏ cuộc phong chức này vì giáo xứ của Linh mục Miloslav thu hút quá đông giới trẻ đến nhà thờ. Họ tước luôn giấy phép giảng đạo của Miloslav khiến vị Linh mục phải kiếm sống bằng nghề bán sữa.
Trong khi đó, các giáo hội Tin lành bị tràn ngập bởi những tay trong của công an và nhân viên mật vụ. Tôn giáo không giữ vai trò quan trọng trong đời sống người dân đất Czech, tuy có quan trọng hơn tại vùng Slovakia nơi phần lớn người dân theo đạo Công giáo. Nhưng ngay tại Slovakia, Giáo hội cũng bị đè bẹp.
Khi không có được một tiếng nói trong chính trị hay tôn giáo, giới trẻ đã tìm cách bộc lộ sự bất mãn của mình qua âm nhạc.
*
SỢ HÃI, ĐỒNG LÕA
13.
Sau 20 năm “bình thường hóa” [thời kỳ đàn áp sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Praha 1968], người Tiệp Khắc học được cách sợ. Và họ có nhiều điều phải sợ.
Nhà hoạt động nhân quyền Jiri Wolf bị bỏ tù ba năm rưỡi vì các hoạt động cho Hiến chương 77. Gần như ngay sau khi ra tù, ông viết một lá thư gửi Đại sứ quán Áo tại Praha kể về điều kiện tồi tệ trong nhà tù Tiệp Khắc. Ông bị bắt lại, bị kết tội phá hoại và kết án tù thêm sáu năm nữa.
Như thường lệ, người Tiệp Khắc dùng khôi hài đen để phản ứng lại việc này. Để chống bản án phi lý, người ta truyền miệng câu hài hước trích từ cuốn Anh lính tốt bụng Svejk: “Thật không thể tin nổi một người vô tội bị 10 năm tù … một người vô tội bị năm năm tù nghe còn có lý, chứ 10 năm à? Hơi bị nhiều đấy!”[8]
14.
Ngoài khôi hài, người Tiệp Khắc biết rõ những nguy hiểm rình rập, và nói chung, họ ngoan ngoãn vâng lời. Như Vaclav Havel, người hãnh diện tự nhận mình hâm mộ Lennon, phân tích: Hai thập niên phải cố lãng quên đã tạo ra sự thờ ơ và thói đạo đức giả. Ông viết:
“Số người thành thực tin vào mọi điều guồng máy tuyên truyền chính thức ra rả nói … ít hơn người ta nghĩ nhiều. Nhưng số những hành vi đạo đức giả lại ngày càng gia tăng, đến mức mỗi một công dân, trên thực tế, đều bị buộc phải trở thành đạo đức giả …
“Hiếm khi … có hệ thống xã hội nào lại cho con người cơ hội công khai đến thế và trơ trẽn đến thế, khiến họ sẵn lòng ủng hộ bất cứ điều gì miễn có chút lợi lộc là được, khiến họ bất chấp nguyên tắc và lươn lẹo sẵn sàng làm mọi việc để thỏa mãn khát vọng quyền lực và tư lợi, và khiến bọn xu nịnh bẩm sinh lộng hành đến thế …
“Không lạ gì có quá nhiều chức vụ nhà nước và vị trí có ảnh hưởng được những kẻ háo danh, những tay cơ hội và bọn bất tài khét tiếng, cùng những kẻ có lý lịch hoàn toàn đáng ngờ – nói vắn tắt, bởi những kẻ đồng lõa tiêu biểu với chế độ – chiếm giữ, hơn lúc nào hết.”[9]
*
HUSAK XUỐNG, JAKES LÊN, KÉM CỎI
15.
Việc sắp xếp nhân sự trong chế độ ra sao không là mối quan tâm đáng kể của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ John Lennon, hoặc những nhóm tương tự với tên gọi đại loại như Nhóm Jazz và Hội Cổ vũ cho Hiện tại Vui vẻ. Nhưng các bạn trẻ lại lo ngại vì lãnh tụ Gustav Husak có dấu hiệu mất dần quyền lực.
Một nhóm nhân vật bảo thủ từ lâu đã âm mưu loại trừ Husak khỏi chức vụ Tổng Bí thư Đảng vì lý do, họ nói, là Husak đã 75 tuổi và cho thấy sự yếu kém chết người khi đương đầu với những phần tử chống đối. Tin đồn lan nhanh rằng ông bắt đầu rượu chè say sưa và kiệt sức.
Nhóm bảo thủ đã nhanh chóng tiến hành ý định của họ sau cuộc tụ tập tại Công viên Kampa và cuộc biểu tình của Hiến chương 77 nói trên. Husak cũng không có động thái nào để níu giữ vị trí cũ. Ông thú thật là ông cũng mệt mỏi và đã rời vị trí một cách đường hoàng. Vào ngày 17/12/1987, ông được “đề bạt” lên vị trí có tính nghi lễ là Chủ tịch Nước.
16.
Nhưng khi người dân Tiệp Khắc biết ai sẽ lên thay Husak họ lại thất kinh. Milos Jakes chỉ là một phiên bản trẻ hơn chút ít (lúc này Jakes 65 tuổi) so với Husak lúc ở đỉnh điểm của tính bảo thủ kiểu Stalin.
Milos Jakes tóc đen, mặt tái, tướng vạm vỡ, trước là thợ điện, ông ở trong nhóm những người bảo thủ hạng nặng, căm ghét những cải cách trong Mùa Xuân Praha, đã yêu cầu Kremlin gửi quân qua xâm lăng nước mình, và chịu trách nhiệm trong việc hạ nhục Dubcek [lãnh tụ Đảng, người lãnh đạo Mùa Xuân Praha].
Jakes từng là “trùm săn phù thủy” chịu trách nhiệm những cuộc thanh trừng sau năm 1968, và có thể nói ông đã thực hiện nhiệm vụ với khoái cảm. Lúc bấy giờ, khoảng gần 500.000 Đảng viên Cộng sản bị trục xuất khỏi Đảng; hàng ngàn trí thức, thày giáo, công chức và nhà báo bị sa thải. Ông đích thân giám sát nhiều cuộc phỏng vấn qua đó người dân bị buộc phải ký những cam kết trung thành với nhà nước và với Đảng. Nếu thấy ai do dự, không thành khẩn, ông chắc chắn sẽ làm họ mất việc.
Ông là một người nói trước công chúng kém cỏi, thường lầm bầm và lúng túng đọc những bài diễn văn dài dòng đầy từ ngữ sáo rỗng. Một số quan chức làm việc cho ông rất khinh thường trình độ trí tuệ của ông. Một mẩu chuyện tiếu lâm được truyền tai rộng rãi trong hàng ngũ Đảng viên tại Praha nói rằng: Jakes sẽ thua chắc trong bài trắc nghiệm tìm kẻ nói dối nếu Jakes bắt đầu câu nói bằng hai từ “tôi nghĩ”.
*
CỘNG SỰ CÔN ĐỒ
17.
Những nhân vật chung quanh sắp xếp cho Jakes lên nắm quyền lại có trình độ cao hơn ông, nhưng họ đều đã trên dưới 65 tuổi và đều dính líu đến vụ đàn áp khát vọng tự do vào Mùa Xuân Praha 1968.
Thủ tướng Lubomir Strougal là một tay côn đồ có tiếng, gần gũi với KGB. Vasil Bil’ak, một tay đầu nậu quyền lực then chốt trong Đảng trong 25 năm qua, tin như đinh đóng cột rằng công cuộc “tái cấu trúc” kiểu Gorbachev là phản bội chủ nghĩa cộng sản.
Thượng Nghị sĩ Mỹ John Glenn, trong dịp dẫn một phái đoàn Mỹ đến Praha, hỏi Bil’ak vì sao Tiệp Khắc không cải cách tương tự như Liên Xô. Ông đáp: “Người Mỹ các anh thường tố cáo chúng tôi là bù nhìn của Liên Xô, chỉ mù quáng đi theo gương mẫu Liên Xô. Giờ anh lại tố cáo chúng tôi không theo sát mẫu mực Liên Xô.”
Nhân vật đứng đầu ban tư tưởng Jan Fojtik cảnh báo rằng các Đảng viên có thể bị trục xuất nếu nhắc đến vấn đề Liên Xô xâm lăng Tiệp Khắc. Ông còn nhắc: “Tôi chắc chắn có thể nói chuyện với những người biết điều. Nhưng không thể có đối thoại với những ai chỉ muốn hủy diệt xã hội ta.”[10]
Về phần Liên Xô, họ muốn loại bỏ Husak, nhưng lại chấn động vì sự phất lên của Jakes, người họ biết là chẳng ưa gì những tư duy mới của Moscow. Nhưng đội ngũ của Gorbachev đã không làm gì để ngăn trở Jakes. Điều này cũng cho thấy Gorbachev đã mất hứng thú và không còn quan tâm đến các nước chư hầu Đông Âu nữa.
***
KADAR (HUNGARY)
KHUYẾT ĐIỂM LỘ DIỆN
18.
Khác với nhóm bảo thủ muốn hạ bệ Husak ở Tiệp Khắc như vừa kể, những người muốn ăn tươi nuốt sống lãnh tụ Janos Kadar ở Budapest, Hungary, sáu tháng sau lại là một “bầy cá mập” kiểu khác. Họ là những Đảng viên tinh hoa thế hệ trẻ hơn, họ mất kiên nhẫn vì lãnh tụ già Kadar ngăn cản họ đến gần quyền lực – và họ cũng tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã kết thúc.
Không giống như Ba Lan, nơi cách mạng đi từ dưới lên với phong trào Công đoàn Đoàn kết của công nhân, thay đổi tại Hungary lại đi từ trên xuống. Hành trình rời bỏ chủ nghĩa cộng sản được chính những người cộng sản dẫn đầu.
Kadar đã nắm quyền tại Hungary trong ba thập niên, nhưng đến thời điểm này ông bắt đầu đánh mất cả sự tôn trọng miễn cưỡng ông có được từ khá nhiều đối thủ. “Chủ nghĩa cộng sản hầm nhừ” kiểu Hungary vào thời của nó đã là một đường lối táo bạo và chưa từng có. Nhưng những khuyết điểm của đường lối này giờ đã lộ diện, ai cũng thấy.
*
KADAR: ĐỘC TÀI MẤT NGỦ
19.
Kadar là một nhân vật độc tài, nhưng là một nhà độc tài tương đối tử tế, xét theo chuẩn mực thời Chiến tranh Lạnh. Ông sống khiêm tốn với người vợ tên Maria, và không bị hủ hóa như những nhà độc tài cộng sản khác bởi những cơ ngơi lộng lẫy đầy kẻ hầu người hạ, với những tài khoản ở ngân hàng nước ngoài hoặc thích khoác lên người những bộ vét sang trọng đặt hàng tận phố Savile Row, Anh Quốc. Ông chưa bao giờ để nạn sùng bái cá nhân hình thành quanh mình. Rất khó thấy ảnh của ông nơi công cộng tại thủ đô Budapest, và tờ báo Đảng Nepszabadsag (Dân tộc Tự do) hiếm khi đăng hình ông.
Nhưng ông ngày càng suy nhược và bắt đầu nhìn giống như một lãnh tụ già độc tài kiểu Stalin, dù ông chưa từng là thế. Ông hay quên, thường lập lại chính mình trong các buổi họp và quên mất mình cần nói gì trong những bài nói chuyện dông dài gần như độc thoại. Một số người làm việc cho ông thấy xấu hổ thay ông và mong muốn ông tự nguyện rời vị trí lãnh tụ. Ban đêm, ông dường như không ngủ được, do mặc cảm tội lỗi, như một số bạn ông cho biết, vì vai trò của ông trong cuộc đàn áp dã man sau Cuộc Nổi dậy 1956 và đặc biệt vì ông đã ra quyết định treo cổ đối thủ của mình lúc đó là Imre Nagy [Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Hungary 1953-1955, bị Kadar xử treo cổ năm 1958].
Kadar không suy nhược tinh thần đến độ không nhìn thấy những cải cách theo tầm nhìn của ông đang thất bại. Đáp án của ông là trở lại với con đường chính thống và quen thuộc, ít nhất là trong các chính sách kinh tế. Ông sợ rằng Gorbachev đang phạm phải những sai lầm nghiêm trọng và đang đưa chủ nghĩa cộng sản xuống mồ chôn. Mùa hè 1987, một nhóm các nhà kinh tế và lý thuyết gia cộng sản trình cho ông một lộ trình cải cách rất sâu rộng. Nhưng ông đã gạt bỏ những ý tưởng đó và trục xuất khỏi Đảng những nhà cố vấn đám đưa ý tưởng cải cách.
*
HẠ BỆ KADAR
20.
Những nhân vật trẻ nghĩ rằng cách duy nhất có thể bảo vệ vị trí của họ là hạ bệ Kadar. Đại đa số Đảng viên đều đứng sau lưng họ. Nhưng hạ bệ cả một định chế là một quá trình khó khăn và nguy hiểm.
Người thay thế hợp lý nhất là Thủ tướng Karaly Grosz, một chuyên gia có lập trường trung dung, 57 tuổi, một người đúng nghĩa là Đảng viên kiên trung. Grosz thấp người, giọng sang sảng, thường thận trọng và thực tế, nhưng cũng có thể tàn ác. Người thân cận nhất của ông – dù chẳng bao lâu sẽ trở nên bất đồng gay gắt – là phát ngôn viên cho nhóm cải cách trong Đảng, Imre Pozsgay, một người sôi nổi, vui vẻ, béo và có sức thu hút duyên dáng, người đã dám nói với các nhà báo phương Tây rằng Hungary sẽ “giống như Áo, hoặc có thể giống Thụy Điển”. Đây là những suy nghĩ thuộc loại phạm thượng lúc bấy giờ.
Nhưng, cho dù Đảng viên các cấp đều đồng ý đã đến lúc Kadar phải ra đi, kẻ hạ thủ vẫn cần có sự giúp đỡ và đồng tình từ nước ngoài.[11]
21.
Grosz từng xem Kadar như một người cha trong nhiều năm. Đầu năm 1988, Grosz bảo Kadar rằng đã đến lúc Kadar về hưu vì tuổi cao “để phục vụ quyền lợi của Đảng”. Nhưng Kadar không muốn nghe.
Grosz bèn gửi người trung gian, Guyla Thurmer, chuyên gia của Đảng Cộng sản Hungary về Liên Xô, đến Moscow. Thurmer có một cuộc phỏng vấn ngắn với Gorbachev.
Mặc dù tôn trọng Kadar như môt chính trị gia lão thành trong hàng ngũ cộng sản, Gorbachev cho rằng đã đến lúc Kadar cần ra đi và Gorbachev muốn khuyến khích những người cải cách tại Budapest. Nhưng Gorbachev lại không muốn bị xem là can thiệp vào chuyện nội bộ Hungary. Gorbachev tiếp tục nhắc rằng đã qua rồi những ngày Liên Xô đích thân lựa chọn người sẽ là lãnh tụ tại các nước khác. Ông nói với Thurmer, bằng ngôn ngữ ngoại giao khéo léo, rằng Kadar là một người xuất sắc “luôn biết cần làm gì trước một tình huống lịch sử như thế”. Ông cũng thêm rằng: “Nhưng đây là những đề nghị hoàn toàn không chính thức”.
Khi trở về Budapest, Kadar hỏi lãnh đạo Nga nói những gì, Thurmer tường thuật nguyên văn lời Gorbachev. Ông kể: “Kadar nghe tôi nói, nhưng không bình luận gì hết.”
*
KẾT THÚC KHÔNG CÓ HẬU
22.
Cuối tháng 2/1988, Chủ tịch Nhà nước Liên Xô Gromyko đến thăm Budapest. Kadar lại nói với Gromyko ông dự định cầm quyền đến năm 1990. Khi các cố vấn của Gorbachev biết điều này, họ liền cảnh báo Gorbachev rằng nếu Kadar tiếp tục bám víu quyền lực thì tình hình Hungary “sẽ biến động nghiêm trọng”.
Nhà lý thuyết hàng đầu của Đảng Cộng sản Liên Xô, Vadim Medvedev, nói với Gorbachev rằng Kadar nên được thuyết phục để từ chức và Grosz nên được ủng hộ để lên thay, nhưng tất cả phải làm “đúng theo chuẩn mực quy định về quan hệ giữa hai Đảng”.
Khi Thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov đến Budapest vào tháng 4/1988, Kadar hỏi Ryzhkov ông nên làm gì cho tương lai mình. Ryzhkov trả lời thẳng thừng: “Ông nên từ chức.” Kadar cay đắng đáp: “Ngay cả ông cũng nói vậy sao?”
Gorsz điên tiết, ngay tháng 4/1988, ông nói thẳng trước công chúng về “luật sinh học tự nhiên” đã ảnh hưởng đến các lãnh tụ lão thành ra sao. Tối ngày 2/5/1988, Kadar mời Grosz vào văn phòng và nói mình sẵn sàng từ chức.
Nhưng rồi, Kadar lại tiếp tục trì hoãn. Ông không rời bỏ chức vụ nếu Liên Xô không can thiệp trực tiếp. Phó giám đốc KGB, Vladimir Kryuchkow, đã phải sắp xếp việc này. Kryuchkow từng là nhà ngoại giao kiêm tình báo tại Hungary trong Cuộc Nổi dậy 1956 và biết lãnh tụ Kadar của Hungary từ những ngày đau đớn và đầy bạo động ấy. Kryuchkow dàn xếp một thỏa thuận để Kadar nắm một chức vụ có tính nghi lễ mới, Chủ tịch Đảng, nếu Kadar từ chức một cách tử tế.
Nhưng đến mức đó rồi mà Kadar vẫn tham quyền cố vị. Đến ngày 20/5/1988, trong phiên họp Đảng tại dinh thự khổng lồ của nghiệp đoàn ngay trung tâm Budapest, Kadar vẫn đưa ra những tuyên bố dông dài để biện minh cho việc làm của mình. Ông nói xong nhưng chẳng ai phản ứng, tất cả đều im lặng. Trong chính đêm đó, Grosz trở thành lãnh tụ Đảng thay thế Kadar.
Vào những giây phút cuối cùng, Kadar ở lại trong sảnh đường, không nói chuyện với bất cứ ai, chờ vợ đến đón về nhà. Có thể nói đó là một kết cuộc thảm hại cho một sự nghiệp khác thường và cũng đầy kịch tính.[12]
*
TIỀN TÂY ĐỨC
23.
Chính quyền Tây Đức giữ một vai trò quan trọng trorng việc hạ bệ Kadar.
Trong khi Grosz đang đi những nước cờ của mình thì Horst Teltschik, cố vấn chính sách ngoại giao của Thủ tướng Helmut Kohl, nói với phe dự tính đảo chính rằng nếu họ thành công trong việc hạ bệ Kadar và bắt đầu cải cách kinh tế “thì chính quyền Tây Đức sẽ ủng hộ chương trình này … bằng các khoản tín dụng tài chính … Chúng tôi giữ lời hứa … bằng hình thức tín dụng trị giá một tỉ Đức-mã.”
Tại sao chính quyền Tây Đức lại giúp lật đổ một lãnh tụ lâu đời của Hungary? Teltschik trả lời: “Điều chúng tôi làm là để ủng hộ chính sách cải cách ở bất cứ nơi nào có cải cách, nhưng rõ ràng là … chúng tôi hy vọng việc này sẽ gia tăng áp lực lên Đông Đức.”
Để đáp lại, các lãnh tụ mới ở Budapest được cho rằng sẽ cung cấp cho Tây Đức những thông tin mật về khối Warsaw, và như thế trên thực tế, biến Hungary thành một tổ chức gián điệp của phương Tây. Điều này từ đó đến nay bị bác bỏ nhưng nghi vấn có thể kéo dài, cũng không có chứng cớ để chứng minh đó là thật. Nếu là thật, đây sẽ là một trong những “thuyết âm mưu” ly kỳ bậc nhất về sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.[13]
*
VAY TIỀN, CẮN CÂU
24.
Tiền do Tây Đức cung cấp được dùng thẳng vào việc trả lãi cho những khoản nợ nước ngoài chưa trả, theo giải thích của Miklos Nemeth, nhà kinh tế 41 tuổi, người kế vị Grosz trong vai trò Thủ tướng Hungary.
Nemeth trước đó đã nhận ra vấn đề, ông nói: “Nói tóm tắt, mọi sự liên quan đến chủ nghĩa cộng sản đều hỏng. Lúc đó chúng tôi đã đi đến bờ vực phá sản, cận kề khủng hoảng toàn diện. Việc giết chết khối xã hội chủ nghĩa, giết chết hệ thống cộng sản chủ nghĩa, bắt đầu vào giây phút các ngân hàng và định chế tài chính phương Tây cho các nước như Hungary vay tiền. Ngay lúc đó chúng tôi đã cắn câu.”
Đó là nhận định của Nemeth, được bổ nhiệm làm Thủ tướng chế độ cộng sản Hungary, một người khôn ngoan sắc sảo, nhìn nghiêm nghị, nói năng nhỏ nhẹ. Nemeth nói tiếp: “Nhưng tôi biết rằng dưới chế độ độc đảng, không có cách nào để cuộc sống tốt hơn, để cải cách thành công. Nếu bạn muốn thành công trong những cải cách cơ bản, bạn phải thực hiện những thay đổi lớn lao, không chỉ trong kinh tế mà còn về chính trị nữa. Điều đó có nghĩa phải lật đổ hệ thống cộng sản.”[14]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
Dịch giả gửi BVN
[1] Phỏng vấn Gunter Schabowski cho chương trình truyền hình nhiều tập “Fall of the Wall” năm 1999, tại LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 6
[2] Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 17
[3] Markus Wolf và Enne Mc Elvoy, Man Without a Face (Times Books, London, 1997), tr. 198
[4] Gabriel Partos, The World that Came in from the Cold (Royal Institute of International Affairs, London, 1993) tr. 136
[5] Charles Maier, Dissolution: The Crisis of Communism and the End of East Germany (Princeton University Press, 1997), tr. 96
[6] Anne Mc Elvoy, The Saddled Cow (Faber & Faber, London, 1992), tr. 156
[7] Tác giả trò chuyện với Ondrej Soukoup, Praha, tháng 8/2007
[8] Timothy Garton Ash, The Uses of Adversity: Essays on the Fate of Central Europe (Granta, London, 1989); tác giả trò chuyện với Michael Kocab, Praha, 2007
[9] Vaclav Havel, thư gửi ông Husak, trong Open Letters 1965-1990 (Faber & Faber, Lomdon, 1988), tr. 86-8
[10] Tác giả trò chuyện với Jaques Rupnik, Praha, tháng 8/2007
[11] Tác giả trò chuyện với Miklos Haraszti, Budapest, tháng 6/1992
[12] Về cuộc đảo chính lật đổ Kadar, xem Tibor Huszar, Janos Kadar, Politikai Eletrajza, 1912-1956 (Szabad Ter, 2001); Roger Gough, A Good Comrade (IB Tauris, London, 2006); và tác giả trò chuyện với Haraszti, Budapest, tháng 9/1990
[13] Phỏng vấn Horst Teltschik, Cold War series, LHCMA, box 9; và Gyula Thurmer, Nem Kell NATO (Progressio, Budapest, 1995)
[14] Phỏng vấn Nemeth, Cold War series, LHCMA, box 8