Một giảng viên đại học, một ông bí thư, một thằng bán cà rem hay một ả lượm rác… đều rất bình thường khi có ước muốn chuyển nơi ở từ ngoại ô của mình vào trung tâm thành phố!
Trong giao dịch xưa nay hay “kinh tế thị trường” hiện nay, muốn trao đổi thành công người ta luôn nắm rõ khái niệm “vật ngang giá”. Vật ngang giá có thể là vàng, là tiền, là đất, là trình độ, là tình dục, là “gia đình chính sách”, là chức vụ của ông bố, bà mẹ…
Nhưng với cái khát khao của một đô thị đang hướng tới văn minh hiện đại, với cái thương hiệu được bơm thổi liên tục là “đáng sống” thì khái niệm công bằng phải được hiểu theo nghĩa đen, tức là “cô muốn miếng đất ở trung tâm đó, cô cứ bỏ tiền ra mua, nếu đúng giá, được giá tôi sẽ bán”. Nhưng lấp liếm thay, khái niệm công bằng này lại được theo nghĩa tùy tiện, nghĩa bóng. Vì thế, chỉ vài “cái đơn”, một miếng đất vườn thành đất xây dựng, chỉ vài “cái đơn” miếng đất xây dựng kia thành đất phân lô tái định cư, rồi cũng vài “cái đơn” đất phân lô tái định cư kia thành đất vàng trung tâm thành phố…
Làm gì mà sai được khi cấp dưới muốn nhận định về cấp trên, làm gì mà sai được khi mà “kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó” không bao giờ nhận mình là sai… Vì thế nó rất bình thường, nó bình thường như câu phát ngôn của vị lãnh đạo kia, cái bình thường mà trong cái thành phố gần triệu dân này chỉ có vài người như cô con rượu của ông mới làm được. Nó bình thường đến nổi chỉ vài cái đơn, một “vật ngang giá” vài trăm triệu đã được “hợp thức hóa” thành “vật ngang giá” gần chục tỉ đồng.
Đúng vậy! Chính vì cái cảm giác rất bình thường kia mà mấy chục năm nay, hàng hàng lớp người kéo nhau lăn lê bò lết từ địa phương ra đến trung ương khiếu kiến, mất nhà cửa, mất công ăn việc làm, mất cả tương lai…
Một sự bình thường mang màu trơ trẽn!
P.B.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150719/mot-su-binh-thuong-mang-mau-tro-tren