Tranh chấp đất đai tại Hải Dương – Sự thật và an dân

Nhà báo Trần Phan người nước nào vậy ta? Bác hẳn là người Việt gốc Tây gốc Tầu gì đó chứ không phải là người Việt xịn, chí ít thì bác cũng không sinh ra và lớn lên “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” như đa số các nhà báo cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bởi thấy bác trong sáng hồn nhiên quá. Bác ngạc nhiên khi thấy ông Phó chủ tịch ủy ban nhân dân và ông Phó công an huyện Cẩm Giàng nói dối cấp trên rằng “không có chuyện xe xúc cán người” trong lúc cả thế giới đã biết chuyện.

Xin thưa với bác rằng nói dối đổi trắng thay đen là chuyện thường ngày ở huyện, ở tỉnh, ở trung ương. Bác có biết Lê Văn Tám là chú bé ảo, chú đốt một kho xăng ảo không? Thế rồi Lê Văn Tám bỗng hóa thành người thật, anh hùng hẳn hoi, tên chú trở thành tên công viên, tên đường, tên trường. Nếu muốn, người Việt ta có thể biến chú thành danh nhân văn hóa thế giới như chơi. Hồi chống Mỹ, ngày nào đài báo cũng đưa tin bắn rơi vài ba, thậm chí cả chục chiếc thần sấm, con ma. Có một bác lẩn thẩn cộng số máy bay rơi lại thành con số vạn, nhiều hơn toàn bộ số máy bay đã bị bắn rơi và máy bay đang bay của Mỹ trên toàn thế giới cộng lại! Điện Biên Phủ chỉ thấy đăng tin quân Pháp chết như ngả rạ, còn bên ta cho đến nay vẫn chưa ai biết có tất cả bao nhiêu người đã ngã xuống ở Điện Biên.

Bác Trần Phan sống ở nước ngoài, đâu biết rằng ở Việt Nam nói dối là bình thường, không nói dối mới là bất bình thường. Ông Phó chủ tịch huyện và ông Phó công an huyện nói dối là bình thường, có gì mà nhà báo Trần Phan phải ngạc nhiên. Bác có tin hàng vạn cán bộ quan chức Hà Nội gần như không có ai tham nhũng không? Đây là thông báo thật 100% của lãnh đạo Hà Nội với nhân dân cả nước đấy. Những người Hà Nội chúng ta có thể tự hào rằng thủ đô ngàn năm văn hiến là thủ đô trong sạch nhất thế giới! Tuy nhiên, có điều này thì đáng ngạc nhiên thật: có một ông Tây nào đó mơ ước sau một giấc ngủ sẽ biến thành người Việt!

Không biết ông Tây ham hố điều gì ở người Việt? Hay là ông ấy mong trở thành người Việt để được nói dối thả cửa? Xin nhắn với ông rằng: Đừng có mà tưởng bở? Nói dối ở Việt Nam không “dễ xơi” đâu. Nói dối cũng phải đúng đường lối của Đảng. Xin có lời khuyên ông bằng câu ca dao “rất độc” của người Việt:

Con trong lờ rưng rưng nước mắt

Con ngoài lờ ngút ngoắt muốn vô.

Khuyên ông vậy cũng là sai đường lối của Đảng rồi đó!

Bauxite Việt Nam

Đoạn video clip gây xôn xao dư luận cho thấy nạn nhân nằm dưới bánh của máy xúc.

Tờ báo in Tuổi Trẻ số 183/2015 (8008), ngày 11/7/2015, trang 3, đăng tin “Tranh chấp đất đai, máy xúc chèn 1 người dân”. Nội dung tin là chính quyền huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, xây dựng khu công nghiệp, đất xây dựng được tịch thu của người dân với giá đền bù 65 ngàn/m2. Năm mươi sáu hộ dân không chịu nhận đền bù và bàn giao đất với cái giá đó. Họ chặn đơn vị thi công tiến vào khu đất. Xô xát xảy ra, bánh xích của chiếc xe xúc đã cán lên người một phụ nữ khiến bà bị gãy xương tay và vỡ xương quai hàm. Nạn nhân được đưa vào nhà thương huyện rồi sau đó phải chuyển lên nhà thương Việt-Đức. Video clip được báo mạng tung ra vài ngày trước đó cho thấy nạn nhân nằm hẳn dưới bánh xích của chiếc xe.

Tuy vậy, ông phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân và ông phó trưởng công an huyện Cẩm Giàng vẫn nhất định tuyên bố rằng không có việc xe xúc cán người. Người dân tại chỗ cho rằng chính quyền nói dối, còn dân chúng ở xa thì không tin các tuyên bố đó. Với một vụ việc lớn như thế, như thường lệ, báo chí lề phải đưa tin một cách chần chờ và rụt rè sau các báo lề trái…

Đã có những bàn tán trong xã hội với rất nhiều phẫn uất về lập trường, thái độ và cách hành xử của nhà cầm quyền. Các chủ đề bàn tán là sự vô nhân tính trong cách hành xử đó; thái độ che giấu sự thật và phản ứng lại dư luận xã hội một cách khuất tất; thái độ vô cảm của chính quyền đối với nỗi đau cùng cực của dân; chính sách “đất đai sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lí” không phù hợp với thực trạng xã hội và gây ra bao nhiêu bóc lột và oan khuất của giới có chức quyền trên người dân đói nghèo, cô thế…

Năng lượng của lòng dân uất hận đang tích dần để trở thành bão lớn. Người viết nghĩ rằng dù muộn màng cũng còn kịp cho một sự điều chỉnh để tránh đổ vỡ.

Các nhà báo có thể đóng góp cho sự điều chỉnh này. Cần biết bao những bài phóng sự, điều tra về thực trạng và thực chất của sự việc. Đề tài thì rất nhiều. Thí dụ về các đề tài trực tiếp có thể là: Diễn tiến sự việc của buổi cưỡng chế; thực hư của việc xe xúc cán người; ai thuê đơn vị thi công; nguồn gốc khai phá miếng đất; giá thị trường và giá đền bù… Thí dụ về các đề tài ở tầm mức cao và căn bản hơn có thể là: Quá trình hình thành quyết định thành lập khu công nghiệp, chọn địa điểm và thu hồi đất; lật lại các phóng sự vụ Tiên Lãng-Đoàn Văn Vươn, vụ Văn Giang; tổng kết các vụ việc đã xảy ra do thu hồi, cưỡng chế đất; lòng dân đối với chính sách “đất đai sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lí” vv…

Trong quá khứ, cách nhà cầm quyền kiên trì bảo vệ chính sách “đất đai sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lí” bất chấp các phản biện rộng khắp xã hội; cách nhà cầm quyền phản ứng, đối phó và đàn áp người dân phản đối việc tịch thu và cưỡng chế đất của họ, thậm chí dùng lực lượng võ trang hùng hậu; cách nhà cầm quyền đưa tin về vụ việc… đã khiến người dân không còn tin tưởng các tuyên bố chính thức của nhà cầm quyền. Thực tế là đã có rất nhiều các tuyên bố, thông báo của chính quyền, các bài báo thuộc về chính quyền mà về sau dân chúng thấy là không trung thực, giấu giếm và bóp méo thông tin.

Khi nhà cầm quyền không còn được quần chúng tin tưởng, cách tốt nhất để khôi phục lòng tin là để chính người dân điều tra và công bố kết quả. Rất tiếc là cho tới nay nước Việt Nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa vẫn còn đặt nền báo chí tư nhân ngoài vòng pháp luật. Trên thực tế, báo chí tư nhân có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết và đa cực hóa các nguồn thông tin, khiến một sự việc được quan sát dưới những góc độ khác nhau, từ các quan niệm và bởi các thành phần xã hội khác nhau… Từ đó mà dân chúng có thể tiếp cận thông tin ở vị thế gần với Sự Thật nhất. Đó là phương cách hữu hiệu để an dân.

Khi dân chúng tiếp cận được Sự Thật, các ý kiến họ bày tỏ sẽ ôn hòa và xây dựng hơn. Công luận minh bạch, lòng dân rõ ràng, công việc của nhà cầm quyền trở nên đơn giản hơn rất nhiều: vạch ra các chính sách và thực thi các kế hoạch hợp lòng dân. Sự Thật được minh bạch cũng sẽ góp phần vào việc ngăn chặn các vụ việc như “máy xúc chèn người dân” xảy ra trong tương lai.

Các chính thể thực sự Vì Dân luôn thực lòng xem việc đưa Sự Thật tới người dân là trách nhiệm hết sức quan trọng. Việc thương tâm vừa xảy ra ở Hải Dương thực là đáng tiếc. Chúng ta có quyền hi vọng rằng phản ứng của xã hội sẽ khiến chính quyền nhận thức được tầm quan trọng của việc minh bạch thông tin một cách trung thực. Và có thể đây sẽ là một trong những bước khởi đầu cho việc công nhận báo chí tư nhân.

T.P

Nguồn: http://www.voatiengviet.com/content/tranh-chap-dat-dai-tai-hai-duong-su-that-va-an-dan/2863268.html

 

This entry was posted in Nông Thôn. Bookmark the permalink.