Nông dân chỉ còn mạng cùi và những lá cờ đỏ sao vàng bảo vệ đất của mình không bị thu hồi với giá đền bù rẻ mạt như ăn cướp. Giờ đây, cả cờ cả mạng bị nghiền dưới xích sắt, để chính quyền có đất đưa cho những thằng tư bản, những kẻ mà nông dân đã đem mạng ra chống lại dưới lời kêu gọi của những lá cờ này.
Clip máy xúc cán người ở Cẩm Điền – Hải Dương
Sáng ngày 10/7/2015, trên mạng loan truyền một clip với đề tựa là “Máy xúc cán người ở Cẩm Điền – Hải Dương”.
https://www.youtube.com/watch?v=ReOIIdHhKDc
Xem xong clip, tôi kinh sợ vì hình ảnh ghê rợn khủng khiếp của nó: Hình ảnh của nhiều người phụ nữ đang kinh hoàng la hét, cố gắng nháo nhào một cách bất lực đẩy vào bánh xe cuốc, và hình ảnh một người đang bị xe cuốc cán ngang đầu và ngực chỉ còn ló hai chân ra ngoài.
Dân tố cáo máy xúc cán người
“Chiều 10.7, PV Lao Động đã về KCN Cẩm Điền ghi nhận về vụ việc. Tại đây, vẫn còn hàng chục người dân đang đứng bảo vệ hiện trường, 1 chiếc máy xúc cũng được giữ lại. Hàng chục người dân đồng loạt tố cáo những người thuộc nhà thầu thi công đã bất chấp tính mạng của người dân, cho máy xúc lao thẳng vào người dân. Hậu quả làm bà Lê Thị Trâm, 56 tuổi, tại thôn Hoàng Xá bị máy xúc chèn qua người.”. (Lao động)
Bà Lê Thị Châm bị trọng thương
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Hồng Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: “Theo thông tin báo cáo từ Công an huyện Cẩm Giàng gửi UBND huyện, bà Châm bị gãy xương bả vai, chấn thương vùng mặt và người”. (Tuổi trẻ)
Bà Lê Thị Châm tại bệnh viện. Ảnh FB Thảo Gạo
Có clip là vật chứng, có nhân chứng, có nạn nhân nhưng công an huyện Cẩm Giàng lý luận hàm hồ để khẳng định xe cuốc không cán người.
Đây là chương trình truyền hình Hải Dương về cuộc hợp báo do Chủ tịch tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì.
https://www.youtube.com/watch?v=IKd18T_ZfF0
Chính quyền huyện Cẩm Giàng nói xe không cán người
Trung tá Nguyễn Trọng Hiển với lý luận độc chiêu: Xe cán phải chết, không chết xe không cán. Ảnh báo Lao động
“Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Lê Huy Kiên – Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền – cho biết: Lúc 8h chúng tôi nhận được thông tin giữa công ty với người dân xảy ra vụ việc làm chết người. Tuy vậy, sau khi xác minh tại hiện trường, lực lượng công an xã báo lại là không có chuyện người dân bị máy xúc chèn mà chỉ có vụ va chạm giữa người dân với lực lượng thi công. Một người dân va vào máy xúc, bị thương hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương với vết thương gãy khuỷu tay, chấn thương sọ não.” (Lao động)
“Chiều 10.7, trao đổi thông tin tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, PV Lao Động đã đặt câu hỏi về tính xác thực của clip người dân bị chèn nửa người dưới bánh xích đang lan truyền trên mạng Internet. Trung tá Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cho biết: “Để thẩm định tính xác thực của clip trên phải có cơ quan chuyên môn thẩm định”.
Trung tá Hiển cho biết: Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan CSĐT Công an huyện đã có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường. 2 người bị thương trong vụ việc là chị Lê Thị Trâm, 56 tuổi, tại thôn Hoàng Xá, được điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Hải Dương; anh Nguyễn Văn Sinh, SN 1973 (công nhân lái máy xúc) hiện đang điều trị tại Viện quân y 7. Chúng tôi khẳng định không có việc xe máy xúc đè qua người dân. Xe máy xúc với trọng lượng 17-18 tấn chèn qua người thì không ai có thể sống sót được”. (Lao động)
Ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện trả lời báo Tuổi Trẻ Online: “Những hình ảnh trong clip của người dân không đúng, có thể do góc họ quay hay làm cách gì để thành như thế. Phía công an huyện và các phòng chức năng xuống hiện trường báo về không có chuyện xe chèn qua người, chèn qua thì sao sống được”. (Tuổi trẻ)
VTC chứng minh clip phát tán là thực
Báo điện tử VTC News đã tìm đến những người quay clip, không phải 1 người mà đến 2 người quay clip, nhưng bài báo không nói rõ là 2 người cùng quay hay 2 người quay 2 clip riêng biệt.
“Anh Q.T.N, (SN 1978, thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, Cẩm Giàng, Hải Dương), người quay clip vụ xô xát kể lại, sáng 10/7, có khoảng 40-50 người đàn ông lạ mặt (tuổi đời từ ngoài 20 đến 45 tuổi trở lại) xuất hiện tại khu vực bà con đang lập ‘chốt’ ngăn cản không cho đơn vị thi công.
Khi máy xúc tiến vào cũng là lúc những người lạ mặt này lao đến nhổ hết cờ Tổ quốc người dân đã cắm trước đó. Chiếc máy xúc cứ tiến vào lại lùi ra và một số người lạ mặt đe dọa nếu không tránh ra máy xúc sẽ cán chết. Tuy nhiên người dân không kiên quyết đứng chặn đầu máy xúc không cho tiến vào.
Người lạ mặt ngồi trên máy xúc lớn tiếng chửi bới người dân và đe dọa. Đồng thời, chiếc máy xúc cứ lừ lừ tiến vào phía trước nơi người dân đang đứng chắn.
“Một nhân chứng khác là anh H.C.N, SN 1974, người trực tiếp quay clip máy xúc chèn vào người bà Lê Thị Châm, (SN 1960,trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương) cho biết, người thợ lái máy chính điều khiển máy xúc đang tiến vào thì người dân đứng cầm cờ chặn đầu máy và hô “không được lái máy vào” nên người này đã dừng lại và nhảy xuống khỏi máy.
Tuy nhiên, một người đàn ông lạ mặt nhảy lên cabin và yêu cầu người thợ lái máy xúc lên khởi động, hướng dẫn cho người này cách lái máy.
Sau đó cả 2 cùng ngồi trên cabin điều khiến chiếc máy xúc tiến về phía người dân, một lát thì người thợ lái chính nhảy xuống còn người kia tiếp tục điều khiển chiếc máy xúc tiến về phía người dân.”
Khi máy xúc đang tiến về phía trước thì bà Châm bị ngã xuống đất nên chiếc máy xúc chèn vào bà Châm, mọi người kêu gào thất thanh ‘kẹp chết người rồi’ và lấy đất, cát ném người đàn ông lạ mặt thì chiếc xe mới chịu dừng lại.
Sau đó, người này nhảy khỏi cabin và bỏ chạy. Bà Châm nằm bất tỉnh dưới bánh xích xe máy xúc, nhiều người dân lao vào nâng bánh xích để cứu bà Châm nhưng bất thành.
Chỉ đến khi người thợ chính lái máy xúc nhảy lên buồng lái điều khiến cho chiếc máy xúc lùi lại phía sau người dân mới kéo được bà Châm ra và đưa đi cấp cứu trong sự bàng hoàng đến tột độ.” (VTC News)
Cách hành xử của chính quyền Hải Dương quá tệ
Mọi việc bắt đầu từ clip quay cảnh xe cuốc cán người, không cần phải học nghiệp vụ công an cũng biết rằng: Phải nhanh chóng xác minh clip là thực hay cắt ghép.
Nếu clip là thật phải bắt tên lái xe, nếu clip là giả phải bắt người phát tán.
Chưa xác minh clip, đã tổ chức hợp báo là hành động hấp tấp, nông nổi của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.
Chưa xác minh clip, mà tuyên bố không có việc xe cán người, là hành động vô trách nhiệm của Trung tá Nguyễn Trọng Hiển, Phó trưởng Công an huyện Cẩm Giàng.
Chưa xác minh clip, đã tuyên bố clip không đúng, người dân đã cắt ghép clip mới như thế, là hành động dối trá của ông Nguyễn Văn Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng.
Chưa xác minh clip, đã tuyên bố người dân va vào máy xúc bị thương chứ máy xúc không cán người, là hành động dối trá của ông Lê Huy Kiên – Chủ tịch UBND xã Cẩm Điền.
Một cán bộ vô trách nhiệm nông dân đã khổ, một đống cán bộ từ trên xuống dưới vô trách nhiệm dân tránh đâu cho khỏi bị cán dưới bánh xích xe cuốc.
Một cán bộ vô trách nhiệm nông dân đã khổ, một đống cán bộ vô trách nhiệm xem ra đã có một sự toa rập.
Bà Lê Thị Châm may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng nông dân Lê Thị Châm đã bị sự dối trá giết chết bên cạnh lá cờ hồng.
H. K.
Tác giả gửi BVN.