Tham vọng của Nga và Trung Quốc là muốn thay đổi hệ thống tài chính quốc tế hiện nay.
Nhóm BRICS – trong đó bao gồm năm nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã đưa ra một chính sách tăng cường hợp tác sau khi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh tại thành phố trung tâm của Nga là Ufa.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp, ông kêu gọi chính quyền các thành viên BRICS tăng cường ảnh hưởng của mình đối với nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại quan điểm của ông rằng quy luật kinh tế quốc tế phải được thay đổi để đáp ứng các trạng thái tăng trưởng của các vấn đề toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái). Ảnh Rian.
Theo nhận định của tờ Yomiuri Shimbun, những tuyên bố trên có thể được xem là sự tiết lộ rõ ràng tham vọng của Nga và Trung Quốc muốn thay đổi hệ thống tài chính quốc tế hiện đang xoay quanh Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các trung tâm tài chính Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Tờ báo Nhật Bản cho rằng, Ngân hàng Phát triển mới do các nước BRICS thành lập dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 12 năm nay, cùng với Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng dường như là những phương tiện để Trung Quốc và Nga thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trong các nước mới nổi và đang phát triển để qua đó làm tăng ảnh hưởng của họ.
Lợi ích xung đột
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, các nước BRICS đã “lên án sự can thiệp quân sự đơn phương và trừng phạt kinh tế vi phạm luật pháp quốc tế”.
Tuy nhiên theo tờ Yomiuri Shimbun, việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố bá quyền và tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trái phép trên Biển Đông là một động thái gây mất ổn định an ninh trật tự thời hậu chiến. Tờ Yomiuri Shimbun cũng lên án lập trường và hành động của Nga trong vấn đề Ukraine.
Tờ báo Nhật Bản cho rằng, nếu Trung Quốc và Nga không thay đổi chính sách cứng rắn, cộng đồng quốc tế sẽ không ngừng chỉ trích họ.
Sau cuộc họp BRICS, một hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã được tổ chức tại Ufa. Nhóm này bao gồm Trung Quốc, Nga và bốn nước Trung Á, bao gồm Kazakhstan.
Yomiuri Shimbun cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng khuôn khổ SCO để thực hiện sáng kiến “con đường tơ lụa”. Nhưng ở Trung Á, lợi ích của Trung Quốc xung đột với lợi ích của Nga, của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Moscow dẫn đầu.
Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định rằng hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác bằng cách tích hợp hai kế hoạch phát triển kinh tế vùng riêng của mình, nhưng trong thực tế, sự hiện diện của Trung Quốc đang lấn át của Nga.
Trung Quốc và Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc cùng nhau trong bối cảnh hai bên đã có sự rạn nứt về lòng tin. Tuy nhiên, theo Yomiuri Shimbun, Mỹ và các nước khác, bao gồm Nhật Bản, cần phải theo dõi chặt chẽ các động thái trên của họ.
Nguồn: http://tintuc.vn/the-gioi-24h/nga-va-trung-quoc-dang-thach-thuc-trat-tu-kinh-te-an-ninh-the-gioi-59399