Sáng 12/7/2015, tôi ra phi trường Tân Sơn Nhất để bay chuyến bay VJ801 lúc 11h15 đến Bangkok, Thái Lan tham dự khoá huấn luyện ba ngày do Phóng viên không Biên giới tổ chức.
Nhưng sau khi làm thủ tục check-in, lúc qua cổng kiểm soát hành lý, một nhân viên hải quan tôi không nhớ rõ tên chặn tôi lại kiểm tra hộ chiếu và hỏi: “Em làm nghề gì? Hiện tại làm việc ở đâu? Em qua Thái làm gì? Đi với ai? Đi bao lâu?” Tôi trả lời: “Em làm nội trợ, ở Đắc Lắc, qua Thái du lịch, đi một mình, đi bốn ngày rồi về”. Anh ta cười và lặp lại câu hỏi: “Thật ra em làm nghề gì?”. Tôi nhận thấy rõ là anh ta biết thông tin về tôi trước khi gặp tôi nên phát cáu: “Anh hỏi để làm gì?”.
Đến cổng kiểm soát an ninh, nhân viên an ninh hải quan nhìn hộ chiếu của tôi cũng lặp lại các câu hỏi như trên và gọi đồng đội ra hướng dẫn tôi vào một phòng chờ cách biệt và nói với tôi là hộ chiếu của tôi có vấn đề.
Một nhân viên hải quan khác hỏi người dẫn tôi vào phòng là: trường hợp này là sao, anh này trả lời: “Hộ chiếu báo đỏ”. Cán bộ đồn công an cửa khẩu TSN tên Bùi Quốc Cường trả lời tôi khi tôi hỏi lý do tại sao đưa tôi vào phòng cách ly: “Xin báo cho em biết là hôm nay em không thể bay chuyến bay này được và hộ chiếu của em sẽ bị tạm giữ, lý do là do công an Quảng Nam đề nghị chứ chúng tôi không biết em là ai”.
Rõ ràng điều ông Cường nói với tôi mâu thuẫn với lời đồng đội của anh ta đã nói là hộ chiếu của tôi thuộc dạng “báo động đỏ”, nghĩa là không cần công an Quảng Nam yêu cầu thì khi hộ chiếu của tôi được đưa qua máy kiểm soát, sẽ có cảnh báo đỏ hiển thị cho nhân viên an ninh biết mà chặn không cho tôi xuất cảnh. Và danh sách hộ chiếu được cài báo động đỏ này là một danh sách dài được đưa xuống từ trung ương, không phải là hành động cục bộ của an ninh từng tỉnh.
Tôi không ngạc nhiên với kịch bản này vì nó đã xảy ra nhiều lần với nhiều anh chị em hoạt động nhân quyền trước đây. Năm 2012 em trai tôi Huỳnh Trọng Hiếu cũng từng bị cấm xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu khi đến qua chặn kiểm soát hải quan để lên máy bay sang Hoa Kỳ. Vì vậy tôi không muốn mất nhiều thời gian tranh cãi với họ, tôi yêu cầu họ nhanh chóng lập biên bản để tôi ra về. Chỉ có một điều làm tôi ngạc nhiên là không có nhân viên an ninh bảo vệ chính trị nào thẩm vấn tôi trong lúc tôi ngồi đợi anh Bùi Quốc Cường lập biên bản.
Sau hơn một tiếng đồng hồ tôi ra về khi đã kí bốn bản biên bản giống nhau và giữ lấy một bản. Việc không cho tôi xuất cảnh và tịch thu của tôi do Thượng tá Lê Văn Lữu, phó Trưởng đồn công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, quyết định. Hình ảnh biên bản được đính kèm theo thư này.
H. T. V.
Sài Gòn 12/7/2015
Tác giả gửi BVN.