Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 15
KHÔNG THỂ THẮNG Ở AFGHANISTAN
LỜI GIẢI – “LUI THẾ NÀO?” – KARMAL “XOẮN” VÀ MẸ MẤT CON – GORBACHEV CHỌN NGOẠI TRƯỞNG – SHEVARDNADZE NHIỆT THÀNH – LIÊM CHÍNH VÀ NỊNH HÓT – GẶP GORBACHEV ĐỒNG ĐIỆU – THÀNH THẬT, DÁM ĐỐI THOẠI – CHO ĐÔNG ÂU TỰ CHỦ HƠN – REAGAN GẶP GORBACHEV – ĐIỂM TẮC NGHẼN: SDI – “BỊ BÀ ĐÁNH”
***
Moscow. Tháng 1, năm 1986
LỜI GIẢI
1.
HAI THÁNG SAU KHI lên nắm quyền, Mikhail Gorbachev giao cho một trong những vị tướng tài ba nhất Bộ Tư lệnh Liên Xô một trọng trách tuyệt mật và nhạy cảm. Người được giao nhiệm vụ này là Tướng Anatoli Zaitsev, 44 tuổi, cao gầy, tóc đen, ông được phái đến Kabul để tìm ra lời giải trung thực nhất cho bài toán: Liên Xô có thắng Chiến tranh Afghanistan được không?
Zaitsev là một chiến lược gia tài giỏi và mặc dù từng chứng kiến một số cuộc hành quân tại Afghanistan, ông không phải là người đưa quân Nga vào tình trạng thảm họa tại vùng đất sát biên giới đông nam Liên Xô này. Sau chuyến đi, Zaitsev trở về Moscow và đưa ra lời giải đáp ngắn gọn nhưng cốt lõi: Không thể thắng!
Ông kết luận rằng cách duy nhất để Liên Xô có thể chủ động kết thúc chiến tranh là cắt đứt hoàn toàn việc qua lại biên giới giữa ba nước Afghanistan, Pakistan, Iran, ngăn chặn các chuyến vận chuyển vũ khí đến tay quân kháng chiến Mujahideen, và cầm chân bằng được quân kháng chiến ở trong nước.
Nhưng kế hoạch này sẽ không thể thực hiện nếu không gửi thêm hàng trăm ngàn binh lính vào cuộc chiến đã kéo dài năm năm rưỡi và, vào thời điểm đó, đã làm thiệt mạng khoảng 7.500 quân Liên Xô.[i]
***
“LUI THẾ NÀO?”
2.
Gorbachev đã quyết phải chấm dứt chiến tranh. Báo cáo của Zaitsev cho ông thêm luận cứ để phản bác lập trường của một số nhà quân sự cứng đầu ở Kremlin, những người vẫn còn tin vào sứ mệnh của Liên Xô ở Afghanistan.
Andrei Grachev, một trong những trợ lý thân cận nhất của Gorbachev nói rằng: “Vấn đề không phải là rút quân hay không, mà là rút quân như thế nào. Hầu hết giới lãnh đạo Liên Xô ngày càng thấy rằng chúng tôi không thể tiếp tục trả giá đắt như thế được nữa – giá đắt về số thương vong, về chi phí, và tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế”.
Gorbachev cũng thường cáu kỉnh nói riêng với các cộng sự rằng: “Đây là việc không thể trì hoãn. Chúng ta không thể để cho cuộc chiến của Brezhnev và Andropov trở thành cuộc chiến của Gorbachev”.
Tuy vậy, ông vẫn phải trì hoãn. Vì sợ đụng chạm khiến phe bảo thủ trong nội bộ chống đối, ông đã không tìm được cách nào để đạt được một hình thức “hòa bình trong danh dự”, hoặc nói cách khác, tránh được điều ông gọi là “thất bại trong nhục nhã”.[ii]
3.
Thực ra, không lâu sau khi mạnh mẽ đề xuất xua quân qua biên giới, chính Andropov cũng nhận ra rằng xâm lăng Afghanistan là sai lầm.
Trong thời gian cầm quyền tối cao ngắn ngủi của mình, Andropov đã cố thương lượng để đạt một thỏa thuận với Tổng thống Pakistan, Zia-ul-Haq. Ông đưa ra đề xuất là quân Liên Xô sẽ rút lui nếu chính quyền Pakistan chấm dứt ủng hộ kháng chiến quân Hồi giáo – mà Andropov gọi là “quân khủng bố Mujahideen”. Nhưng cuộc thương lượng không đi đến đâu khi Andropov đã gần đất xa trời.
Giờ đến lượt mình, Gorbachev quyết mở một lối thoát. Giữa tháng 10/1985, ông cho gọi lãnh tụ cộng sản Afghanistan, Babrak Karmal, bí mật đến Moscow và đưa ra lời cảnh cáo cứng rắn. Ông nói: “Đến mùa hè năm sau, 1986, anh phải tìm ra cách để tự bảo vệ chính nghĩa của anh. Chúng tôi sẽ giúp, nhưng chỉ giúp vũ khí, không giúp thêm binh sĩ”.
*
KARMAL “XOẮN” VÀ MẸ MẤT CON
4.
Không lâu sau khi đặt Karmal làm người lãnh đạo chế độ Afghanistan, Liên Xô đã phải ngậm đắng nuốt cay về nhân vật này. Gorbachev nhận được nhiều báo cáo mật của KGB nói rằng Karmal yếu kém, thất thường và không quyết đoán. Gorbachev thường nói về Karmal bằng câu “Karmal đi như bánh quy xoắn” – một thành ngữ Nga-Đức cổ để chỉ người say rượu.
Tại Afghanistan, quân cộng sản kiểm soát thủ đô và những thành phố khác, nhưng ngay cả với sự trợ giúp của quân Liên Xô, nhiều vùng rộng lớn ở nơi hẻo lánh và núi non vẫn nằm trong tay quân kháng chiến.
Gorbachev dịp này giảng giải cho Karmal cách điều hành Afghanistan, một đất nước hầu hết theo Hồi giáo, ông nói: “Nếu anh muốn tồn tại, anh phải mở rộng chân đế của chế độ. Quên chủ nghĩa xã hội đi. Thỏa thuận cho được với những lực lượng thực sự có ảnh hưởng trong nước, kể cả với các tư lệnh Mujahideen. Anh phải tái lập đạo Hồi, tôn trọng truyền thống, và phải tìm cách cho người dân thấy kết quả cụ thể của cách mạng”.[iii]
5.
Hai ngày sau, Gorbachev gặp các đầu lĩnh đồng sự tại Kremlin và đi thẳng vào vấn đề, nói rằng: “Đã đến lúc phải đưa ra quyết định về Afghanistan. Dù Karmal đồng ý hay không đồng ý, chúng ta vẫn đưa ra đường lối cứng rắn về việc nhanh chóng rút quân”.
Được chuẩn bị đầy đủ khi đến họp, Gorbachev trích đọc một loạt thư của các bà mẹ có con chết hoặc bị thương ở Afghanistan, ông nói: “Họ hỏi rằng: Nghĩa vụ quốc tế ư? Nhưng nghĩa vụ quốc tế của ai chứ? Dân Afghanistan có cần nó không? Nó có đáng để con cái chúng tôi phải chết không? Chúng còn không biết chúng được gửi đến đó để làm gì nữa mà. Chúng qua đó để bảo vệ cái gì thế?”
Gorbachev thuyết phục được cử tọa. Không có bất cứ tiếng nói nào ủng hộ việc giữ quân Liên Xô tại Afghanistan nữa. Nhưng rút quân đã trở thành một quá trình chậm chạp đến khổ sở.[iv]
***
GORBACHEV CHỌN NGOẠI TRƯỞNG
6.
Trong thời gian này có một người, vừa là đồng minh vừa là bạn của Gorbachev, trở thành người cộng sự đóng góp nhiều sáng kiến cho những cải cách cấp tiến tại đế quốc Xô-viết.
Sau quá nhiều năm là gương mặt cứng cỏi đại diện cho nền ngoại giao Liên Xô, vào tháng 7/1985, ngoại trưởng Andrei Gromyko được mời “lên tầng trên”, ngồi vào vị trí có danh nhưng không có thực quyền là Chủ tịch Xô-viết Tối cao. Và khi nêu tên Eduard Shevardnadze là người kế vị Gromyko trong vai trò ngoại trưởng, Gorbachev đã khiến bộ sậu chính trị Xô-viết kinh ngạc.
Cả vị tân ngoại trưởng cũng chấn động khi được thông báo rằng Gorbachev yêu cầu ông đảm đương công việc này. Ông đắn đo: “Tôi không phải người Nga, lại hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về đối ngoại”.
Nhưng Gorbachev gạt phăng những e ngại này, nói rằng: “Về quốc tịch, đúng là ông người Georgia [Gru-zia], nhưng vượt trên tất cả, ông vẫn là một người Liên Xô. Không có kinh nghiệm ư? Có lẽ trong trường hợp này, đó lại là điều tốt. Chính sách đối ngoại của ta đang cần một đường hướng mới, cần sự dũng cảm, năng động và sáng kiến”.
Gorbachev vốn ít khi chọn đúng người vào vị trí cố vấn, trợ lý hay đồng nghiệp để mình có thể hoàn toàn tin cậy, nhưng với Shevardnadze thì đây là một lựa chọn có cân nhắc thận trọng. Họ biết nhau và quý tính cách của nhau từ nhiều năm trước, nhưng quan trọng hơn nữa là họ đồng ý với nhau về những điểm then chốt.
Cả hai không ai nhúng tay vào quyết định xâm lược Afghanistan. Lúc đó, họ còn là những cán bộ cấp dưới trong hàng ngũ lãnh đạo Kremlin và không được thông báo gì về quyết định này cho đến một ngày sau khi quân Liên Xô đã đặt chân đến thủ đô Kabul.
Trong phiên họp khi Shevardnadze chấp thuận giữ chức ngoại trưởng, cả ông lẫn Gorbachev đều cùng nhau dùng một cụm từ để mô tả cuộc chiến Afghanistan và gần như thốt ra cùng lúc: “nhục nhã”.[v]
*
SHEVARDNADZE NHIỆT THÀNH
7.
Shevardnadze, cũng như Gorbachev, thường nói chiến tranh tạo nên mình.
Khi Đức xâm lăng Liên Xô, Shevardnadze lên 13 tuổi và một người anh của Shevardnadze đã chết trong những ngày đầu giao tranh. Một trong hai anh lớn còn lại được gửi ra chiến trường thay thế người vừa chết và ở lại đó đến hết cuộc chiến.
Cha Shevardnadze là thầy giáo, ông sống sót qua cuộc Đại Thanh trừng của Stalin và chỉ thoát chết trong gang tấc. Ông từng là một người Menshevik [Men-sơ-vích] trong thời gian Cách mạng 1917 và chỉ đứng vào hàng ngũ Bolshevik [Bôn-sê-vích] trong thời kỳ Nội chiến. Ông bị bắt năm 1947 vì bị nghi ngờ mắc tội “lầm đường lạc lối”, loại tội thường được dùng để chụp mũ lúc bấy giờ. Nhưng may cho ông, ông được một sĩ quan lực lượng công an và mật vụ Liên Xô (NKVD) nhận ra là thầy mình trong đám đông tù nhân và ông được thả sau đó.
Shevardnadze sinh ra ở làng Mamati, một làng vùng xa, cách Tbilisi khoảng 240 km về phía tây, tiếng mẹ đẻ của ông là tiếng Georgia và ông nói tiếng Nga với giọng Georgia khá nặng.
Ông trở thành đảng viên năm 1948 và là một đảng viên nhiệt thành. Ông từng nói “Chủ nghĩa cộng sản là tôn giáo của tôi” và điều này cũng mang lại cho ông những phần thưởng vật chất. Ông trở thành cán bộ nhà nước và nhanh chóng thăng tiến, nắm những vị trí liên quan đến an ninh nội vụ.
Sau này, khi trở thành lãnh đạo ngành công an Georgia và rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ông có nhiều mối quan hệ gần gũi với lực lượng tình báo – lực lượng trấn áp này thường được quần chúng gọi tắt là “cơ quan”.
Năm 1951, ông kết hôn với một thiếu nữ nhỏ nhắn, trẻ đẹp và quyến rũ, cô Nanuli Tsargareishvili. Trong cuộc Đại Thanh trừng của Stalin, cô đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình, một vị tướng được kính trọng vì lòng dũng cảm, bị bắt giữa đêm. Ông bị đem đi xử bắn. Cô kể rằng một thời gian dài sau đó cô vẫn cứ khóc đến lả người trước khi chìm vào giấc ngủ.
Sau này, cô nhớ mình cũng nhỏ những giọt nước mắt thành thực tương tự khi Stalin chết, vì cô cũng trở thành một đảng viên cộng sản nhiệt thành.[vi]
*
LIÊM CHÍNH VÀ NỊNH HÓT
8.
Trong giai đoạn được gọi là Thời kỳ Trì trệ [1964-1985, thời Brezhnev, Andropov và Chernenko], Đảng Cộng sản Georgia là một trong những đảng tham nhũng nhất Liên bang Xô-viết.
Năm 1972, lãnh tụ Đảng Cộng sản Georgia là Vasily Mzhavanadze bị sa thải sau vụ bê bối nhận hối lộ được công chúng biết rộng rãi và Shevardnadze lên thay, với sứ mệnh sửa sai và làm sạch hàng ngũ.
Shevardnadze rất được kính trọng vì liêm chính. Nhiều câu chuyện được lan truyền kể ông phải vất vả thế nào để chống lại căn bệnh kinh niên và “đặc sản” vùng Caucasus [Cáp-ca-dơ] là tội phạm và ăn hối lộ.
Một trong những câu chuyện kể rằng có lần ông yêu cầu đồng nghiệp trong giới lãnh đạo Georgia giơ tay biểu quyết bằng tay trái. Khi họ đưa tay, ông cố ý đếm xem có bao nhiêu tay đeo đồng hồ Tây hàng hiệu đắt tiền, đồng hồ loại này lúc đó chỉ có thể mua ngoài luồng.
Lần khác, ông ăn mặc như nông dân, lái chiếc xe cà tàng chở đầy cà chua trong cốp rời Tbilisi theo hướng bắc đi Moscow. Lúc đó Georgia vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu rau quả ra ngoài lãnh thổ Georgia. Vừa lái xe đi, ông vừa đếm số lần công an ăn hối lộ mỗi khi ông bị chặn xe kiểm soát. Và rồi chuyện kể rằng sau đó ông đã tiến hành chiến dịch thanh lọc hàng ngũ công an Georgia.
9.
Tuy có khuynh hướng tương đối phóng khoáng, nhưng Shevardnadze cũng có thể hành động cứng rắn theo kiểu Xô-viết truyền thống. Ông đã cho bắt bỏ tù một số lớn các nhà bất đồng chính kiến trong thời kỳ đàn áp người đấu tranh cho nhân quyền vào thập niên 1970, trong số có cả nhà khoa học kiêm nhà văn nổi tiếng Zviad Gamsakhurdia.
Khi cần, Shevardnadze cũng có thể qua mặt cả Gorbachev trong khoản liếm gót bề trên. Có lần trong bài diễn văn, ông đã ca tụng Brezhnev là người có “tầm nhìn quảng bác, nhân bản, lập trường giai cấp kiên vững không khoan nhượng, chung thủy, có nguyên tắc và khéo léo đi vào được tâm hồn người đối diện”.
Shevardnadze cũng từng nói đất nước Georgia “sẽ luôn luôn trung thành với nước Nga anh em … Họ gọi Georgia là vùng đất mặt trời mọc chói lọi. Nhưng đối với chúng tôi … mặt trời đích thực không mọc ở phương Đông, mà mọc ở phương Bắc, ở Nga, đó là mặt trời tư tưởng Lenin”.[vii]
*
GẶP GORBACHEV ĐỒNG ĐIỆU
10.
Shevardnadze được thăng chức làm các công việc cấp bộ ở Moscow năm 1976, trước Gorbachev vài năm, nhưng giữ những chức tương đối nhỏ. Ông đã gặp Gorbachev nhiều lần khi hai ông còn đang là lãnh đạo Đảng tại tỉnh nhà, và họ đã trở thành bạn thân như người trong gia đình khi làm việc chung tại Moscow.
Cả hai đều là những quan chức Đảng có tính kín đáo, cẩn trọng, nhưng sau khi tiếp xúc với nhau, họ nhận ra rằng cả hai đều thấy những lỗi hệ thống, một hệ thống mà Shevardnadze từng nói có thể “làm con người thoái hóa thành bù-loong đinh vít, có thể bị nghiền nát, trong khi guồng máy nghiền nát kia không hề bị trừng phạt”.
Họ đồng thuận về các loại cải cách cần thực hiện và cách duy nhất để tiến hành cải cách. Shevardnadze kể: “Gorbachev nói với tôi rằng có hai con đường chúng ta có thể đi. Hoặc là chúng ta thắt lưng buộc bụng thật chặt và tiếp tục giảm tiêu dùng, nhưng đây là việc quần chúng không chịu đựng được nữa, hoặc là chúng ta phải tìm cách tháo ngòi nổ căng thẳng trong bang giao quốc tế, vượt qua những bất đồng giữa Tây và Đông, … phóng thích những khoản tiền khổng lồ hiện đang chi cho cuộc chạy đua vũ trang”.
Họ gặp riêng nhau mỗi tuần hai lần trong nhiều giờ và gặp nhau trong một số những phiên họp chính thức của Đảng và nhà nước. Trong nhiều năm, đó là một mối quan hệ hết sức gần gũi, khác lệ thường trong sinh hoạt chính trị Liên Xô.[viii]
*
THÀNH THẬT, DÁM ĐỐI THOẠI
11.
Shevardnadze là người có trí nhớ siêu việt và khả năng tiếp thu nhanh, người trợ lý gần gũi nhất với ông, Sergei Tarasenko, đã nói như thế về cấp trên của mình. Thực ra, ông phải tiếp thu nhanh, vì chưa nhiều kinh nghiệm.
Chỉ ba tuần sau khi nhận chức, ông có lịch họp tại Helsinki với Ngoại trường Mỹ, George Shultz, một chuyên gia đối ngoại giàu kinh nghiệm. Khi gặp Shultz, Shevardnadze nói thẳng ông không biết gì về chi tiết các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí và những vấn đề có tính kỹ thuật khác. Shultz rất ấn tượng bởi sự thành thực và thẳng thắn của Shevardnadze.
Trong văn thư gửi về Tổng thống Reagan ngay sau đó, Shultz viết rằng: “Sự tương phản giữa ông và Gromyko thật ngoạn mục. Ông có thể cười nói, hòa đồng, thực sự đối thoại. Ông có khả năng thuyết phục người khác và cũng có thể để người khác thuyết phục mình”.[ix]
12.
Với quần chúng nói chung, Shevardnadze dường như lập tức trở thành gương mặt đại diện cho thay đổi, với vẻ điển trai, cái nhìn ấm áp, mái tóc bạc đáng kính, thái độ vui vẻ, thích đùa và chuyện trò thân mật. Ông cũng có khả năng giao tiếp với công chúng ở mức thượng thừa, như Tarasenko, trợ lý ngoại trưởng thân cận nhất của Shevardnadze, kể lại:
“Ông là bộ trưởng Liên Xô đầu tiên biết nói chuyện với những người phản đối [Liên Xô] … khi thấy bảng chữ biểu tình với những dòng như “Quân Nga cút khỏi Afghanistan!” là ông thường xuống xe, đến nói chuyện với người biểu tình, mời đại diện của họ đến Tòa Đại sứ để nói chuyện trong nhiều giờ. Và kết quả là … những cuộc biểu tình chống Liên Xô gần như chấm dứt.
“Chỉ trong nửa năm, ông đã loại bỏ được những ác cảm dành cho Liên Xô. Trước đó, chưa từng có ai trong số các lãnh tụ của chúng tôi cởi mở được như vậy, và trong hầu hết mọi trường hợp, lại thành thực như vậy.
“Các vị ngoại trưởng cũ thường … né tránh câu hỏi. Gromyko hay nói những câu cửa miệng như “Đó là lời khiêu khích. Tôi từ chối trả lời câu hỏi!” Nhưng trong trường hợp tương tự, Shevardnadze sẽ trả lời câu hỏi và trao đổi thêm. Ông … có thể nói chuyện một cách thông minh với người dân.
“Đó cũng là một chiến thuật có dụng ý mà ông và Gorbachev đã bàn bạc kỹ, nhằm ‘xóa bỏ hình tượng về Liên Xô như một kẻ gian ác’”.
*
CHO ĐÔNG ÂU TỰ CHỦ HƠN
13.
Đã có những thay đổi tức thời trong cách Moscow điều hành đế quốc. Khi các vị lãnh tụ trước đây ở Kremlin nói với thuộc hạ cầm đầu các nước Đông Âu rằng họ sẽ được độc lập hơn và tự chủ hơn trong việc điều hành đất nước thì các vị ấy đã không nói thật. Shevardnadze và Gorbachev ngược lại, họ nói là làm.
Tarasenko, trợ lý của Shevardnadze, cho biết thói quen có từ thời Stalin là khi các thuộc địa Đông Âu muốn làm điều gì dù lớn hay nhỏ nhưng có ảnh hưởng quốc tế thì họ phải xin ý kiến các quan thầy tại Moscow. Tarasenko nói: “Sau đó, người của chúng tôi tại Moscow sẽ chuẩn bị câu trả lời – và trả lời đại loại như: ‘Hãy nghĩ thêm về điều này’, hoặc ‘Nên bỏ hẳn ý tưởng đi’. Chẳng bao lâu sau khi lên làm ngoại trường, Shevardnadze cũng được hỏi ý kiến tương tự, nhưng ông đáp là ông không có lời khuyên nào cho họ, và rằng đó là những quốc qia có chủ quyền và … họ có thể làm bất cứ những gì họ thấy cần. Ông đã tỏ ra rất bức xúc về việc xin-cho ý kiến và nói ‘cách làm việc này phải chấm dứt’”.[x]
***
REAGAN GẶP GORBACHEV
14.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cuối cùng cũng tìm được người thương lượng mình muốn tìm. Gorbachev cũng nóng lòng muốn gặp ông sớm ngay khi thu xếp xong. Gorbachev tự tin mình sẽ trội hơn Reagan về lập luận, còn Reagan lại tự tin mình sẽ trội hơn Gorbachev về sức hút.
Họ lên lịch họp thượng đỉnh ở Geneva vào tháng 11/1985, đây là kỳ họp thượng đỉnh đầu tiên trong bốn kỳ họp thượng đỉnh trong ba năm tiếp theo, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới hậu chiến.
Không có nội dung quan trọng nào được đúc kết trong cuộc họp tại Thụy Sĩ này, cũng không có thỏa thuận nào được ký hoặc tuyên bố nào được đưa ra. Nhưng kỳ họp đã tạo ra một giai đoạn đặc biệt cho mối quan hệ ngoại giao cá nhân mà cuối cùng đã góp phần kết thúc Chiến tranh Lạnh nhanh chóng.
Đó là một quan hệ rất đáng chú ý, như Reagan từng nói vui nhưng rất thâm thúy với Gorbachev trong lần họp thượng đỉnh cuối cùng tại Lâu đài Fleur d’Eau bên bờ Hồ Leman: “Tôi dám cược rằng phe bảo thủ của cả hai nước chúng ta đều ‘chảy máu’ khi thấy chúng ta bắt tay nhau!”
Từ thời điểm đó, Reagan tăng tốc quá trình đã khởi sự từ trước là rời xa những nhân vật bảo thủ từng ủng hộ ông tại Mỹ. Về phần mình, Gorbachev cũng bắt đầu một loạt những trận đấu đá gay cấn với các tướng lĩnh trong quân đội và những kẻ được ông gọi là “phản động” tại Kremlin, những kẻ chỉ muốn đưa Liên Xô trở lại thời cô lập như trước.
Ban đầu, Gorbachev đánh giá thấp trí tuệ của Reagan. Có lần ông nói với trợ lý về Reagan rằng: “Tôi có cảm tưởng như mình đang gặp một người của thời ăn lông ở lỗ! Ông ta nói những điều chỉ có thể gọi là sáo rỗng. Ông cũng đầy định kiến nên rất khó chấp nhận những lập luận đúng. Bất cứ khi nào tôi đưa ra các chi tiết thì ông lập tức cho Shultz vào thay thế. Và khi chúng tôi ngồi ‘trò chuyện bên lò sưởi’ như Reagan thường gọi, thì ông lại cầm văn bản viết sẵn những điều cần nói!” Sau này, Gorbachev ngưỡng mộ và kính trọng Reagan hơn nhiều.
Về phần Reagan, sau lần gặp đầu tiên, ông tỏ ra thích Gorbachev, vì Gorbachev rất khác so với các lãnh tụ đến từ “đế quốc ma quỷ” mà Reagan đinh ninh sẽ gặp. Nhưng Reagan vẫn tự hỏi liệu lãnh tụ Nga này có đáng tin cậy không, có thực tâm trong việc thay đổi Liên Xô không. Và cuối cùng ông biết là mình không còn chọn lựa nào khác ngoài việc “làm ăn” với Gorbachev.[xi]
*
ĐIỂM TẮC NGHẼN: SDI
15.
Có một điểm tắc nghẽn dẫn đến tranh cãi to tiếng tại cuộc gặp thượng đỉnh Geneva, mặc dù phần lớn cuộc hội đàm riêng kéo dài năm tiếng diễn ra trong không khí ấm cúng.
Điểm tắc nghẽn đó là Reagan nhất quyết thực hiện kế hoạch Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) – còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”. Phía Liên Xô thì sợ điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới trong không gian mà họ chắc sẽ thua.
Reagan nhấn mạnh rằng SDI chỉ là một hệ thống phòng thủ. Gorbachev lập đi lập lại rằng với góc nhìn từ Liên Xô thì đó là một hệ thống tấn công: nếu Mỹ có một lá chắn hiệu quả và biết mình sẽ an toàn không thể bị trả đũa, thì điều gì sẽ ngăn Mỹ tấn công Liên Xô? Ông nói SDI “sẽ gây bất ổn toàn diện. Và chúng tôi buộc phải xây dựng lực lượng để chọc thủng lá chắn của Mỹ”.
Reagan bảo Gorbachev hoàn toàn không cần phải làm thế: “Anh phải tin rằng điều này quan trọng cho cả thế giới, quan trọng đến nỗi chúng tôi sẽ chia sẻ với anh công nghệ SDI trong lúc chúng tôi phát triển chúng”.
Gorbachev cười và trả lời huỵch toẹt: “Hẳn là anh cũng chẳng tin điều anh nói, nói chi xa xôi, ngay công nghệ làm máy vắt sữa bò ở nông thôn thôi anh còn chưa cho chúng tôi biết, nữa là…”[xii]
16.
Bế tắc trong kế hoạch SDI kéo dài đến hết nhiệm kỳ của Reagan, tuy không ngăn cản được một loạt những thỏa thận giải trừ vũ khí được ký kết nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai siêu cường.
Gorbachev nhận được nhiều ý kiến trái chiều về vũ khí không gian. Giới chức quân sự bảo ông rằng SDI là một mối đe dọa mới và nguy hiểm. Những nhà khoa học hàng đầu thì bảo kế hoạch của Mỹ chỉ là “giả tưởng” không thể hoạt động được. Nhà vật lý hàng đầu Yevgeni Velikhov, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xô-viết, và Roald Sagdeyev, người đứng đầu chương trình không gian Xô-viết, trấn an Gorbachev rằng không có lá chắn nào đáng tin cậy 100% và không thể chọc thủng. Họ nói với Gorbachev rằng Liên Xô có thể phát triển một hệ thống hiệu quả không kém để chống lại SDI, sử dụng các hỏa tiễn chỉ ở trên không gian một thời gian rất ngắn, mà Gorbachev cho rằng “sẽ có chi phí chỉ bằng 10% chi phí SDI”.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu thực sự tin điều này, tại sao Liên Xô lại kiên quyết chống kế hoạch SDI? Các trợ lý của Gorbachev cho rằng Gorbachev chống vì lý do chính trị nhiều hơn vì lý do chiến lược. Vì nếu Mỹ càng chi để phát triển công nghệ SDI, thì Gorbachev càng gặp áp lực từ phía quân đội Liên Xô đòi ông phải cạnh tranh. Và Gorbachev sẽ càng gặp khó trong việc cắt giảm ngân sách vũ trang khổng lồ, giành tiền cho chi tiêu nội địa nhằm cứu sống chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô.[xiii]
***
“BỊ BÀ ĐÁNH”
17.
Có một người khác hoài nghi kế hoạch “Chiến tranh giữa các vì sao” của Reagan, nhưng người này lại rất gần gũi về ý thức hệ với ngài Tổng thống. Đó là người bạn lớn và cùng phái bảo thủ: bà Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh.
Bà Thatcher rất hoài nghi, không biết lá chắn phòng thủ kia có khả thi về kỹ thuật hay không. Hơn thế nữa, bà còn e ngại về mục đích chính của lá chắn.
Bà tin vũ khí hạt nhân đã góp phần gìn giữ hòa bình trong 40 năm vừa qua. Bà lập luận rằng việc phòng thủ của các siêu cường trong thời gian qua được đặt trên nền tảng sự ngăn chặn lẫn nhau. Vũ khí hạt nhân đã duy trì được ổn định, nhưng sự ổn định này có thể sẽ bị xáo trộn nghiêm trọng bởi giấc mơ về một lá chắn phòng thủ. Bà cố thuyết phục Reagan từ bỏ niềm tin vào dự án này với sự thẳng thừng quen thuộc của bà, nhưng vô ích.
Reagan nói với Cố vấn An ninh Quốc gia Robert McFarlane rằng ông “bị bà đánh” và phái McFarlane đi London, thuyết phục để “Margaret ít nhất cũng giảm nhiệt chỉ trích”.
McFarlane kể về chuyến đi Anh như sau: “Bà đã ‘lên lớp’ tôi với cùng nội dung bà đã nói với Reagan. Nhưng khi thấy tình thế không đi đến đâu, tôi đã chen vào một câu khi bà đang ngừng lời rằng: ‘Thưa Thủ tướng, Tổng thống Reagan tin rằng có ít nhất 300 triệu đô-la Mỹ mỗi năm có thể được dành cho các nhà thầu Anh Quốc tham gia dự án SDI’ … Im lặng một lúc lâu, rồi bà Thatcher nói: ‘cuối cùng thì cũng có gì đó có lý trong vụ này’”.[xiv]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Andrei Grachev, Gorbachev’s Gamble (Polity Press, Cambridge, 2008), tr. 86
[ii] Như trên, tr. 90
[iii] Nhật ký Chernayev trong hồ sơ lưu trữ tại GF (Gorbachev Foundation and Archive, Moscow), và tại CWIHP (Cold War International History Project, Woodrow Wilson Center, Washington DC)
[iv] Như trên
[v] Andrei Grachev, sđd, tr. 96
[vi] Thông tin về Eduard Shevardnadze, xem Eduard Shevardnadze, The Future Belongs to Freedom (Free Press, New York, 1985); Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997); Carolyn Eke Dahl và Melvyn Goodman, The Wars of Eduard Shevardnadze (Pennsylvania State University Press, 1997)
[vii] Báo Izvestia, 18/7/1979
[viii] Phỏng vấn Shevardnadze, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 4
[ix] George Shultz, Turmoil and Triumph (Mcmillan, London, 1993), tr. 287
[x] Phỏng vấn Tarasenko, OHCW (Oral History of the Cold War)
[xi] Nhật ký Chernayev, tại CWIHP
[xii] Biên bản Thượng đỉnh Geneva 1985 tại USNA (US National Security Archive, George Washington University, Washington DC), Cold War collection
[xiii] Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 256-60; Andrei Grachev, sđd, 134-60
[xiv] Cold War series, LHCMA, box 9
Dịch giả gửi BVN.