Một chuyến viếng thăm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Washington

The Washington Post ngày 3 tháng 7 năm 2015

Anh Hoàng dịch

Nông dân đợi bán quả vải cho thương lái tháng trước ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, miền Bắc Việt Nam (Hoang Dinh Nam/Agence France-Presse via Getty Images) 

Hoàng Bình Quân là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

Rất ít quốc gia thay đổi đường lối quan hệ của họ một cách sâu sắc trong thời gian ngắn như là Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuần này, các chuyến thăm chính thức của tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, sẽ đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Hơn 20 năm qua, chúng ta đã tiến từ dỡ bỏ cấm vận đến quan hệ ngoại giao đầy đủ hơn, một hiệp định thương mại song phương và một quan hệ đối tác toàn diện. Nay chuyến thăm của Tổng Bí thư theo lời mời của chính phủ Obama là dấu hiệu cho thấy Mỹ tôn trọng sự lựa chọn chế độ chính trị của Việt Nam. Chắc chắc hệ thống chính trị Việt Nam không giống hệt như hệ thống chính trị của Mỹ, nhưng về nhiều mặt quan trọng chúng ta tìm kiếm để vận động theo cùng một hướng – nền kinh tế thị trường, việc bảo vệ nhà đầu tư mạnh mẽ hơn, và hòa bình và ổn định trong các vấn đề quốc tế. Những đối tác tốt – và những người bạn tốt – không nhất thiết là những người giống hệt nhau, mà là những người có thể chấp nhận nhau như họ đang có và đối thoại thẳng thắn về sự khác biệt của họ.

Những sự khác biệt ấy không phải là yếu tố cốt lõi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Giây phút lịch sử đó lẽ ra có thể là khởi đầu của mối quan hệ tích cực với Hoa Kỳ.  Không may, lịch sử lại cho con đường khác.

Nhưng bảy thập kỷ sau đó, theo tinh thần xếp lại quá khứ, hướng tới tương lai, chúng ta trở lại đường ray với tầm nhìn của Hồ Chí Minh: hai dân tộc, tự hào và độc lập, sẽ là hai đối tác ở bất cứ chỗ nào có lợi ích chung.

Khu vực có lợi ích chung đáng kể nhất là kinh tế. Bắt đầu từ hầu như không có trao đổi gì cho đến giữa những năm 1990, thương mại giữa hai nước đã phát triển đến mức ấn tượng, tăng từ $ 451 triệu đô-la vào năm 1995 đến khoảng 35 tỷ đô-la vào năm 2014. Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ nhiều sản phẩm được sản xuất một cách hiệu quả và rẻ ở Việt Nam. Trái với các giả định phổ biến, điều này không làm tổn hại đến thị trường lao động của Mỹ; nó chỉ thay thế hàng nhập khẩu từ các nước châu Á khác. Đổi lại, người tiêu dùng Việt Nam kiếm được thu nhập mà họ cần để mua hàng Mỹ. Trong hàng triệu túi áo quần có điện thoại di động Mỹ, và Boeing bán máy bay cho nhiều hãng hàng không mới. Rõ ràng là mối quan hệ thương mại của chúng ta không phải là một trò chơi có tổng bằng không. Cả hai chúng ta đều thắng.

Tất nhiên mối quan hệ của chúng ta không chỉ là kinh doanh. Việc hợp tác về an ninh được cải thiện và chính quyền Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ mục đích chung về hòa bình và ổn định trong khu vực. Cả hai chính phủ đều tin vào sự giải quyết tranh chấp bằng các phương cách hòa bình qua thương thuyết, trên cơ sở luậ pháp quốc tế, và tôn trọng tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế. Kết quả là chúng ta là đối tác tự nhiên khi nói đến việc thúc đẩy sự ổn định ở Đông Á.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư nhấn mạnh đến thành tựu của các mối quan hệ song phương, nhưng quan trọng hơn, nó là một cột mốc có thể giúp thúc đẩy những thay đổi tích cực hơn. Dù có hoặc không có một kết luận kịp thời cho các cuộc đàm phán về TPP – mà Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ – chúng tôi đều mời gọi Mỹ đầu tư nhiều hơn nữa. Chúng tôi muốn Hoa Kỳ trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, vì các nhà đầu tư Mỹ đang tham gia vào ngành công nghiệp đại diện cho tương lai: các dịch vụ kinh doanh và công nghệ. Việt Nam là một thị trường sẵn sàng đón nhận các ngành công nghiệp của thế kỷ 21.

Washington cuối cùng nên công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế của chúng tôi cởi mở không kém hơn so với một số nước châu Âu, và chỗ nào còn có vấn đề, chẳng hạn như với các doanh nghiệp nhà nước, thì chúng tôi đang tích cực tiến hành những cải cách cần thiết – và đôi khi đau đớn.

Và sau đó là các vấn đề nhân đạo. Việt Nam đã rất tích cực trong việc hỗ trợ quân đội Mỹ để giải quyết vấn đề người mất tích trong chiến tranh mà ngày nay trong số những người ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ nhất là các nhóm cựu chiến binh Mỹ. Nhưng hàng ngàn người Việt vẫn phải chịu những tác động kéo dài của chất độc da cam và bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đối với Việt Nam – cả người dân và chính phủ – một cử chỉ có trách nhiệm của Hoa Kỳ sẽ có hiệu quả giúp chữa lành vết thương chiến tranh này.

Không có nghi ngờ rằng Hà Nội và Washington sẽ không đột nhiên hoàn toàn đồng ý thế nào là chính phủ tốt. Nhưng bằng cách mời một tổng bí thư Đảng Cộng sản, một vị trí không có tương đương trong hệ thống cai trị Mỹ, Washington đã cho thấy một sự tôn trọng đầy đủ hơn chế độ chính trị của Việt Nam. Chúng tôi chờ đợi Hoa Kỳ nhiều thứ: sự hợp tác trong giáo dục, khoa học và công nghệ, đầu tư, thị trường, chăm sóc sức khỏe và văn hóa. Miễn là chúng ta tôn trọng nhau, hiểu biết và đối thoại chân thành, thì mối quan hệ của chúng ta nhất định tiếp tục phát triển mạnh.

H. B. Q.

Dịch giả gửi BVN.

This entry was posted in Tin Tức. Bookmark the permalink.