Dịch giả: Phan Trinh
CHƯƠNG 8
“CUNG THỦ TÀI BA” – CẬN KỀ TẬN THẾ
BÍ MẬT 1983 – ANDROPOV LÊN NGÔI, CẢNH GIÁC – SỨC KHỎE SUY NHƯỢC – ĐIỆP VỤ “RYAN” – TIN GIỚI QUÂN SỰ HƠN CHUYÊN GIA – SẴN SÀNG LÂM TRẬN – KAL-007, CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH – BẮN HẠ MỤC TIÊU – TRỐN TRÁCH NHIỆM, DỐI TRÁ – KHẨU CHIẾN NÓNG BỎNG – TRÍ LỰC SUY TÀN – TẬP TRẬN NHƯ THẬT – BÁO ĐỘNG ĐỎ – THÁO NGÒI
***
Washington DC. Thứ tư, ngày 2 tháng 11, năm 1983
BÍ MẬT 1983
1.
CHỈ VÀI NGƯỜI LÚC ĐÓ BIẾT thế giới có thể bị tận diệt bằng vũ khí hạt nhân, trong vài ngày nữa. Khác với 21 năm trước, cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba 1962 là một bi kịch công khai, được truyền hình trực tiếp, với đầy đủ lớp lang, từ khởi đầu chậm đến cao trào và một cái kết hoành tráng, khiến khán giả thế giới đang nín thở sợ hãi được thở phào vì thoát chết. Ai sống thời kỳ đó cũng nhớ rõ họ sợ ra sao và căng thẳng đến mức nào. Câu chuyện được gọi là “Cung thủ Tài ba 1983” [tên một cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh năm 1983] lại hoàn toàn khác. Gần như không ai biết điều gì bất thường đang diễn ra, ngoài các cơ quan tình báo và trong những căn hầm quân sự bí mật.
Có thể tóm tắt câu chuyện như sau: Thế giới đang bình thường thì lãnh đạo Liên Xô lại bị thuyết phục rằng Mỹ và NATO sắp mở một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nhắm vào họ, nên họ ra lệnh cho quân đội kích hoạt phương án trả đũa. Chỉ sau khi chế độ cộng sản sụp đổ và tài liệu được tiết lộ, công chúng mới biết rằng đã có hàng loạt những hiểu lầm và tính toán sai diễn ra, và loài người đã tránh được nguy cơ hủy diệt vào cuối năm 1983, nhờ may mắn hơn là nhờ những quyết định sáng suốt.
***
ANDROPOV LÊN NGÔI, CẢNH GIÁC
2.
Một năm trước đó, ngày 10/11/1982, ông trùm mật vụ Yuri Andropov cuối cùng cũng đạt được tham vọng đời mình là kế vị Brezhnev và trở thành lãnh tụ Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhưng lúc này Andropov đã gần đất xa trời, tính tình cay cú, hay sợ sệt và bi quan sâu.
Tính cách và quan điểm chính trị của Andropov được hình thành khi đang là cán bộ cộng sản vào những năm diễn ra cuộc Đại Khủng bố thời Stalin. Một đồng nghiệp lâu năm của ông cho biết: “Ông bị chấn thương tâm lý rất sâu vì những năm làm việc dưới trướng Stalin, giống như hầu hết thế hệ ông”.
Nhưng Andropov là bậc thầy “xoay sở”. Ông cũng được xem là người có khuynh hướng “tự do”, dù rất khó biết nhận xét này xuất phát từ đâu. Đúng là ông có làm thơ trữ tình, thỉnh thoảng có bài thơ hay hay. Khi còn trẻ khỏe, ông thích khiêu vũ với phụ nữ đẹp và họ cũng thích nhảy với ông.
Ông có một đoàn tùy tùng thân cận do ông đỡ đầu, gồm những cán bộ Đảng khá trẻ, sáng sủa, một số có quan điểm tiến bộ. Tuy nhiên, ông là người của thời đại mình, chân phương, tuyệt đối tin vào ý thức hệ mình theo đuổi và vào chiến thắng chung cuộc của chủ nghĩa cộng sản. Ông tin rằng để giữ uy tín, và cũng vì lý do chiến lược, Liên Xô cần có một vùng “đệm”, tức đế quốc ở Đông Âu, và tin rằng mình, với tư cách là Tổng Bí thư, sẽ không để mất bất cứ phần nào của vùng đệm kia.
Ông là mẫu người Bolshevik chính thống một cách kiên định. Đứng đầu cơ quan mật vụ KGB gần 20 năm, ông chính là người đã tận tâm chỉ huy các chiến dịch chống người bất đồng chính kiến trong thập niên 1970, và những người gốc Do Thái muốn trở về quê hương Israel.
Ông là người chủ trương bỏ tù tiểu thuyết gia Alexander Solzhenitsyn thay vì cho ra nước ngoài lưu vong. Ông là người giám sát phiên xử những nhân vật như Yuri Orlov và Natan Sharansky, và bật đèn xanh cho việc quấy rối nhà vật lý và vận động nhân quyền Andrei Sakharov – sau đó Sakharov cùng người vợ Yelena Bonner đã phải chịu cảnh lưu đầy nội địa ở một vùng hẻo lánh. Rất nhiều những cuộc trấn áp này xuất phát từ niềm tin kiên định của Andropov rằng “chủ nghĩa cộng sản phải thường xuyên cảnh giác”.[i]
3.
Andropov khi là trùm KGB hiểu rõ kinh tế Liên Xô đang thực sự gặp vấn đề gì và bấp bênh ra sao. Ông đề nghị vài cải cách kinh tế và tiến hành một chiến dịch tuyên truyền lớn nhằm thắt chặt “kỷ luật nơi làm việc”. Tuy nhiên, ông vẫn bị xem là có phần trách nhiệm với “những năm tụt hậu”, theo cách gọi của một số người Xô-viết, cùng những lãnh tụ già nua khác tại Điện Kremlin.
Andropov đã không làm gì để điều chỉnh những sai lầm cơ bản của hệ thống Xô-viết – cụ thể là sức ỳ quá nặng của nền kinh tế quy hoạch tập trung, của tình trạng chính trị khuynh đảo kinh tế. Ông tưởng tượng rằng tất cả những gì ông cần làm là quét cho sạch tham nhũng và sự lười biếng sót lại từ thời Brezhnev, sa thải một số cán bộ nhếch nhác lộ liễu, và thế là chủ nghĩa cộng sản sẽ trở lại với chính đạo mà lịch sử đã an bài.
*
SỨC KHỎE SUY NHƯỢC
4.
Giờ thì khác, chẳng ai nhận ra người đàn ông mạnh khỏe, cao to, điển trai, nhẹ nhàng, tóc bạc, thích khiêu vũ tiệc tùng một thời là ai.
Mắc bệnh nặng, chỉ còn da bọc xương, rất ít khi rời phòng bệnh được thiết kế riêng tại Điện Kremlin, nơi ông thường ngồi trên chiếc ghế dài có bệ đỡ đầu cao, với nút bấm cạnh tay giúp ông dễ xoay sở và gọi điện thoại về nhà.
Ba tháng sau ngày nhậm chức Tổng Bí thư, thận của ông hư hoàn toàn. Phải chạy thận hai lần mỗi tuần, mỗi lần chạy thận lại làm ông kiệt sức trong hai ngày liền.
Công chúng không thấy ông nữa, ở Moscow rộ lên tin đồn ông đã chết và Điện Kremlin phải giữ bí mật việc này trong lúc diễn ra cuộc đấu đá quyền lực ác liệt ở hàng ngũ cao nhất Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực ra ông vẫn sống, nhưng thoi thóp.
Sống, nhưng ông chỉ có thể lên tiếng thông qua những văn bản được ghi là “từ ban lãnh đạo Xô-viết”, được thông tấn xã chính thức Tass loan đi, hay qua những cuộc phỏng vấn đăng trên Sự thật, tờ báo chính của Đảng.[ii]
*
ĐIỆP VỤ “RYAN”
5.
Andropov bị thuyết phục, từ trước khi lên nắm quyền tối cao, rằng Mỹ đang có kế hoạch đột ngột tấn công Liên Xô trước bằng vũ khí hạt nhân. Việc Ronald Reagan, một chính trị gia bảo thủ, nói năng cứng rắn được bầu làm Tổng thống Mỹ là một lý do, nhưng không là lý do duy nhất. Andropov nhận được tin tình báo về các động thái quân sự của Mỹ trên toàn cầu, và sau khi ráp nối các mảnh ghép thông tin lại với nhau một cách sai lầm, Andropov kết luận là Mỹ đang chuẩn bị tấn công.
Không gì có thể cản ông, kể cả những dữ liệu xác thực. Andropov tin rằng khi Reagan mạnh miệng chống cộng là Reagan nói thật và không thể không nghi ngờ Reagan. Ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/1981, Reagan đã viết cho Brezhnev, đề nghị gặp mặt để thảo luận về vũ khí hạt nhân. Nhưng Andropov thuyết phục Brezhnev rằng gặp mặt chỉ mất thì giờ vô ích. Ông bảo đó là “động tác giả” của Reagan, và lập trường này của Adropov từ đó về sau không hề thay đổi.[iii]
Vào tháng 5/1981, Andropov mời Brezhnev họp kín với các nhân vật cao cấp nhất KGB và quân đội. Trong phiên họp, Andropov làm mọi người kinh ngạc khi loan báo ông tin rằng có nguy cơ Washington sắp sửa tấn công trước. Andropov ra lệnh cho nhân viên KGB hợp tác với quân đội Liên Xô trong một chiến dịch thu thập tin tình báo lớn nhất Liên Xô từng tiến hành trong thời bình, chiến dịch có mật danh, khi chuyển qua tiếng Anh, là RYAN – viết tắt cụm từ ratketno yadernoye napadenie.
Các gián điệp đóng ở nước ngoài kể lại, họ được lệnh “tiến hành nhiệm vụ thường trực để khám phá kế hoạch của NATO trong việc chuẩn bị tấn công bằng hỏa tiễn hạt nhân vào Liên Xô”.
RYAN tạo ra một phản ứng dây chuyền luẩn quẩn. Gián điệp Liên Xô được chỉ đạo phải tìm ra những thông tin báo động, nhưng khi nhận được tin, Điện Kremlin càng thấy báo động và lại đòi hỏi nhiều thông tin báo động hơn.[iv]
Nhiều nhân vật thuộc KGB và lực lượng tình báo quân sự GRU nghĩ Andropov đã phóng đại mối nguy – những gián điệp lão luyện tại chỗ đều không thấy có chứng cớ nào là Mỹ sắp sửa tấn công.
*
TIN GIỚI QUÂN SỰ HƠN CHUYÊN GIA
6.
Tuy nhiên, không có mấy tiếng nói dám phản biện Andropov. Một người dám lên tiếng là gián điệp gốc Anh, Donald Maclean, người đã tham gia mạng lưới gián điệp “Philby” và đào thoát qua Moscow trong thập niên 1950, sau trở thành một trong những nhà phân tích về chính sách đối ngoại và tình báo được Kremlin nể trọng. Ông viết một văn thư tuyệt mật gửi cho các cấp trên KGB của mình, cảnh báo rằng:
“Đáng tiếc là vào những giờ phút quyết định trong năm năm qua, quan điểm của giới quân sự – vốn có mục tiêu tự nhiên và riêng biệt là làm cho quân đội nước nhà hùng mạnh tối đa – đã là những quan điểm được nghe theo và được ban lãnh đạo cao nhất ủng hộ, hơn là quan điểm của những nhà phân tích chuyên đánh giá ảnh hưởng của chính sách quân sự đối với quyền lợi Liên Xô trên trường quốc tế … Trừ khi Liên Xô thay đổi chính sách này, hậu quả sẽ là sự leo thang xung đột hạt nhân tại Châu Âu, một xung đột không hứa hẹn lợi ích thiết thực nào, mà còn có thể ngược lại”.[v]
Nhưng Andropov không nghe những kẻ hoài nghi. Khi lên làm Tổng Bí thư, ông đã đưa điệp vụ RYAN lên vị trí ưu tiên cao hơn trước. Lệnh trên đưa xuống chỉ đạo gián điệp hoạt động trong các nước NATO phải “theo dõi hoạt động tại những nơi công chức và gia đình họ di tản … những khu phòng thủ dân sự có trang thiết bị đặc biệt … điều tra khi có đông người hiến máu hơn bình thường và giá trả cho người hiến máu”. Trước đó, Mỹ cam kết sẽ không phóng bất cứ hỏa tiễn tầm trung nào từ các căn cứ Châu Âu nếu chưa tham khảo ý kiến các đồng minh NATO, vì vậy lệnh của Moscow cho gián điệp KGB nằm vùng lần này nói rằng “vấn đề quan trọng nhất … đối với các đơn vị tình báo Xô-viết là phải thông tin đúng lúc khi các cuộc tham khảo ý kiến về hạt nhân trong khối NATO diễn ra”.[vi]
*
SẴN SÀNG LÂM TRẬN
7.
Tháng 1/1983, Andropov triệu tập lãnh tụ các Đảng Cộng sản trong Khối Warsaw về dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức cấp tốc tại Moscow.
Trong hội nghị, ông gióng lên điều ông gọi là ‘lời cảnh báo trực tiếp’ rằng quan hệ giữa hai siêu cường đang ở mức kém nhất, tính từ cuộc Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba. Ông nói với các lãnh đạo Đông Âu rằng:
“Đặc biệt nguy hiểm … là thách thức quân sự từ Mỹ. Đợt chạy đua vũ trang mới do Mỹ áp đặt có một khác biệt lớn về thực chất. Trước đây, khi nói về vũ khí hạt nhân, Mỹ thích nhấn mạnh rằng trên tất cả, vũ khí hạt nhân chỉ là phương tiện để … “ngăn chặn” mà thôi, còn bây giờ … Mỹ không giấu giếm là họ đang dự định tiến hành một cuộc chiến tranh trong tương lai. Từ đó, xuất phát các học thuyết về chiến tranh hạt nhân “hợp lý” hoặc “giới hạn”. Từ đó, xuất phát những phát biểu về khả năng sống sót và chiến thắng trong một cuộc xung đột hạt nhân kéo dài. Thật khó biết đâu là hù dọa, đâu là những bước chuẩn bị thật để đi những nước cờ chí tử”.[vii]
Trong khi đó tại Washington, Tổng thống Reagan và các cố vấn không hề có ý niệm gì về sự sợ hãi và hoài nghi đến hoang tưởng đang lan tỏa ở Moscow, hầu hết đều do Andropov, lãnh tụ tối cao của Liên Xô, giựt dây.
Họ không biết rằng Andropov đã để bụng những lời phát biểu chống cộng mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ và xem đó là cực kỳ nghiêm trọng. Bài diễn văn nổi tiếng của Reagan tại Orlanda, Florida, ngày 8/3/1983, khi ông gọi Liên Xô là “đế quốc ma quỷ” càng làm căng thẳng thêm tình hình.
Sau bài diễn văn, giới quân sự cao cấp Liên Xô phản ứng ngay. Tướng Vladimir Slipchenko thuộc Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết cho biết: “Quân đội … dùng bài diễn văn đó như lý do để chuẩn bị rốt ráo cho tình trạng chiến tranh. Chúng tôi bắt đầu tiến hành những cuộc tập trận chiến lược khổng lồ. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi thực sự thử nghiệm khả năng huy động lực lượng của mình. Chúng tôi không chỉ tập trận với các lực lượng lục quân mà còn thao dượt với vũ khí chiến lược. Đối với quân đội, thời điểm chúng tôi bị gọi là “đế quốc ma quỷ” thực ra lại rất tốt và có lợi, vì nhờ vậy chúng tôi đã đặt mình vào vị trí sẵn sàng chiến đấu cao độ”.
8.
Chưa đầy một tháng sau, Mỹ tiến hành một loạt các cuộc tập dượt quân sự mà nhà phân tích hàng đầu của CIA về vấn đề Xô-viết, Douglas MacEachin, gọi là “cuộc tập trận lớn nhất lịch sử của Mỹ chung quanh hải phận Liên Xô”. Ông nói: “không quân sẽ ‘thử thách’ hệ thống phòng thủ của Kremlin, và hải quân sẽ ‘thử thách’ … hải phận của họ”.
Trong cuộc tập trận khổng lồ này, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tham gia tìm kiếm lỗ hổng trong các hệ thống giám sát biển và báo động sớm của Liên Xô. Quân đội Mỹ cũng tập dượt các cuộc tấn công mô phỏng nhắm vào tàu ngầm chiến lược mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô.
Liên Xô phản ứng bằng cách cho tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận, và lần đầu tiên tiến hành tổng huy động lực lượng, trong đó có cả những lực lượng hạt nhân chiến lược. Mỹ cho gia tăng những chuyến bay do thám – nhất là chung quanh biên giới viễn đông của Liên Xô.
Cuộc chiến tranh cân não sắp vào hồi quyết liệt, gây thiệt hại nhân mạng trầm trọng.[viii]
***
KAL-007, CHUYẾN BAY ĐỊNH MỆNH
9.
Đại tá Gennadi Osipovich là cựu phi công của Lực lượng Phòng không Liên Xô (PVO), với hơn 10 năm kinh nghiệm tại Viễn Đông. Tuy không được giới phi công ưu tú coi trọng, PVO vẫn là lực lượng tiên phong của hệ thống quốc phòng Liên Xô. Đại tá Osipovich kể lại rằng: “Vào thời điểm đó, tức vào năm 1982 và nhất là năm 1983, chúng tôi phải bay thường xuyên hơn mọi khi, vì có nhiều máy bay do thám khiêu khích chúng tôi hơn. Chúng tôi ở trong tình trạng căng thẳng thường trực”.
Sáng ngày 1/9/1983, vài phút trước khi mặt trời mọc, đại tá Osipovich tức tốc leo lên chiếc máy bay tiêm kích Sukhoi-15 vì được lệnh theo dõi một mục tiêu “quân sự” chưa xác định, từ hướng Kamcharka đang bay gần tới không phận đảo Sakhalin thuộc vùng Biển Okhotsk.[ix]
10.
Mục tiêu quân sự này là một chiếc máy bay “xâm nhập”, lúc đó đã bay trên lãnh thổ Liên Xô được hơn một tiếng đồng hồ. Bốn chiến đấu cơ Liên Xô đã bám theo máy bay lạ nhưng lại mất dấu trước khi có thể bắn hạ mục tiêu.
Lãnh đạo Liên Xô tin rằng đó là máy bay thám thính RC-135 của Mỹ đã từng được phát hiện trước đó, và được gửi đến với sự đồng ý của Liên Xô để giám sát một vụ thử nghiệm hỏa tiễn. Phía Liên Xô được thông báo chiếc máy bay quan sát sẽ rời khu vực vào lúc 5 giờ sáng. Họ cho là chiếc máy bay đã ở lại quá giờ quy định để do thám bí mật.
Thực ra, chiếc máy bay Mỹ này đã vô tình cắt ngang đường bay của chiếc Boeing 747 chở hành khách, Chuyến bay KAL-007 của Hàng không Nam Hàn, đang trên đường từ Seoul đến New York, sau khi vừa tiếp thêm nhiên liệu tại Anchorage. Chuyến bay KAL-007 có phi hành đoàn 29 người và 240 hành khách, trong số có Thượng Nghị sĩ Mỹ Larry P. McDonald bang Georgia, chủ tịch hội cực hữu John Birch Society.
Sau 15 phút cất cánh và truy đuổi, chiếc máy bay được Đại tá Osipovich phát hiện chính là chiếc máy bay dân sự kia. Ông và cấp trên biết họ phải hành động nhanh chóng trong tình huống này. Chiếc tiêm kích Sukhoi-15 của ông có tầm bay giới hạn và bị buộc chỉ được chứa ít xăng. Lý do là vài năm trước đó, sau khi một phi công lái chiếc chiến đấu cơ MiG-25 hiện đại bậc nhất bay thẳng đến Nhật xin tị nạn, đã có lệnh buộc mọi máy bay của Lực lượng Phòng không PVO không được đổ đủ xăng để bay đến một sân bay nước ngoài. Osipovich lúc này chỉ còn tối đa 45 phút bay.
Trên chiếc 747, cơ trưởng Chun Byung-in và đồng nghiệp tại phòng lái không hề biết là họ đã bay trật tuyến đến 480 km và đang bay trên vùng cấm thuộc lãnh thổ Liên Xô.
Cơ trưởng đã bật nhầm công tắc. Chiếc Boeing đã bay theo la bàn từ tự động, thay vì theo hệ thống định hướng dựa trên quán tính vốn chính xác hơn nhiều. Viên phi công Hàn quốc và hoa tiêu của ông tin rằng họ đang bay trên hải phận quốc tế cách bờ biền phía bắc Nhật Bản 160 km. Họ không hề biết điều gì sắp xảy ra cho mình.
*
BẮN HẠ MỤC TIÊU
11.
Osipovich được lệnh nhá đèn trên chiếc tiêm kích để chiếc Beoing chú ý, nhưng chiếc Boeing không nhận ra tín hiệu đèn. Ông cho bắn một loạt đạn cảnh báo, tổng cộng 243 phát đạn, nhưng cơ trưởng Chun vẫn không nghe thấy.
Không lâu sau, như Osipovich sau này kể lại, ông rất phân vân về “mục tiêu” kia của mình. Ông nói: “Tôi có thể thấy hai hàng cửa sổ sáng đèn. Tôi tự hỏi hay đó là máy bay dân sự. Máy bay vận chuyển quân sự không có nhiều cửa sổ đến thế. Nhưng tôi không có thời giờ để suy nghĩ. Tôi có việc phải làm ngay. Tôi bắt đầu gửi tín hiệu đến phi công kia bằng mã hiệu quốc tế. Tôi thông báo ông đã xâm phạm không phận của chúng tôi. Ông ấy không trả lời gì hết”.[x]
Nhưng, càng lúc các tướng lĩnh dưới đất càng tin rằng chiếc Boeing kia chính là một mục tiêu quân sự. Họ lo rằng nếu để chiếc máy bay kia thoát thân, họ sẽ gặp rắc rối với cấp trên và có thể mất chức. Thời gian cấp bách, không còn bao lâu nữa chiếc Boeing sẽ bay khỏi không phận Liên Xô và chiếc tiêm kích của Osipovich sẽ cạn xăng.
Lúc 6 giờ 21 phút sáng, người chỉ huy phòng không trên đảo Sakhalin, tướng Anatoli Kornulov, ra lệnh: “Mục tiêu đã vi phạm biên cương tổ quốc. Phá hủy mục tiêu. Yêu cầu Osipovich bắn hạ ngay”.[xi]
12.
Osipovich cho máy bay đảo xuống, bay phía sau chiếc 747, cách xa khoảng 8 km, và ông nhấn ngón tay trỏ vào nút phóng hỏa tiễn tầm nhiệt R-98. Xong, Osipovich gọi điện đàm báo cho căn cứ: “Tôi đã phóng hỏa”.
Khoảng 30 giây sau, ông nhìn thấy lửa bùng lên ở đuôi chiếc Boeing mang số hiệu chuyến bay KAL-007, và khi ông đảo máy bay về phía phải, bay về căn cứ, ông có thể nhìn thấy chiếc máy bay kia đang đâm nhào xuống biển.
Ông báo về căn cứ: “Mục tiêu đã bị hủy diệt … tấn công đã xong”.
*
TRỐN TRÁCH NHIỆM, DỐI TRÁ
13.
Vụ bắn hạ một máy bay dân sự là thảm họa cho uy tín Liên Xô. Càng mất uy tín hơn nữa vì cách xử lý hậu sự quen thuộc của những người cầm đầu Điện Kremlin. Họ cứ thế nói dối và phủ nhận mọi trách nhiệm lớn nhỏ.
Nhiều quan chức trong Bộ Ngoại giao Liên Xô yêu cầu ban lãnh đạo công nhận sự thật. Sergei Tarasenko, nhà ngoại giao kỳ cựu, sau trở thành cố vấn cho nhiều thế hệ bộ trưởng ngoại giao, nói rằng: “Chúng tôi đi đến kết luận đơn giản là phải thành thật và thú nhận những điều chẳng hạn như ‘một sự cố không may đã diễn ra. Phi công đã mắc sai lầm, thời tiết xấu, việc này dẫn tới việc kia, nhưng đó không phải là việc có tính toán trước.’ Chúng tôi đến gặp Georgi Kornienko, Thứ trưởng Ngoại giao, ông đồng ý với chúng tôi … nhưng ông không thể thuyết phục ban lãnh đạo. Họ cho đó là vấn đề uy tín, và quân đội không muốn thú nhận đã phạm sai lầm”.[xii]
14.
Bộ trưởng Quốc phòng Ustinov kiên quyết chống lại việc công nhận rằng quân đội Xô-viết đã tiêu diệt chiếc máy bay dân sự. Ông nói với Andropov, đang nằm trong bệnh viện vì bệnh rất nặng, rằng: “Đừng lo, mọi thứ sẽ ổn thôi. Chẳng ai có thể chứng minh được điều gì. Bọn Mỹ sẽ không bao giờ tìm được sự thật”.
Có lẽ ông cũng tính rằng sẽ có lợi hơn khi đánh lạc hướng dư luận để họ đừng chú ý tới vai trò của các tướng lĩnh trong vụ này, hoặc đừng soi mói những yếu kém của hệ thống phòng không Liên Xô. Thực vậy, chiếc Boeing 747 kia đã bay trên không phận Liên Xô trong hơn hai tiếng đồng hồ trước khi bị bám sát. Tệ hơn nữa, tám trên tổng số 11 trạm kiểm soát không lưu, đặt trên bán đảo Kamchatka và đảo Sakhalin, đã không phát hiện ra máy bay.[xiii]
15.
Andropov vẫn nằm trong bệnh việc ngày hôm sau, khi các đầu lĩnh Kremlin họp kín để bàn về hậu quả của tai họa.
Konstantin Chernenko – bạn thân của Brezhnev, công việc chính của ông trước đó là bầu bạn, giúp vui cho Brezhnev, châm thuốc lá cho Brezhnev – hôm nay chủ tọa phiên họp kín. Ông nói: “Một điều rõ ràng … Ta không thể cho phép máy bay nước ngoài bay tự do trên lãnh thổ ta. Không nước nào có tự trọng lại làm thế”.
Ustinov kiên quyết bảo vệ quân đội và nói dối trơ tráo. Ông nói rằng chiếc Boeing kia đã bay mà không có đèn báo, điều này hoàn toàn mâu thuân với lời khai của phi công tiêm kích. Cũng hoàn toàn không đúng khi Ustinov cho rằng đã có “lệnh liên tục” yêu cầu phi công Hàn Quốc phải đáp xuống phi trường Liên Xô. Ustinov nói: “Ý kiến của tôi là trong tình trạng này, chúng ta phải cho thấy sự cứng rắn, phải bình tĩnh. Không được chao đảo. Chao đảo là cho phép bọn cơ hội đủ loại bay trên không phận nước ta”.
Bộ trưởng Ngoại giao Andrei Gromyko đã không phản bác, dù có thể. Ông biết rõ hậu quả tai hại của vụ bắn rơi máy bay dân sự đối với uy tín Liên Xô trên thế giới, nhưng ông không phản bác lập trường của quân đội. Ông nói bắn hạ máy bay là “đúng”, nhưng cũng thêm rằng Liên Xô cần tiên liệu xem guồng máy “tuyên truyền của tư bản” sẽ làm gì với vụ này.
*
KHẨU CHIẾN NÓNG BỎNG
16.
Một trong những người lên tiếng cuối cùng là nhà lãnh đạo trẻ đang lên Mikhail Gorbachev, được biết đến như người được Andropov ưa chuộng và là ứng cử viên nặng ký có thể kế vị ông. Một điều luật bất thành văn dành cho những cán bộ muốn thăng quan tiến chức tại Kremlin là: Khi khó xử hoặc lúc phân vân không biết nên làm gì hay nói gì, thì tốt nhất là cứ tấn công “các thế lực đế quốc”. Và trong phiên họp, Gorbachev đã nói: “Người Mỹ chắc chắn biết vụ xâm phạm trái phép này vào lãnh thổ Liên Xô. Máy bay đã ở trên không phận Liên Xô hơn hai tiếng đồng hồ, cho thấy rõ ràng đây là một khiêu khích có chủ đích … Im lặng giờ đây không ích gì. Chúng ta phải tấn công thôi”.[xiv]
17.
Từ ngữ dùng càng lúc càng mang tính báo động.
Một ngày sau khi chiếc máy bay bị bắn hạ, Tổng thống Reagan gọi đó là “một hành động man rợ xuất phát từ một xã hội xem quyền con người và mạng người như rơm rác … đây là tội ác chống lại tự nhiên”.
Ba tuần sau, Andropov trả lời và tiếp tục trơ tráo biện hộ cho hành vi của Liên Xô. Ông tấn công Mỹ đã “âm thầm kích động Liên Xô bằng cách dùng đến máy bay dân sự Hàn Quốc, do các lực lượng đặc biệt của Mỹ điều động”. Ông trách cá nhân Tổng thống Reagan là đang “có âm mưu, một âm mưu điển hình của trò phiêu lưu chính trị”, và đã dùng những “chiêu thức tuyên truyền không thể chấp nhận được”. Ông cảnh báo rằng nước Mỹ là nơi mà “tâm lý quân phiệt kỳ quặc đang lan rộng. Nếu bất kỳ ai từng có ảo tưởng về khả năng chính quyền hiện tại của Mỹ sẽ thay đổi chính sách theo hướng tốt hơn thì họ sẽ hoàn toàn thất vọng”.
Cuộc khẩu chiến càng lúc càng ồn ào, tương tự như trong những ngày tệ hại nhất của Chiến tranh Lạnh vào thập niên 1950. Nhưng đó vẫn chỉ là võ mồm. Những gì sắp diễn ra mới làm lạnh sống lưng, và không phải bằng lời.[xv]
***
TRÍ LỰC SUY TÀN
18.
Đến cuối tháng 9/1983, hệ thống thăm dò vệ tinh của Liên Xô liên tục nhận được những báo động về các vụ phóng hỏa tiễn chiến lược từ lãnh thổ Mỹ. Nhưng đây chỉ là những báo động giả – vì hệ thống ra-đa của Liên Xô gặp trục trặc, và nhanh chóng được chỉnh sửa – nhưng trong không khí căng thẳng đối đầu giữa hai siêu cường, báo động giả cũng làm tăng căng thẳng.
Cũng vậy, Mỹ đổ quân vào Grenada ngày 25/10/1983, để giải phóng hòn đảo này sau cuộc đảo chính do một nhóm du kích quân Mác-xít thực hiện, cũng khiến tình hình tồi tệ hơn. Thực ra, lãnh đạo Liên Xô không quan tâm đến hòn đảo nhỏ vùng Caribbean kia, họ không biết gì nhiều về những người cộng sản tại đây, nhưng sự việc lại diễn ra gần như cùng lúc với việc Mỹ bắt đầu đưa các hỏa tiễn chiến lược tầm trung Cruise và Pershing đến các căn cứ tại Tây Đức. Mặc dù việc Mỹ đưa hỏa tiễn đến Đức chỉ là để đáp trả lại việc Liên Xô triển khai hỏa tiễn tương tự tại Đông Âu, nhưng Andropov vẫn cảm thấy “bị bao vây”.
Một trong những nhà phân tích sắc sảo về chính sách đối ngoại của Liên Xô nhận xét rằng tầm nhìn hạn hẹp về thế giới của Andropov là “sự pha trộn kỳ quặc giữa cái nhìn thực dụng bất di bất dịch và một não trạng tệ hại bậc nhất”, và đây là lúc não trạng tệ hại kia lấn lướt.[xvi]
Andropov gửi thông điệp đến các lãnh tụ Đảng Cộng sản trong Khối Warsaw, cảnh báo rằng: “Washington đã quyết định tiến hành thánh chiến chống hệ thống xã hội chủ nghĩa. Những kẻ vừa triển khai vũ khí hạt nhân mới, ngay trước cửa nhà chúng ta, đang kết nối các chính sách thực tế của họ với nước cờ liều lĩnh này”.
Ông mời các quan chức cao cấp nhất Điện Kremlin và KGB đến bên giường bệnh, nói rằng: “Tình hình quốc tế đang rất căng thẳng … Mỹ muốn thay đổi thế chiến lược hiện có và muốn có cơ hội tấn công trước. Liên Xô phải chuẩn bị đối phó với mọi tình huống trong thời gian sắp tới”.[xvii]
*
TẬP TRẬN NHƯ THẬT
19.
Và rồi cuộc tập trận có tên Able Archer (Cung thủ Tài ba) đã diễn ra, bắt đầu từ ngày 2/11/1983, kéo dài chín ngày, do NATO chỉ huy, nhằm tập dượt khả năng thông tin liên lạc trong trường hợp có chiến tranh hạt nhân.
Andropov và những cố vấn tình báo cao cấp nhất do ông tự chọn đều tin rằng đó không phải là cuộc tập trận gì cả, mà là màn bày binh bố trận thật để chuẩn bị tấn công Liên Xô và đế quốc của họ ở Đông Âu. Liên Xô cũng có một kế hoạch chiến tranh tương tự, cũng che đậy việc sử dụng vũ khí hạt nhân bằng một cuộc tập trận quy ước thường lệ. Quân đội Liên Xô cho rằng cuộc tấn công của NATO sẽ diễn ra tương tự.
Nhưng vẫn còn vô số những dấu hiệu khác mà Điện Kremlin và KGB diễn dịch sai lầm, giữa lúc mọi sự gần như bị bao phủ bởi một thứ “sương mù chiến tranh lạnh”, như lời một nhà phân tích tình báo mô tả.
20.
Cung thủ Tài ba 1983 là cuộc tập trận với quy mô lớn hơn rất nhiều mọi cuộc tập trận trước đó. Nó “thật” chưa từng có.
Các lãnh tụ NATO tham dự, cả Thủ tướng Anh Margaret Thatcher lẫn Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl. Gián điệp KGB biết được thông tin họ tham dự và báo cho Moscow. Tổng thống Reagan, Phó Tổng thống George H.W. Bush và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Caspar Weinberger dự định tham gia nhưng đã rút lui vào phút cuối. Cố vấn An ninh Quốc gia của Reagan, Robert McFarlane, lo ngại rằng trong tình hình quan hệ giữa hai siêu cường đang cực kỳ căng thẳng, việc Tổng thống cùng Phó Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tham gia tập trận có thể bị hiểu lầm. Nhưng, cả việc họ không tham gia cũng bị diễn giải sai lầm.
Các chính khách đột ngột xáo trộn lịch làm việc và các tướng lĩnh di chuyển tất bật ở Washington chính là loại dấu hiệu KGB muốn gián điệp của họ tìm kiếm, theo kế hoạch tình báo RYAN. Quân báo Liên Xô còn thấy rằng các định dạng truyền tin của Mỹ lần này được thay đổi rất nhiều so với những cuộc tập trận trước, và điều này cũng được báo về Điện Kremlin như một dấu hiệu rất bất thường.[xviii]
*
BÁO ĐỘNG ĐỎ
21.
Andropov kết luận rằng tất cả những thông tin kể trên chỉ có thể có nghĩa là: đúng như ông từng sợ hãi và cảnh báo, việc Mỹ tấn công đang trở thành sự thật.
Ông đặt các lực lượng Liên Xô vào tình trạng báo động cao nhất, và cảnh báo các nước Khối Warsaw rằng lần đầu tiên kể từ vụ Khủng hoảng Hỏa tiễn Cuba, Liên Xô sẽ cho triển khai tàu ngầm hạt nhân dọc bờ biển nước Mỹ.
Phía Mỹ không thể tin Liên Xô đã phản ứng như thế trước một cuộc tập trận đơn giản không có gì đáng ngại. Họ cho rằng đó là động thái chính trị. Một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Liên Xô, Melvin Goodman, kể lại là ông có biết “một số thông tin tình báo cho thấy Moscow lo ngại đến mức báo động. Nhưng những thông tin này không được bất cứ ai, ngoại trừ các nhà phân tích, xem là nghiêm trọng”.[xix]
Một sĩ quan KGB làm gián điệp cho Anh, Oleg Gordievsky, cấp báo cho cấp trên tại London về suy nghĩ và phản ứng của giới lãnh đạo cao nhất Liên Xô. Ông kể: “Khi tôi báo cho các sếp người Anh, họ không thể ngờ giới lãnh đạo Liên Xô lại có thể ngu xuẩn và thiển cận đến độ đi tin những điều không đáng tin như thế … Tôi bảo họ, được rồi, để tôi lấy tài liệu cho xem”.
Thông tin của Gordievsky được chuyển ngay cho Thủ tướng Thatcher. Bà yêu cầu báo cho Mỹ biết. Cố vấn đối ngoại của Thatcher, ông Charles Powell, nói: “Chỉ một số đếm trên đầu ngón tay biết đầy đủ chi tiết tình hình nguy hiểm đến mức nào. Lúc đó, thông qua một số gián điệp ở những vị trí rất quan trọng, chúng tôi biết người Nga thực sự lo lắng rằng phương Tây đang chuẩn bị một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào họ”.[xx]
*
THÁO NGÒI
22.
Tình báo CIA muộn màng nhận ra rằng nỗi sợ hãi của lãnh đạo Liên Xô tuy hoang tưởng và vô văn cứ nhưng rất thật. Cựu Giám đốc Tình báo Mỹ Robert Gates công nhận: “Tôi không nghĩ giới lãnh đạo Liên Xô hù dọa … Họ có vẻ thực sự tin tình hình đang rất nguy hiểm. Và tình báo Mỹ đã không biết họ lo lắng sâu sắc đến mức nào”.
Khi Reagan được báo tin, ông chấn động. Ông thấy rằng các siêu cường có thể vô tình bị đẩy vào chiến tranh chỉ vì một loạt những lời qua tiếng lại quá đà, những phô trương lực lượng, những hiểu lầm, những hiểu biết ngây ngô và tai nạn các loại. Ngay lập tức, ông đánh tiếng với Moscow nhằm trấn an họ rằng Cung thủ Tài ba chỉ là một cuộc tập trận thuần túy, và ông gửi tướng về hưu Brent Scowcroft, sau trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia, đi gặp gỡ ngoại giao trực tiếp để “bảo đảm rằng chúng tôi không hề có ý định tấn công Liên Xô”.[xxi]
Căng thẳng tạm thời giảm bớt. Liên Xô giảm mức báo động cao nhất. Nhưng quan hệ hai bên vẫn tiếp tục tồi tệ. Tháng 12/1983, Liên Xô bực tức bỏ ngang cuộc thương lượng tại Geneva về cắt giảm vũ khí hạt nhân, vốn kéo dài từ lâu trong bế tắc và chỉ tiếp diễn cho có hình thức. Andropov tiếp tục giận dữ, bức bối, và hiếu chiến trong những tháng còn lại của đời mình.
Vụ khủng hoảng kể trên đã thay đổi Reagan sâu sắc, ông viết trong nhật ký rằng: “Ba năm [làm Tổng thống] đã dạy tôi một số điều rất đáng ngạc nhiên về người Nga. Nhiều người trong giới lãnh đạo Xô-viết cao nhất thực sự sợ nước Mỹ và người Mỹ. Đáng lẽ điều này không nên làm tôi ngạc nhiên, nhưng thực tế lại khác”.
Nhận thức này đã biến Reagan từ một Chiến binh Chiến trang Lạnh cứng cựa thành một chính trị gia mềm mỏng hơn nhiều.[xxii]
———–
Dịch theo bản gốc tiếng Anh cuốn Revolution 1989 – The Fall of the Soviet Empire (Cách mạng 1989 – Đế quốc Xô-viết sụp đổ) của Victor Sebestyen, Pantheon Books, New York, 2009. Bản tiếng Việt này không phục vụ mục đích thương mại.
P.T.
[i] Thông tin về Yuri Andropov trích từ sách của: Vladimir Solovyov và Elena Klepikova, Andropov: A Secret Passage into the Kremlin (Robert Hale, London, 1984); Sergei Semanov, Andropov: 7 tain genseka s Lubianki (Veche, Moscow, 2001); và Zhores Medvedev, Andropov (Oxford Uninversity Press, 1983)
[ii] Michael Dobbs, Down With Big Brother (Bloomsbury, London, 1997) tr. 95-100
[iii] Vladislav Zubok, A Failed Empire (University of North California Press, 2007), tr. 278
[iv] Richard Rhodes, Arsenals of Folly (Knopf, New York, 2007), tr. 134
[v] Như trên, tr. 226
[vi] Như trên, tr. 235
[vii] Alexander Alexsandrov-Argentov, Ot Kollomtai do Gorbacheva (Mezhdunarodnye Otnosheniya, Moscow, 1994), tr. 178
[viii] Richard Rhodes, sđd, tr. 138-50
[ix] Phỏng vấn Osipovich, Cold War series, LHCMA (Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London), box 18
[x] Như trên, và trích Michael Dobbs, sđd, tr. 101-9
[xi] Michael Dobbs, sđd, tr. 107
[xii] Phỏng vấn Tarasenko, Tháng 3/1999, OHCW (Oral History of the Cold War) – Russian Academy of Sciences, Moscow
[xiii] Michael Dobbs, sđd, tr. 109
[xiv] Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Tài liệu Lịch sử Hiện thời RTsKhIDNI. Biên bản Bộ Chính trị ngày 2/9/1983, f3, op.73, d 1152, 112-13
[xv] Báo Izvestia, ngày 20/9/1983
[xvi] Dmitri Volkogonov, The Rise and Fall of The Soviet Empire (Harper Collins, New York, 1998), tr. 360-67; và Vladislav Zubok, sđd, tr. 264-6
[xvii] Melvyn Leffler, For the Soul of Mankind: The United States, the Soviet Union and the Cold War (Hill & Wang, New York, 2008), tr. 324-31
[xviii] Richard Rhodes, sđd, tr. 221-5
[xix] Như trên
[xx] Tác giả nói chuyện với Lord Powell, London, tháng 5/2007
[xxi] Robert Gates, From the Shadows (Simon & Schuster, New York, 1997), tr. 217
[xxii] Ronald Reagan, The Reagan Diaries (HarperPress, New York, 2007), tr. 346
Dịch giả gửi BVN