7 nước chưa ký điều khoản ngân hàng AIIB

Lễ ký kết diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh

7 quốc gia hoãn ký kết các điều khoản Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Á châu (AIIB), tổ chức tài chính mới mà Trung Quốc lập để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Lễ ký kết được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm thứ Hai 29/6, với đại biểu từ 57 quốc gia.

Các nước này được trông đợi ký các điều khoản quy định đóng góp của mỗi thành viên cũng như quỹ khởi điểm của ngân hàng.

Tuy nhiên chỉ có 50 nước ký kết, 7 quốc gia là Đan Mạch, Kuwait, Malaysia, Philippines, Hà Lan, Nam Phi và Thái Lan, đã từ chối ký với lý do chưa được ủng hộ ở trong nước.

Các nước này nói có khả năng sẽ ký sau.

Anh, Đức, Australia và Nam Hàn nằm trong số các thành viên sáng lập AIIB.

Nhật Bản và Hoa Kỳ, vốn phản đối AIIB, là hai nước lớn nhất không tham gia tổ chức này.

Hoa Kỳ đặt dấu hỏi về tiêu chuẩn quản lý ngân hàng mới, mà Washington cho là sự lan tỏa của “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Trong các nước chưa ký kết, Philippines có lẽ là quốc gia quan ngại nhất.

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đang xấu đi quanh tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines.

Tổng thống Aquino từng bày tỏ quan điểm không mấy mặn mà về việc tham gia AIIB.

 

‘Quyền lực mềm’

AIIB, được thành lập tháng 10/2014 với 21 thành viên mà Trung Quốc dẫn đầu, sẽ cung cấp tín dụng cho các dự án năng lượng, giao thông và hạ tầng ở châu Á.

Việc thành lập ngân hàng này được ca ngợi như thành tựu về ngoại giao và chiến lược của Trung Quốc.

Đây là một trong số các tổ chức mà Trung Quốc thành lập để thúc đẩy nghị trình kinh tế riêng của mình, bắt nguồn từ bức xúc vì thiếu hụt ảnh hưởng trong các tổ chức tài chính quốc tế lớn như WB.

AIIB bắt đầu với vốn điều lệ là 50 tỷ đôla, sẽ tăng lên gấp đôi.

Trung Quốc giữ 30,34% số vốn này và là cổ đông lớn nhất.

Với số vốn này, Trung Quốc giành 26,06% số phiếu và có tiếng nói quyết định trong các cuộc bầu bán của tổ chức này.

Ấn độ là cổ đông lớn thứ hai với khoảng 10-15%, trong khi Nga và Đức đứng số ba và số bốn, theo Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ hôm thứ Hai 29/6 nói ông tin rằng AIIB có thể bắt đầu chính thức hoạt động trước cuối năm nay.

Nguồn:

http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/06/150630_aiib_postponed_signing

 

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.