MAGNA CARTA 800 TUỔI, VIỆT NAM CHỈ CHẬM CÓ 800 NĂM!

Trong ngày 15 tháng 6 vừa qua, Nữ hoàng Elizabeth và Thủ tướng Anh David Cameron đã tham dự Lễ Kỷ Niệm 800 năm ngày ra đời của Đại Hiến chương Magana Carta (Great Charter) tại Runnymede. Tại đây vào đúng 800 năm về, trước vua John đã ban hành dấu ấn vào văn bản tạo ra nền tảng cho một thể chế dân chủ đại nghị và nhà nước pháp quyền. Thủ tướng Cameron phát biểu rằng Magna Carta là một bước ngoặt lịch sử của nhân loại vì nó đã thay đổi trong cốt lõi quan hệ giữa giai cấp thống trị và giới bị trị.

Vua John sinh ngày 24 tháng 12 năm 1166 và là con út trong năm người con trai của Vua Henry II. Các anh lớn của Jonh gồm có Willaim, Henry và Geoffrey đều chết yểu. Khi anh thứ là Richard I trở thành vua vào năm 1189, Richard quyết định phong cháu Arthur làm thái tử. Nhân lúc Richard đi vắng trên đường tham dự Thập Tự chinh III thì John làm đảo chính soán ngôi nhưng thất bại, kết quả là bị lưu đày. Đầu năm 1194, vua Richard trở về. Cuộc chiến với vua Phillip II tiếp diễn và Thái tử Arthur bị vua Pháp bắt giữ. Richard xuống lệnh ân xá và phong John làm thái tử. Khi Richard băng hà năm 1199 thì John nối ngôi vua Anh Quốc. Một năm sau, John ký Hòa ước Le Goulett với vua Phillip II của Pháp mà theo đó, John được công nhận chủ quyền một phần lãnh thổ ở miền tây bắc Pháp.

Nhưng chiến tranh với Pháp lại nổ ra trong năm 1202. Sau một vài trận thắng đầu, quân của John liên tục bị thất bại và mất tất cả đất ở Pháp. Tới năm 1208, Giáo hoàng Innocent III quyết định bổ nhiệm Stephen Langton làm Tổng Giám mục Canterbury. Vua John phản đối và kết quả ông trở thành vị hoàng thân Anh Quốc đầu tiên bị Giáo Hoàng rút phép thông công từ năm 1209 cho tới năm 1213.

John đích thân cầm quân đi đánh Pháp để lấy lại đất nhưng bị bại tại trận Bouvines vào năm 1214. Quay trở về Anh Quốc, John vẫn nuôi mộng tiếp tục chiến tranh. Để có kinh phí thì nhà vua phải đánh thuế nặng hơn. Đa số bá tước sau nhiều năm đóng thuế cho vua tham chiến đã quá mỏi mệt và quyết định làm phản. Tới năm 1215 thì số bá tước phản loạn nhiều hơn số trung thành với nhà vua. Nội chiến bùng nổ và nhóm phản loạn cầm đầu bởi Bá Tước Robert Fitzwater tiến chiếm London. John không còn cách nào khác là phải thương thuyết và chấp nhận điều kiện của họ.

Qua trung gian của Tổng Giám Mục Langton, vua John và nhóm phản loạn đã đồng ý gặp nhau tại Runnymede bên cạnh sông Thames là trung điểm giữa cung điện Windsor và London. Sau 10 ngày thương thuyết, vua John đồng ý chấp nhận các điều kiện của nhóm phản loạn và đóng dấu ấn vào Magna Carta và vào ngày 15 tháng 6 năm 1215.

Văn bản Magna Carta được viết tay bằng chữ La tinh trên mảnh da cừu có khoảng 4000 chữ và được dịch ngay sang tiếng Pháp – ngôn ngữ quốc tế của giới quý tộc vào thời đó. Bản dịch tiếng Anh đầu tiên được khám phá vào năm 1534, có nghĩa là hơn 300 trăm năm sau khi bản gốc ra đời. Văn bản bao gồm 63 điều khoản mà đa số là ấn định trách nhiệm của nhà vua trong việc đánh thuế, giam giữ thần dân và quyền hạn của bá tước trong chế độ phong kiến. Nhưng cũng có những điều khoản liên quan tới quyền hạn của Nhà Thờ, người Do Thái, góa phụ và giới thương gia ngoại quốc. Trên căn bản thì Magna Carta là một hòa ước giữa vua John và các bá tước, nhưng các điều khoản áp dụng cho mọi thần dân tự do. Anh Quốc lúc đó ước lượng có 4 triệu dân mà khoảng 3/4 thuộc dạng tá điền không được xem ngang hàng với thần dân tự do. Tuy nhiên, không thể phủ nhận văn bản này là nền tảng khởi đầu cho khái niệm nhân quyền phổ quát.

Trong 63 điều khoản thì chỉ có một vài điều được lưu giữ trong luật Anh Quốc và có tầm quan trọng mang tính lịch sử. Cụ thể làĐiều 12 và 14 quy định nhà vua không được đánh thuế trừ khi có sự đồng thuận của một hội đồng đại diện gồm có các tổng giám mục, giám mục, tu sĩ, bá tước qua một cuộc họp được triệu tập bằng văn bản. Điều 21 quy định là bá tước chỉ bị xử phạt bởi những người ngang hàng và hình phạt phải tương xứng với tội phạm. Điều 39 quy định là không có một thần dân tự do nào có thể bị bắt giữ hoặc giam cầm, bị tịch thu tài sản, đặt ngoài vòng pháp luật hoặc bị dùng vũ lực ép buộc trừ khi có phán quyết hợp pháp của những người ngang hàng với họ. Điều 40 xác định là không ai có quyền bán, phủ nhận hoặc trì trệ quyền công lý của thần dân tự do.

Đặc biệt là dưới Điều 61, một hội đồng quý tộc gồm có 25 bá tước sẽ được thành lập để giám sát và bảo đảm nhà vua tuân thủ các điều khoản của Magna Carta. Trong trường hợp nhà vua vi phạm thì hội đồng có thể chế tài bằng cách chiếm giữ đất đai và tài sản của vua.

Điều 12 và 14 của Magna Carta mở đường cho sự thành lập Quốc hội Lưỡng viện Anh Quốc sau này gồm có Viện Quý tộc (House of Lords) và Viện Thường dân (House of Commons). Điều 21 và 39 dẫn đến nguyên tắc xét xử bởi Bồi thẩm đoàn và bản án phải tương xứng với tội trạng trong Luật hình sự. Điều 39 xác định quyền tư hữu của mọi người dân mà nhà vua hoặc bất cứ ai không thể nào tùy tiện chiếm giữ. Điều 39 và 40 cũng mở đường cho Luật Bảo thân (Writs of Habeas Corpus) sau này và nguyên tắc là không có ai bị tước đoạn quyền hạn mà không thông qua một tiến trình công lý đúng đắn (due process of law).

Tuy đã chấp thuận Hiến Chương nhưng vua John không thật lòng tuân thủ nên bí mật yêu cầu Giáo Hoàng can thiệp. Giáo Hoàng Innocent III tuyên bố Magna Carta không có giá trị vì nhà vua đã bị cưỡng bức. Quân của vua John quay lại tấn công nhóm bá tước phản loạn ở thôn quê. Tại London, nhóm phản loạn tuyên bố lật đổ nhà vua và hứa phò vua Louis của Pháp. Trong lúc cuộc nội chiến sắp diễn ra thì vua John thình lình qua đời vì bệnh kiết lỵ vào ngày 19 tháng 10 năm 1216. Con ông là Henry III lúc đó mới 9 tuổi nối ngôi dưới sự nhiếp chính của William Marshall. Quân bảo hoàng đánh bại nhóm phản loạn tại trận Lincoln và Dover vào năm 1217 nhưng để lấy lòng thần phục của các bá tước, quan nhiếp chính ban hành lại Magna Carta ngắn hơn với 41 điều khoản và loại bỏ Điều 61. Khi tới tuổi trưởng thành vào năm 1227, chính vua Henry III ban hành Magna Carta mới và ngắn hơn và văn bản này trở thành một phần của luật Anh Quốc.

Khi Magna Carta ra đời trong năm 2015 thì Việt Nam đang trải qua những ngày tháng cuối của thời Nhà Lý. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Vua Lý Huệ Tông sinh năm 1194 và lên ngôi vào năm 1211. Đến năm 1224 thì Vua bị Trần Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng lúc đó mới 6 tuổi. Qua năm sau thì Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi lại cho chồng là Trần Cảnh lập ra Nhà Trần và chấm dứt triều đại Nhà Lý.

Tục truyền là Vua Lý Huệ Tông phát điên nên truyền ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng để đi tu. Nhưng Trần Thủ Độ vẫn sợ người dân nhớ vua cũ nên tìm cách giết ông. Một hôm khi thấy Huệ Tông nhổ cỏ sau vườn, Thủ Độ bèn nói “nhổ cỏ phải nhổ cả rễ”. Huệ Tông đáp trả là “điều ngươi nói, ta hiểu rồi”. Sau đó, nhà vua tự tử chết năm 1226 thọ 33 tuổi.

Có lẽ sự ảnh hưởng quan trọng nhất của Magna Carta không phải chỉ là ở một vài điều khoản mà là ở tinh thần thượng tôn luật pháp và hình thức cai trị pháp quyền. Khi văn bản này đời vào 800 năm về trước thì người Anh đã bắt đầu vượt ra khỏi thuyết thiên mệnh là không có một cá nhân, nhà vua, nhóm hay tập thể nào có thể đứng trên luật pháp. Vào lúc đó thì chế độ phong kiến tại Việt Nam vẫn còn áp dụng triệt để những hình thức cai trị độc đoán. Cho tới ngày nay trong năm 2015, tài sản, đất đai của hàng trăm ngàn ngàn dân oan Việt Nam vẫn bị tịch thu một cách tùy tiện. Gần đây hơn, công an tùy tiện tịch thu hộ chiếu của Gs Nguyễn Huệ Chi mà không một lời giải thích. Hộ chiếu đả trả lại nhưng không có một ai chịu trách nhiệm trước pháp lý.

Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải có sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp và một hệ thống tư pháp thật sự độc lập. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn đứng trên pháp luật và cai trị một cách tùy tiện. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình là một thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản thì làm sao tòa án có thể độc lập? Không biết còn bao nhiêu năm nữa thì Việt Nam mới xây dựng được một hệ thống cai trị pháp quyền theo đúng tinh thần của Magna Carta 800 về trước?

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hiến Pháp. Bookmark the permalink.