Anh Quốc và một số nước khác trên thế giới vừa kỷ niệm ngày Magna Carta ra đời, cách đây đúng 800 năm, ngày 15 tháng 6 năm 1215.
Magna Carta (Đại Hiến Chương) là văn kiện đầu tiên trên thế giới đưa ra nguyên tắc thượng tôn pháp luật (rule of law), qua đó Vua John của Anh Quốc chấp nhận phải cai trị đất nước theo pháp luật, cá nhân nhà vua không được đứng trên pháp luật.
Văn kiện này được soạn thảo bởi Stephen Langton, Tổng Giám Mục Canterbury, nhằm mang lại hoà bình giữa Vua John, vị vua không được lòng dân, và các quý tộc nổi loạn. Từ đó đến nay, hiến chương này là một nền tảng cho các chế độ dân chủ.
Xin dành việc giải thích chi tiết về Đại Hiến Chương này cho các nhà luật học. Bài viết này nhằm trình bày vài cảm nghĩ nhân dịp kỷ niệm biến cố trọng đại này.
Thế hệ của chúng tôi là những người may mắn được thừa hưởng nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng của Việt Nam Cộng Hoà. Còn nhớ những giờ Công Dân Giáo Dục lớp 12, chúng tôi ngồi say mê nghe thầy giáo giảng về Magna Carta và Habeas Corpus. Ngoài những kiến thức về khoa học và kỹ thuật, sự hiểu biết sơ đẳng về pháp luật giúp chúng tôi tự tin bước vào đời, hiểu rõ quyền hạn của một người công dân trong một đất nước không có ai đứng trên pháp luật.
Habeas Corpus là quyền bảo hộ nhân thân của một công dân, buộc nhà cầm quyền không được giam giữ người một cách vô cớ. Chỉ có toà án mới được quyền phán quyết việc giam giữ người có tội. Cũng như Magna Carta, Habeas Corpus ra đời tại Anh Quốc hơn mấy trăm năm trước.
800 năm sau ngày Magna Carta ra đời, tinh thần thượng tôn pháp luật vẫn là điều khiếm khuyết tại Việt Nam. Người dân vẫn bị bắt bớ và giam cầm không thông qua xét xử theo đúng tinh thần vô tư của luật pháp. Người dân vẫn lo sợ nhân thân của mình bị xúc phạm. Đáng ngại hơn, một số không ít không coi đó là chuyện bất bình thường.
Nên chăng các nhà giáo dục tại Việt Nam đưa vào chương trình giáo dục trung học những kiến thức căn bản đó về quyền con người? Đó là điều mà một nửa đất nước đã làm được hơn 40 năm trước. Nếu những nhà giáo dục vì lý do gì đó không làm được, nên chăng các nhà trí thức phổ cập những kiến thức đó một cách dễ hiểu, qua các phương tiện truyền thông đại chúng?
Chỉ khi đại đa số công dân ý thức được những quyền hạn cơ bản của con người, và lên tiếng đòi hỏi cho những thứ quyền đó, thì đất nước mới có thể chuyển mình để đi theo đà tiến triển chung của nhân loại. Đã 800 năm trôi qua rồi!
Sydney ngày 18 tháng 6 năm 2015
T.T.
Tác giả gửi BVN