Triều Nguyễn nổi tiếng với việc cấm đạo. Người ta cắt nghĩa đó là tại Nho học đã thấm quá sâu, khiến vua chúa sinh ra bảo thủ.
Nhưng một người tôi quen bảo có gì đâu, tại các bà phi tần cả. Vua mà đi lễ nhà thờ thì phải theo chế độ một vợ một chồng, và tam cung lục viện không biết chừng giải tán hết (?!). Nên các bà vừa nghe phong phanh đã không thích đạo và bảo nhau nằn nì xin vua cấm đạo bằng được.
Không biết cách giải thích này có đúng không, nhưng nghe không phải không có lý.
Suốt thời trung đại Việt Nam không chế được ra thứ văn tự riêng của mình, trong giấy tờ hành chính, trong trước tác và nói chung trong tư duy phải dùng chữ Hán. Chữ Nôm sớm được nghĩ ra, nhưng ác một nỗi là phải giỏi Hán thì người ta mới giỏi Nôm được. Một nhà nghiên cứu người Nhật đã bảo nó là một thứ bánh vẽ.
Tại sao có tình trạng đó?
Cũng như trường hợp trên, ở đây có một cách giải thích mà tôi chưa chứng minh được, nhưng cảm thấy có lý: Chính các nhà nho xưa muốn thế.
Nếu có một công cụ mới quá thuận tiện, ai cũng học được, thì còn đâu là đặc quyền của lớp người có học trong xã hội. Tìm ra thứ chữ dễ học? Trao cần câu cơm cho người khác à? Có đâu dễ thế!
Cái gì là động cơ thúc đẩy con người trong lịch sử? Chúng ta hay giải thích bằng những cái lý lớn: vì họ hiểu ra thế này, vì họ nhận thức được điều kia.
Nhưng trong thực tế, nhiều khi lại chỉ thấy có những nguyên cớ rất thiết thực.
Với phần lớn người đời, phải nói chúng ta thường xuyên là tù nhân của những lợi ích trước mắt.
Hai mẩu chuyện trên đây là bằng chứng cho thứ lý thuyết mà tôi vừa nêu. Nó có vẻ chỉ thấy con người ở góc độ chật hẹp. Nhưng sao tôi thấy nó đúng với nghĩa giúp tôi giải thích nhiều sự việc kỳ cục. Cả với nhiều chuyện hôm nay cũng đúng.
Như chung quanh câu chuyện gần đây thiên hạ hay bàn là vấn đề cải cách giáo dục.
Ai cũng thấy là giáo dục quá ư xập xệ. Điều có thể nói chắc là, nói theo ngôn ngữ hàng hóa, thì một tỷ lệ lớn sản phẩm – tức những thanh niên mà hàng năm chúng ta cho ra lò – so với tiêu chuẩn hiện đại, chỉ là loại thứ phẩm, không đào tạo lại sẽ không dùng được.
Tôi tin ai cũng thấy là cần phải thay đổi.
Nhưng thay đổi thế nào bây giờ?
Liệu sau những năm chiến tranh, ai là người hiểu biết về giáo dục hiện đại để đề ra một đề án thích hợp?
Rồi ngay cả khi có phương án đúng, thì lấy đâu ra tiền của để thực hiện?
Tiếp tục xếp sang một bên câu chuyện tiền của, ta sẽ có trường sở đàng hoàng. Ta sẽ có chương trình đi sát yêu cầu kiến thiết đất nước.
Vâng, không thiếu gì cả.
Thì tới câu hỏi cuối cùng, lấy đâu ra thầy và trò để lấp đầy cái nhà trường đó?
Và trước tiên, điều vướng mắc nhất, đó là những người bấy lâu trong nghề giáo dục – các thầy các cô hiện nay – sẽ đi đâu, làm gì?
Đào tạo lại ư? Lâu nay họ đã là máy cái rồi, có thứ máy cái nào khác đào tạo họ được?
Đặt địa vị mình cũng là một người đang làm trong nghề, không muốn dối lòng, hẳn tôi phải nói rằng chính tôi ngại lắm!
Chẳng phải chỉ các quan chức trong ngành muốn duy trì hiện trạng, mà ở chỗ thâm sâu trong lòng mỗi người, chúng tôi đều lờ mờ e ngại rằng trong mọi sự thay đổi, đâu có dễ tìm ra chỗ của mình.
Vậy thì kêu lên cho phải phép thôi, chứ bàn chuyện thay đổi đến cùng sao được!
KHÔNG AI TỰ NGUYỆN CHẶT CHÂN MÌNH
Không ai muốn ném mình vào một tương lai vô định.
Nói cụ thể hơn, đời sống đã quá phiền toái rồi, không ai muốn tự làm phiền thêm nữa.
Ở đâu tôi cũng quan sát thấy sự có mặt của cái chân lý chết tiệt đó!
Như mấy ngày đầu tháng Sáu mấy năm trước, khi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa được tiến hành trên tờ báo nọ, người ta thấy một bài phỏng vấn.
Một phóng viên hỏi có phải năm nay bộ chủ trương tháo khoán không mà nghe thấy tình hình suôn sẻ thế, rồi một quan chức của bộ trả lời rằng đâu có, mọi chuyện được tiến hành nghiêm túc lắm, không có chuyện bộ để cho địa phương làm đẹp kết quả.
Hẳn nhiều bạn đọc chỉ thoáng nghe qua là đoán được tình hình thực hư thế nào rồi. Nhưng tôi cho là phải thông cảm với vị quan chức kia mới được.
Ai ở địa vị một quan chức đương quyền cũng phải nói kiểu ấy.
Chứ “lạy ông tôi ở bụi này” để làm gì?
Để chứng tỏ rằng cái Bộ của mình có tổ chức mấy kỳ thi cũng không ra sao à?
Người ta sẽ chẳng nói gì mới nếu bảo rằng trong khi ở ta, ai bây giờ cũng khôn ngoan cũng giỏi tính toán cho mình, thì trên con đường đi vào tương lai, cả xã hội lại đang bước những bước thật là dại dột.
Ta đang cho thuê đất thuê rừng lấy vài đồng rẻ mạt.
Ta đang khai thác bừa bãi khoáng sản để có thành tích xuất khẩu và có vốn liếng làm những cuộc hội hè tốn kém.
Ta để cho bao nhiêu học sinh giỏi giang ra nước ngoài học và bảo nhau không thể quay về vì quay về không có chỗ để làm việc…
Như thế là tự mình đào móng ngôi nhà đang ở, mình chặt chân mình, chứ có gì khác. Cứ mỗi trường hợp có sự mâu thuẫn xung đột giữa hiện tại với tương lai thì chúng ta đều bắt tương lai hy sinh cho hiện tại.
THỬ TÌM CÁCH LÝ GIẢI TÌNH TRẠNG TRÊN
Tại sao người Việt hôm nay trở nên bảo thủ và thiển cận như vậy?
Ngoài những nguyên nhân lịch sử lâu dài, cái chính là chúng ta vừa trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp.
Chiến tranh bao giờ cũng đặt người ta vào cái đêm tối mịt mùng chỉ biết an phận chỉ biết mong chờ may rủi.
Huống chi cuộc chiến tranh 30 năm đã làm cho cả xã hội lẫn từng cá nhân cạn kiệt hết sức lực. Không ai đủ sức nghĩ về những cái cao xa trừu tượng, không ai có đủ lòng tin để mà chăm lo cái cuộc sống như lý tưởng mà ông cha bao đời và nhân loại phổ biến bao giờ cũng nghĩ. Người ta chỉ còn lo kiếm chác hưởng thụ. Người ta trở nên tầm thường hơn hẳn các thế hệ sống trong thời bình. Trình độ làm người của cả xã hội bị hạ thấp. Qua văn học, tôi có được biết một ít về tình trạng người Việt trước chiến tranh và tôi luôn luôn cảm thấy là so với họ thì các thế hệ người Việt sau chiến tranh kém đi về mọi mặt. Chỉ tiếc là để chứng minh được điều này, tôi không đủ sức.
V.T.N
Nguồn: FB Vương Trí Nhàn