Trong Thế chiến 2, các Đô đốc Mỹ thường gọi chuỗi đảo và bãi đá họ có là “các tàu sân bay không thể chìm” dùng trong cuộc đối đầu với Nhật Bản.
Nhưng tại sao TQ làm điều này? Ai sẽ hưởng lợi? Cái giá phải trả thế nào?Các nhà hoạch định chính sách Lầu Năm Góc lo ngại khi TQ đẩy mạnh trái phép các dự án nạo vét bãi ngầm, biến chúng thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh muốn biến các đảo này thành nhiều căn cứ quân sự cho không quân và hải quân.
Nước lớn ở đại dương
Báo Wall Street Journal đã mô tả trong nhiều bài viết đăng tải tuần qua rằng, TQ đang đẩy mạnh yêu sách chủ quyền ở Biển Đông bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự trên 7 bãi ngầm họ cải tạo trái phép ở Trường Sa. Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ TQ Chu Hải Toàn gọi đây là động thái quan trọng, để “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải, giúp TQ thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quốc tế trong nhiều lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển”.
Mỹ phản đối việc TQ xây dựng trên các đảo mới và sau đó tuyên bố chúng thuộc chủ quyền lãnh thổ TQ.
Tại sao yêu sách chủ quyền của TQ với quần đảo Trường Sa là phi lý, nhưng họ vẫn ngang ngược thực hiện?
Phần lớn giao thương đường biển của thế giới đi qua Biển Đông và quần đảo Trường Sa. Là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, TQ có lợi ích trong khu vực thương mại nhộn nhịp này. Xây dựng một chuỗi các tàu sân bay không thể chìm ở Biển Đông là cách để làm điều đó.
Cuộc tranh chấp đang ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và một số láng giềng Đông Nam Á là một lý do khác cho việc TQ đưa yêu sách chủ quyền vào cái gọi là “diễn biến thực địa”. Ở vùng biển của Việt Nam, của Philippines, và cả ngay sát cửa ngõ Nhật Bản, TQ đã có nhiều hành động gây hấn từ tranh chấp quyền tài phán đến quyền đánh bắt.
Một khi TQ có chỗ đứng ở Biển Đông sẽ rất khó khăn để đẩy họ trở lại. Cựu Đại tá Mỹ David Hunt đã từng giải thích rằng, một khi ai đó “cắm cờ” trên đảo, thì người khác muốn hòn đảo ấy chỉ có hai chọn lựa “đàm phán hoặc bị loại bỏ”.
Chi phí
Cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, động cơ quan trọng nhất đằng sau việc TQ lấn chiếm, cải tạo trái phép đảo ở Biển Đông chính là dầu.
Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, trong khi không ai xác nhận hoặc chứng minh rõ ràng trữ lượng dầu đáy Biển Đông thì khu vực này có thể “chứa đựng khối trầm tích hydrocarbon lớn chưa được tìm thấy”. Cục Khảo sát địa chất Mỹ ước tính khu vực này có thể có “2,5 tỉ thùng dầu và 25,5 tỉ mét khối khí tự nhiên”.
Và TQ muốn nắm trọn trữ lượng phong phú ấy.
Hãy thử tính toán cho một dự đoán 6,9 tỉ thùng đầu ở khu vực quần đảo Trường Sa. Mức giá hiện nay là gần 60USD/thùng. Sẽ có tới 414 tỉ USD giá trị dầu khí đưa vào tài sản dự trữ của tập đoàn dầu khí TQ CNOOC – đang có nhiều dự án khoan thăm dò ở Biển Đông. Để kiểm soát trữ lượng này, TQ đặt ra mục tiêu tạo ra các đảo mới rộng có diện tích hơn 800ha, biến mỗi đảo thành một trung tâm của vùng đặc quyền kinh tế.
Một thập niên trước, Dubai chi 14 tỉ USD để làm dự án quần đảo nhân tạo mang tên Thế giới. Nếu tính chi phí xây dựng hiện tại nhân với hơn 800ha mà TQ đang cải tạo trái phép ở Biển Đông, thì họ sẽ mất ít nhất 2,8 tỉ USD để làm các đảo này. Đây thực sự là “món hời” so với khối lượng dầu sau đó TQ sẽ kiểm soát, một khi họ độc chiếm Biển Đông.
Thái An(theo Motley Fool)
Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/237928/vi-sao-tq-lam–tau-san-bay-khong-chim–o-bien-dong-.html