Quyền của cử tri – pháp luật và thực tế

Hoạt động tuyên truyền bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII. AFP

Cũng giống như bao quốc gia khác, Việt Nam có một Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp địa phương. Theo pháp luật, công dân Việt Nam có quyền bầu cử và quyền của cử tri. Nhưng trên thực tế, các quyền này được người dân thực hiện ra sao, suy nghĩ của họ thế nào – đó là vấn đề mà diễn đàn bạn trẻ kỳ này sẽ đưa ra để bàn thảo và chia sẻ cùng với ba bạn khách mời trong chương trình kỳ này đó là bạn Trường Sơn, Trí Thành và Hà Nguyễn

Chân Như: Theo các bạn, với những hiểu biết về pháp luật đơn giản, thì cử tri là ai và có những quyền cơ bản nào ?

Trường Sơn: Theo suy nghĩ cá nhân của tôi, trước tiên cử tri là một người công dân và đã đủ tuổi đi bầu cử theo quy định của pháp luật.  Cử tri có những quyền cơ bản đó là bầu lên người đại diện cho mình ở các cơ quan chính quyền địa phương và cao nhất mà ở trong luật pháp Việt Nam là bầu đại biểu của tỉnh mình làm việc trong quốc hội.  Ngoài quyền bầu cử ra cử tri còn một quyền nữa mà theo tôi hết sức quan trọng đó là sau khi đã chọn ra các vị đại biểu đại diện cho mình, các cử tri có quyền được tiếp xúc với các vị đại biểu đó bất cứ khi nào có những vấn đề mà đòi hỏi những vị phải lắng nghe và giải quyết mong muốn đó của người dân. Đó là hai quyền cơ bản nhất.

Trí Thành: Em xin góp ý một số phần.  Quyền cử tri, là công dân đủ 18 tuổi còn phải đủ năng lực hành vi dân sự, ví dụ người điên thì không được. Họ không bị hạn chế quyền bầu cử như những người tạm giam hoặc phạt tù thì sẽ không được bầu cử.  Trong những quyền của cử tri,  em xin nêu thêm có thể tiếp cận với những thông tin của cử tri trong quá trình trước khi bầu cử.

Hà nguyễn: Em xin bổ sung một số: ngoài việc bầu đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân ngoài việc tiếp xúc ra còn có quyền giám sát đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân trong quá trình thực hiện công việc của cư tri trao phó.

Chân Như: Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam hiện nay, trong các cuộc bầu cử – chắc các bạn đã từng trải qua 1 cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương, các bạn đánh giá thế nào về cuộc bầu cử đó trên vị thế bạn là 1 cử tri ?

Trường Sơn: Theo kinh nghiệm bản thân của em đã trải qua một cuộc bầu cử quốc hội năm 2011 thì em thấy rằng những quyền căn bản của cử tri đã không tồn tại trong cuộc bầu cử đó.  Ví dụ những thông tin về các ứng viên hết sức sơ sài. Tiếp theo đó là hoạt động bầu cử cũng không được rõ ràng khi bản thân em quan sát ở nơi bỏ phiếu là ở Việt Nam có hiện tượng hết sức thú vị đó là một người có quyền bỏ phiếu “thay” cho những người khác nữa.  Cái này hoàn toàn đi ngược lại so với những cái tôn chỉ của hoạt động phổ thông đầu phiếu.  Cuộc bầu cử này không được rõ ràng bởi vì tất cả những ứng viên và năng lực cũng như phẩm hạnh của họ các cử tri đều không biết.  Thông tin duy nhất mà cử tri nhận được đó là một tờ giấy A 4 có hình của vị đại biểu đó cùng với một vài dòng thông tin và dựa vào đó cử tri phải đi bầu.  Cái này là cái mà tôi cho rằng không minh bạch nhất. Sau đó ai được trúng cử như thế nào, tỉ lệ phiếu bầu ra sao cũng không được thông báo đến cho người dân biết.  Điều này có nghĩa là chỉ có hành động đi bầu thôi còn trước và sau đó như thế nào thì người dân không hề được biết.

Trí Thành: Em thì chưa từng tham gia cuộc bầu cử nào vì em cũng vừa đủ 18 tuổi cách đây hơn 1 năm, nhưng theo những kiến thức em nhận được em thấy hình thức bỏ phiếu ở Việt Nam là hình thức dân chủ giả tạo, tại vì trước hết nó không đại diện cho cử tri vì không có một hội đồng bầu cử quốc gia độc lập, như chính chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã nói “đất nước chỉ có một đảng thì cần gì phải có hội đồng bầu cử độc lập” .  Thứ hai là vấn đề hiệp thương thì có thể có những người chưa biết về vấn đề hiệp thương thì trước hết nó là cơ cấu thành phần của các vị đại biểu trước khi bầu cử. Em thấy vấn đề này hoàn toàn khác so với các nước khác, các nước khác chỉ có cơ cấu về số lượng cử tri ở mỗi địa phương tùy theo dân số và tỉ lệ đại biểu ở các đảng phái tùy theo tỉ lệ phổ thông đầu phiếu của các đảng trong số lượng cử tri đi bỏ phiếu.  Tuy nhiên, ở Việt Nam thì có cả cơ cấu về các thành phần ví dụ như phụ nữ, công an, quân đội và các vị thuộc hàng tôn giáo và có cả tỉ lệ về các đảng viên trong các cuộc bầu cử đó, mà kết quả của cuộc bầu cử cũng tương đồng với cả kết quả của các cấp hiệp thương.  Do vậy, em thấy đây là hình thức giả tạo và những người được bầu cử đã được cơ cấu trước và đã coi như trúng cử ngay từ vòng đầu.

Bích chương kêu gọi đi bầu

Và vấn đề thứ 3 đó là về tự do báo chí và phần ý thức của người dân như anh Trường Sơn cũng đã nói cái phần người dân nhận biết được về các chính sách mà của những vị đại biểu sẽ làm sau khi trúng cử và những gì đã từng làm trong cương vị trước đó thì đều không được nói đến.  Một trong những cái quan trọng nhất đó là về vấn đề tự do báo chí là điều kiện cần đề cho việc bầu cử được diễn ra công khai một cách minh bạch thì không được có tại vì hầu hết tất cả các tờ báo ở Việt Nam đều là báo chí của nhà nước.

Chân Như: Theo luật, cử tri có quyền gặp trực tiếp đại biểu quốc hội, để yêu cầu họ giải quyết những vấn đề bức xúc của cử tri; Nhưng thực tế, các bạn thấy cử tri đã được thực thi triệt để quyền của mình hay chưa ? Các vị ĐBQH có thực sự giải quyết được bức xúc cho cử tri hay không ?

Hà Nguyễn: Theo luật cử tri có quyền tiếp xúc trực tiếp với đại biểu quốc hội để trao những văn bản đơn thư để yêu cầu các đại biểu quốc hội hoặc đại biểu hội đồng nhân dân giải quyết những bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu quốc hội thì đều mang tính chất hình thức, không có thực tế.  Những người được mời đến theo giấy mời của chính quyền chứ không phải là do những người cử tri đó họ biết thời gian , địa điểm, công việc như thế thì họ đến hoàn toàn không có, mà tất cả họ đều phải có giấy mời và họ phải là những người được phía chính quyền chọn lọc, hoặc những người mặt trận tổ quốc chọn lọc.  Và họ sẽ đặt ra những câu hỏi mà đã được chuẩn bị sẵn và đại biểu đến cũng đã chuẩn bị sẵn những câu trả lời nên nó không mang tính chất thực tế.

Một vấn đề nữa là quyền của đại biểu quốc hội và quyền của hội đồng nhân dân, theo như luật thì cũng có một số quyền rất rõ ràng cụ thể nhưng chủ yếu họ là những người đưa đơn và giám sát việc thực hiện đơn còn kết quả thực hiện ra sao thì đấy là việc thực hiện của phía chính quyền với người dân, chứ họ không can dự vào những vấn đề đó.  Nên thành ra khi người dân đưa bức xúc của mình cho họ thì họ chỉ có giám sát còn quá trình giải quyết không thỏa đáng thì đấy là việc của người dân với chính quyền.  Do đó, nhiều tình trạng xảy ra hiện nay như việc khiếu kiện kéo dài đó cũng là một phần nguyên nhân.

Ví dụ rất đơn giản nữa là việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội vừa qua thì ngày mùng 8 tháng 5, một số cử tri Hà Nội đã mang kiến nghị tới đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhưng toàn bộ những người cử tri này không được vào để gặp ông Nguyễn Phú Trọng mà bị phía lực lượng công an, an ninh ngăn cản và họ hạch sách là phải có giấy mời mới được gặp.

Trường Sơn: Đúng như anh Hà đã nói chức năng của đại biểu quốc hội là một cầu nối giữa người dân và chính quyền.  Nếu là đại biểu quốc hội thì đấy là cầu nối giữa người dân giữa chính quyền trung ương và nhiệm vụ của họ là tiếp thu ý kiến của người dân và sau khi tiếp thu họ sẽ đưa ý kiến đấy lên chính quyền bên trên và giám sát việc giải quyết vấn đề đó; Nhưng chúng ta thấy rằng ở Việt Nam có một hoạt động mà tôi cho rằng đấy mới là hoạt động chính của đại biểu quốc hội đó là họ phải đến từng địa phương nơi mình làm đại diện cho cử tri để tiếp xúc với các cử tri về những vấn đề đang tồn động đang bức xúc của người dân thế nhưng ở Việt Nam hầu như không có hoat động này. Chuyện họ về tiếp xúc cử tri thì nó lại là một vở kịch. Việt Nam người ta gọi là tuồng. Họ chọn một hội trường ở xã hay ở phường thành phố gì đó, và những người đến gặp các đại biểu hoàn toàn là người được chọn nếu không phải là đảng viên thì cũng là cựu chiến binh, nếu không cũng phải là người có lý lịch này nọ được chọn rất kỹ cũng như anh Hà nói những câu hỏi và câu trả lời đã được chuẩn bị sẵn rồi cái này hoàn toàn là giả tạo.  mọi người vào đó tôi còn được biết những người tham gia còn được phong bì nữa.  cái này tôi không kiểm chứng được. Rõ ràng là ở Việt Nam người dân không được thực hành cái quyền căn bản của mình là quyền được nêu ý kiến của mình và các đại biểu của nhân dân không thực hiện đúng chức năng của mình đó là lắng nghe nguyện vọng người dân.

Đó chỉ mới là chuyện có tiếp xúc người dân lắng nghe hay không còn sau đó họ có đề bạt ý kiến cái bức xúc của người dân lên chính quyền bên trên hay không? Và họ có giám sát việc giải quyết hay không thì lại là một chuyện khác. Ở Việt Nam thì tôi cho rằng chuyện này hoàn toàn không có. Vì sao làm đại biểu quốc hội thì hầu hết các ông cũng đều là đảng viên, chính quyền cũng là của đảng, chính quyền có làm hay không thì đại biểu quốc hội nhất quyết là không được tham gia; Và sau đó các ông cũng không có trách nhiệm gì giải trình với nhân dân về việc là ông giải quyết cái vấn đề của người dân như thế nào.  Họ hoàn toàn vô trách nhiệm.  Tôi không nói rằng những vị đại biểu đó có thực chất được dân bầu lên hay không hay đã được cơ cấu rồi vì vấn đề này còn rất nan giải.  Thế nhưng nếu ông đã nhận mình là đại biểu cho nhân dân thì ông hoàn toàn không làm được những gì mà tối thiểu nhất cái chức năng của ông.

Chân Như: Để người dân thực sự thực hiện được quyền cử tri của mình, theo các bạn, về mặt luật pháp và thực tiễn cần có những sự thay đổi như thế nào?

Trí Thành: Đây là một câu hỏi hay nhưng rất khó. Theo em nghĩ, việc đưa ra thực tế nó gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trên mặt luật pháp, em xin nói rằng về vấn đề bầu cử thì trước hết hội đồng bầu cử quốc gia phải độc lập, phi đảng phái và chỉ chịu trách nhiệm trước quốc hội mà thôi và sẽ phải bỏ đi những vòng hiệp thương nhằm cơ cấu đại biểu ở các thành phần.  Thứ ba nữa là phải cho phép tự do báo chí để người dân có thể tiếp cận được chính sách của các vị đại biểu, những hứa hẹn của các vị đại biểu trong nhiệm kỳ sắp tới của họ và những gì họ đã làm được trong quá khứ.  Và tiếp theo nữa là phải nâng cao ý thức của người dân không phải chỉ nâng cao ý thức bằng việc phổ biến tuyên truyền này nọ mà phải thực hiện triệt để, ví dụ như vụ cây xanh vừa rồi.  Chính quyền phải làm một cách thực tế để người dân người ta thấy được những hành động của họ làm, những ý kiến đã được thực hiện một cách đầy đủ và họ tin rằng việc tham gia vào việc điều hành đất nước là có thể thực hiện được.

Hà Nguyễn: Ý kiến của em cũng giống như bạn Thành về việc thành lập hội đồng bầu cử quốc gia. Tiếp đến, trong cuộc bầu cử thì luật về vận động tranh cử cần phải rõ ràng, và người ứng viên cho chức vụ đại biểu quốc hội hay đại biểu nhân dân cần phải tiếp xúc cử tri một cách thực tế chứ không phải là tiếp xúc một cách hình thức như trong tất cả các cuộc bầu cử trước đây tại Việt Nam. Khi họ tiếp xúc cử tri họ cũng chỉ nói những lời chung chung chứ họ không đưa ra đường lối tranh cử của họ cũng như những mục tiêu mà khi nhiệm kỳ của họ họ sẽ làm gì cho người dân và người dân sẽ giám sát họ như thế nào và họ sẽ nhận trách nhiệm như thế nào với người dân thì hoàn toàn không có. Bây giờ, trong công cuộc vận động tranh cử phải có sự thay đổi để người dân biết rõ họ là ai, họ sẽ làm gì, họ sẽ nhận trách nhiệm như thế nào.  Hơn nữa là vấn đề quyền của đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cũng cần phải thay đổi theo hướng thực tế hơn, thực chất hơn, hơn là vai trò của họ như là con bồ câu đưa thư vậy.  Và quyền của cử tri cũng phải được áp dụng rõ ràng hơn trên thực tế trong việc giám sát của hoạt động quốc hội nói chung cũng như vai trò giám sát đối với mọi hoạt động của nhà nước.

Trường Sơn: Em cũng chỉ có một hai ý kiến nhỏ đóng góp.  Trước hết là chúng ta có một cái ủy ban giám sát bầu cử độc lập, không mang tính đảng hay chính quyền vì trong các cuộc bầu cử. Thực tế em đã thấy rằng như từ đầu em có nói có tình trạng một người bỏ phiếu “thay” cho nhiều người và có những phiếu không minh bạch cho nên chúng ta cần thiết phải có một hội đồng giám sát độc lập, không bị ảnh hưởng bởi một bên hay một phe phái đảng phái nào hết. Điều đó khiến cuộc bầu cử đấy được diễn ra thật là trong sạch.  Thứ hai nữa là kết quả bầu cử phải được công khai; không những kiểu công khai là dán những tờ giấy đơn giản ở trụ sở ủy ban rồi người dân tự đến xem mà “phải” công khai bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Và như bạn Trí Thành nói nếu có tự do báo chí thì hoàn hảo quá.  Tất cả các cuộc bầu cử kết quả ra sao thì báo chí sẽ đưa tin về nó và người dân sẽ được tiếp cận đúng hơn với kết quả của cuộc bầu cử vừa rồi mà người dân vừa tham gia.

Để có một đất nước dân chủ, bầu cử tự do, tôn trọng và thực thi quyền của công dân nói chung và cử tri nói riêng là những bước cơ bản nhất. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam đang không như vậy. Người dân luôn mong mỏi 1 xã hội thực sự dân chủ và quyền của họ phải được bảo đảm. Ngày đó sẽ không còn xa, nếu như mỗi người ý thức được quyền và thực hiện quyền của mình.

Xin Cám ơn 3 bạn trẻ Trường Sơn, Trí Thành và Hà Nguyễn đã dành thời gian đến với diễn đàn tuần này và hẹn các bạn vào chủ đề kỳ sau.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/vote-right-lw-n-fact-05142015063355.html

 

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.