40 năm sau ngày giải phóng miền Nam – ngọn cờ, ý đồ thực và các hệ quả của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Để có ngày 30/4/1975 nắm quyền toàn trị trên lãnh thổ Việt Nam, đảng CSVN đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài 20 năm khốc liệt. Cuộc chiến bắt đầu từ các toán du kích quấy phá xã hội thanh bình của miền Nam trước năm 1960, cho tới những trận chiến giết hàng ngàn, hàng chục ngàn chiến sĩ hai bên, những cuộc tàn sát thường dân tay không vũ khí, như cuộc cuộc thảm sát Huế-Mậu Thân, mà con số người bị giết và cách thức giết người đạt tới mức độ diệt chủng kinh hoàng!

Ngọn cờ của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Ngọn cờ của cuộc chiến này được nêu lên rất rõ:

Mỹ là giặc cướp nước ta, ta phải đánh cho Mỹ cút; chính quyền miền Nam bán nước cho Mỹ, chúng ta phải đánh cho chính quyền đó sụp đổ.

Dân chúng miền Nam sống đời nô lệ, mất tự do, đói nghèo, nên miền Bắc cần giải phóng dân chúng miền Nam.

Giặc Mỹ cướp nước và chính quyền miền Nam bán nước

Chắc còn rất ít người còn tin rằng Mỹ muốn cướp nước Việt Nam. Các sự việc đã xảy ra trên thế giới từ 1954 tới năm 1975 cho thấy rõ lợi ích của Mỹ không nằm trong việc chiếm một tấc đất nào ở xứ Việt Nam xa xôi, mà nằm ở việc bảo vệ hệ thống Tự Do trên thế giới.

Để đạt được sứ mạng này, chiến lược đầu tiên của Mỹ là hợp tác với miền Nam Việt Nam. Sau 15 năm, từ 1954 tới 1969, phần thấy chiến lược này không hiệu quả, phần thấy môi trường chính trị thế giới đã thay đổi, Mỹ đổi chiến lược: bắt tay với Trung Cộng và buông Việt Nam.

Như vậy, mâu thuẫn giữa hệ thống Tự Do và Cộng Sản đã tạo điều kiện và cho Việt Nam 15 năm để phát triển. Lẽ ra người Việt nên chọn chiến lược làm đồng minh với Mỹ, siêu cường kinh tế, kỹ thuật và tổ chức xã hội thời đó, để xây dựng đất nước hùng mạnh và ấm no. Đau đớn thay, người Việt chẳng những đã không chọn lựa phương cách có lợi đó, mà còn đưa đất nước, về đối ngoại, vào thế thù địch với Mỹ và phương Tây, về đối nội, vào vòng hận thù, chém giết, tàn phá tương lai…

Dân chúng miền Nam sống đời nô lệ, mất tự do, đói nghèo

Các số liệu thống kê của IMF (International Monetary Fund) chỉ rõ: năm 1960, khi cuộc chiến giải phóng miền Nam bắt đầu phát triển, miền Nam có GDP/đầu người là 223 USD so với 92 USD của miền Bắc. Vậy, dân chúng miền Nam có đời sống sung túc hơn miền Bắc rất nhiều.

Dân chúng miền Nam được hưởng các quyền tự do căn bản và phổ quát của thế giới văn minh trong một xã hội được tổ chức theo chính thể Cộng hòa lưỡng viện với tam quyền phân lập. So với thể chế chính trị độc đảng và toàn trị ở miền Bắc (các đảng Dân chủ và Xã hội chỉ để trang trí) thì dân chúng miền Nam hưởng Tự Do hơn miền Bắc rất nhiều.

Chiêm nghiệm thực tế biến thiên của cuộc sống, so sánh Việt Nam với các nước khác trên thế giới, nhất là so sánh với các nước từng hay còn đang bị chia hai như Tây Đức và Đông Đức, Hàn Quốc (Nam Hàn) với Triều Tiên (Bắc Hàn), còn rất ít người dân Việt Nam còn tin rằng: Dân chúng miền Nam sống đời nô lệ, mất tự do, đói nghèo và cần được miền Bắc “giải phóng”. Luôn luôn, dân chúng trong phần lãnh thổ theo chính thể Cộng Sản nghèo đói và mất tự do hơn phần lãnh thổ theo chính thể Tự Do, Dân Chủ.

Sau khi giải phóng miền Nam, những người ủng hộ cuộc chiến giải phóng miền Nam hiểu dần rằng họ đã bị đảng CSVN lừa dối. Những dòng chữ tâm huyết tràn đầy lòng yêu nước và tình dân tộc trên ngọn cờ Chống Mỹ cứu nước kia đều là không thực.

Ý đồ thực của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Ngọn cờ của cuộc chiến chỉ là ngọn cờ ảo. Vậy thì, khi khởi động cuộc chiến tàn phá dân tộc, ý đồ thực của các nhà lãnh đạo đảng CSVN là gì?

Có người cho rằng, do áp lực của Trung Cộng mà Việt Nam phải tiến hành chiến tranh. Quả thật Trung Cộng có ý đồ kép: giữ an ninh riêng cho Trung Cộng, đồng thời khiến Việt Nam kiệt quệ.

Tuy nhiên, chìa khóa chiến tranh nằm trong tay chính quyền đảng CSVN ở Hà Nội. Nếu đảng CSVN không nhất quyết tiến hành cuộc chiến, Trung Cộng đã không thể áp đặt chiến tranh lên đất nước Việt Nam. Lúc đó Trung Cộng còn lạc hậu và nghèo đói, chưa là một thế lực khuynh đảo thế giới như hiện nay.

Sau khi ký hiệp định Genève chia đôi đất nước, giành quyền cai trị miền Bắc, những người cai trị độc đảng và toàn trị miền Bắc tự biết nếu để miền Nam phát triển trong chính thể tự do, dân chủ thì chắc chắn miền Nam sẽ vượt miền Bắc trên nhiều mặt. Hơn nữa, với sự hiện diện của miền Nam tự do và phồn thịnh, dân chúng miền Bắc cũng chưa chắc để họ cầm quyền lâu. Những thế lực độc tài luôn cần chiến tranh để tồn tại. Họ cũng cần sự chia rẽ trong dân chúng để bám giữ sự thống trị lâu dài. Ngọn cờ Chống Mỹ cứu Nước được giương lên!

Các hệ quả của ý đồ thực của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Từ ý đồ thực như thế, khi vừa chiếm được miền Nam, đảng CSVN đã vội vã tung ra một loạt các chính sách triệt hạ cái miền Nam sung túc còn rất nhiều tiềm năng phát triển, cái miền Nam có xã hội được tổ chức theo hướng văn minh và hữu hiệu, có con người đầy lòng khí phách, nhân hậu, có tri thức cùng tinh thần dân chủ, tự do… Một miền Nam như vậy, nếu thực sự là một chính quyền vì sự phát triển chung của đất nước, vì sự ấm no chung của dân tộc, đảng CSVN đã phải trân quí nó, giữ gìn nó làm vốn phát triển dài lâu. Không! đảng CSVN phải thống trị toàn diện, vì vậy miền Nam đã bị hạ gục như miền Bắc đã bị 20 năm trước đó! Nguyên khí quốc gia, lớp bị giam cầm và tận diệt trên quê hương, lớp tuôn chảy ra nước ngoài trong thân phận thuyền nhân!

Từ ý đồ thực như thế, khi đã hạ gục miền Nam, đảng CSVN tiếp tục bóp chết hai đảng làm kiểng là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Hai đảng này thực ra là hai đảng ngoại vi của đảng CSVN, tuy nhiên khi sự tồn tại của họ tiềm chứa mối đe dọa cho sự thống trị độc tài của đảng CSVN trong thời cuộc cuối thập niên 1980, đảng CSVN sẵn sàng gạt bỏ.

Từ đó, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, đảng CSVN nắm trọn quyền thống trị, lãnh đạo. Quyền lãnh đạo đất nước không do dân chúng bầu chọn, và cũng không được san sẻ cho bất kì thành phần nào khác trong dân tộc. Tất cả mọi quyền lợi của tổ quốc chung phải nằm dưới, phải hi sinh cho quyền lợi của giới cầm quyền riêng của đảng CSVN. Cho dù phải hi sinh cả sự phát triển của dân tộc, phải hi sinh cả nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc đang bị Trung Quốc xâm chiếm dần dần thì đảng CSVN cũng cho thấy họ không do dự. Các động thái của họ, chính sách của họ đối với việc Trung Quốc xâm lăng Việt Nam đã quá đủ để chứng minh điều này.

Tới bây giờ, 40 năm sau ngày 30/4/1975, cùng với biết bao diễn biến của thời cuộc, biết bao sự thật lịch sử được phơi bày… nhiều người trong dân chúng không còn nghi ngờ gì rằng hiện trạng suy thoái toàn diện của dân tộc, hiện trạng lệ thuộc toàn diện của đất nước vào Trung Quốc xâm lăng bắt nguồn từ ngày 30/4/1975, ngày miền Nam thất thủ. Và nếu nhìn xa hơn, bắt nguồn từ cái ý đồ thực của đảng CSVN, khi họ ban hành nghị quyết 15, năm 1959, quyết định tiến bước Giải phóng miền Nam.

T.Q.C

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.