HÀ NỘI (NV) .-Đại diện của hai chính phủ Hoa Kỳ và CSVN bắt đầu cuộc đối thoại về nhân quyền kỳ thứ 19 tổ chức tại Hà Nội hôm Thứ Năm 7 tháng 5 năm 2015.
Cuộc đối thoại thường niên này bao gồm đủ mọi mặt về nhân quyền từng được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố trong bản phúc trình về tình hình nhân quyền trên thế giới hàng năm. Từ cải cách luật pháp, luật lệ và áp dụng luật lệ minh bạch, tự do diễn đạt và hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động cũng như quyền của các người tàn tật.Bản tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm Thứ Ba loan báo rằng Phụ tá Ngoại trưởng Đặc trách Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động, ông Tom Malinowski và đại sứ Ted Osius, sẽ có cuộc đối thoại nhân quyền với Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế của Bộ Ngoại giao CSVN, ông Vũ Anh Quang.
Theo bản tin này, phái đoàn của ông Malinowski có cuộc du hành tới khu vực cao nguyên vùng Tây Bắc, khu vực có nhiều sắc tộc thiểu số sinh sống thường xuyên bị đàn áp về tôn giáo trong khi đời sống kinh tế của họ rất cực khổ. Tại đó phái đoàn sẽ thảo luận với các nhà cầm quyền địa phương cũng như các tổ chức dân sự.
“Cổ võ nhân quyền vẫn là điều cốt yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và cũng là một phần của cuộc đối thoại đang diễn ra trong khuôn khổ thỏa hiệp đối tác toàn diện giữa hai chính phủ”. Bản thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết.
Bên cạnh các cuộc tiếp xúc, đối thoại với các viên chức CSVN, các phái đoàn chính phủ hoặc Quốc hội Mỹ đều muốn tiếp xúc với các thành phần xã hội dân sự để nghe ý kiến đa chiều. Nhà cầm quyền CSVN sợ những người đó tố các tình trạng đàn áp nhân quyền. Hiến pháp có nói tôn trọng nhân quyền trong khi luật hình sự lại siết nhân quyền. Tồi tệ hơn nữa, chính nhà cầm quyền lại ngồi xổm lên pháp luật để khủng bố, bỏ tù nhân dân.Không thấy Bộ Ngoại giao CSVN hay TTXVN loan báo gì về cuộc đối thoại nhân quyền diễn ra vào ngày Thứ Năm. Chỉ thấy trên các mạng xã hội đưa tin về việc nhà cầm quyền các địa phương cấm ra khỏi nhà những người được mời tới gặp ông Phụ tá đặc trách nhân quyền Malinowski.
Theo Blogger Vũ Quốc Ngữ viết trên diễn đàn thông tin Thanh Niên Công Giáo, “Lực lượng an ninh ở khắp Việt Nam đã bắt giữ hoặc chặn nhà riêng của nhiều nhà bất đồng chính kiến và người hoạt động nhân quyền trong một nỗ lực để ngăn cản họ tham gia vào một cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao Mỹ trước phiên đối thoại nhân quyền Việt Nam- Hoa Kỳ được ấn định vào thứ Năm tuần này”.
Theo ông Ngữ cho biết “Trong số những người bị quấy rối là những cựu tù nhân chính trị như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Phạm Văn Trội, luật sư nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Hòa thượng Thích Thiện Minh, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, các nhà hoạt động xã hội Nguyễn Văn Đề, Lê Hồng Phong và Mai Phương Thảo.”
Ông Vũ Quốc Ngữ kể rằng “Bác sĩ Sơn, một cựu tù nhân chính trị tại Hà Nội và một trong những bất đồng chính kiến hàng đầu tại các quốc gia cộng sản, đã phàn nàn trong trang facebook của mình rằng cảnh sát địa phương đã chặn nhà riêng của ông ở quận Ba Đình trong những ngày gần đây. Một sĩ quan cảnh sát thông báo với ông rằng ông sẽ không được phép đi ra ngoài trong vài ngày. Bác sĩ Sơn đã từng gặp một số khách nước ngoài cao cấp khi họ viếng thăm Hà Nội”.
“Ông Trội và ông Nghĩa, những người đang bị quản thúc tại nhà sau những án tù dài hạn với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, đã được công an điạ phương cảnh báo không được đi khỏi địa phương trong tuần này. Nhà riêng của hai ông đang bị giám sát chặt chẽ bởi cảnh sát địa phương”.
“Anh Đề, một thành viên của Hội anh em dân chủ, thông báo rằng anh đã bị bắt giữ bởi công an huyện Thanh Trì vào sáng ngày 06 tháng 5 khi đang trên đường đi đến cuộc gặp mặt với các nhà ngoại giao của Mỹ. Trong buổi sáng sớm cùng ngày, một nhóm khoảng 20 cảnh sát quận Hoàng Mai ở Hà Nội đã xông vào nhà riêng của chị Thảo ở xã Giáp Bát và ép chị lên một chiếc xe đến trụ sở công an xã và sau đó đến trụ sở công an huyện mà không trưng ra bất kỳ tài liệu pháp lý mặc cho sự phản đối mạnh mẽ của chị”.“Luật sư nhân quyền Truyền ở tỉnh Đồng Tháp thông báo rằng cảnh sát đã cấm anh, bác sỹ Quế và thượng toạ Minh có ý định rời địa phương để ra Hà Nội nhằm tham dự cuộc họp với những người khách Mỹ. Mọi cử động của họ đều bị theo dõi sát sao bởi các nhân viên an ninh”.
Ba ngày trước cuộc đối thoại nhân quyền giữa Hoa Kỳ và chế độ Hà Nội, Hội đồng Giám Mục Việt Nam phổ biến công khai một bản góp ý về dự thảo luật về tôn giáo, tín ngưỡng. Bức thư nêu ra cho thấy cái luật này chỉ nhằm giới hạn chặt chẽ nhằm trói chân trói tay tôn giáo theo nhu cầu của nhà cầm quyền, hoàn toàn ngược lại tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chế độ Hà Nội tham gia ký kết.
Hiến pháp của chế độ nói tôn trọng quyền tự do tôn giáo nhưng lại dùng luật để giới hạn quyền của người dân mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cáo buộc rằng “hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của Nhà nước lên các tổ chức tôn giáo, tạo kẽ hở cho cơ quan hành pháp lạm dụng quyền lực”. Vì vậy, dự luật về tôn giáo tín ngưỡng “tự mâu thuẫn” với “Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013”.
Nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới 3/5/2015 Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố bản phúc trình thường niên đưa ra một bảng xếp hạng cho thấy Việt Nam nằm gần chót bảng cùng với những nước cộng sản, độc tài quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín như Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran, Cuba v.v…
Hôm thứ Hai vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mở chiến dịch đòi “trả tự do cho báo chí” trên thế giới. Trong một bản thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do cho những người cầm bút đã bị các chế độ chính trị cầm tù chỉ vì người ta sử dụng quyền tự do ngôn luận để phát biểu các quan điểm cá nhân.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi CSVN trả tự do cho bà Tạ Phong Tần, một thành viên nòng cốt của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do đã bị kết án tù 10 năm hồi năm 2012 cùng với hai blogger khác là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và Anhbasg Phan Thanh Hải.
Phan Thanh Hải bị kết án nhẹ nhất và đã được thả sớm trước hạn tù. Blogger Điếu Cày, bị kết án 12 năm tù, nhưng được thả sớm hồi Tháng 10 năm ngoái và bị ép ra khỏi nước. Hiện chỉ còn bà Tạ Phong Tần đang bị nhốt ở nhà tù trong tỉnh Thanh Hóa. Tin cho hay bà đã tuyệt thực nhiều lần để phản đối sự bạo ngược của cai tù.
Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=206864&zoneid=1#.VUspMPCg1o9