Từ vụ nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Cảnh báo những quả bom nổ chậm khắp Việt Nam!

1/ Đọc xong bài viết của tác giả Nguyễn Đăng Anh Thi thấy choáng và buồn quá! Trong lúc thế giới người ta hướng đến năng lượng sạch: máy bay năng lượng mặt trời, nhà máy điện gió, ô tô điện… thì nước ta lại hướng đến năng lượng … bẩn: nhiệt điện chạy bằng than bẩn. Theo Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc bệnh viện K, Việt Nam là nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới, hàng năm có 200.000 ca ung thư mới được phát hiện. Cơ sự này rồi thì người Việt chúng ta có ngày chết không có đất chôn đây.

2/ Tại sao dân không được biết, dân không được bàn, dân không được kiểm tra “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia” đến 2030, nhiệt điện than… bẩn chiếm đến 51% cơ cấu nguồn điện? Tại sao dân không được biết có tới 75% tổng số nhà máy nhiệt điện than là do Trung Quốc làm tổng thầu?…

3/ Chủ trương phát triển nhiệt điện than… bẩn là một xu hướng đi ngược lại thế giới. Không chỉ nhiệt điện, ở nước ta, việc gì người ta cũng cố tình làm ngược thế giới, trước kia cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chẳng có gì thay đổi. Thế giới đề cao tự do, sáng kiến và trách nhiệm cá nhân thì ta chủ trương chuyên chính vô sản, làm chủ tập thể. Thế giới đa nguyên thì Việt Nam độc Đảng.

Có thể coi cái tài vô song của các “đỉnh cao trí tuệ” nước ta là tài… trồng cây chuối. Sau 85 năm trồng cây chuối các vị đã rút ra kết luận là mình vừa sáng suốt, vừa vĩ đại lại vừa đạo đức, văn minh.

Hóa ra vị hoàng đế Việt Nam thời hiện đại vẫn chỉ là hoàng đế cởi truồng.

Bauxite Việt Nam

 

Từ vụ ô nhiễm xỉ than của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 liệu có thể yên tâm với kế hoạch đến năm 2030 sẽ có thêm gần 80 nhà máy nhiệt điện than trải dài khắp cả nước. Ảnh: TLTBKTSG.

(TBKTSG) – Nếu không có giải pháp quản lý toàn diện các trung tâm nhiệt điện than, trong thời gian không xa nữa, Việt Nam sẽ thực sự phải đối diện với thảm họa ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn những gì vừa chứng kiến ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận).

Bùng nổ nhiệt điện than

Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), công suất nhiệt điện than năm 2020 là 36.000 MW, chiếm 48% cơ cấu nguồn điện; và công suất nhiệt điện than năm 2030 là 75.000 MW, chiếm 51% cơ cấu nguồn điện.

Nếu so với tổng công suất các nhà máy điện than của cả nước năm 2010 là 4.250 MW, thì chỉ trong vòng 10 năm, tổng công suất các nhà máy điện than tăng gấp 8,5 lần và sau 20 năm tăng gấp 17,6 lần.

Đến năm 2030, cả nước sẽ có thêm gần 80 nhà máy nhiệt điện than khắp cả nước, trải dài từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa, Bình Thuận, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang… Quy ra công suất thì đến năm 2030 sẽ có tương đương 60 nhà máy nhiệt điện than có công suất như Vĩnh Tân 2 (622 MW x 2 = 1.244 MW).

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), tính đến tháng 4-2014, trong 20 dự án nhiệt điện đang thi công thì có tới 15 công trình (chiếm 75%) do phía Trung Quốc làm tổng thầu trọn gói (trong đó có Vĩnh Tân 2), từ thiết kế, mua sắm, đến xây dựng và lắp đặt.

Từ vụ ô nhiễm tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 liệu có thể yên tâm với sự bùng nổ các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới.

Nỗi lo quản lý tro xỉ

Theo quy hoạch điện VII, nhu cầu than để làm ra 36.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2020 là 67 triệu tấn than/năm; và để làm ra 75.000 MW công suất các nhà máy nhiệt điện năm 2030 là 171 triệu tấn than/năm.

Tổng lượng tro xỉ, gồm xỉ (hay tro đáy) và tro bay, trung bình từ 25-60% so với than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, người ta đốt than cám 6a có độ tro trung bình đến 37,5%, chỉ thấp hơn so với loại than cám 6b là loại có chất lượng kém nhất trong 11 loại than cám theo TCVN 8910:2011. Lựa chọn này có lẽ là do giá thành rẻ, nhưng ngược lại phải tăng chi phí để quản lý tro xỉ cũng như vận hành các hệ thống xử lý khí thải, không biết điều này có được tính đến hay không? Thế giới đang hướng đến sử dụng than sạch, có độ tro thấp hơn 3%, nhưng Việt Nam vẫn đang sử dụng than có độ tro cao gấp hơn 12 lần than sạch!

Nếu lấy trung bình lượng tro xỉ tạo ra là 35% so với than nhiên liệu, thì lượng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than năm 2020 là 23,5 triệu tấn và năm 2030 là 60 triệu tấn.

Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như là phụ gia sản xuất xi măng, sản xuất bê tông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20-30%, nên để tái sử dụng tro xỉ cần phải qua công đoạn tuyển để tách lượng than này ra, như vậy lại cần phải đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tuyển than từ tro xỉ.

Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và do vậy việc tái sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Rõ ràng, Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đó là phải quản lý các bãi chứa tro xỉ với diện tích trên 28.000 héc ta hay 280 ki lô mét vuông cho đến năm 2030 (giả sử chiều sâu bãi chứa là hai mét), phân bố dọc theo chiều dài đất nước qua các trung tâm điện lực lớn từ miền Bắc, miền Trung cho đến đồng bằng sông Cửu Long. Nghĩa là, nếu không có giải pháp tái sử dụng tro xỉ hợp lý từ các nhà máy nhiệt điện than, chúng ta cần tiêu tốn một diện tích tương đương 39% diện tích quốc đảo Singapore chỉ riêng cho việc tồn chứa tro xỉ cho đến năm 2030, và không loại trừ khả năng các bãi chứa xỉ này xung đột với nhu cầu sử dụng đất cho phát triển đô thị và canh tác nông nghiệp!

Vấn đề tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 chỉ mới là việc phát tán bụi tro xỉ từ bãi chứa xỉ. Một vấn đề khác lâu dài hơn, nghiêm trọng hơn cần phải tính đến, đó là giải pháp quản lý môi trường toàn diện và triệt để tại các bãi chứa tro xỉ để kiểm soát ô nhiễm phát tán.

Theo các tác giả Madawala, Eric và Ajit trong bài báo “Reuse options for coal fired power plant bottom and fly ash” đăng ngày 1-4-2014 trên tạp chí khoa học “Reviews in Environmental Science and Bio/Technology”, thống kê toàn cầu cho thấy chỉ có 30% lượng tro xỉ đang được tái sử dụng. Thông tin từ Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA) cho thấy, có khoảng 40% tro xỉ được tái sử dụng tại Hoa Kỳ năm 2012. Rõ ràng việc tái sử dụng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện đang là thách thức lớn không chỉ của Việt Nam mà ngay cả ở những nước phát triển.

Nỗi lo kim loại nặng

Cũng theo các tác giả Madawala, Eric và Ajit trong bài báo trên, thành phần hóa học của tro xỉ tồn chứa nhiều kim loại nặng như asen (thạch tín, As), chì (Pb), kẽm (Zn), nikel (Ni), đồng (Cu), mangan (Mn), cadmi (Cd), crom (Cr) và selen (Se) ở dạng vết. Asen đã được chứng minh là gây ung thư da, ung thư bàng quang và ung thư phổi, trong khi chì gây thiệt hại đến hệ thần kinh. Các kim loại này có thể bị thẩm thấu ra môi trường dưới điều kiện axit, gây ô nhiễm các vùng đất, các nguồn nước mặt và nước ngầm lân cận, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây hậu quả nhiễm độc gen và tác động lên DNA, từ đó gây bệnh tật không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn di truyền đến thế hệ tương lai.

Mặc dù tro xỉ được xem là chất thải không nguy hại, nhưng việc tồn tại lâu dài tại các bãi chứa với số lượng lớn sẽ gây ra nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Một điều đáng chú ý nữa là việc thải tro xỉ dạng ướt mặc dù hạn chế được bụi nhưng lại gây tác động môi trường nghiêm trọng hơn việc thải tro xỉ dạng khô, do sự thẩm thấu của các thành phần kim loại nặng ra môi trường như đã nói.

Nỗi lo mưa axit

Trong thành phần khí thải từ ống khói nhà máy nhiệt điện than, ngoài khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà chúng ta đã biết, còn tồn tại ít nhất hai loại khí gây mưa axit, đó là SO2 và NO2. Mặc dù các nhà máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống khử lưu huỳnh và xử lý nitơ, nhưng dù công nghệ có hiện đại bao nhiêu, không có nghĩa là 100% các loại SO2 và NO2 được xử lý triệt để, dẫn đến việc phát tán ra môi trường.

Đề tài “Đánh giá hiện trạng mưa axit ở Việt Nam” do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường thực hiện năm 2014 cho thấy hiện nay, mưa axit chiếm tới 30-50% số lần mưa tại Việt Nam. Địa phương có tần suất mưa axit cao tới 50% là Việt Trì, nơi công nghiệp phát triển, tiếp đó là các tỉnh thành công nghiệp lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh… cũng có tần suất mưa axit đang tăng dần.

Mưa axit sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường đất và nước thông qua việc rửa trôi chất dinh dưỡng trên mặt đất và mang các kim loại nặng xuống các nguồn nước mặt: sông, suối, ao, hồ… Như trên đã đề cập, các kim loại nặng trong tro xỉ tại các bãi chứa sẽ bị thẩm thấu ra môi trường trong điều kiện axit, và chính mưa axit có đóng góp từ khí thải của các nhà máy nhiệt điện sẽ thúc đẩy quá trình này diễn biến nhanh hơn.

Quy hoạch điện VII đã đề cập sẽ xây dựng những trung tâm nhiệt điện than lớn tại đồng bằng sông Cửu Long gồm Duyên Hải (Trà Vinh, tổng công suất 4.200 MW), Long Phú (Sóc Trăng, 4.400 MW), Sông Hậu (Hậu Giang, 5.200 MW), Kiên Lương (Kiên Giang, 4.400 MW) sẽ vận hành trước năm 2020 và tiếp đến năm 2030 là Long An (1.200 MW), An Giang (2.000 MW), Bạc Liêu (1.200 MW). Chúng ta có dám đảm bảo chắc chắn rằng các trung tâm nhiệt điện than này không gây tác động tiêu cực đến môi trường?

(*) ThS, chuyên gia tư vấn sử dụng hiệu quả tài nguyên Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)

N.Đ.A.T

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/129680/Tu-vu-nhiet-dien-Vinh-Tan-2-Canh-bao-nhung-qua-bom-no-cham-khap-Viet-Nam.html

This entry was posted in Môi Trường. Bookmark the permalink.