‘Cần đối xử công bằng để thực sự hòa giải’

Nhà văn Võ Thị Hảo gửi cho BBC từ Hà Nội Thuyền nhân Việt Nam

Sóng biển vỗ qua máu và xương thịt của những thuyền nhân VN, từ đó biển ấy không bao giờ như cũ. Biển ấy pha máu xương người Việt trên con đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người dân của chính nước Việt.

“Tháng tư đen”, “Ngày quốc hận”, “Ngày Sài Gòn thất thủ”, và mới nhất: “Ngày Hành trình tới Tự do” là tên gọi đối chọi nước lửa với cái tên “Ngày giải phóng miền Nam” của nhà cầm quyền Việt Nam luôn tự hào vỗ ngực.

Sau bốn mươi năm, lòng người vẫn ly tán. Việt Nam vẫn ngửa tay hân hoan đón dòng tiền kiều hối bất kể nó chảy về từ nguồn nào, nhưng vẫn kỳ thị và sẵn sàng trừng trị những kiều bào và công dân bất đồng chính kiến, gán cho họ hai tội “diễn biến hòa bình” và “phản động”.

Cùng tiến theo mức độ tham nhũng, mức độ vi phạm tự do và nhân quyền, với nạn công an giết dân ngay tại trụ sở công quyền ngày càng tăng, là những cuộc đại lễ kỷ niệm 30/4 thêm khoa trương tốn kém.

Năm 2015, khi toàn quốc đang đứng bên bờ vực vỡ nợ và Trung quốc đã xâm chiếm nhiều đảo của Việt Nam, nhà cầm quyền Việt Nam lại tỏ ra càng cực kỳ hứng khởi, cho cả nước nghỉ tới tám ngày, còn nghỉ dài hơn cả nhiều dịp Tết Nguyên đán. Thuyền nhân Việt Nam

Tiếc thay, sự tự hào vô bờ bến đó của nhà cầm quyền Việt Nam trong năm nay lại nhận đúng một thùng nước đá: Canada – một quốc gia có uy tín, xưa nay không thù không oán với Việt Nam, thậm chí đã và đang viện trợ cho Việt Nam trong nhiều năm nay, vừa thông qua đạo luật S-219 trong đó có xác nhận ngày 30/4 – ngày những người Việt Nam phải bỏ nước ra đi để trốn chạy khỏi chế độ cộng sản – là ngày “Hành trình tới Tự do”!

Đây là một sự kiện đặc biệt, thêm sức nặng khẳng định nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong bao nhiêu năm đã xâm phạm quyền tự do và nhân quyền của người dân.

Ngày 24/4, nhà cầm quyền Việt Nam triệu đại sứ Canada tại Việt Nam đến để quở trách và phản đối đạo luật S- 219 nói trên. Lời phản đối này đương nhiên không trọng lượng.

Không “tắm máu” – chỉ là “biển máu”

Thuyền nhân Việt Nam

Khoảng 250 ngàn thuyền nhân Việt đã bỏ mạng trên đường vượt biên sau năm 1975

Đạo luật nói trên của Canada như một lễ cầu siêu cho những linh hồn Việt đã bị đày đọa. Cho cả người chết và người sống.

Và hành động này không chỉ cho hơn 60.000 người tị nạn Việt Nam đã được Canada cứu mạng và cho 300.000 kiều dân Việt Nam tại Canada hiện nay, cho tất cả những người tị nạn Việt Nam trên thế giới, mà còn là lời tuyên bố dũng mãnh, một lập trường minh bạch không khoan nhượng với thể chế độc tài toàn trị cộng sản trên toàn thế giới.

Là người Việt Nam có lương tâm, lẽ nào không biết đến nước mắt và máu của đồng bào mình trên một nửa trái tim Việt đã đổ, đã chảy thành sông, đã pha đỏ ngầu nước biển trên con đường đi tị nạn của họ sau ngày 30/4/1975 để tìm tới tự do.

Làm sao có thể không xót xa, không tưởng nhớ, không thắp một nén nhang, một lời nói công tâm cho khoảng 250 ngàn đồng bào mình đã chết oan khốc trên biển? Có ai đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiều dù chỉ một phần ngàn những khốn khổ của họ?

Chúng ta đã làm gì khi hai triệu đồng bào mình, chỉ vì khác chính kiến, là cánh bèo trôi dạt của những thể chế chính trị, mà không còn đường sống, phải tất tưởi đứt ngàn khúc ruột, bỏ lại đằng sau tất cả những gì đời người chắt chiu và hang ổ ẩn náu cuối cùng phó thác mình cho sóng dữ.

Gần một phần ba trong số thuyền nhân tị nạn cộng sản đã chết trên biển, chết quằn quại xác thân, chết vì bị hãm hiếp, trong cướp bóc, trong đói khát, trong ốm đau mòn mỏi, tuyệt vọng vì phải chứng kiến cảnh người thân lần lượt vùi thây bụng cá, cùng cực cô đơn.

Nhà cầm quyền Việt Nam trong thâm tâm luôn mặc định theo lối Trung cổ man rợ rằng phe chiến thắng phải tắm máu của phe bại trận, thế thì mới giải thích được việc họ luôn kể công rằng họ đã không tắm máu kẻ thù sau 30/4 và họ không phải ăn năn chuộc tội sau những sai lầm.

Có thực sự không có tắm máu không? Máu của khoảng 250 ngàn người bỏ mạng trên biển, dù bị nước biển pha loãng nhưng cũng đủ nhuộm màu.

Sóng biển vỗ qua xương thịt của những thuyền nhân Việt Nam, từ đó biển ấy không bao giờ như cũ. Nước ấy pha máu xương người Việt trên con đường chạy trốn khỏi sự bạo tàn của chính quyền cộng sản Việt Nam. Chính quyền này nhân danh đấu tranh giai cấp và hệ tư tưởng để triệt hạ người dân của chính nước Việt.

Có đủ để phủ nhận không tắm máu sau 30/4/1975? Nếu tính những dòng máu của đồng bào Việt Nam đang rỉ rả chảy, kể cả những người bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đi tù và bị chết trong tù bởi chế độ nhà tù tàn bạo và thiếu thốn?

Lẽ nào đa phần người miền Bắc đến giờ này vẫn còn không ý thức được chân lý tối thiểu là đất nước Việt Nam không phải của riêng của người miền Bắc – những người thuộc chính thể cộng sản Việt Nam, bên mà do không tiếc mạng người dân nên đã giành phần thắng trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn?

Lý do nào để tước đoạt quyền tồn tại của một nửa trái tim Việt Nam chỉ vì bất đồng chính kiến? Quá vô lương và bạo ngược.

Thuyền nhân Việt Nam

Thể chế chính trị có thể thay đổi, nhưng núi sông máu thịt cha ông không thể dời đổi. Người con nào của đất mẹ Việt Nam cũng phải được quyền bình đẳng trên đất đó, phải được nhận phần thiêng liêng của mình trong lòng Tổ quốc.

Sao không thể là ngày quốc hận với một nửa trái tim Việt Nam đã bị bóp nát, vẫn bầm máu chảy và đêm đêm vẫn giật thột tỉnh giấc khóc than trong ác mộng mà đời họ đã phải trải qua, đã quằn quại đớn đau thân xác, đã để lại vết thương tinh thần không bao giờ bình phục được vì ngày 30 tháng 4?!

Sao không là ngày quốc hận nếu như sau bao gắng gỏi và chết chóc, phần thưởng mà người Việt Nam nhận được đến nay vẫn là một thể chế chính trị độc tài tham nhũng đứng trong số hàng đầu thế giới, với mức bình quân thu nhập trên đầu người đứng vào hàng đội sổ và một xã hội ngày càng vô đạo?!

Nếu người miền Bắc cũng phải bỏ nước ra đi chết như người Nam, liệu có vui được không? Có gọi đó là ngày quốc hận không?

Lẽ nào sau 40 năm chiến tranh kết thúc, mà Việt Nam vẫn chỉ đo đếm máu và nước mắt của những người miền Bắc chịu chết theo sự sai bảo của họ, đưa ngực làm bia đỡ đạn bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị.

Đó là nguyên nhân tại sao, dù bao nhiêu rao giảng, bao mời gọi, họ vẫn không thể thuyết phục được người Việt Nam tiến đến hòa hợp và hòa giải dân tộc.

Họ càng không thể biện hộ vì thực tế đã có những nước thành thực hòa giải hận thù và rất thành công như nước Mỹ, nước Đức sau nội chiến. Dù hai bên vốn là cựu thù nhưng thể chế chính sách và hành động công bằng đã hóa giải hận thù, kéo hai miền gần lại, cộng hưởng sức mạnh gấp bội phần.

Hòa giải?

Thực ra người Việt Nam có đặc tính khóc mau mà cười lâu. Họ vốn rất dễ tha thứ. Họ muốn tha thứ lắm, cho nhẹ lòng, cho vết thương thành sẹo, nhưng cố quá mà chưa thể.

Họ đi, và vẫn chưa về, chưa thôi khóc, chưa thôi phẫn nộ vì không thể sống được ở một chính thể đã được Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu , gồm 46 nước, bỏ phiếu và thông qua trong Nghị quyết 1481 ngày 25/1/2006 với nội dung lên án chế độ độc tài cộng sản:

“Những chế độ độc tài toàn trị cộng sản … đều là những quốc gia vi phạm nhân quyền… đều có chung những cuộc giết người tập thể, ám sát, thủ tiêu cá nhân không cần xét xử,… vì lý do chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, vi phạm quyền tự do tư tưởng, xúc phạm lương tâm con người, cấm tự do báo chí, tự do chính trị, độc tôn, độc quyền độc đảng…”,

“… nhân danh chủ trương đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản mà các tội ác được biện minh… Hầu hết nạn nhân của chế độ cộng sản chính là công dân của nước đó”.

“… các chế độ độc tài toàn trị còn lại trên thế giới vẫn tiếp tục gây tội ác. Không thể dùng quan điểm quyền lợi quốc gia để biện hộ, lấp liếm sự lên án của cộng đồng nhân loại với tội ác của chế độ toàn trị này. Quốc hội chung châu Âu cực lực lên án tất cả mọi vi phạm quyền con người trong các chế độ cộng sản, coi nó như là tội ác chống lại nhân loại”.

Đây là một phần của hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày 30/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Người Việt Nam sẽ tự động hòa hợp ngay sau khi Việt Nam giải thể chính quyền độc tài cộng sản và thay vào đó bằng một chính thể dân chủ đa nguyên, tôn trọng tự do và nhân quyền.

Chính thể đó sẽ phải nhìn lại quá khứ, hành động nhanh nhất có thể trả lại công bằng cho mọi người. Không một chính thể nào còn có danh dự và tự trọng mà lại từ chối hành xử như vậy.

Với người Việt Nam, nhất là những đồng bào đã phải bỏ nước ra đi ngày ấy và sau này, sẽ gạt nước mắt, đứng bên nhau trong lòng mẹ Việt, để được yêu thương, để tha thứ, để cùng thắp nén nhang cầu hồn cho những người đã khuất vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn ngu dại.

Không thể khép lại quá khứ, không thể hòa giải nếu nhà cầm quyền không ứng xử công bằng, có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại và tương lai của người dân. Nếu chỉ nói miệng mà không làm thì càng nói chỉ càng khiến ta công phẫn.

Đền lại công bằng cho những người Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa phải chịu bao mất mát đớn đau tức tưởi sau ngày 30 tháng 4, thực ra là một việc làm quá dễ dàng đối với chính quyền Việt Nam.

Nhưng họ chẳng làm. 40 năm rồi.

Vì họ đã quen thói cướp lấy những gì mình muốn.

Không trả nghĩa là vẫn nợ. Nợ lâu trả thì cả vốn và lãi càng lớn.

Kết quả sẽ là “vỡ nợ”.

Sau một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia, xây dựng một chính thể dân chủ đa nguyên phi cộng sản, người Việt Nam sẽ nguôi ngoai “quốc hận”.

V.T.H.

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/04/150428_forum_vietnam_war_vothihao

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.