Bạn không nên xem nhẹ khi bị xử phạt hành chính. Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009 có rất nhiều tội mà xử phạt hành chính là điều kiện đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bạn hay còn gọi là cho bạn vào tù. Tôi chỉ lấy một ví dụ, khoản 1 “Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng”:
“ Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Trường hợp bị xử phạt hành chính thì thời hạn “án treo” theo “Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính” của Luật xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012, quy định:
“1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”
Bạn đã bị xử phạt hành chính thì xin nhớ cho.
Thủ tục xử phạt hành chính:
– Thứ nhất: Lập biên bản vi phạm.
Bạn nên ghi ý kiến của mình vào biên bản là “Tôi đồng ý hoặc không đồng ý với nội dung biên bản” và sau đó ký tên ở dưới. Nếu bạn không ghi ý kiến và không ký tên vào biên bản sẽ bất lợi cho bạn. Bạn không ký vào biên bản đồng nghĩa với việc bạn đồng ý với nội dung của biên bản. Như “Điều 58. Lập biên bản vi phạm hành chính”, Luật xử lý VPHC 2012, qui định sau đây:
“ 2. …
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.
3. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều tờ, thì những người được quy định tại khoản này phải ký vào từng tờ biên bản. Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển ngay đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt.
Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó”.
– Thứ hai: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Bạn nên nhận quyết định xử phạt hành chính để có chứng cứ khiếu nại hoặc khởi kiện nếu không bạn sẽ bị mất quyền này. “Điều 70. Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành”, Luật xử lý VPHC, qui định:
“Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận quyết định thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.
Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định xử phạt đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức vi phạm cố tình không nhận; quyết định xử phạt đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc có căn cứ cho rằng người vi phạm trốn tránh không nhận quyết định xử phạt thì được coi là quyết định đã được giao”.
Cuối cùng là: Khiếu nại trong thời hạn 90 ngày, khởi kiện vụ án hành chính trong thời hạn 01 năm. Có thể khiếu nại rồi khởi kiện hoặc khởi kiện ngay miễn là còn thời hạn.
Bạn nên sử dụng quyền khởi kiện ra tòa vì nó sẽ giúp cho bạn hoặc cơ quan xử phạt hành chính nhận ra cái sai của mình trừ trường hợp tòa án không khách quan hoặc bạn tự nhận thấy mình sai.
Hà Nội, ngày 27/04/2015
H.H.S.
Tác giả gửi BVN