Ngày 31/3/2015, TKV đã đưa ra “Thông tin dành cho báo chí” về các dự án bauxite Tây Nguyên. Trong đó có đọan viết:
“Việc một số người luôn tìm cách tấn công các dự án của TKV dù không đủ thông tin, hiểu biết không đầy đủ vềcác vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình là không khách quan và không chính xác. Những ý kiếnđánh giá được đưa ra trên các số liệu, dẫn chứng không chính xác, thiếu thực tế, thiếu tính khoa học sẽ phiến diện và không đáng tin cậy” (hết trích dẫn).
Người đọc xin bình luận như sau:
1/ Từ trước đến nay, tôi chưa thấy ai “tấn công các dự án của TKV”. Yêu cầu TKV nêu đích danh “một số người” là ai? và “các dự án của TKV” là những dự án nào?. Những người có ý kiến về những dự án bauxite của TKV đều ghi rõ họ tên địa chỉ của mình và nêu cụ thể tên dự án.
2/ TKV có “đầy đủ thông tin”, có hiểu biết “đầy đủ”, có “lĩnh vực chuyên môn của mình” thì xin hãy đưa ra những “hiểu biết” và những “thông tin” của mình về các dự án bauxite một cách khách quan và chính xác.
3/ Cũng trên tinh thần đó, TKV cần đưa ra “các số liệu”, “dẫn chứng” “chính xác”, có “thực tế” và có “tính khoa học” để dư luận và những người nộp thuế “tin cậy” vào những gì TKV nói và làm.
Là người có 37 năm và 5 tháng làm việc trong ngành khai khoáng và năng lượng (từ thời Bộ Điện và Than đến 31/01/2015), trong đó có gần 19 năm và 9 tháng làm việc trực tiếp tại TKV tôi xin lưu ý TKV như sau:
1/ Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, kể từ 11/1987 (lần đầu tiên có bài báo của tác giả Nguyễn Trường Sơn đăng trên cơ quan ngôn luận của Bộ Năng lượng chính thức phản đối việc khai thác bauxite trên Tây Nguyên) đến 31/3/2015 chưa thấy ai “tấn công” các dự án nào của TKV cả. Nếu hiểu “tấn công” là ngăn chặn các ý đồ và việc làm sai trái của TKV trong việc triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên thì dư luận đã rất quan tâm đến bức thư của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và sau đó là Thông báo số 245 của Bộ Chính trị. Vì vậy, TKV không nên lợi dụng trang báo điện tử của mình để công bố báo chí một cách úp mở và mang tính chất “cả vú lấp miệng em” như vậy.
2/ TKV không nên nhầm lẫn “bạn/thù”. Ai là người đã gây ra những thảm họa cho hai dự án bauxite của TKV trên Tây Nguyên? Ai là người đang chỉ cho TKV và nêu cho dư luận thấy sự thật về các dự án bauxite của TKV?. Thiết nghĩ, người gây ra thiệt hại có khi chưa có khuyết điểm, nhưng những kẻ cố tình bao che thiệt hại chắc chắn là có tội.
3/ TKV không nên quên mình là một doanh nghiệp đang hoạt động dựa hoàn toàn vào nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, và bằng tiền đóng thuế của dân. Hơn bao giờ hết, người dân rất muốn TKV thực sự “đáng tin cậy”. Vì vậy, TKV hãy chứng minh điều đó, hãy công khai và minh bạch trước người đóng thuế và trước toàn dân những thông tin đáng tin cậy và đầy đủ về 2 dự án bauxite trên Tây Nguyên và các dự án khai thác than ở Quảng Ninh./.
Hà Nội ngày 02/4/2015
TS. Nguyễn Thành Sơn
Mấy ngày qua, dư luận lại nóng lên khi Bộ Công thương “phản pháo” đưa ra một bản tường trình mới về hiệu quả kinh tế xã hội của dự án bô xit Tây Nguyên. Đấy là theo cách tính chủ quan, cố tình nhằm trấn an lãnh đạo Nhà nước. Mà cứ nghe Bộ Công thương trấn an như vậy lại làm cho người dân bất an hơn bởi vì thực tế lỗ quá lớn, mà thời gian chờ lãi chỉ là cái bánh vẽ tức là bà con ta còn phải chờ “dài cổ”!
Hơn thế, phần tác động xấu đến môi trường xã hội thì lại được Bộ Công thương lướt qua rất nhanh, cứ như là chuyện nhỏ như con thỏ. Một lần nữa, Bộ Công thương hay nói chính xác hơn là những người say sưa theo đuổi dự án bô xit Tây Nguyên đã nói lấy được!
Đọc kỹ báo cáo giải trình của Bộ Công thương trên mạng thông tin điện tử của Chính phủ thực chất chỉ là “chế biến” chỉnh sửa từ báo cáo họ đã gửi cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào năm 2014, cứ như múa gậy giữa rừng hoang. Có người khen Bộ Công thương “khôn ngoan” vì báo cáo đúng sai đâu thành vấn đề mà trước hết được lòng lãnh đạo vì tuân thủ theo đúng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuyệt vời khi tất cả mọi thứ “lỗ , lãi …” đều có kế hoạch!
Ts Nguyễn Thành Sơn là người của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, “có nằm trong chăn mới biết chăn có rận” đã có bài phản biện sát vát dưới tiêu đề : “ Cùng Bộ Công Thương giải các bài toán lớp 5 về bauxit”! Người ta đã né tránh, hủy bỏ hội thảo đã có kế hoạch tổ chức ở Lâm Đồng, cũng như không thể “đối thoại” với ý kiến của các chuyên gia am tường dự án bô xit Tây Nguyên.
Hiệu quả tài chính
Báo cáo của Bộ Công thương đánh giá Dự án alumin Tân Rai cập nhật hiệu quả tháng 4/2014, các thông số đầu vào dự án cơ bản ổn định, không có thay đổi nhiều, giá bán alumina trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Nhận xét lạc quan này cần phải xem lại bởi vì theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá nhôm như sau:
2015 1822 US$/tấn
2016 1808 US$/tấn
2017 1799 US$/tấn
2018 1790 US$/tấn
2019 1781 US$/tấn
2020 1773 US$/tấn
2024 1724 US$/tấn ( Nguồn: World Bank Commodity Forecast Price data, January 2015).
Vì giá alumina và giá nhôm tăng hay giảm tỷ lệ thuận với nhau. Cho nên việc nói là giá alumina bước vào “chu kỳ tăng” là không chính xác. Như vậy, nguy cơ lỗ vẫn còn đấy từ nay đến hết 10 năm hỗ trợ giá điện cho Dự án điện phân nhôm của Trần Hồng Quân.
Hình ảnh đang thi công dự án bô xit Tây Nguyên (Ảnh trên mạng)
Hiệu quả kinh tế
Báo cáo cố tình “ru ngủ” lãnh đạo và người dân bằng cách không cung cấp số liệu để có thể đánh giá về hiệu quả kinh tế như cụ thể không có chi phí đầu tư, không có chi phí khai thác, và cũng không có số liệu về vay nợ và lãi suất!?. Do đó, người đọc dễ rơi vào “mê lộ” nếu không có thời gian tìm hiểu đằng sau các con số biết nói.
Theo tôi đây là cách tích phiến diện, mang tính mong muốn, chưa xét tới hoặc mâu thuẫn với biến động giá cả trên thế giới. Có thể nói là cách tính toán của học sinh cấp 1. Nên có tư vấn độc lập thì hơn để thấy được sự thực mà kịp thời hiệu chỉnh.
Hiệu quả xã hội
Báo cáo của Bộ Công thương chưa thấy nói đến vấn đề môi trường do nhà máy điện phân nhôm gây ra. Cụ thể khi điện phân nhôm thải ra một lượng lớn chất thải fluoride: perfluorocarbons và hydrogen fluoride (HF) dưới dạng khí thải, sodium và fluoride nhôm và cryolite dư thừa dưới dạng phân tử. HF là chất rất độc dạng khí. Nhà máy phải có xưởng xử lý khí này, thu gom và tái chế thành fluoride nhôm để tận dụng lại trong quá trình điện phân nhôm.
Trong điều kiện điện phân không bình thường xẩy ra, được biết đến với khái niệm hiệu ứng anode-khí perfluorocarbon (PFC) được thải ra. Hai hợp chất PFC được thải ra trong hiệu ứng anode này, đó là tetrafluoromethane (CF2) và hexafluoroethane (C2F6). Đây là 2 loại khí có tiềm năng trở thành khí nhà kính còn mạnh hơn khí CO2 lần lượt tới 6.500 và 9.200 lần. Những nhà máy điện phân nhôm hiện đại thải ra dưới 0,5 kg chất thải này/tấn nhôm, các nhà máy cũ thải ra tới 4 kg/tấn nhôm. Nếu không được kiểm soát tốt thì hydrogen fluorides là chất rất độc hại cho thực vật quanh nhà máy. Khí perfluorocarbons là khí nhà kính mạnh có thời gian tồn tại lâu dài trong không khí. Nếu sử dụng qui trình Soderbourgh để làm anode thí quá trình điện phân sẽ phát thải ra một lượng lớn chất thơm polycyclic hydrocarbons.
Giải trình Dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân
Theo tính toán nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045: 420 triệu USD; bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án giai đoạn 2016-2025 là 229.757.000 USD thì Dự án Trần Hồng Quân còn dư nộp ngân sách là: 420.000.000 USD – 229.757.000 USD = 190.243.000 USD.
Đoạn so sánh này ngẫm suy rất ngớ ngẩn vì tại sao bù lỗ điện tính cho 10 năm (2016-2025) và đóng ngân sách lại tính cho 30 năm (2016-2045)!?. Cứ giả dụ ngân sách nộp là 14 triệu US/năm và bù lỗ trung bình là 23 triệu, chứ sao lại so hai cái tổng với thời gian khác nhau?. Trừ trường hợp sau 10 năm sẽ không còn bù lỗ. Và nếu không còn bù lỗ thì phải tính lại cả chi phí. Ngoài ra, cũng không thể tính lại giá bán trong tương lai (cao hơn bây giờ mà không tính lai chi phí theo giá tương lai).
Báo cáo tự hào là có dự án nhà máy điện nhôm Trần Hồng Quân giúp cho nước ta không phải nhập khẩu nhôm. Trong bài viết “Đụng vào đâu cũng thấy lỗ” – Tác giả Tô Văn Trường đăng báo Tuổi Trẻ ngày 29/3/2015 đã phân tích hậu quả của dự án này kể cả về kinh tế và môi trường. Xin đừng quên, các chuyên gia quốc tế đã tổng kết nước nào nhập khẩu nhôm mới là khôn ngoan vì nhập khẩu nhôm tức là nhập khẩu điện giá rẻ (vì điện nhôm rất tốn năng lượng). Nước ta, đang phải nhập khẩu nguyên liệu làm năng lượng (than, dầu, kể cả mua điện của Trung Quốc) lại lao đầu đi làm nhôm (bán điện giá rẻ, lời giả lỗ thật) đúng là ngụy biện hết chỗ nói vv…
Báo cáo của Bộ Công thương lập luận Dự án Trần Hồng Quân mua điện ở cấp điện áp 220KV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Theo tôi, cần công khai giá bán ở cấp điện áp 220kV là bao nhiêu?. Tôi không tin là giá từ cấp 220 kV đến cấp hạ áp, trung áp chênh nhau tới 7,5 cents/kWh.
Thô thiển cũng cho thấy: Trần Hồng Quân phải đầu tư đường dây cao áp (khoảng 10 km vì ở đấy đã có đường 220 kV và 500 kV đi qua), trạm biến áp 110 kV, các trạm sau trạm 110 kV. Đầu tư tối đa một lần cũng chỉ 20-25 triệu US$. Trong khi đó, mỗi năm EVN “thất thu” do chênh lệch 7,5 cents này khoảng gần 400 triệu US$ cho Dự án 450 nghìn tấn nhôm nguyên khai của ông Trần Hồng Quân? Trong khi đó Nhà nước còn phải bù lỗ 2,5 cents/kWh trong 10 năm đầu, vị chi bù lỗ khoảng 1,5 tỷ US$, ngoài ra còn phải chi trước 1.200 tỷ đồng để làm mặt bằng cho nhà máy luyện nhôm, nhưng để sau 30 năm được ông Trần Hồng Quân nộp lại chỉ có 420 triệu US$!!!?.
Đánh giá của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bộ Công Thương trích dẫn những văn bản đã được báo cáo, nhưng có điều:
– Những báo cáo này do phía công quyền, doanh nghiệp quốc doanh đưa ra, cho nên giới phản biện xã hội chỉ biết “nghe, đọc”, họ không có được các thông tin từ thiết kế, sản xuất-kinh doanh để phản biện độc lập trở lại.
– Báo cáo từ các đoàn Quốc hội, Bộ Khoa học & Công nghệ không thể phản ảnh một cách khách quan, chuẩn về kinh tế và công nghệ. Ở các nước, Quốc hội cũng có kiểm tra, kiểm soát, nhưng họ thuê các tư vấn độc lập làm vì các ông nghị không có chuyên môn. Mặt khác, nước ta chưa có chuyên gia công nghệ về luyện alumina và nhôm, nên những nhận xét “hiện đại” chỉ là cảm nhận của những người không chuyên nghiệp được cơ cấu vào tham gia đánh giá, họ lại không tìm hiểu thông tin trên thế giới.
Tôi có thể nói: kiến thức alumina và nhôm hiện nay chủ yếu dựa vào các đề án do Péchiney, Chalco, Chalieco làm cho Việt Nam. Các hội thảo do các công ty nước ngoài như BHP Billiton, Chalco, Alcoa, Atlantic tổ chức ở Việt Nam, thu lượm được từ các chuyến tham quan nước ngoài.
Giải trình về kỹ thuật, công nghệ
Theo tôi được biết ở nhà máy tuyển quặng bauxite Tân Rai chỉ tiêu công suất quặng tinh đạt 100% so với công suất thiết kế. Tuy nhiên, chỉ tiêu công suất vận hành cam kết mới đạt 94,45%. Nguyên nhân là do còn một số khiếm khuyết trong thiết kế xây dựng nhà máy khiến số giờ hoạt động liên tục của nhà máy chưa đạt được như thiết kế ban đầu. Trong đó chủ yếu là do kết cấu bunker nhận nguyên liệu chưa hợp lý khiến quặng nguyên khai bị tắc ở khâu sàng bảo vệ, nhất là những ngày mưa, quặng nguyên khai có độ ẩm cao.
Máy đập búa trong khâu đập quặng sau sàng quay cấp 2 thường bị kẹt do bùn bám dính vào vỏ máy nên phải dừng để khắc phục. Thành phần hóa học của quặng tinh bauxite đạt vượt mức yêu cầu của Nhà máy Alumina. Modul Al2O3 /SiO2 đạt 32,4 (>> 17). Riêng hàm lượng TiO2 hơi cao hơn so với yêu cầu của Hợp đồng là do quặng nguyên khai đưa vào tuyển khi chạy thử có hàm lượng TiO2 là 4,45% cao hơn so với hàm lượng trung bình theo thiết kế là 3,77%. Tiêu hao các nguyên vật liệu chủ yếu (quặng nguyên khai, điện tiêu thụ) đạt thấp hơn so với thiết kế và Hợp đồng. Riêng tiêu hao nước vượt mức so với Hợp đồng, do việc điều chỉnh ban đầu chưa hợp lý.
Sự hiện diện của goethite trong bauxite gây ra chậm lắng, hiệu suất kém, chất lượng sản phẩm kém vì thành phần sắt cao. Hệ thống lắng và lọc phải được thiết kế phù hợp với sự hiện diện của goethite, nếu không thì sắt và các chất khác sẽ vào các bộ phận kết tinh. Nếu bồn lắng được tính toán “dôi dư”, thì có thể tăng lượng chất trợ lắng, đương nhiên sẽ tốn kém thêm tiền vận hành và tiền mua chất trợ lắng.
Bauxite Việt Nam có gibbsite trên 70 %, boehmite dưới 0,5 % và goethite khoảng 13-20 % nên hòa tan ở 1450 C là phù hợp cho quặng loại này. Nếu hòa tan tại nhiệt độ 2350 C hay lớn hơn thì goethite trở thành hematite, chất này có tinh lắng nhanh nên không có vấn đề, nghĩa là những công nghệ nhiệt độ cao của Trung Quốc không có vấn đề của goethite. Nói như vậy, phải hiểu là Chalieco chưa có kinh nghiệm xử lý ở nhiệt đô 1450 C, Tân Rai vừa là dự án thử nghiệm của Việt Nam vừa là dự án thử nghiệm công nghệ của Chalieco (Trung Quốc).
Vì không được tiếp cận thiết kế, nên tôi chỉ xin lưu ý thêm phần công nghệ tiên tiến trên thế giới để xem công nghệ ở nhà máy Alumina Tân Rai có thực sự hiện đại như báo cáo của Bộ Công thương không?.
Hệ thống kết tinh phải được tính toán và thiết kế đúng để có một phần phẩm alumina đúng với tiêu chuẩn đòi hỏi của nhà máy điện phân nhôm. Không đạt được những tiêu chuẩn này thì phải bán alumina với giá thấp thì mới có khách mua.
Calcination là khâu nung để nung hydroxist nhôm thành alumina. Công nghệ calcinations trên thị trường thế giới được cung cấp tùy theo loại nhiên liệu xử dụng rắn, lỏng hay khí.
Hydroxide nhôm được nung ở khoảng 10000 C trong hệ thống calcination, nên các chất hữu cơ cũng như vô cơ cháy với oxygen tạo ra khí thải vào môi trường chung quanh. Nếu nhà máy alumina ở thung lũng được bao bọc bởi đồi núi thì sẽ tích tụ khí thải này theo thời gian và gây ô nhiễm môi trường không khí, các trận mưa sẽ đưa các chất này xuống đất và gây ảnh hưởng đến chăn nuôi và trồng trọt.
Hệ thống điều khiển nhà máy cũng như phần mềm (SOFTWARE) nên hợp đồng với một công ty độc lập để họ đào tạo và hướng dẫn sử dụng phần mềm, tự lập chương trình và cài đặt mật khẩu. Nếu không làm như vậy chủ đầu tư dễ bị nhà thầu EPC thao túng trong thời gian bàn giao và tự vận hành sau này.
Hệ thống hòa tách là đầu vào của nhà máy alumina, nếu bị hạn chế thì công suất sẽ không thể đạt được 100 %. Hệ thống này phải có các đường ống đường vòng hay bắc cầu (bypass) để có thể cô lập bất cứ một thiết bị nào hư hỏng, ví dụ như thiết bị trao đổi nhiệt, bồn hòa tan, bồn tách hơi. Bơm và động cơ điện phải được thiết kế “vận hành duty” và “để dành stand-by” để cho nhà máy được vận hành liên tục thì mới đạt được công suất thiết kế vv….
Thay cho lời kết
Trong lịch sử Việt Nam chỉ duy nhất có một vị đậu ngôi trạng nguyên mà lại giỏi toán lừng danh trong thiên hạ là trạng nguyên Lương Thế Vinh nên dân chúng bèn phong gọi Cụ là Trạng Lường (vị trạng nguyên giỏi toán) .
Từ lường trong Hán Nôm là để chỉ sự tính toán, có nhiều từ Nôm của ta có dùng ngữ nghĩa này và ở đây (để tiện dẫn giải cho lời bàn) chỉ xin dẫn ra ba từ được dùng phổ cập nhất, nói là hiểu chẳng cần phải giải thích đó là đo lường, lường trước và lường gạt.
Vậy nên, suy ra trong ba từ có chữ lường đã dẫn ở trên thì có lẽ những người tính toán cho rằng dự án bô xit Tây Nguyên là hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường đã dùng cái ngữ nghĩa thứ ba! Đúng là nói lấy được. Như văn hào La Fontaine đã từng viết bài thơ ngụ ngôn “Cô hàng sữa và hũ sữa” (La Laitière et le Po au lait) kể chuyện cô Perrette đội hũ sữa ra chợ bán, đường xa, chân mỏi nên cô để cho cái đầu “bay bổng”, ngõ hầu nhãng đi nỗi đường xa. Vừa đi cô vừa tính toán việc mua bán sinh sôi : bán sữa mua con gà mái, bày gà con, heo nái, bầy heo con, con bò cái, đẻ ra bê con nhảy lơn tơn, mừng quá, cô nhảy tâng lên … hũ sữa đổ nhào ! Gà, heo, bò, bê … tiêu tan và tác giả não nùng :
“Người hiền triết, kẻ cuồng điên
Mơ trong khi thức là tiên trên đời”
T.V.T
Tác giả gửi BVN